Năm 2024, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh Phú Yên đón chào những ngày lễ lớn của đất nước. Hòa trong niềm vui lớn đó, Tiểu đoàn 375 tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập tiểu đoàn (25/2/1954-25/2/2024). Là đơn vị thành lập và trưởng thành trên quê hương Phú Yên, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 375 đã được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Phú Yên hết lòng thương yêu, nuôi dưỡng đùm bọc, chở che như những đứa con của mình…
Cách đây 70 năm, trong chiến lược Đông Xuân 1953-1954, thực hiện kế hoạch tấn công đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5, tướng Nava - Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương đã tập trung một lực lượng lớn gồm 22 tiểu đoàn bộ binh tinh nhuệ cùng hai tiểu đoàn dù yểm trợ, với hàng trăm xe quân sự, xe bọc thép, hàng chục máy bay cùng tàu chiến, cho quân đổ bộ lên bãi biển TX Tuy Hòa rồi phối hợp với cánh quân từ Khánh Hòa vượt qua đèo Cả đánh ra huyện Tuy Hòa và từ Tây Nguyên cho quân đánh xuống Sơn Hòa. Cả ba cánh quân sẽ hội quân ở TX Tuy Hòa, sau đó đánh ra các huyện phía bắc rồi phát triển chiếm toàn bộ tỉnh Phú Yên.
Cuộc càn quét mang tên Át-lăng của quân đội Pháp đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5 bắt đầu vào sáng 20/1/1954.
Lập công đầu mừng đơn vị mới
Đang trên đường hành quân lên tham gia chiến dịch Bắc Tây Nguyên thì được lệnh bộ chỉ huy mặt trận điều hai đại đội của Tiểu đoàn 40 cấp tốc vào Phú Yên để cùng với Đại đội 389 của Tỉnh đội Phú Yên thành lập Tiểu đoàn 375 - tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của tỉnh Phú Yên tham gia chiến dịch Át-lăng.
Vừa bôn tập hành quân vừa thu gom tiếp nhận các đơn vị mới, Tiểu đoàn trưởng Phạm Dưng đưa Đại đội 1 và Đại đội 2 từ miền Tây tỉnh Quảng Ngãi băng rừng lội suối rồi theo đường tắt xuyên Bình Định - Vân Canh - Cây Vừng - Xuân Quang về Xuân Sơn để liên lạc với Tỉnh đội Phú Yên nhận nhiệm vụ.
Chiều tối 6/3/1954, đơn vị vừa đến Xuân Sơn Nam thì được trinh sát báo tin: “Ngày mai (7/3) sẽ có đoàn xe chở một đại đội lính Âu Phi từ TX Tuy Hòa ra La Hai”.
Sau khi trao đổi với chỉ huy hai đại đội, Tiểu đoàn trưởng Phạm Dưng quyết định bố trí trận địa đánh tiêu diệt đoàn xe của địch. Và khu vực Bàu Vườn - Đầm Súng trên đường Phong Niên - La Hai được chọn làm quyết chiến điểm.
Trưa 7/3, một đại đội ngụy quân cùng máy bay trinh sát tuần tra từ Chí Thạnh lên La Hai, chúng lùng sục hai bên đường chuẩn bị cho đoàn xe cơ giới hành quân. Trận địa quân ta im lặng chờ lệnh. Khi hai chiếc xe Jeep đi qua trận địa khoảng 200m thì xe cơ giới địch cũng vừa xuất hiện, mỗi chiếc đi cách nhau 10-15m. Đi sau cùng là hai chiếc xe chở đầy lính Âu Phi.
Lệnh phát hỏa, từng loạt đại liên, súng cối 60 ly và súng bộ binh nã vào đội hình xe địch. Quá bất ngờ, quân hộ tống không kịp phản ứng. Trận chiến đấu diễn ra trong vòng 30 phút. Quân ta đã phá hủy 24 xe cơ giới, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bắt sống nhiều tù binh và thu nhiều chiến lợi phẩm.
Thắng lợi giòn giã làm nức lòng cán bộ chiến sĩ hai đại đội và chiều hôm ấy, Đại đội 389 của Tỉnh đội Phú Yên chính thức nằm trong biên chế của Tiểu đoàn 375. Lễ thành lập tiểu đoàn diễn ra sau một chiến công vô cùng ý nghĩa!
Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh (phải) kể lại những trận đánh tiêu biểu của Tiểu đoàn 375 trong chiến dịch Át-lăng với nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Phan Thanh Bình. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Những chiến công tiêu biểu mang tên Tiểu đoàn 375
Từ ngày thành lập đến khi ngừng bắn theo Hiệp định Genève ngày 20/7/1954, khoảng thời gian không dài, vỏn vẹn 146 ngày đêm, Tiểu đoàn 375 cùng với các đơn vị bạn và quân dân Phú Yên đã đánh thắng 22 trận. Trong đó có 4 trận thắng được đưa vào danh sách “Những trận đánh tiêu biểu của LLVT Phú Yên”.
Cụ thể, trận thứ hai là ngày 9/3/1954, chỉ huy Tiểu đoàn 375 nhận được thông báo của Tỉnh đội: “Quân Pháp ở Chí Thạnh sẽ mở cuộc càn quét dài ngày lên An Lĩnh do đích thân tên tiểu đoàn trưởng ngự lâm quân Bảo Long (con trai của Bảo Đại) chỉ huy nhằm tìm diệt chủ lực của ta. Tiểu đoàn 375 có nhiệm vụ đánh tan cuộc càn quét bảo vệ căn cứ”.
Một cuộc họp của chỉ huy tiểu đoàn diễn ra chớp nhoáng. Eo Gió được xác định là nơi bố trí trận địa bởi nơi đây có đoạn dốc độc đạo đi giữa hai bên sườn núi thấp.
Khoảng 9 giờ 30 ngày 10/3, hai cánh quân địch gặp nhau sau chặng đường dài gần 10km dưới trời nắng gắt. Đến trảng cỏ, chúng tháo ba lô, bỏ súng, thi nhau uống nước.
Thời cơ đã đến. Tất cả các loại hỏa lực đồng loạt nhả đạn vào đội hình giặc, liền sau đó xung phong đánh giáp lá cà. Nhiều tên chết ngay tại chỗ, những tên bị thương nhẹ hay còn sống sót bám vào địa hình để chống cự, một số khác vứt súng bỏ chạy thoát thân, trong đó có tên tiểu đoàn trưởng Bảo Long. Tiểu đoàn Ngự lâm quân số 1 đã bị xóa sổ.
Trận thứ ba là trưa 29/4/1954, chỉ huy Tỉnh đội Phú Yên thông báo và chỉ thị: “Quân Pháp sẽ mở cuộc càn quét lên Hòa Bình, Hòa Đồng và Hòa Mỹ để tìm diệt chủ lực ta. Tiểu đoàn 375 triển khai lực lượng chiến đấu chặn đứng cuộc càn quét bảo vệ an toàn khu căn cứ”.
Tiểu đoàn 375 lúc này chỉ còn một đại đội (hai đại đội khác phải phân tán bao vây địch ở Chí Thạnh và hoạt động ở phía bắc sông Đà Rằng), trong khi địch có cả một Tiểu đoàn Ngự lâm quân số 6, có sự yểm trợ tối đa của phi pháo. Dưới chân Núi Một, thôn Hội Cư, chỉ huy quyết định: Dùng Đại đội 1 cùng Trung đội du kích Hòa Tân ém quân ở thôn Phú Lạc, cách ga nước Gò Mầm 100m về phía nam nổ súng đánh địch khi chúng đi càn quét trở về.
Trận đánh này của Tiểu đoàn 375 chỉ diễn ra trong vòng 15 phút, nhưng đã xóa sổ Tiểu đoàn Ngự lâm quân số 6 của địch.
Trận thứ tư là ngày 28/5/1954, địch mở cuộc càn quét quy mô lớn cỡ trung đoàn, có phi pháo yểm trợ, do tên Nguyễn Khánh chỉ huy, càn quét vùng Hòa Quang.
Lúc này, Tiểu đoàn 375 thiếu quân số nên phải phối hợp với LLVT địa phương mới đủ sức chống cự. Ta chọn cầu Minh Đức làm quyết chiến điểm.
Đúng như dự đoán, đến 15 giờ ngày 28/5, địch đi càn khi quay về đến cầu Minh Đức, bị quân ta chặn đánh. Đội hình địch tan tác, hỗn loạn mạnh ai nấy chạy, lớp chết lớp giơ tay đầu hàng. Trung đoàn trưởng Nguyễn Khánh cũng bị ta bắt, nhưng do sơ hở và trời tối nên tên Khánh đã trốn vào chuồng bò, lấy cắp quần áo của dân cải trang và chạy thoát (Nguyễn Khánh sau này là Thủ tướng ngụy quyền Sài Gòn)…
Lắng lòng tri ân đồng chí, đồng đội Tiểu đoàn 375
Tiểu đoàn 375 đã hoàn thành đánh các mục tiêu mà bộ chỉ huy giao khi cùng với quân dân tỉnh nhà sát cánh đánh địch trong chiến dịch Át-lăng.
Sau ngày hòa bình, những cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 375 năm xưa còn sống, người chuyển ngành, người về hưu, giải ngũ, có người tiếp tục tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở chiến trường miền Nam và cả nước bạn Lào và Campuchia đã lập công xuất sắc. Một số đồng chí được chọn đi đào tạo trở thành cán bộ của lực lượng không quân, hải quân, pháo binh, hóa học, là cán bộ nòng cốt xây dựng quân đội.
Qua phấn đấu rèn luyện từng bước trưởng thành được phong hàm cấp tướng như: Trung tướng Tiêu Văn Mẫn, thiếu tướng Võ Sở, thiếu tướng Nguyễn Đình Chót, đại tá Phan Đắc Tổng. Có người trở thành nhà văn, nhà báo như Tô Phương, nghệ sĩ Phạm Ngọc Kỳ.
Có 3 đồng chí được Nhà nước tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, gồm Nguyễn Lầu, Tiêu Văn Mẫn, Hồ Đắc Thạnh.
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Tiểu đoàn 375, nhiều đồng chí đã đi vào cõi vĩnh hằng. Người chiến sĩ trẻ tuổi nhất của tiểu đoàn nhập ngũ đầu năm 1954 thì nay ở tuổi 80-85 rồi. Và sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến 3 đồng chí ở tuổi 95 là Hoàng Kim Giai (Phú Yên), Võ Sở (Hà Nội) và Nguyễn Đình Tri (Khánh Hòa), các anh vẫn sống như một người chiến sĩ.
Kỷ niệm 70 năm thành lập Tiểu đoàn 375 cũng là dịp để chúng ta nhớ về các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại trên các chiến trường; nhớ đến các thương binh đã hy sinh một phần xương máu vẫn kiên cường phấn đấu trong cuộc sống đời thường. Xin được thắp nén tâm nhang lên bàn thờ các liệt sĩ, tử sĩ. Xin được sẻ chia những khó khăn, vất vả của gia đình các đồng chí, đồng đội một thời đã kề vai sát cánh cùng vượt qua lửa đạn chiến tranh với lời tri ân sâu sắc của rất ít người may mắn còn sống sót đến hôm nay. |
Anh hùng LLVT nhân dân HỒ ĐẮC THẠNH
Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn 375