Thứ Năm, 19/09/2024 19:00 CH
Diện mạo mới của Krông Pa
Thứ Sáu, 10/11/2023 17:27 CH

Nông dân xã Krông Pa thu hoạch lúa. Ảnh: TL

Krông Pa là xã miền núi của huyện Sơn Hòa với 2/3 dân số là người dân tộc thiểu số. Trước đây, người dân địa phương chủ yếu phát rừng làm rẫy, đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự quyết tâm đầu tư, linh hoạt trong triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo của xã miền núi này ngày càng khởi sắc.

 

Bước ngoặt từ trồng lúa nước

 

Đến Krông Pa hôm nay, chúng ta không những thấy bát ngát sắn, mía trải dài trên các sườn đồi mà còn đan xen với những cánh đồng lúa nước xanh mướt. Qua 10 năm chuyển đổi từ trồng lúa rẫy là chính sang trồng lúa nước hai vụ, cuộc sống của người dân đã được cải thiện đáng kể. Ma Lất ở buôn Chơ phấn khởi nói: “Gia đình tôi có 8 sào lúa nước, mỗi vụ thu hoạch được 100 bao nên bảo đảm cái ăn, cái mặc. Bà con biết ơn Đảng, Nhà nước mang nguồn nước về cho buôn làng”. Còn theo Ma Nhứt ở buôn Học, hồi trước trồng lúa rẫy, uống nước trời, cái đói đeo đẳng thường xuyên, nay có ruộng lúa nước hai vụ, gia đình không lo đói nữa.

 

Ông Kso Y Bon, Trưởng buôn Học cho biết: “Nếu làm lúa rẫy, tận dụng nước trời, mỗi năm bà con chỉ gieo trồng được một vụ, còn một vụ bỏ đất hoang, năng suất lúa bình quân chỉ đạt 15 tạ/ha. Còn trồng lúa nước, năng suất bình quân hơn 65 tạ/ha, không chỉ giúp người dân ổn định lương thực tại chỗ mà còn góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo ở địa phương”.

 

Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số các thôn, buôn ở Krông Pa chỉ biết trồng sắn, mía và lúa rẫy nên tình trạng thiếu đói thường xảy ra. Năm 2013, khi trạm bơm điện buôn Lé hoàn thành đưa vào sử dụng, huyện Sơn Hòa đã cho san ủi mặt bằng và chỉ đạo xã Krông Pa vận động các hộ dân có diện tích đất trồng lúa rẫy tự nguyện dồn điền đổi thửa, tiến hành làm thủy lợi, chia lại đất để trồng lúa nước hai vụ. Thời điểm bắt tay vào trồng lúa nước không hề dễ dàng, bởi nhận thức, năng lực tiếp thu kỹ thuật của người dân còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, Krông Pa đã vận dụng hiệu quả lời dạy của Bác “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. UBND xã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện và các ngành có liên quan tích cực vận động, cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn cho người dân, cầm tay chỉ việc từ khâu làm đất, ngâm ủ, xử lý giống, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch cho đến bảo quản nông sản. Đồng thời tổ chức các lớp khuyến nông, mô hình trình diễn để bà con học tập và làm theo.

 

Ông Nay Hiếp, Phó Bí thư Đảng ủy xã Krông Pa nhớ lại: “Ngày đó, nhà nhà, người người đều được huy động ra đồng tích cực cày ải để gieo sạ vụ hè thu đầu tiên. Nhà nước hỗ trợ miễn phí về giống lúa, phân bón và thuốc trừ sâu theo định mức ruộng được giao. Không khí lao động khẩn trương và sôi nổi lắm. Vụ đó, năng suất đạt 68 tạ/ha, gấp nhiều lần làm lúa rẫy. Niềm vui không sao kể xiết”.

 

Không dừng lại ở đó, hàng năm chính quyền địa phương vận động bà con tu sửa kênh mương nội đồng; đưa các loại giống lúa mới, năng suất cao, ít sâu bệnh thay thế giống lúa truyền thống; hướng dẫn lịch thời vụ cụ thể; thường xuyên thăm đồng để sớm phát hiện sâu bệnh, có giải pháp phòng ngừa; hướng dẫn việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thời điểm thu hoạch hợp lý. Nhờ vậy, năng suất lúa ngày càng tăng và mang lại kết quả ngoài mong đợi. Đến nay, diện tích trồng lúa nước của Krông Pa hơn 200ha, năng suất bình quân đạt hơn 70 tạ/ha. Người dân đã biết tự chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa và hoàn toàn chủ động nguồn lương thực tại chỗ, không còn tình trạng đói giáp hạt. Niềm vui đã hiện diện trong từng mái nhà sàn của đồng bào nơi đây.

 

“Có thể khẳng định rằng, cây lúa nước đã thực sự đem đến cho đồng bào xã Krông Pa sự đổi thay đáng kể, nhất là tình trạng thiếu đói giáp hạt đến nay không còn”, ông Nay Hiếp quả quyết.

 

Ông Lê Đình Hướng ở thôn Phú Sơn, xã Krông Pa chia sẻ kinh nghiệm trồng dừa dứa. Ảnh: PHẠM THÙY

 

Nhiều mô hình trồng cây ăn trái hiệu quả

 

Ngoài trồng lúa nước và mía, với đặc trưng thổ nhưỡng khá phù hợp, xã Krông Pa đã mạnh dạn định hướng khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển các loại hình trồng cây ăn trái. Theo đó, nhiều mô hình cây ăn trái với những giống mới đã được đầu tư, mở ra hy vọng làm giàu cho người dân xã miền núi này và hoàn toàn có thể gắn các mô hình phát triển nông nghiệp với hoạt động du lịch, tạo nền tảng mới làm thay đổi căn bản đời sống ở các buôn làng.

 

Ông Lê Đình Hướng ở thôn Phú Sơn mấy chục năm làm nghề nông, đã trồng nhiều loại cây khác nhau trên diện tích đất rộng gần 2ha của gia đình, nhưng đều không mang lại hiệu quả cao. Cách đây 3 năm, ông Hướng quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng cây dừa dứa. Hơn 300 gốc dừa được ông mua từ miền Nam về đến nay đã cho thu hoạch. Với những ưu điểm là nước dừa thơm mùi lá dứa, rất ngọt lại còn sai trái, ông Hướng đảm bảo được đầu ra và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng trước đây. Ông Hướng cho biết: “Như có duyên, khi từ Bình Định vào vùng đất này, tôi quả quyết với gia đình là phát triển cây dừa là sẽ thắng và đất đã không phụ lòng người. Hiện nhiều người tìm đến đặt mua cây giống nhưng tôi nhân ra không kịp. Hầu như ai đã thưởng thức là thích giống dừa này liền”.

 

Từ mô hình hiệu quả của ông Hướng, xã Krông Pa tiếp tục vận động, khuyến khích nhiều nông dân chủ động học hỏi, đầu tư phát triển thêm các mô hình cây ăn trái. Không chỉ giúp nông dân tìm kiếm nguồn cây giống đảm bảo chất lượng, trăn trở tìm đầu ra cho sản phẩm, lãnh đạo xã còn hỗ trợ người dân tìm hiểu, nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để cây phát triển tốt. Ông Phạm Văn Ninh ở thôn Phú Sơn cho hay: “Gần 25 năm chung thủy với cây sắn, mía nhưng khi xã Krông Pa có chương trình chuyển đổi cây trồng, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích sang trồng mít Thái. Sau 2 năm tận tụy, đầu tư công sức, hiện vườn mít Thái của gia đình đã bắt đầu cho trái. Bây giờ tôi có thể thở phào nhẹ nhõm và khẳng định rằng, thổ nhưỡng vùng đất này rất hợp với các loại cây ăn trái như: mít, chuối, dừa”.

 

Theo Chủ tịch UBND xã Krông Pa Lê Văn Diễu, mô hình cây ăn trái được xã khuyến khích người dân phát triển cùng với các cây chủ lực khác và đã cho thu hoạch. Do đó, xã đề xuất huyện cho nhân rộng các mô hình này. Đây sẽ là định hướng mang tính đột phá thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới để tìm ra các loại cây trồng phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ chính là những trăn trở của địa phương để tạo sự phát triển lâu dài và bền vững cho những mô hình nông nghiệp đang được xây dựng hiện nay.

 

“Nằm cách trung tâm của tỉnh gần 70km, xã Krông Pa là cửa ngõ phía tây của tỉnh trên huyết mạch giao thông quốc lộ 25, nối liền với xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Đây là điều kiện tốt để các đơn vị lữ hành đưa khách du lịch đến trải nghiệm các trang trại nông nghiệp khi đã phát triển bài bản. Sau khi tham quan, trải nghiệm, họ có thể mua trái cây về làm quà, góp phần thúc đẩy sản xuất, làm cho diện mạo của xã tiếp tục đổi thay, khang trang, sạch đẹp, hiện đại hơn”, ông Lê Văn Diễu bày tỏ. 

 

Với sự đoàn kết, nhất trí và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, xã Krông Pa đã có nhiều mô hình kinh tế phát triển, mang lại hiệu quả; nhận thức của người dân được nâng lên, tin tưởng làm theo nên diện mạo của xã thay đổi rõ rệt.

 

Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa Nay Y Blung

 

PHẠM THÙY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek