Dù đã ngấp nghé tuổi 70, nhưng vợ chồng ông Nguyễn Tổng và bà Trần Thị Kim Tuyết (phường 5, TP Tuy Hòa) vẫn đam mê chinh phục những cung đường bằng xe máy để khám phá vẻ đẹp của đất nước. Những chuyến phượt như liều thuốc tinh thần giúp ông bà khỏe mạnh, tận hưởng cuộc sống và niềm vui tuổi già.
Càng đi càng thấy khỏe!
Trước năm 2015, ông Nguyễn Tổng công tác ở Phòng Tư pháp TP Tuy Hòa, còn bà Trần Thị Kim Tuyết làm ở Sở GD-ĐT Phú Yên. Sau khi về hưu, hai con đã yên bề gia thất, có cuộc sống ổn định, hạnh phúc nên ông bà bắt đầu cuộc sống cho riêng mình, tận hưởng tuổi già bằng những chuyến phượt xe máy xuyên Việt để khám phá vẻ đẹp của đất nước, thiên nhiên, con người Việt Nam. Bà Tuyết tâm sự: “35 năm làm trong ngành Giáo dục, tôi được đi công tác khắp các tỉnh thành, nhưng đa số là các chuyến làm việc ngắn ngày nên không có cơ hội trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp của các vùng đất. Vì vậy, tôi ấp ủ dự định về hưu sẽ ngao du khắp nơi. Khi việc nhà, việc nước đều đã hoàn thành, vợ chồng tôi bắt đầu thực hiện ước mơ thời trẻ, cùng nhau đi phượt khám phá các vùng miền”.
Năm 2016, ông bà khởi đầu hành trình phượt bằng chuyến du ngoạn xe máy đi các tỉnh miền Trung. Sau đó, ông bà kết nối với ông giáo Nguyễn Ngọc Thái (phường 7), người bạn hưu trí có chung niềm đam mê phượt, đi dọc 10 tỉnh miền Trung suốt 13 ngày liền; phượt 18 ngày ở các tỉnh miền núi phía Bắc, rồi chinh phục các tỉnh Tây Nam Bộ, qua cửa khẩu đến nước bạn Lào, Campuchia bằng xe máy. Có những nơi, ông bà đi đến 3-4 lần như: Fansipan (Sa Pa), Chùa Yên Tử (Quảng Ninh)...; thậm chí có nơi đi đến cả chục lần như Tây Nguyên, nhưng mỗi lần đi là một trải nghiệm, mang lại cho ông bà cảm giác khác nhau. “Những chuyến phượt đầu tiên, do chưa quen nên ngồi một lúc trên xe máy là tôi mỏi lưng, phải mua thêm gối tựa, đai đeo. Càng đi nhiều, càng thấy thú vị, nên sức khỏe tôi cũng được cải thiện, trở nên dẻo dai hơn, không còn sợ nắng, cũng chẳng sợ đen”, bà Tuyết bộc bạch.
Với bà Tuyết, cùng chồng du lịch bằng xe máy giúp bà cảm nhận được hết những vẻ đẹp trên từng cung đường, mà nếu đi theo tour khó có thể biết được. Bà thích cảm giác dừng xe trên đèo Hải Vân (Đà Nẵng) hùng vĩ, nơi được mệnh danh thiên hạ đệ nhất hùng quan, tấp vào quán nước, nhâm nhi ly cà phê, ngắm mây bay trên đỉnh đầu; hay ngồi sau xe chồng, băng qua những con đèo uốn lượn, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm của các tỉnh Đông - Tây Bắc, chinh phục tứ đại đỉnh đèo là Mã Pí Lèng, Pha Đin, Khau Phạ và Ô Quy Hồ. Song, ấn tượng nhất với bà là chuyến đi các tỉnh phía Bắc dài 18 ngày vào năm 2018. Vợ chồng bà Tuyết và một người bạn hưu trí cùng quê đi xe máy từ Phú Yên ra Hà Giang, sau đó làm giấy thông hành qua cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, sang TP Malipo của Trung Quốc tham quan, du lịch. Mặc dù chỉ trải nghiệm trên nước bạn 1 ngày, do không biết tiếng Trung nên mọi giao tiếp chỉ diễn ra bằng tay, song vẫn để lại trong lòng vợ chồng bà những dấu ấn khó quên.
In dấu chân trên khắp nước Việt
Hai năm COVID-19 “trói chân”, nên sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, vợ chồng ông Tổng, bà Tuyết liền khởi động lại hành trình phượt bằng cách đi xe máy lên Lâm Đồng, khám phá vườn quốc gia Cát Tiên, sau đó đi tiếp đến các tỉnh miền Nam. Mới đây, ông bà vừa có chuyến phượt xe máy 20 ngày ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đi đâu cũng vậy, ông bà tuân thủ nguyên tắc đi 200-300km là nghỉ ngơi, không đến điểm kế tiếp sau 17 giờ để đảm bảo an toàn. Dù mỗi chuyến đi luôn ẩn chứa cảm giác mạnh, nhưng hai phượt thủ đều dựa trên kiến thức và vốn hiểu biết để sắp xếp lộ trình phù hợp, đảm bảo sức khỏe đường dài. “Đi du lịch bằng xe máy có nhiều thuận tiện. Mệt ở đâu, chúng tôi nghỉ ở đó. Chỗ nào cảnh đẹp thì chúng tôi nán lại lâu hơn; có thể đi vào các ngóc ngách, bản làng để thưởng thức đặc sản, ẩm thực, văn hóa đặc trưng của các địa phương”, ông Tổng chia sẻ.
Cứ thế, đều đặn 1-2 tháng, ông bà lại chất đầy đồ lên xe máy, cùng nhau đi đến những vùng đất mới. Một năm, vợ chồng ông đi phượt khoảng chục chuyến ngắn dài, in dấu chân trên khắp nước Việt. Theo ông Tổng, đi du lịch ngày nay rất tiện lợi vì có công nghệ hỗ trợ ứng dụng tìm đường trên điện thoại, mạng xã hội để tìm thông tin và kinh nghiệm; cần cứu hộ có thể gọi điện thoại. Vì thế, các chuyến đi của vợ chồng ông trong 7 năm qua đều diễn ra suôn sẻ. Điều đó càng tiếp thêm động lực để vợ chồng ông tự tin lên xe rong ruổi khắp nơi, ghi lại những cảnh đẹp của đất nước. Sau mỗi chuyến đi, bà Tuyết thường chỉnh sửa ảnh, ghi chép lại nhật ký hành trình rồi chia sẻ với bạn bè qua mạng xã hội facebook, zalo. Bà Tuyết và nhóm bạn nữ hưu trí của mình đang ấp ủ dự định tháng 3/2024, đi du lịch bằng ô tô 7 chỗ từ TP Hồ Chí Minh ra Quảng Ninh bằng đường quốc lộ và đi về bằng đường Trường Sơn trong 30 ngày.
Anh Nguyễn Minh Thắng ở phường 7, TP Tuy Hòa, một người mê phượt cho hay: “Tôi rất khâm phục vợ chồng ông Tổng, bà Tuyết vì đã lớn tuổi mà vẫn phượt đều đặn khắp nơi bằng xe máy. Ông bà đã thay đổi những suy nghĩ cũ khi cho rằng người cao tuổi chỉ ở nhà quanh quẩn và an nhàn. Người cao tuổi có thể bứt phá giới hạn của bản thân, làm những điều mình thích để tinh thần vui vẻ, thoải mái vượt qua tuổi già”.
Tôi đã đi vài nước ở châu Á. Đi để hiểu thêm về thế giới, để thỏa mãn sự tò mò về văn hóa nước bạn, nhưng khi nhìn lại, với tôi, chỉ có quê hương, đất nước mình là đẹp nhất và con người là đáng yêu nhất.
Bà Trần Thị Kim Tuyết |
KHÁNH HÀ