Nhờ mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, cần cù, chịu khó tìm ra hướng phát triển kinh tế gia đình phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân ở các huyện miền núi đã vươn lên thoát nghèo, trở thành triệu phú nhà nông.
Mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất
Năm 1996, gia đình ông Phạm Văn Ninh (sinh năm 1962) từ TP Tuy Hòa lên với vùng đất xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) mưu sinh. Khi đó, ở đây chỉ có rừng và rừng, đất hoang, khô cằn, gia đình ông cũng chỉ biết bắt đầu từ việc trồng trọt lấy ngắn nuôi dài.
Ông Phạm Văn Ninh đang chăm sóc vườn mít Thái. Ảnh: PHẠM THÙY |
Với quyết tâm, tận tụy, dám nghĩ dám làm, đến năm 2013, ông Ninh đã có 13ha đất trồng sắn, mía, dưa hấu…, phát triển kinh tế gia đình và nuôi con ăn học. “Nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi, thêm vào đó đất không phụ lòng người nên làm đâu tôi trúng đó”, ông Ninh bày tỏ.
Gần 25 năm chung thủy với cây sắn, mía, những tưởng ông Ninh hài lòng với những thành quả đạt được, nhưng đến năm 2021, khi xã Krông Pa có chương trình chuyển đổi cây trồng, ông Ninh lại là một trong những người tiên phong, mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích các cây chủ lực sang trồng cây ăn trái, mặc dù khi đó vấn đề đầu ra còn là một bài toán nan giải và tìm được nguồn nước tưới ổn định vô cùng khó khăn. Một lần nữa, nhiệt huyết trong ông lại trỗi dậy. Được xã hỗ trợ gần 1.000 gốc mít Thái, ông Ninh đầu tư gần 150 triệu đồng làm hệ thống ống dẫn nước tưới nhỏ giọt đến từng gốc mít.
Ông Ninh chia sẻ: “Khi đó tôi lo lắm. Một là chưa hiểu hết đặc tính của giống cây mới này. Hai là sợ khi cây đã ngon, trái đã ngọt mà thị trường bao tiêu không có. Nhưng bây giờ tôi không còn lo nữa vì thổ nhưỡng vùng đất này rất hợp với các loại cây ăn trái như: mít, chuối, dừa. Nếu thị trường không tiêu thụ kịp thì có thể làm các sản phẩm sấy khô và đóng hộp để bán lâu dài”.
Sau 2 năm tận tụy, vườn mít của ông Ninh bắt đầu cho trái. Với mô hình kinh tế tổng hợp mang lại thu nhập 700 triệu đồng/năm, ông Ninh cảm thấy tự hào với những quyết định táo bạo của mình. Nhìn vào tấm gương của ông Ninh, ý thức làm kinh tế vườn của người dân bản địa cũng được nâng lên. Từ đó, huyện Sơn Hòa định hướng khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển các loại hình cây ăn trái. Nhiều mô hình đã và đang được đầu tư mở ra hy vọng làm giàu cho nhiều hộ dân ở huyện miền núi này.
Ông Lê Đình Hướng ở cùng thôn Phú Sơn, cũng đang sở hữu một trang trại với hơn 300 gốc dừa dứa, 80 gốc mít Thái đã cho thu hoạch. Ông Hướng cho hay: “Mấy chục năm gắn bó với nghề nông, trên diện tích 2ha của gia đình, tôi đã trồng nhiều loại cây, nhưng hầu hết đều không mang lại hiệu quả cao. Nhận thấy hiệu quả từ việc chuyển đổi cây trồng, tôi quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng dừa dứa. Giống dừa mới này, trái thơm ngọt, đảm bảo được đầu ra, hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng trước đây. Hiện nay, nhiều người đến hỏi mua giống dừa mà tôi nhân ra nhưng không đủ để bán”.
Chủ tịch UBND xã Krông Pa Lê Văn Diễu nhìn nhận: “Ông Ninh, ông Hướng là những nông dân không ngại khó khăn, đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình ở địa phương. Nhờ những mô hình kinh tế hiệu quả như thế mà ngày càng có nhiều hộ làm theo và vươn lên trở thành hộ khá giả, có của ăn của để”.
Trong thời gian đến, để tạo ra những đột phá trong nông nghiệp, với đặc thù một xã vùng cao còn nhiều khó khăn, ông Lê Văn Diễu cho biết Krông Pa định hướng thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao. Theo đó, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ chính là giải pháp căn cơ mà địa phương đang hướng đến, nhằm phát triển lâu dài và bền vững cho những mô hình nông nghiệp đang được xây dựng.
Nghị lực của người lính Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế
Thực hiện phong trào thi đua Cựu chiến binh (CCB) giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, trên địa bàn huyện Đồng Xuân đã có nhiều tấm gương hội viên CCB giàu nghị lực, vượt khó vươn lên ổn định cuộc sống và làm giàu chính đáng. CCB Đào Minh Điện ở thôn Phú Hội, xã Xuân Phước là một điển hình.
Cựu chiến binh Đào Minh Điện với công việc thường ngày. Ảnh: NGUYỄN KHẮC |
Trong khó khăn của những ngày đầu khởi nghiệp, từ nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và sự hỗ trợ của Hội CCB xã, nhất là nỗ lực của bản thân, gia đình ông Điện đã xây dựng mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi cho thu nhập ổn định.
Ông Điện chia sẻ: “Những năm 80 của thế kỷ trước, nơi này còn là vùng đất hoang sơ, đi lại khó khăn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia trở về địa phương, tôi cùng gia đình khai hoang, mở rộng diện tích trồng các loại cây thời vụ như dưa, mía, sắn... Nhưng với những biến động của thị trường, giá cả bấp bênh nên thu nhập không ổn định. Bằng nghị lực và quyết tâm của người lính Cụ Hồ, tôi quyết định chuyển hướng để hình thành khu trang trại tổng hợp với diện tích hơn 5ha”.
Trang trại nằm trên vùng đất khá lý tưởng, gần khu vực đập nước Suối Cối, gần đường giao thông... thuận lợi cho việc chăn nuôi, trồng trọt, vận chuyển, tiêu thụ, ông Điện đã xây dựng trại nuôi bò, trại nuôi heo, kết hợp trồng cỏ, mía, sắn và keo lá tràm.
Trang trại của ông Điện hiện có 17 con bò thịt, chủ yếu là giống bò lai 3B. Đây là giống bò có cơ bắp phát triển, ngoại hình đẹp, thịt thơm ngon, hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với điều kiện thời tiết và chăn nuôi của địa phương và đang được người dân ưa chuộng. Chất lượng đàn bò phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thức ăn, do vậy gia đình ông Điện trồng cỏ thâm canh với những giống cho năng suất cao để chủ động nguồn thức ăn thô, thức ăn xanh quanh năm cho bò. Đây chính là hiệu quả kép mà mô hình mang lại, cao hơn hẳn khi trồng cỏ hoặc chỉ nuôi bò.
Cùng với nuôi bò, CCB Đào Minh Điện còn đầu tư chăn nuôi heo theo quy mô bán công nghiệp. Với cách nuôi khoa học, chuồng trại được bố trí cách ly nơi sinh hoạt, thực hiện đầy đủ các quy trình vệ sinh, bảo đảm dinh dưỡng, chăm sóc thú y nên không xảy ra dịch bệnh, đàn heo luôn phát triển tốt.
Với sự cần cù chịu khó lao động, tìm ra hướng phát triển kinh tế phù hợp, từ nghèo khó, gia đình CCB Đào Minh Điện vươn lên khá giả. Vợ chồng ông có 4 người con, tất cả đều đã tốt nghiệp đại học, trong đó người con trai út học chuyên ngành Thú y Trường đại học Tây Nguyên và đang trực tiếp phục vụ cho trang trại chăn nuôi của gia đình.
Bằng kinh nghiệm và thực tiễn của mình, CCB Đào Minh Điện luôn sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn tận tình cho bà con nông dân nói chung, hội viên CCB của xã nói riêng các giống mới, phương pháp nuôi trồng mang lại hiệu quả cao và thường xuyên hỗ trợ vay vốn không tính lãi để giúp nhau cùng phát triển. Ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch Hội CCB xã Xuân Phước cho biết: “Mô hình kinh tế trang trại của ông Đào Minh Điện xứng đáng để nhiều hội viên CCB và bà con nông dân học hỏi, làm theo, nhằm cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Ông Ninh, ông Hướng là những nhông dân không ngại khó khăn, đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình ở địa phương. Nhờ những mô hình kinh tế hiệu quả như thế mà ngày càng có nhiều hộ làm theo và vươn lên trở thành hộ khá giả, có của ăn của để. Chủ tịch UBND xã Krông Pa La Văn Diễu |
PHẠM THÙY - NGUYỄN KHẮC