Thứ Năm, 21/11/2024 19:50 CH
Đình Phú Câu đậm nét văn hóa vùng biển
Chủ Nhật, 23/07/2023 08:00 SA

Đình Phú Câu có tuổi đời gần 150 năm, là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân và bà con vùng biển TP Tuy Hòa.

 

Lễ hội cầu ngư truyền thống được tổ chức hàng năm tại đình Phú Câu. Ảnh: KHÁNH DIÊU

 

Công trình kiến trúc vùng biển tiêu biểu

 

Vùng đất Phú Câu xưa là thôn Phường Câu, đến năm 1832 được đổi tên thành Phú Câu, thuộc tổng Hòa Bình, huyện Tuy Hòa. Trải qua thời gian và nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, Phú Câu nay thuộc phường 6, TP Tuy Hòa.

 

Phú Câu là một trong những làng được hình thành sớm gắn với quá trình khẩn hoang, mở rộng bờ cõi về phương Nam của các chúa Nguyễn. Với vị trí gần cửa biển Đà Diễn và nằm trên các trục giao thương quan trọng, Phú Câu nhanh chóng trở thành một trong những khu vực dân cư sầm uất với nghề đánh bắt hải sản. Cùng với quá trình quần tụ dân cư và phát triển của kinh tế, nhiều công trình kiến trúc văn hóa - tín ngưỡng ra đời, tồn tại đến ngày nay, trong đó có đình Phú Câu.

 

Theo các bậc cao niên ở khu phố Bạch Đằng và Ban Quản lý đình Phú Câu, ngôi đình được tạo lập vào năm 1879 để thờ Thành hoàng Bổn cảnh, các bậc tiền hiền, hậu hiền, những người có công trong việc lập làng và dựng đình trước đó. Đình có hệ thống thờ cúng hỗn hợp đặc biệt của cư dân vùng biển, bao gồm 3 thiết chế: Đình làng, Lăng Ông và Miếu Bà. Đình là nơi thờ Thành hoàng và các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn đất đai, quy dân lập làng. Lăng Ông thờ Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần - vị thần bảo hộ những người đi biển, với khoảng 16 bộ cốt cá Ông được quy tập trong suốt 150 năm - trong đó có 1 bộ cốt được đánh giá là lớn nhất trên địa bàn Phú Yên. Miếu Bà là nơi thờ Thiên Y A Na - vị nữ thần bản địa trong tín ngưỡng của người Chăm, được tiếp thu và có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân người Việt.

 

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, đình Phú Câu là một trong những ngôi đình cổ nhất trong số các đình làng ở Phú Yên. Nơi đây có nhiều giá trị nổi bật về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc tiêu biểu cho loại hình kiến trúc nghệ thuật đình làng miền biển ở Phú Yên. Trong tổng thể chung, kiến trúc chính của đình Phú Câu dạng chữ đinh gồm 3 gian thờ tự: Đình Thành hoàng, Lăng Ông Nam Hải và Miếu Bà Thiên Y A Na. Cổng đình xây dựng theo kiểu kiến trúc tam quan, cửa chính rộng 3m trên có dòng chữ “Đình Phú Câu”, hai bên trụ cổng có đặt cặp lân bằng gốm xanh ngọc. Cổng có 4 câu đối bằng chữ Hán:

 

Phước căn kiết quả phong môn đại nhật hoa minh đại

Đức thọ khai hoa thế lăng trường toàn dân tự túc

Xưa lập tôn thờ đặng sớm hôm

Nay thời gìn giữ đặng bảo tồn

 

Đình Phú Câu xây dựng với vật liệu truyền thống là gạch, ngói và xi măng. Gian giữa là miếu Bà, gian tả là lăng Ông Nam Hải, gian hữu thờ Thành hoàng. Hai gian thờ Thành hoàng và Ông Nam Hải có mái đổ bê tông, đắp giả ngói ống; chính giữa hai gian thờ này là hành lang rộng hơn 2m, bên trên chính giữa có chữ “Hội đồng”. Miếu Bà là gian thờ nằm sâu bên trong rộng khoảng 10m2, mái lợp ngói âm dương, cửa gỗ ghép từng cánh sơn màu xanh. Chính giữa là tượng bà Thiên Y A Na, bên tả là tượng cậu Chài, bên hữu là tượng cô Quý. Phía trước có 2 câu đối bằng chữ Hán:

 

Miếu mạo trang nghiêm vạn dân đồng kính ngưỡng

Thần ân tí hộ tứ cảnh đắc an ninh

 

Đình Phú Câu đang lưu giữ tấm bia đá do GS Hồ Lục Dinh, người tỉnh Quảng Nam cẩn họa vào năm Duy Tân thứ 8 (1914) khắc danh sách các bậc tiền bối có công đóng góp tiền của vào việc tu sửa đình.

 

Gắn liền với đình Phú Câu là miếu âm hồn nằm trên khu đất bãi bồi ở cửa biển Đà Diễn, cách đình khoảng 1km. Miếu có diện tích 10m2, kiểu nhà hai mái, tường xây ngói lớp, bên trên có trang trí biểu tượng lưỡng long chầu nhật. Đây là nơi bà con ngư dân thường xuyên đến thắp hương trước mỗi chuyến đánh bắt khơi xa.

 

Trải qua gần 150 năm tồn tại, đến nay các công trình kiến trúc chính của di tích được bảo tồn gần như nguyên vẹn và được bổ sung sau những lần đình xuống cấp. Mặc dù chịu nhiều tác động của thời gian, mưa bão, sự phong hóa, bào mòn của nước biển và bom đạn hai cuộc chiến tranh tàn khốc nhưng đình Phú Câu vẫn đứng vững bởi kỹ thuật kiến trúc xây dựng độc đáo và công phu của ông cha ngày trước.

 

Đình Phú Câu ở phường 6, TP Tuy Hòa. Ảnh: NHẬT KIM

 

Trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh

 

Với lịch sử gần 150 năm, đình Phú Câu hiện nay vẫn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng không thể thiếu của cộng đồng cư dân và bà con vùng biển nơi đây.

 

Theo Ban Quản lý đình Phú Câu, hàng năm tại đình diễn ra 2 kỳ lễ hội chính: tế xuân và tế thu, gắn liền với đó là các hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian khác như: hát bội, múa lân, múa bả trạo… Ngoài ra còn có các hoạt động cúng tế quy mô nhỏ hơn vào ngày vía bà, dịp đầu xuân và đêm giao thừa. Đặc biệt, đình Phú Câu là địa điểm bảo tồn và thực hiện các nghi thức của lễ hội cầu ngư - di sản văn hóa phi vật thể có vị trí quan trọng trong tâm thức của cư dân vạn chài.

 

Lễ hội diễn ra hàng năm là nơi để người dân gửi gắm niềm tin, khát vọng đến các vị thần linh về một cuộc sống sung túc và bình an. Đây cũng là dịp để các cá nhân trong cộng đồng giao lưu kết nối tình thân ái sau những ngày lao động mệt nhọc; là nơi giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương đất nước và trao truyền các bí quyết thực hành lễ hội đối với thế hệ trẻ. Ấn tượng nhất là màn diễn xướng nghệ thuật chèo bả trạo trong các lễ nghi để thể hiện lòng biết ơn của ngư dân đối với sự ưu ái của biển khơi, tấm lòng biết ơn, ngưỡng mộ của ngư dân đến với Thần Nam Hải đã giúp đỡ ngư dân vượt qua bão tố trong những chuyến đi biển dài ngày và cầu cho mùa biển bội thu. Theo ban quản lý đình, nhiều năm qua, du khách đến thăm viếng đình khá đông, đặc biệt trong những dịp đình làm lễ tế xuân và tế thu.

 

Di tích đình Phú Câu có ý nghĩa rất lớn về mặt lịch sử - văn hóa, là cơ sở quan trọng phục vụ nghiên cứu về vị trí, vai trò của đình làng trong xã hội xưa và nay, đặc biệt là văn hóa, tín ngưỡng của cư dân vùng biển. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, đình Phú Câu được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định 2234/QĐ-UBND ngày 31/12/2014.

 

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, đình Phú Câu được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2014.

 

TS ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek