Lần giở lại những trang sử hào hùng của Đảng bộ tỉnh Phú Yên, TP Tuy Hòa và các xã quanh núi Chóp Chài (Bình Kiến, Hòa Kiến và phường 9), làng Phước Hậu (nay là khu phố Phước Hậu 1, 2, 3 thuộc phường 9) rất tự hào về lịch sử vẻ vang với những đóng góp quan trọng cho công cuộc cách mạng. Nơi đây không chỉ là địa chỉ đỏ của cách mạng tỉnh nhà, nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên đầu tiên, đại hội Việt Minh, nơi đặt trụ sở Tỉnh ủy, mà nơi này còn sản sinh ra những người con ưu tú.
Đồng chí Nguyễn Quốc Thoại. Ảnh tư liệu |
Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên đầu tiên (tháng 6/1936) bầu 7 đồng chí vào ban chấp hành, trong đó có 3 đồng chí là người con ưu tú của làng Phước Hậu, gồm: Nguyễn Quốc Thoại, Nguyễn Chấn, Đỗ Tương.
Chi bộ đảng đầu tiên ở phường 9
Vào những năm 1932-1934, ở làng Phước Hậu có 3 thanh niên yêu nước: Nguyễn Quốc Thoại, Nguyễn Chấn, Đỗ Tương bàn với nhau đi tìm Đảng và làm cách mạng. Lúc bấy giờ, đồng chí Trần Hào đang học nghề thuốc ở nhà ông Nguyễn Biện, làng Phước Hậu, cũng thường gặp 3 đồng chí ở đây. Bốn thanh niên yêu nước gặp nhau trên con đường hoạt động cách mạng nhất trí phải đi tìm Đảng. Qua mấy lần tìm gặp cụ Huỳnh Thúc Kháng và các danh sĩ “Ngũ phụng tề phi” ở Quảng Nam, họ vẫn chưa tìm được Đảng.
Năm 1935, được tin đồng chí Phan Lưu Thanh ra tù, đồng chí Trần Hào tìm gặp và bàn việc cùng phối hợp hoạt động. Tuy được thả về nhưng đồng chí Phan Lưu Thanh vẫn bị địch theo dõi chặt nên không thể cùng hoạt động. Đồng chí Phan Lưu Thanh hứa sẽ giới thiệu đồng chí Trần Hào với Xứ ủy Đảng ở Trung kỳ và cho đồng chí Trần Hào Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương.
Có Điều lệ Đảng, đồng chí Trần Hào về làng Phước Hậu gặp các đồng chí Nguyễn Quốc Thoại, Nguyễn Chấn, Đỗ Tương bàn việc hình thành tổ chức Đảng ở tỉnh.
Ngày 20/10/1935, tại khu rừng dương làng Phước Hậu (nay là khu phố Phước Hậu 2, phường 9), đồng chí Trần Hào làm lễ thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Phước Hậu, gồm 4 đồng chí: Trần Hào, Nguyễn Chấn, Nguyễn Quốc Thoại, Đỗ Tương do đồng chí Trần Hào làm Bí thư và sau đó hơn 1 tháng, đồng chí Nguyễn Quốc Thoại làm Bí thư chi bộ. Đồng chí Nguyễn Liêm, em ruột đồng chí Nguyễn Chấn được giao nhiệm vụ cảnh giới bảo vệ lễ thành lập chi bộ đảng.
Nơi thành lập Tỉnh ủy lâm thời và tổ chức Đại hội lần thứ I
Tháng 11/1935, đồng chí Trần Hào thành lập Tỉnh ủy lâm thời tại gò Thủ Kỳ, làng Phước Hậu (nay là khu phố Phước Hậu 2, phường 9), do chính đồng chí Trần Hào làm Bí thư Tỉnh ủy. Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời có các đồng chí: Lê Tấn Thăng, Trịnh Ba, Nguyễn Quốc Thoại, Nguyễn Chấn, Đỗ Tương, Nguyễn Hạnh. Tỉnh ủy tập trung vào công tác trọng tâm lúc bấy giờ là phát triển Đảng. Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh đã phát triển thêm ở phủ Tuy Hòa 6 chi bộ, phủ Tuy An 3 chi bộ; và thành lập 2 phủ ủy Tuy Hòa và Tuy An.
Tỉnh ủy lâm thời lấy làng Phước Hậu làm cơ sở để tiến hành Đại hội Đảng bộ tỉnh. Tháng 6/1936, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I họp trong khu rừng dương làng Phước Hậu dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Hào. Đại hội bầu Ban Chấp hành Tỉnh ủy gồm 7 đồng chí: Trần Hào, Nguyễn Quốc Thoại, Nguyễn Chấn, Lê Tấn Thăng, Đỗ Tương, Nguyễn Hạnh, Trịnh Ba. Đây là Ban Chấp hành Tỉnh ủy chính thức đầu tiên ở Phú Yên được Xứ ủy Trung kỳ công nhận. Địa bàn phường 9 có 3 đồng chí tham gia Tỉnh ủy, gồm: Nguyễn Quốc Thoại, Nguyễn Chấn, Đỗ Tương. Đồng chí Trần Hào, Bí thư Tỉnh ủy được cử làm Ủy viên Phân ban Xứ ủy Trung kỳ (gồm 3 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên). Trụ sở Tỉnh ủy đóng ở nhà đồng chí Nguyễn Quốc Thoại làng Phước Hậu (nay là khu phố Phước Hậu 2, phường 9).
Vợ đồng chí Nguyễn Quốc Thoại là bà Nguyễn Thị Ngâm phục vụ các cuộc họp Tỉnh ủy và các đồng chí cấp trên về làm việc với Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Liêm được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ làm liên lạc cho Tỉnh ủy.
Hai năm 1936-1937, Chi bộ Đảng Phước Hậu - Liên Trì phát triển thêm đồng chí Huỳnh Nựu ở làng Liên Trì, các đồng chí Đỗ Bích, Trần Tân, Nguyễn Hương, Đỗ Tào, Nguyễn Thị Ba ở làng Phước Hậu. Năm 1937, đồng chí Đỗ Bích làm Bí thư chi bộ. Đồng chí Nguyễn Quốc Thoại thôi làm Bí thư chi bộ để cùng Tỉnh ủy lãnh đạo công việc chung của tỉnh.
Chi bộ Phước Hậu - Liên Trì là chi bộ có cơ sở đảng mạnh. Chi bộ có hàng trăm quần chúng đi theo Đảng. Chi bộ đảng đã bén rễ trên mảnh đất dưới chân núi Chóp Chài và các làng Phước Hậu - Liên Trì (phường 9 ngày nay) thành địa chỉ đỏ thời ấy. Được sự giáo dục và tuyên truyền của Đảng, người dân trong xã ngày càng hiểu rõ nước mất thì nhà tan, có độc lập tự do mới có ấm no hạnh phúc, hiểu được mục đích của Đảng Cộng sản là đánh đổ thực dân Pháp, giành độc lập tự do cho Tổ quốc; đánh đổ phong kiến, thực hiện người cày có ruộng... càng hăng hái thực hiện các chủ trương của Đảng.
Hoạt động của chi bộ từ sau ngày thành lập khá mạnh. Khí thế cách mạng của Nhân dân ở Phước Hậu, Liên Trì thời kỳ 1935-1939 rất sôi nổi.
Khu vực quanh núi Chóp Chài gồm các xã Bình Kiến, Hòa Kiến và phường 9 (TP Tuy Hòa) rất tự hào về lịch sử vẻ vang với những đóng góp quan trọng cho công cuộc cách mạng. Ảnh tư liệu |
Nguyễn Quốc Thoại, Bí thư Chi bộ Phước Hậu
Ngay khi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Phước Hậu do đồng chí Trần Hào làm Bí thư; sau đó hơn 1 tháng, đồng chí Nguyễn Quốc Thoại gánh vác trọng trách Bí thư Chi bộ Phước Hậu, tiếp tục nhiệm vụ nặng nề, khó khăn của cách mạng trong những năm tháng trước Cách mạng Tháng Tám 1945.
Nguyễn Quốc Thoại lúc nhỏ tên là Nguyễn Công Tế. Năm 16 tuổi, khi đang học lớp 3 (sơ học yếu lược) Trường tiểu học Pháp - Việt Tuy Hòa, ông bị đuổi học, với lý do là có tư tưởng chống đối, tìm đọc sách báo bị nhà cầm quyền (thực dân Pháp và quan lại Nam triều) cấm đọc. Không được học chữ, ông Nguyễn Công Tế học nghề thợ may, hớt tóc và hăng hái tham gia các phong trào do Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở phủ Tuy Hòa phát động.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 3/2/1930 và chi bộ đảng đầu tiên ở Phú Yên thành lập ngày 5/10/1930 tại La Hai, huyện Đồng Xuân, ông tìm mọi cách tiếp cận bắt liên lạc để đến với Đảng. Sau đó, năm 1935, đồng chí Trần Hào (Bí thư Tỉnh ủy) kết nạp ông cùng hai đồng chí Nguyễn Chấn, Đỗ Tương vào Đảng.
Trước Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Nguyễn Quốc Thoại tham gia thành lập Ủy ban Việt Minh lâm thời phủ Tuy Hòa, làm Trưởng ban Khởi nghĩa phủ Tuy Hòa và lãnh đạo tổ chức cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi. Sau đó, đồng chí Nguyễn Quốc Thoại tổ chức mít tinh ở làng Phước Hậu báo cáo khởi nghĩa thành công.
Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Nguyễn Quốc Thoại là Tỉnh ủy viên được Đảng phân công giữ trọng trách Bí thư Nông vận tỉnh Phú Yên. Trong những năm 1949-1950, đồng chí được Đảng cử đi học Trường Bổ túc văn hóa Liên khu V ở Quảng Ngãi. Sau khi tốt nghiệp, Liên khu V điều động Nguyễn Quốc Thoại tăng cường cho chiến trường Nam Tây Nguyên là Tỉnh ủy viên Đắk Lắk, Trưởng ty Bưu điện đầu tiên tỉnh Đắk Lắk, đồng thời làm Phó ban Cung cấp tiền phương của Liên khu V tại chiến trường Nam Tây Nguyên…
Trong hai cuộc kháng chiến, đồng chí Nguyễn Quốc Thoại được phân công giữ nhiều vị trí ở nhiều địa phương trong nước. Không chỉ lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, đồng chí Nguyễn Quốc Thoại còn được Đảng phân công nhiệm vụ ở Ủy ban Dân tộc Trung ương Đảng, được giao trọng trách Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Giám đốc Khu Đào tạo cán bộ dân tộc miền Nam; chuyên viên cao cấp tại Vụ Miền Nam (Vụ IV)... Ở vị trí công tác nào, đồng chí cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng giao phó.
Đồng chí Nguyễn Quốc Thoại (1913-1985) là một cán bộ lãnh đạo Đảng tiêu biểu thời kỳ 1930-1945, là một đảng viên kiên trung, dấn thân cống hiến cho đất nước, cho Đảng đến trọn đời. Do có những công lao đóng góp to lớn, đồng chí Nguyễn Quốc Thoại được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
TRẦN QUỚI - PHAN THANH