Ô Loan nước lặng như tờ/ Thương người chí sĩ dựng cờ Cần Vương/ Trải bao gối đất nằm sương/Một lòng vì nước nêu gương anh hùng.
Được lưu truyền trong dân gian, lời thơ và câu ca ấy là niềm thương tiếc khôn nguôi của người dân Phú Yên nói chung và Tuy An nói riêng về Thống soái quân vụ đại thần Lê Thành Phương - danh nhân lịch sử của đất Tuy An trong phong trào Cần Vương.
Thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở Phú Yên
Theo Địa chí Phú Yên, Lê Thành Phương sinh tháng 3/1825 (âm lịch), tại làng Mỹ Phú, tổng Xuân Vinh, huyện Đồng Xuân (nay là thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An), xuất thân trong một gia đình trung nông khá giả. Năm 30 tuổi, Lê Thành Phương thi đậu tú tài, nên người dân địa phương thường gọi ông là Tú Phương. Lê Thành Phương vừa làm ruộng, vừa dạy học trò. Chiều chiều, ông thường dẫn học trò ra đầm Ô Loan ngắm cảnh, bình thơ, giáo dục lòng yêu nước, thương dân...
Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương. Phong trào Cần Vương được các sĩ phu yêu nước hưởng ứng rầm rộ tại Phú Yên. Lê Thành Phương đã phát hịch chiêu quân đi khắp tỉnh và tập hợp được đông đảo các tầng lớp trong xã hội hưởng ứng. Rất nhiều sĩ phu yêu nước có tên tuổi lúc bấy giờ đã đồng tâm nhất trí ủng hộ hịch chiêu quân của chí sĩ Lê Thành Phương.
Từ tháng 8-12/1885, nghĩa quân của ông đã bắt nhiều kẻ làm tay sai cho thực dân Pháp và chỉ một thời gian rất ngắn đã làm chủ tình hình ở Phú Yên. Từ tháng 1-7/1886, Lê Thành Phương tiếp tục tập hợp lực lượng đánh thẳng vào các trung tâm đầu não của địch. Ông đã chỉ huy 2 đạo quân của Bùi Giảng và Lê Thành Bính (con trai Lê Thành Phương) đánh một trận quyết định vào thành An Thổ - tỉnh lỵ Phú Yên lúc bấy giờ, nơi có ngụy quyền đương cục với các cơ binh và một đạo binh viễn chinh Pháp do thiếu tá Delaberde chỉ huy, chiếm đóng. Chiến thắng Thành An Thổ khẳng định sự lớn mạnh của cuộc khởi nghĩa nói riêng và phong trào Cần Vương nói chung. Nghĩa quân của Lê Thành Phương đã đập tan cứ điểm lớn nhất của địch, giải phóng toàn tỉnh Phú Yên. Vua Hàm Nghi tấn phong Lê Thành Phương làm Thống soái quân vụ đại thần và trao cho ông quyền thống hạt toàn bộ vùng Nam Trung Bộ, có nhiệm vụ giải phóng các tỉnh còn lại ở khu vực để mở đường vào Nam Kỳ lục tỉnh.
Ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục
Ngày 22/4/1886, nghĩa quân Cần Vương làm chủ Bình Thuận. Ngày 17/5 năm đó, nghĩa quân tiếp tục làm chủ Khánh Hòa. Thực dân Pháp hoảng hốt lo sợ trước sự lớn mạnh của phong trào Cần Vương, chúng dùng mọi thủ đoạn để đàn áp. Ngày 4/2/1887, từ miền Tây Nam Bộ tên đại việt gian Trần Bá Lộc (Tổng đốc Thuận - Khánh) được lệnh ra Phú Yên. Hắn dùng mọi mưu mô, thủ đoạn tàn bạo để đàn áp cuộc khởi nghĩa. Sau nhiều trận giao tranh quyết liệt, Lê Thành Phương đưa quân rút lên miền núi Củng Sơn để củng cố lực lượng tiếp tục kháng Pháp. Trần Bá Lộc chiếm đóng Ngân Sơn, cho lính bao vây các ngả đường tiếp tế của nghĩa quân ta và dùng mọi gian kế để bắt Lê Thành Phương. Sau nhiều lần dụ dỗ, mua chuộc, treo giải thưởng bắt Lê Thành Phương không thành, Trần Bá Lộc dùng độc kế mua chuộc những nghĩa quân đang tham gia phong trào Cần Vương để phá từ bên trong phá ra. Đặng Trạch, Chánh tổng Hòa Bình (Tuy Hòa) đã phản bội lại nghĩa quân, cam tâm làm tay sai cho giặc. Hắn viết thư gửi Lê Thành Phương và sai người mang lên mời ông về gặp hắn để chuẩn bị cho một cuộc phản công chiếm lại phía bắc tỉnh. Sáng 14/2, Lê Thành Phương một mình một ngựa lên đường về gặp Đặng Trạch. Đặng Trạch đón Lê Thành Phương về nhà riêng và trao cho ông lá thư dụ hàng của Trần Bá Lộc. Lê Thành Phương ném thư xuống đất, thét lớn: “Thế ra ngươi theo giặc rồi!”. Đặng Trạch cho người xông vào trói ông và đưa ra Ngân Sơn nộp cho Trần Bá Lộc.
Lễ hội Lê Thành Phương được tổ chức hàng năm vào 28 tháng Giêng thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương tham gia. Ảnh: PHẠM THÙY |
Trần Bá Lộc tiếp tục dụ dỗ, mua chuộc nhưng ông kiên quyết cự tuyệt nên hắn lệnh giam ông vào ngục tối nhà lao An Thổ và kết án tử hình. 10 giờ sáng 20/2, địch đưa ông lên đài chém. Trên đài chém ông khẳng khái hô lớn: Ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục (thà chết, không chịu nhục), rồi ung dung đón nhận lưỡi gươm của kẻ thù.
Cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương hy sinh đầy dũng khí của Lê Thành Phương là niềm tự hào của Nhân dân Tuy An nói riêng và Phú Yên nói chung.
Địa chỉ đỏ phát triển du lịch tâm linh
Mộ phần Lê Thành Phương tọa lạc trên núi Đá Trắng, thuộc dãy núi Bà Bốn nằm ở lưng chừng sườn phía nam đèo Quán Cau (thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An) do người dân đắp bằng đất, hình nấm. Xung quanh mộ xây bức thành hình tròn bằng đá. Phía trước mộ là tấm bia “Lê Thành Phương chi mộ” khắc bằng chữ Hán. Hai bên tả, hữu có 2 câu đối: “Quốc gia tri ân” và “Anh hùng liệt sĩ”.
Đền thờ Lê Thành Phương được khởi công xây dựng ngày 21/4/1971 và khánh thành ngày 13/12 cùng năm. Đền dựng ở chân núi Đá Chồng, nơi từng diễn ra nhiều trận chiến ác liệt do hai cha con Lê Thành Phương trực tiếp chỉ huy và gần vị trí ngôi trường Lê Thành Phương dạy học lúc sinh thời. Đền thờ được xây dựng với quy mô vừa phải, theo kiểu nửa cũ nửa mới. Trên mái đình có đắp hình “Lưỡng long triều nguyệt”. Trên các mặt tường xung quanh là các câu đối, thơ, hịch… đắp nổi hoặc viết bằng chữ Hán.
Ngày 27/9/1996, mộ và đền thờ Lê Thành Phương đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Ông Nguyễn Tấn Bản, sinh năm 1951, hậu duệ đời thứ 5 của Danh nhân Lê Thành Phương, bảo vệ đền thờ Lê Thành Phương, cho biết: “Tôi rất tự hào là con cháu của Tú Phương. Thế hệ chúng tôi giờ biết ơn bằng cách phụng sự hương khói, cúng giỗ và lưu truyền lịch sử của ông cho thật tốt để nơi đây trở thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ sau”. Còn ông Trần Văn Phúc, sinh năm 1952, người tham gia bảo vệ đền Lê Thành Phương hơn 20 năm qua, bày tỏ: “Tôi và người dân ở đây rất ngưỡng mộ tài đức của chí sĩ Lê Thành Phương. Từ đó, ai ai cũng có trách nhiệm bảo vệ và giáo dục con em mình niềm tự hào về ông”.
Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Tuy An Bùi Viết Huy, mộ và đền thờ Lê Thành Phương được xây dựng ở vị trí vừa nên thơ vừa hùng vĩ, phía đông có thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan nổi tiếng. Vì vậy, ngoài mang tính giáo dục truyền thống, nơi đây còn là một điểm du lịch tâm linh, hướng về cội nguồn cho du khách khi đến với Phú Yên. Cách TP Tuy Hòa 20km về phía bắc, cạnh quốc lộ 1, ở km1312, dưới chân đèo Quán Cau, du khách dễ dàng đến với di tích Mộ và đền thờ Lê Thành Phương. Đặc biệt, hàng năm cứ đến ngày 28 tháng Giêng, Đảng bộ và Nhân dân Phú Yên lại tổ chức lễ dâng hương tại di tích quốc gia này. Đây là thời điểm khách du lịch và Nhân dân ôn lại lịch sử hào hùng của quê hương.
UBND huyện Tuy An đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức về di tích lịch sử Mộ và đền thờ Lê Thành Phương. Qua đó nâng cao nhận thức, tăng cường sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư trong việc chung tay bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di tích, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, phục vụ khách tham quan…
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An Nguyễn Văn Hoàng |
PHẠM THÙY