Thứ Năm, 21/11/2024 23:08 CH
Tú tài Phan Quế - từ nhà nho đến đảng viên cộng sản
Chủ Nhật, 09/04/2023 07:28 SA

Ảnh chụp gia đình Phan Quế vào năm 1941 (Phan Quế, người ngồi chít khăn đóng). Ảnh: Tư liệu gia đình

Trong số các tú tài nho học ở Phú Yên thời kỳ trước 1945, Phan Quế là người để lại tấm gương về hiếu học, nếp sống giản dị, tinh thần làm việc mẫn cán. Khi còn là viên chức chính quyền Pháp thuộc, cho đến khi là cán bộ, đảng viên phụng sự trong chính quyền cách mạng, ông đều là người liêm khiết, làm việc hết mình vì dân, vì nước.

 

Phan Quế hiệu là Loan Đông, sinh năm 1896 tại thôn Quán Cau, làng Phong Phú, phủ Tuy An (nay là thôn Phong Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An) trong một gia đình hào phú. Ông là con của Chánh tổng Phan Hữu Thành và bà Nguyễn Thị Tiến.

 

Viên chức thanh liêm

 

Thời trẻ Phan Quế được cha cho theo thọ giáo TS Phan Quang đang làm giáo thụ ở phủ Tuy An. TS Phan Quang quê ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Về sau, Phan Quang thăng chức án sát ở tỉnh Bình Định thì Phan Quế cũng khăn gói ra tiếp tục học và tá túc trong nhà thầy. Năm 1918, Phan Quế thi đậu tú tài tại trường thi Huế, sau đó học thêm chữ quốc ngữ, tiếng Pháp. Trong thời gian chờ bổ nhiệm, ông vào Sài Gòn làm phóng viên cho tờ báo Tiếng Chuông. Năm 1923, ông được triều đình Huế bổ chức thừa phái tại huyện Sơn Hòa rồi sau đó chuyển về phủ Tuy Hòa (1931) làm đề lại hay còn gọi là lại mục.

 

Phan Quế là một nhà nho có nếp sống khiêm tốn, giản dị. Khi đi làm, ông mặc áo dài khăn đóng và chỉ đi bộ hoặc xe ngựa, ông không ngồi xe kéo. Khi về nhà thì mặc quần ngắn, áo cánh như nông dân. Ông không thích các nghi lễ phiền phức, không tỏ ra quan liêu kiểu cách…

Ông là một viên chức thanh liêm không thích xu nịnh nên không được cấp trên quan tâm nhiều. Cuộc đời 20 năm làm lại mục giúp việc cho Tri huyện Sơn Hòa và Tri phủ Tuy Hòa chỉ đủ lương nuôi con ăn học và sống thanh đạm trong nhà tranh vách đất ở Tuy Hòa. Phan Quế là một nhà nho có nếp sống khiêm tốn, giản dị. Khi đi làm, ông mặc áo dài khăn đóng và chỉ đi bộ hoặc xe ngựa, ông không ngồi xe kéo. Khi về nhà thì mặc quần ngắn, áo cánh như nông dân. Ông không thích các nghi lễ phiền phức, không tỏ ra quan liêu kiểu cách. Ông có tác phong bình dị, thân mật lúc giao tiếp với mọi người, nhất là những lúc đi công tác ở các làng xã, cho nên phần đông hào lý và người dân yêu mến.

 

Năm 1945, sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, ông thuyên chuyển về làm việc tại huyện Sơn Hòa với chức vụ thông nhất thay cho Trần Kỳ Quỳ. Cùng thời gian này, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, Việt Minh giành chính quyền, ông đưa gia đình tản cư về quê tại làng Quán Cau, huyện Tuy An. Năm 1946, ông tham gia kháng chiến, giữ chức Chủ tịch Hội Liên Việt huyện Tuy An và được phân công làm thẩm phán TAND huyện Tuy An. Ông là một cán bộ liêm khiết lại rất nhiệt tình trong công tác được giao nên một năm sau, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Năm 1947, sau đợt biên chế, số cán bộ huyện Tuy An giảm xuống, số cán bộ được giữ lại phải làm việc với cường độ gấp đôi, thêm vào đó lại phải hoạt động ở địa bàn phức tạp với nhiều đồi núi, sông suối, cuộc sống gian khổ nên sau 6 năm công tác thì ông bệnh nặng và mất vào năm 1952. Ông được chôn cất tại thôn Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An do đích thân Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Phú Yên Nguyễn Sung chỉ đạo việc tang lễ.

 

Người nho nhã, có quan điểm tiến bộ

 

Thuở sinh thời, Phan Quế là người thích văn nghệ, thường tổ chức các buổi họp ca tài tử cùng bạn bè hát thâu đêm tại nhà. Ông biết chơi nhiều nhạc cụ dân tộc như đàn nhị, đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn tranh và thông thạo các làn điệu Huế như nam ai, nam bằng, cổ bản, tứ đại cảnh. Ông cũng sáng tác tập thơ được tập hợp thành tập Loan Đông thi tập nhưng rất tiếc bị thất lạc. Những bài thơ ông viết toát lên vẻ mộc mạc gần giống với dân gian, mục đích bày tỏ cảm nghĩ của mình trước thời cuộc hoặc phong cảnh quê hương. Một lần, nghe tin ông sắp được quan trên đề bạt thăng chức làm việc ở nha Thạch Bàn, nhưng vì bản tính không xu nịnh lo lót chạy chọt nên ông bị quan trên đổi ý cho ở lại chỗ cũ, ông làm bài thơ tâm sự về việc này:

 

Chức thầy lại mục Tuy Hòa

Chức quan Bang tá ở nha Thạch Bàn

Chức nào tiện, chức nào sang

Chức thầy cũng vậy, chức quan cũng vầy.

 

Tuy nhiên, khi gặp phải nỗi buồn tột cùng thì ông cũng viết nên những câu thơ xúc động để mô tả tâm trạng của mình. Đó là khi tản cư về Quán Cau, người con gái út là Phan Hồng Hạnh được cả nhà thương yêu mất vì bệnh sốt xuất huyết, ông viết những vần thơ thống thiết:

 

Hồng Hạnh con ơi có biết không?

Nỗi thương con trẻ nói sao cùng

Con đi để lại trời thương nhớ

 

Những người con của ông khi tình cờ xem bài thơ này trong Loan Đông thi tập thì bàn nhau không để vợ ông biết vì ngại bà bị sốc vì quá xúc động.

 

Theo lời tự thuật của Nguyễn Chuyên, là con rể của Phan Quế khi lần đầu tiên đến nhà ông chơi, thì ông là người nho nhã, yêu âm nhạc và có quan điểm tiến bộ: “Lần đầu tiên (năm 1937), tôi có dịp đến thăm nhà và nhận được sự đón tiếp niềm nở của gia đình. Tôi được tận mắt quan sát cảnh vật bên trong: những cây đàn treo trên vách, những câu liễn đối cẩn xà cừ, bộ salon bằng gỗ hương, đặc biệt đáng chú ý là tủ sách gia đình. Tôi hết sức ngạc nhiên là tủ sách gia đình ông Lại Quế ngoài những sách báo thông thường như báo Nam Phong, Ngày Nay, Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, lại có cả các loại sách của nhà xuất bản Hàn Thuyên, những tờ Tiếng Dân và những loại sách tiến bộ khác như Tin Tức, Le Travail, Notre Voix, Rassemblement và cả những sách cấm như Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, Lầm than của Lan Khai...”.

 

Phan Quế cũng là người có vốn hiểu biết khá sâu rộng về văn học cổ điển Trung Quốc, đặc biệt là thơ Đường. Trong hồi ký của mình, Nguyễn Chuyên viết: “Chính nhờ thầy Quế mà tôi mới biết đường vào vườn hoa thơm muôn sắc của văn chương cổ điển Trung Quốc và Việt Nam. Vì những bài thơ Đường của Lý Bạch, Đỗ Phủ lúc ấy còn rất xa lạ đối với lớp chúng tôi, những người học ở trường phổ thông theo chương trình Pháp”.

 

Về đời tư, vợ của Phan Quế là bà Phan Thị Bích Liễu, con gái của TS Phan Quang. Vì mến mộ cậu học trò chất phác, thông minh nên thầy học Phan Quang đã gả con gái đầu lòng cho Phan Quế. Phan Quế sinh 9 người con và đều ăn học đến nơi đến chốn, có người làm đến bộ trưởng như Phan Bá (tức Võ Đông Giang). 

 

Thời bấy giờ, ở Phú Yên, nhiều nhà nho, trí thức cũ rất hăng hái tham gia công tác cách mạng, công tác kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng như ông Trần Chương, ông Phạm Đàm. Vì họ đã nhận thức được mục tiêu lý tưởng của Đảng là giải phóng dân tộc thoát khỏi lầm than, thoát khỏi thân phận nô lệ.

 

TS ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek