Thứ Sáu, 22/11/2024 03:31 SA
Phú Yên - Nơi bắt đầu cuộc Nam tiến, Tây tiến, Đông tiến vĩ đại của dân tộc
Thứ Sáu, 31/03/2023 09:49 SA

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu năm nay đã ở tuổi ngoài bách tuế (103 tuổi). Ông là người dành cho Phú Yên nhiều tình cảm sâu đậm và tâm huyết trong các công trình nghiên cứu của mình.

 

Mới đây, chúng tôi có cơ duyên phỏng vấn nhà nghiên cứu uyên bác này.

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. Ảnh: TRẦN QUỚI

* Thưa ông, dưới góc nhìn địa lý - lịch sử, Phú Yên có vị trí như thế nào trong quá trình mở nước của dân tộc?

 

- Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có hai lần mời riêng tôi làm việc về lịch sử phương Nam và tôi đều mở đầu báo cáo rằng “địa lý lịch sử phương Nam bắt đầu từ Phú Yên”. Tỉnh Phú Yên có vị trí rất quan trọng trong quá trình mở nước của dân tộc. Phú Yên là địa bàn trọng yếu để ông cha ta củng cố thực lực, làm bàn đạp để Nam tiến, Tây tiến và Đông tiến. Hoàn toàn dựa vào các căn cứ khoa học lịch sử để khẳng định điều đó.

 

Từ khi vua Lê Thánh Tôn trực tiếp chỉ huy đại quân đặt chân đến Vũng Rô - Đèo Cả và cho lấy núi Đá Bia làm ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành, địa bàn Phú Yên bắt đầu nhập vào cương vực Đại Việt, tuy chưa đặt phủ, huyện hay hệ thống cai trị chính quy. Tháng 6 năm Tân Mão (1471), vua Lê Thánh Tôn thành lập thừa tuyên Quảng Nam (đơn vị hành chính tương đương với cấp tỉnh sau này), gồm phần đất từ đèo Hải Vân đến đèo Cả. Tuy nhiên, về mặt hành chính, vua Lê Thánh Tôn mới đặt 3 phủ: Thăng Hoa (Quảng Nam), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) và Hoài Nhơn (Bình Định). Còn vùng đất từ đèo Cù Mông đến đèo Cả vẫn để trống, triều đình coi đó là đất ki-mi (ràng buộc lỏng lẻo).

 

Năm 1578, chúa tiên Nguyễn Hoàng cử ông Lương Văn Chánh làm Trấn biên quan, chiêu mộ lưu dân giúp đỡ ngưu, canh, điền, khí, đưa đến đất Cù Mông, Bà Đài, Đà Rằng để khẩn hoang lập nghiệp. Giai đoạn này chỉ kéo dài 33 năm (1578-1611) và ông Lương Văn Chánh xứng đáng được tôn thờ như một vị tiền hiền, Thành hoàng khai khẩn đất Phú Yên.

 

Năm Tân Hợi (1611), triều đình đặt phủ Phú Yên với hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, thuộc dinh Quảng Nam.

 

Do địa bàn Phú Yên ở vị trí chiến lược phát triển hạng nhất đương thời, cả nhân lực và vật lực nên chỉ ở cấp phủ trong thời gian 18 năm. Đời Hy Tông (chúa Nguyễn Phúc Nguyên) năm thứ 16 (Kỷ Tỵ 1629), Phú Yên được nâng cấp thành dinh (tức thừa tuyên cũ, cấp hành chính địa phương cao nhất). Thời kỳ này kéo dài 144 năm (1629-1773).

 

Năm 1652, Chiêm Thành quấy nhiễu, Chúa Nguyễn đem quân vượt đèo Cả tới sông Phan Rang và lập dinh Thái Khang (Khánh Hòa ngày nay) ở vùng đất mới. Từ đó, đất Phú Yên không còn là vùng biên cảnh nữa. Do chính sách cai trị mềm dẻo và khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh, trong một thời gian ngắn, 41 năm (kể từ khi lập phủ Phú Yên năm 1611 hay 23 năm kể từ khi lập dinh Trấn Biên năm 1629), địa bàn Phú Yên đã ổn định, củng cố về nhiều mặt để có thể mau chóng trở thành cứ điểm và bàn đạp cho các cuộc Tây tiến, Đông tiến và Nam tiến vĩ đại của dân tộc ta.

 

Về Đông tiến, trên bản đồ Vương quốc An Nam do giáo sĩ Đắc Lộ vẽ và ấn hành năm 1651, ngoài khơi DINH PHOAN (dinh Phú Yên) và ngoài khơi phía nam dinh QUINHIN (Qui Nhơn) có vẽ hai quần đảo chi chít, ghi chữ ISLES (các đảo) và chú thích về sản vật yến sào ở các đảo. Công cuộc khai thác hải vật này thêm phát triển và sự nghiệp Đông tiến mới được thực hiện trên khắp vùng rộng lớn từ Hoàng Sa, Vạn Lý Trường Sa vươn dài đến Côn Lôn, Hà Tiên.

 

Về Nam tiến, từ lúc đặt dinh Trấn biên ở Phú Yên năm 1629 đến khi đặt dinh Trấn biên ở Đồng Nai năm 1698, thời gian chỉ có 69 năm. Đất Phú Yên tuy nhỏ hẹp, người không đông nhưng đã giữ một vị trí chiến lược và bản lề trong sự nghiệp phát triển của dân tộc và đất nước ta.

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (ngồi) với nhà báo Phan Thanh trong buổi gặp gỡ “Trăm năm sử Việt”. Ảnh: TRẦN QUỚI

 

* Ông đã dành nhiều tình cảm, tâm huyết nghiên cứu địa bạ Phú Yên. Công trình khoa học rất có giá trị này giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử Phú Yên xưa. Ông có thể nói thêm những điều tâm đắc trong quá trình biên soạn tập sách?

 

- Có nhiều điều thú vị lắm. Đọc kỹ địa bạ Phú Yên, ta sẽ thấy những đặc thù của xã hội truyền thống xưa như quyền sở hữu công hay tư, phân bổ ruộng lúa và cây trồng, diện tích khai thác hoặc nơi cư trú, tỉ lệ sở hữu của nam hay nữ, của dân thường hay tổng lý… Nghĩa là sẽ thấy được cách vận hành của xã hội Việt Nam truyền thống xưa theo tập quán sĩ - nông - công - thương và bình quyền nam nữ. Qua đó, chúng ta có thể hiểu sâu hơn trình độ văn minh của dân tộc mình ở những thế kỷ trước, cách thi hành luật sở hữu ruộng đất ở Phú Yên thời xưa, trình độ dân trí của các thế kỷ trước thể hiện qua việc lập địa bạ.

 

Trong địa bạ Phú Yên, chúng tôi đặc biệt đi sâu một xã cụ thể - xã Phụng Các (sau đổi thành Phụng Tường, nay là xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa). Xã Phụng Các được lập từ cuối thế kỷ XVI (1578), nay đã 445 năm. Tôi đã phiên dịch nguyên văn địa bạ xã Phụng Các làm tiêu biểu cho toàn Phú Yên. Đọc kỹ địa bạ một xã Phụng Các cụ thể, sẽ thấy rõ hơn những điều tôi đã nói.

 

Địa bạ Phú Yên thể hiện rõ những nét chính yếu của chế độ sở hữu ruộng đất nói riêng và của nền hành chính nói chung, như các chính sách: Quan cấp công điền cho người thiếu ruộng, ngụ binh vi nông, cấm quan chức tậu ruộng ở nơi trị nhậm, thuế khóa biệt đãi dân cư thổ và nghĩa trang… Chế độ sở hữu ruộng đất được chia thành ba quyền: Quyền sở hữu tối thượng của vua (tức Nhà nước), quyền sở hữu của tư nhân và tập thể, quyền sử dụng (trong thời gian nhất định không được mua đi bán lại).

 

Nhà nước xưa luôn khuyến điền, còn lập ra các dinh điền, đồn điền và trang trại (khi ấy gọi là quan điền). Sau khi thành tựu, Nhà nước đem quan điền chia cho dân có công khai phá làm tư điền và giữ lại một phần làm công điền. Nhà nước quan tâm đến hoạt động chính trị, cai trị, quốc phòng và thu thuế, còn kinh tế thì để dân làm. Qua địa bạ Phú Yên nói riêng và địa bạ cả nước nói chung, ta thấy đạo lý và tư tưởng truyền thống Việt Nam đã được pháp chế hóa và cụ thể hóa trong đời sống Nhân dân. Tư tưởng yêu đất nước quê hương, hiếu thảo trong gia đình, thương đồng bào ruột thịt được thể hiện sắc nét qua địa bạ.

 

* Địa bạ là một công trình khoa học có giá trị đặc biệt, về nền văn minh lúa nước châu thổ sông Ba có nét đặc trưng gì trong tổng thể văn minh lúa nước của dân tộc Việt, thưa ông?

 

- Văn minh lúa nước châu thổ sông Ba ngoài những đặc tính chung của văn minh lúa nước dân tộc Việt còn có những đặc trưng riêng.

 

Do đặc điểm địa hình, là vị trí bàn đạp để dân tộc ta Tây tiến, Đông tiến và Nam tiến, để củng cố thực lực vùng trấn biên, về mặt kinh tế, ông cha ta đã xây dựng một nền kinh tế với cây lúa nước làm nền tảng, kết hợp với khai thác lâm sản và hải sản. Trên cơ sở sản vật phong phú, còn mở ra giao lưu thương nghiệp quốc tế nữa.

 

Tàu nước ngoài đến buôn bán làm ăn ở xứ Đàng Trong rất hay ghé đến Phú Yên, không phải vô tình đâu, mình có trù phú thì họ mới đến. Những đoàn ghe bầu của Phú Yên vang danh một thời trong việc mở rộng giao lưu buôn bán. Về mặt văn hóa có sự giao lưu, cao hơn là giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt - Chiêm và các nước vương quốc Thủy xá, Hỏa xá, góp phần làm phong phú hơn những nét độc đáo của cộng đồng văn hóa đa dân tộc mà dân tộc Việt làm nền tảng.

 

Về mặt chính sách cai trị, bộ máy cai trị của Phú Yên thực hiện chính sách khá mềm dẻo với các dân tộc, đạo giáo. Các thành phần dân tộc, tôn giáo hợp quần xây dựng vùng đất trấn biên Phú Yên rất đoàn kết, hòa thuận.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

TRẦN QUỚI - PHAN THANH (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek