Phong trào cải cách Duy Tân diễn ra ở Phú Yên những năm đầu thế kỷ XX nhằm nâng cao dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Mục tiêu của phong trào là hướng đến dân giàu nước mạnh, phục vụ cho đường lối đấu tranh bất bạo động do Phan Châu Trinh khởi xướng. Nhân vật tiên phong và có nhiều đóng góp trong phong trào này ở Phú Yên là tú tài Nguyễn Nho Trân.
Sinh ra trên quê hương của nhiều nhà ái quốc
Nguyễn Nho Trân tên thật là Nguyễn Quý, hiệu là Đãi Sính. Mọi người thường gọi Nguyễn Nho Trân là Tú Mười vì ông là con thứ mười trong gia đình và đỗ tú tài Hán học. Ông sinh năm 1869 tại làng Cự Phú, tổng Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân (nay là thôn Phú Xuân A và Phú Xuân B, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) trong một gia đình nho giáo, yêu nước.
Làng Cự Phú là quê hương của nhiều nhà ái quốc ở Phú Yên cuối thế kỷ XIX như Nguyễn Bá Sự, Võ Thiệp, Huỳnh Thượng Lắm, Huỳnh Thượng Trung. Trong đó nổi bật là Nguyễn Bá Sự - thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở Phú Yên. Nguyễn Bá Sự lãnh đạo phong trào kéo dài đến năm 1892, đưa Phú Yên trở thành địa phương có phong trào Cần Vương diễn ra bền bỉ nhất khu vực Nam Trung Kỳ. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất có truyền thống đấu tranh yêu nước đã tác động đến Nguyễn Nho Trân từ rất sớm.
Ngay từ thuở nhỏ, Nguyễn Nho Trân đã bộc lộ tư chất là người có chí khí, ham học. Bài tập về nhà, ông đều làm xong, không bao giờ lơ là việc học. Làng Cự Phú có phong trào cho con đi học ở tỉnh Bình Định sau khi các cụ đồ nho trong làng “hết chữ”, nên ông cũng theo xu hướng ấy ra Bình Định tìm sư học đạo, mong muốn sẽ đỗ đạt cao để giúp ích cho dân, cho nước và làm vẻ vang gia đình. Ông đỗ tú tài Hán học năm 1903 cùng với Trần Khắc Đôn, Huỳnh Huệ Địch tại trường thi Bình Định, sau đó tham gia phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh khởi xướng.
Đầu năm 1905, nhân chuyến đi về phương Nam, 3 nhà ái quốc Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp có đến nhà ông nghỉ lại đêm để bàn việc phong trào tại tỉnh Phú Yên. Tại đây, được tiếp xúc với những nhà cách mạng có tư tưởng lớn, Nguyễn Nho Trân như hiểu ra nhiều điều về trách nhiệm của mình đối với dân tộc.
Đầu mối của phong trào Duy Tân
Về sau, ông nhận lời làm đầu mối cho việc cổ vũ phong trào Duy Tân chấn hưng dân khí, mở hiệu buôn, nâng cao dân trí trong vùng. Chợ Gò Sạn quê ông thời bấy giờ được nhiều nhà buôn đến mở cửa hiệu buôn bán rất sầm uất. Ghe bầu theo dòng sông Cái lên sông Trà Bương ghé vào tấp nập, hàng hóa đưa đến ngày một nhiều. Nguyễn Nho Trân cũng mở một cửa hiệu buôn bán ở đây. Hàng hóa trao đổi chủ yếu là sản vật địa phương. Ông còn vận động Nhân dân trong vùng mua những mặt hàng do tự tay người Việt làm lấy theo tinh thần “dân ta sử dụng hàng ta”.
Nguyễn Nho Trân còn đi đến nhiều địa phương khác trong tỉnh để kêu gọi mọi người cùng thực hiện phong trào nâng cao dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, mở hiệu buôn, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng hàng nội hóa. Phong trào Duy Tân vì thế mở rộng ra nhiều địa phương ở Phú Yên, các hiệu buôn mọc lên ở Tuy Hòa, Sông Cầu, La Hai, Khoan Hậu. Tổ chức Hưng nghiệp hội xã được thành lập ở Sông Cầu, Tuy Hòa thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cải cách Duy Tân ở Phú Yên, với mục đích nâng cao dân trí và phát triển kinh tế, từ đó chấn hưng dân khí để mưu cầu công cuộc đấu tranh giành độc lập lâu dài về sau.
Bên cạnh việc mở hiệu buôn, phong trào cải cách Duy Tân ở Phú Yên còn vận động việc bài trừ các hủ tục, đề cao nếp sống mới như mặc đồ tây, cắt tóc ngắn, để răng trắng, cắt móng tay... Việc cắt tóc ngắn được đông đảo Nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Ai cắt tóc ngắn được coi như thể hiện lòng yêu nước, chí tiến thủ, vươn lên thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh. Phong trào Duy Tân ở Phú Yên không có nhiều hoạt động sôi nổi như ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, chỉ bó hẹp trong các hoạt động kinh tế, cải cách thuần phong mỹ tục nhưng đã thổi luồng gió mới dân chủ tư sản vào trong các tầng lớp nhân dân, làm bùng phát phong trào chống thuế năm 1908.
Hoạt động của Nguyễn Nho Trân không qua mắt sự theo dõi của mật thám Pháp. Đặc biệt, khi Huỳnh Thượng Trung bị chính quyền Nam triều bắt vì tội đưa bài làm hỏng mùa thi hương năm 1905 ở tỉnh Bình Định nên Nguyễn Nho Trân bị theo dõi gắt gao. Năm 1908, cả Trung Kỳ rúng động bởi phong trào chống thuế bùng nổ mạnh mẽ. Phong trào đã làm cho chính quyền thực dân ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên chật vật đối phó. Thực dân Pháp cho rằng các nhà cải cách Duy Tân đã cổ vũ cho phong trào đấu tranh này nên ra lệnh bắt giam đày ra Côn Đảo, trong đó có Nguyễn Nho Trân.
Ông bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo đến năm 1915 mới được thả về. Khi về nhà, ông dạy học và bốc thuốc trị bệnh cứu người. Học trò của ông là trẻ con trong làng và vùng lân cận. Nội dung truyền đạt chủ yếu là chữ nghĩa thánh hiền, mong muốn chúng giữ đạo làm người, không vì danh lợi mà đánh mất nhân phẩm.
Vợ của Nguyễn Nho Trân là bà Nguyễn Thị Bửu sinh năm 1872, người cùng làng. Bà là người phụ nữ tần tảo, hỗ trợ đắc lực cho chồng trong hoạt động Duy Tân. Bà mất năm 1912 lúc ông còn ở Côn Đảo. Mộ phần của bà ở gần khu mộ của gia đình ông.
Lúc về già, Nguyễn Nho Trân thường đau yếu do di chứng của những năm lao tù ở Côn Đảo. Những năm tháng cuối đời, ông không quan tâm đến thế sự, chỉ tập trung vào việc dạy học và chữa bệnh cho mọi người. Nguyễn Nho Trân mất ngày 20/10/1920 sau một cơn bạo bệnh, mộ phần an táng tại gò Chốc Mao, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân. Mộ của hai ông bà nằm kề nhau, được con cháu chăm sóc, xây dựng thành khu mả vôi khang trang vào năm 1963.
Sau năm 1945, chính quyền cách mạng tỉnh Phú Yên chủ trương lấy tên các danh nhân địa phương đặt cho một số xã. Huyện Đồng Xuân đã lấy tên ông đặt cho xã Xuân Quang 2 là xã Tú Trân, nhằm giáo dục tinh thần yêu nước trong Nhân dân.
Phong trào Duy Tân mở rộng ra nhiều địa phương ở Phú Yên, các hiệu buôn mọc lên ở Tuy Hòa, Sông Cầu, La Hai, Khoan Hậu. Tổ chức Hưng nghiệp hội xã được thành lập ở Sông Cầu, Tuy Hòa thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cải cách Duy Tân ở Phú Yên, với mục đích nâng cao dân trí và phát triển kinh tế, từ đó chấn hưng dân khí để mưu cầu công cuộc đấu tranh giành độc lập lâu dài về sau. |
TS ĐÀO NHẬT KIM