Các dòng nhạc hiện đại ngày nay đã khiến nghệ thuật truyền thống, trong đó có hát then dần mai một. Nhưng tại một xã của huyện miền núi Sông Hinh, bà Lương Thị Hỷ, sinh năm 1963, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Hát then xã Ea Ly vẫn miệt mài đem hết tâm huyết, tình yêu, ra sức lưu giữ và trao truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này lại cho thế hệ trẻ.
Hiện nay, CLB Hát then xã Ea Ly trực thuộc CLB Văn hóa - Nghệ thuật huyện Sông Hinh. CLB này được mời tham gia trong nhiều chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài tỉnh, góp phần gìn giữ, lưu truyền nét văn hóa truyền thống cho thế hệ sau.
Tiếng lòng với quê hương
Điệu hát then với đàn tính là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Tày, Nùng ở miền núi Tây Bắc. Khi di cư từ Cao Bằng vào Phú Yên, đối với bà Lương Thị Hỷ, việc lưu giữ nét văn hóa này được xem như giữ hồn của quê hương mình trên vùng đất mới.
Lễ cúng bến nước của đồng bào Ê Đê huyện Sông Hinh mới đây, CLB Hát then xã Ea Ly được mời giao lưu tại lễ hội. Theo tiếng nhạc, chúng tôi tìm gặp bà Lương Thị Hỷ, là một trong những người hát then, đàn tính giỏi nhất của CLB này. Tuổi càng cao, giọng ca, tiếng đàn của bà càng điêu luyện. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Cao Bằng, từ nhỏ, bà đã nghe các mẹ, các chị hát then và dần thấm sâu trong tâm hồn mình. Rời quê vào Phú Yên lập nghiệp, hơn 50 năm qua, cây đàn tính cùng điệu hát này vẫn theo bà trong những lúc nông nhàn, vào mỗi dịp lễ, tết. Và rồi tình yêu với hát then của bà Hỷ đã lan tỏa đến nhiều chị em, đã gắn kết họ với nhau và CLB Hát then xã Ea Ly ra đời vào năm 2014. Các thành viên trong CLB ở độ tuổi từ 40-60, sinh hoạt định kỳ vào tối thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Vậy là, cứ khi xong việc nhà, việc đồng áng, đặc biệt là vào những dịp lễ tết, các bà, các cô lại cùng nhau hát cho nhau nghe và tập trung ôn luyện các câu ca, điệu nhạc chuẩn bị cho các hoạt động lễ hội của cộng đồng.
Bà Hỷ chia sẻ: Ở Cao Bằng chúng tôi, đá nhiều hơn đất nên sự sống cũng rất khó khăn. Thế nhưng nhờ âm thanh đàn tính và lời hát then vang vọng, len lỏi vào từng khe đá mà bao nhiêu thế hệ cha ông lao động không biết mệt mỏi để tạo nên sự sống và phát triển. Chính vì vậy, khi đi đến vùng đất mới, chúng tôi cũng không quên mang theo món ăn tinh thần này. Lời hát then là thể thơ thất ngôn trữ tình, giàu nhạc điệu chứa đựng những lời khuyên răn, khích lệ, những kinh nghiệm về đối nhân xử thế. Để có những giai điệu then trong trẻo, ấm áp thì cây đàn tính, còn gọi là tính tẩu, là một yếu tố đặc biệt quan trọng. Xưa kia cây đàn tính được đồng bào Tày chế tác từ quả bầu và gỗ lấy từ rừng, gồm ba bộ phận chính là bầu vang, cần đàn và dây đàn. Cây tính tẩu cổ có 12 dây, nhưng hiện nay thường được chế tác thành 2 hoặc 3 dây…
Bà Dương Thị Nga, thành viên CLB Hát then xã Ea Ly, cho biết: “Khi tham gia CLB, được sự tận tình truyền dạy các kiến thức, kinh nghiệm về hát then, đàn tính của chị Hỷ, bây giờ tôi đã biết luyến láy đúng nhịp. Ở đây, mọi thành viên như được lời then gắn kết, gần gũi với nhau, giúp tôi vơi bớt nỗi nhớ quê nhà Lạng Sơn. Biết được việc này nên gia đình, chồng con luôn tạo điều kiện tốt nhất để chúng tôi tham gia sinh hoạt CLB”.
Trao truyền và gìn giữ
Theo bà Lương Thị Nhẫn, một thành viên của CLB, hát then là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố: múa, hát, trình diễn nhạc cụ dân tộc, được hòa quyện thành giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc. Mỗi lễ cúng lại có một bài hát then, điệu đàn riêng, nên việc học để thành thạo hát then, đàn tính là điều không dễ. Hiện nay, số người biết, nắm rõ và biểu diễn được loại hình này rất ít. Để lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc, các thành viên trong CLB, nhất là bà Hỷ luôn ra sức sưu tầm và truyền dạy cho con cháu. “Ngày xưa, hát then chủ yếu dùng vào việc cúng bái để giao tiếp với thần linh. Còn ngày nay, ngoài những làn điệu then cổ, nhiều bài then mới cải biên phù hợp với cuộc sống hiện đại ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, xây dựng nông thôn mới…, được hát bằng cả tiếng Tày và tiếng Kinh nên việc truyền dạy cũng trở nên dễ dàng hơn”, bà Nhẫn cho hay.
Tuy nhiên, thời kỳ hội nhập, giới trẻ tiếp cận với nhiều loại hình văn hóa mới, không biết nhiều đến hát then, đàn tính nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc truyền dạy. Ý thức được điều này, bà Lương Thị Hỷ càng nỗ lực hướng dẫn kỹ thuật đánh đàn tính, các bài múa then cho các thành viên và những người có mong muốn theo học. Đến với vùng đất mới thì việc lưu giữ hát then, đàn tính càng không thể từ bỏ và bà thường xuyên động viên thế hệ trẻ cố gắng giữ gìn. Từ ngày thành lập, CLB Hát then xã Ea Ly đã tham gia nhiều hội diễn nghệ thuật quần chúng, góp phần lan tỏa đến đông đảo người dân và nuôi dưỡng tình yêu hát then trong cộng đồng người Tày - Nùng trên địa bàn huyện Sông Hinh. Bên cạnh đó, CLB thường xuyên được mời tham dự các hoạt động giao lưu tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk…
“Từ tình yêu đối với hát then, đàn tính nên khi tham gia CLB, mọi chi phí trang phục, đi lại, các thành viên đều chủ động thực hiện. Việc tập luyện thường xuyên, với những làn điệu then mang đậm hơi thở cuộc sống đã tạo sân chơi tinh thần cho người dân trong thôn, xóm. Vậy nên cứ đúng giờ tập, không chỉ thành viên CLB mà người dân, trẻ em trong thôn cũng đến tham gia, thưởng thức. Chúng tôi rất vui vì qua gần 10 năm duy trì và phát triển, nhiều thế hệ người dân tộc Tày, Nùng đã lưu truyền, gìn giữ hát then, đàn tính”, bà Lương Thị Hỷ tâm sự.
Theo Chủ tịch UBND xã Ea Ly Nguyễn Thị Minh Sương, xã Ea Ly có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, đa phần là dân tộc Tày, Nùng di cư từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn vào làm kinh tế mới. CLB Hát then xã Ea Ly được thành lập đã tạo nên sự kết nối, giúp họ có cơ hội giao lưu, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, làm phong phú nền văn hóa của địa phương. Trong đó, vai trò của bà Lương Thị Hỷ rất lớn, không chỉ là người trực tiếp trình diễn mà bà còn tích cực tham gia truyền dạy các bài then giúp thế hệ trẻ hiểu rõ và tự hào về giá trị của loại hình nghệ thuật này, từ đó cùng chung sức gìn giữ, bảo tồn. Chính quyền xã cũng rất quan tâm và tạo điều kiện cho CLB hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích.
Ông Phan Ngọc Cường, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình huyện Sông Hinh cho biết: “Giữa cuộc sống hiện đại, với nhiều dòng nhạc và nhạc cụ được du nhập mạnh mẽ, những người như bà Lương Thị Hỷ nói riêng và cộng đồng người Tày, Nùng ở xã Ea Ly nói chung, đang góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc, nhất là việc lưu giữ những làn điệu hát then với cây đàn tính trên vùng quê mới. Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền và cùng chung tay với xã Ea Ly duy trì, nhân rộng, để hát hhen, đàn tính đến được với nhiều người hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ”.
PHẠM THÙY