Đình Phước Khánh (thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) là một trong những ngôi đình được xây dựng lâu đời ở vùng đồng bằng Tuy Hòa. Không chỉ gắn với lịch sử khai phá, lập làng tại vùng đất mới của người Việt, đình Phước Khánh còn là điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương, nơi lưu giữ nét văn hóa làng quê từ bao đời nay.
Không gian kiến trúc đậm chất làng quê
Đình làng Phước Khánh được xây dựng với không gian kiến trúc truyền thống, dựa theo thế phong thủy: tiền diện đình quay về hướng nam, có cánh đồng trải rộng trước mặt làm minh đường. Đình được xây dựng trên cuộc đất cao ráo phong quang, có khuôn viên rộng rãi với diện tích 1.517,6m2. Đình được đặt trong khuôn viên, bao bọc bởi bờ la thành thấp, bao gồm cổng đình, sân đình, án phong, đình chính, nhà đông, nhà tây. Trước mặt tiền của đình có câu đối:
Phước bổn vinh quang hình đất tốt
Khánh hưng hậu tẩm mắt thần soi.
Đông phương dục tú sinh vương thánh
Tây nhựt càn khôn tướng xuất thần.
Đình Phước Khánh được xây dựng năm Minh Mạng nguyên niên (1820) với kiến trúc ban đầu là tranh tre và những cây cột gỗ lớn, gian giữa thờ thần, hai bên thờ tiền hiền và hậu hiền. Năm 1947, quân Pháp đổ bộ phía bắc TX Tuy Hòa tràn lên đốt phá đình, sắc phong phải chuyển cất giấu ở chùa. Năm 1966, đình được tái lập trên nền cũ bằng nhà ngói ba gian. Gian giữa thờ thần Thành hoàng và hai bên thờ tả ban, hữu ban. Gian nhà phía tây thờ tiền hiền và hậu hiền của làng, gian nhà đông chứa tự khí. Sau năm 1975, có thời gian đình không hương khói nên xuống cấp. Gần đây, đình được tu sửa, quét vôi sơn lại mới và cúng tế vào các ngày rằm, mùng 1 hàng tháng do ban quản lý đình thực hiện.
Ở cổng đình có cây dông cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Trong tâm thức của cư dân địa phương, cây ở đình làng rất linh thiêng. Trải qua thời gian, cây dông vẫn sừng sững tràn đầy nhựa sống, tỏa bóng mát, là nơi dừng chân nghỉ ngơi vào mỗi buổi trưa nắng oi ả cho những người dân đi qua đây.
Nơi cố kết cộng đồng
Các sắc phong cổ quý hiếm luôn được ông Nguyễn Văn Thúc - người trông coi đình Phước Khánh giữ gìn cẩn thận. Ảnh: THÚY HẰNG |
Đình Phước Khánh là ngôi nhà chung của cộng đồng dân cư địa phương. Đây là thiết chế văn hóa tín ngưỡng của làng. Đình Phước Khánh trước đây có ba chức năng chính: Chức năng hành chính, chức năng tín ngưỡng và chức năng văn hóa. Đình là nơi họp bàn việc làng, từ việc lớn đến việc nhỏ như xử kiện, phạt vạ, sản xuất nông nghiệp, thủy lợi... Đình là nơi thờ Thành hoàng làng (thần của làng), các vị thần linh bảo hộ làng và là nơi thờ cúng tiền hiền, hậu hiền; là nơi tổ chức các lễ hội, các trò chơi dân gian nhân ngày tết Nguyên đán, hoặc các ngày lễ quan trọng theo phong tục của làng.
Ngày nay, đình Phước Khánh với các chức năng văn hóa, tín ngưỡng vẫn được bảo tồn gìn giữ. Ban quản lý đình chọn ngày 16 tháng Giêng làm ngày tế xuân kỳ để tập hợp Nhân dân ôn lại truyền thống tốt đẹp của làng. Trong trang phục áo dài khăn đóng, họ tiến hành các nghi thức cúng bái một cách trang nghiêm. Lễ tế nhằm thể hiện lòng tri ân của dân làng đối với các bậc tiền nhân đã có công lập làng và nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu... Ban quản lý đình hướng đến việc bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp ở làng như tinh thần đoàn kết, đùm bọc thương yêu nhau trong cộng đồng; hướng con người quay về nguồn cội tổ tiên để tự hào và làm những điều tốt đẹp cho xã hội. Trong dịp tế đình, dân làng tề tựu tại đình để cúng bái tri ân tổ tiên, gặp gỡ bà con xóm giềng, trao đổi kinh nghiệm sản xuất.
Lưu giữ các đạo sắc phong cổ quý hiếm
Đình Phước Khánh nằm giữa cánh đồng xanh ngát, những ai đến đây đều đón nhận cảm giác yên bình chốn làng quê. Hiện đình làng Phước Khánh vẫn còn nét cổ kính, lưu giữ bản sao các đạo sắc phong Thành hoàng, thần Bạch Mã và Thiên Y A Na có từ thời nhà Nguyễn. Cả ba đạo sắc đều có niên đại ban phong vào ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852) cho thôn Tây Hậu khi đó bao gồm Phước Khánh và Quy Hậu, đến sau năm 1852 mới tách ra làm 2 thôn Phước Khánh và Quy Hậu ngày nay. Sắc phong cho Thành hoàng của làng có nội dung: “Sắc cho Tây Hậu Thành hoàng chi thần vốn được phong tặng Bảo an Chính trực Hựu thiện chi thần, bảo vệ cho nước che chở cho dân, linh ứng lâu năm. Nay trẫm cả vâng mệnh lớn, nghĩ đến ơn đức của thần, tặng thêm mỹ tự là Bảo an Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng chi thần. Vẫn chuẩn cho xã Tây Hậu, huyện Tuy Hòa phụng thờ như cũ. Thần hãy che chở trợ giúp dân ta”.
Sắc phong thần Bạch Mã với các mỹ tự là Dương uy Ngự vũ Bảo chướng Kiện thuận Hòa nhu Thượng Đẳng thần vì có công bảo vệ đất nước phò hộ Nhân dân với sự linh ứng, cụ thể “Sắc phong cho thần Bạch Mã, trước đây đã phong tặng Dương uy Ngự vũ Bảo chướng Kiện thuận Hòa nhu Thượng Đẳng thần, thần đã che chở đất nước, bảo vệ muôn dân rất linh ứng. Nay trẫm vâng mệnh sáng tưởng nhớ đến công ơn của thần nên tặng thêm Dương uy Ngự vũ Bảo chướng Kiện thuận Hòa nhu Hàm quang Thượng Đẳng thần. Giao cho xã Tây Hậu, huyện Tuy Hòa phụng thờ như cũ để thần tiếp tục hiển linh trợ giúp muôn dân”.
Nội dung sắc phong thần Thiên Y A Na với các mỹ tự là Hoằng huệ Phổ tế Linh cảm Diệu thông Mặc tướng Thượng Đẳng thần: “Sắc phong cho thần Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi, trước đây đã phong tặng Hoằng huệ Phổ tế Linh cảm Diệu thông Mặc tướng Thượng Đẳng thần, thần đã che chở đất nước, bảo vệ muôn dân rất linh ứng. Nay trẫm vâng mệnh sáng tưởng nhớ đến công ơn của thần nên tặng thêm Hoằng huệ Phổ tế Linh cảm Diệu thông Mặc tướng Trang huy Thượng Đẳng thần. Giao cho xã Tây Hậu, huyện Tuy Hòa phụng thờ như cũ để thần tiếp tục hiển linh trợ giúp muôn dân”.
Đình Phước Khánh là công trình tín ngưỡng mang tính cố kết cộng đồng, gắn liền với lịch sử khai phá lập làng của các bậc tiền hiền, hậu hiền ở vùng đất xã Hòa Trị; là nơi lưu giữ các sắc phong của triều Nguyễn có giá trị. Chính vì vậy, đình Phước Khánh cần được bảo tồn và phát huy những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật để phục vụ Nhân dân địa phương cũng như khách tham quan du lịch.
TS ĐÀO NHẬT KIM