Thứ Bảy, 18/05/2024 03:33 SA
Lấp lánh tình yêu văn chương nơi nhà toán học trẻ Phan Thành Nam
Thứ Tư, 25/01/2023 14:00 CH

Cách đây 2 năm, GS Phan Thành Nam – nhà toán học 35 tuổi, đang giảng dạy tại Đại học Ludwig Maximilian (Munich, Đức) là người Việt Nam đầu tiên được giải thưởng EMS của Hội Toán học châu Âu. Cuối năm 2022, GS Phan Thành Nam cùng gia đình nhỏ của mình có chuyến về quê hương theo lời mời của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán. Nhà toán học trẻ đã có nhiều buổi nói chuyện, hội thảo ở các trường tại Phú Yên và đại học dọc dài đất nước, truyền cảm hứng về tình yêu Toán học, văn chương…

 

Đồng chí Phạm Đại Dương (phải), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh trong buổi gặp mặt (ngày 8/9/2022), tặng món quà lưu niệm cho GS Phan Thành Nam. Ảnh: PHƯỢNG HOÀNG

 

Với GS Phan Thành Nam, dù theo đuổi nghiệp Toán, nhưng người con của “hóc núi Chóp Chài”, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, xem văn chương như một tình yêu tinh khôi, lấp lánh và có những góc nhìn thú vị về sự liên hệ giữa văn chương và toán học.

 

Bài thơ dự cảm cuộc đời

 

Năm học lớp 11 (2001-2002), GS Phan Thành Nam có một bài thơ Thầy và trò, để tặng thầy nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, rất xúc động. Không ngờ đó lại là những dự cảm cho con đường của mình sau này: “… Chiều thu tím lòng trò cũng tím/ Nhìn bóng thầy nghiêng cả không gian/ Đường Toán học tựa đường đời muôn hướng/ Vọng lời thầy đừng ngại những gian nan…”.

 

Có lẽ các nhà thơ thường thấy cuộc đời chật chội nên thỉnh thoảng cần rượu để có cảm giác lâng lâng như sống thêm một chiều không gian khác, còn các nhà toán học vốn đã thường xuyên sống trong không gian nhiều chiều, thậm chí vô hạn chiều, nên cần sự tỉnh táo để giảm thiểu số chiều.

Dù khó khăn được báo trước, nhưng niềm khát khao, đam mê và tình yêu sẽ giúp ta vượt qua thác ghềnh. “… Thầy dạy rằng học toán là gian khó/ Bởi khát khao chẳng thể có bờ/ Như con thuyền đi trên dòng nước ngược/ Vượt thác ghềnh mới tới bể thơ”.

 

Trở về Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, GS Phan Thành Nam như “nai về suối cũ” trong sự chào đón ấm áp của thầy cô giáo và lứa học sinh đàn em. Theo anh, toán học hay bất cứ môn nào, người học cần thấy cái đẹp từ trong bản chất. Sự học không phải vì một kỳ thi, để cha mẹ vui lòng mà học cho chính cuộc sống và niềm đam mê của mình. “Tôi thấy toán rất đẹp nên đam mê. Khi đam mê thì tôi cố gắng học nhiều hơn. Học nhiều hơn lại giỏi hơn và thấy đẹp hơn. Thành một cái vòng. Câu hỏi là làm sao để nhảy vào cái vòng đó?”, GS Phan Thành Nam chia sẻ.

 

“Cách cân bằng của tôi là ngoài giờ học, mình cố gắng chơi một số môn thể thao, đọc sách... Với dân toán, điều này càng cần, bởi học toán là “khô, khó, khổ, khùng”, nên mình phải đọc văn, thơ, nghe nhạc để thư giãn, cân bằng. Điều này giúp ích rất nhiều cho việc học toán”, GS Nam nói thêm.

 

Khi nhà toán học phân tích, bình thơ

 

Trong biển học mênh mông, văn chương như nơi chốn trở về, an trú tinh thần. Cảm hứng từ chuyến trở về này, GS Phan Thành Nam nhìn ra mối quan hệ giữa văn chương với toán học thật thú vị, một góc nhìn hoàn toàn mới mẻ. Đó là nghệ thuật đối xứng, đối ngẫu và chuyển pha văn học trong mối liên hệ với toán và cả vật lý.

 

 

GS Phan Thành Nam bắt đầu bởi những câu trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”. Ở đây mang đậm yếu tố đối xứng, đối ngẫu qua lối văn biền ngẫu một cách tinh tế.

 

Hay Truyện Kiều của Nguyễn Du:

 

Người về chiếc bóng năm canh

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi

Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.

 

Đây là những câu thơ nói về cảnh chia ly mang đầy màu sắc toán học với 6 con số cặp đối nhau: chiếc - năm, muôn - một, đôi - nửa. Trong hai câu đầu, Nguyễn Du diễn tả nỗi cô đơn của người về và kẻ đi bằng phương pháp đối xứng khi đặt cái lẻ loi trong thời gian chiếc bóng năm canh song song với cái lẻ loi trong không gian muôn dặm một mình. Sau đó, ông đẩy nỗi cô đơn lên một tầm cao mới bằng cách chuyển pha: từmột vầng trăng chung trong thực tại - vầng trăng duy nhất vừa in gối chiếc vừa soi dặm trường, giờ bỗng hóa thành hai nửa vầng trăng riêng trong tâm thức - một ở lại nơi khuê phòng nhớ thương một đi xa ngàn dặm.

 

Trong thơ hiện đại thế kỷ XX, thơ Nguyễn Bính cũng có sự đối xứng tinh tế.

 

Tôi đi mãi mãi vào sơn cước

Em vuốt tua rèm cửa vọng lâu

Lá úa kinh thành rơi ngập đất

Lòng vàng hỏi vẫn nhớ thương nhau?

(Một trời quan tái)

 

Hai câu đầu, Nguyễn Bính dùng phép đối xứng để nói về kẻ đi và người ở, nhưng không nói kiểu tương hỗ như trong Truyện Kiều, mà nhấn mạnh tính tương phản giữa động và tĩnh, giữa dài và ngắn, giữa ngang và dọc, giữa hoang sơ và trau chuốt. Điều này tạo nên một khoảng cách nhất định giữa hai nhân vật. Để rồi trong hai câu sau, ông xóa nhòa khoảng cách này bằng cách phát triển nghệ thuật đối ngẫu tâm - cảnh: một không gian vàng rộng lớn với lá úa kinh thành rơi ngập đất được chuyển hóa thành một không gian vàng bé nhỏ trong tâm thức: lòng vàng hỏi vẫn nhớ thương nhau?

 

Đỉnh cao của Một trời quan tái là 4 câu kết rất hiện đại:

 

Chiều nay... thương nhớ nhất chiều nay

Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy

Tôi uống cả em và uống cả

Một trời quan tái, mấy cho say!

 

Ở đây, Nguyễn Bính đã vượt qua nghệ thuật của tiền nhân, khi ông dùng phép đối ngẫu không chỉ cho cảnh (một trời quan tái) mà còn cho người (bóng em), thu nhỏ cả hai vào trong một cốc rượu. Song hành với đó là phép chuyển pha tinh tế: đồng hóa cả cảnh và người với rượu, để rồi một ly uống cạn, biến tất cả thành thương nhớ vô bờ.

 

“Đọc thơ Nguyễn Bính, bất chợt tôi nghĩ: thi sĩ là người chuyển rượu thành thơ, còn các nhà toán học thì biến cà phê thành định lý (Alfréd Rényi nói về Paul Erdős). Có lẽ các nhà thơ thường thấy cuộc đời chật chội nên thỉnh thoảng cần rượu để có cảm giác lâng lâng như sống thêm một chiều không gian khác, còn các nhà toán học vốn đã thường xuyên sống trong không gian nhiều chiều, thậm chí vô hạn chiều, nên cần sự tỉnh táo để giảm thiểu số chiều”, GS Nam chiêm nghiệm.

 

GS Phan Thành Nam trao đổi kỹ năng học tập với các em học sinh Trường phổ thông Duy Tân. Ảnh: MINH KÝ

 

Cách liên hệ, phân tích thật mới mẻ và thú vị!

 

Và rồi nhà toán học Phan Thành Nam khái quát quy luật cái đẹp trong cuộc đời: “Mỗi thứ tồn tại trên đời là bởi nó tối ưu hóa một điều gì đó. Trong thơ, có lẽ các thi sĩ đều muốn tối ưu con đường từ trái tim tới trái tim. Con người, kỳ lạ thay, từ mặt mũi tay chân đều vô cùng đối xứng, nhưng trái tim luôn chỉ nằm bên ngực trái. Vậy nên có lẽ sự đối xứng giải thích được cái đẹp bên ngoài, nhưng sự bất đối xứng mới chạm được cái đẹp sâu thẳm bên trong”.

 

Với GS Phan Thành Nam, tôi có cảm giác thật thân tình, gần gũi, không hề khô khan, bởi trong tâm hồn nhà toán học trẻ được tưới đẫm văn chương, tạo nên một tính cách, một tâm hồn, thẩm thấu từ trong mẹ cha, dòng tộc và quê hương mộc mạc. GS Phan Thành Nam như một con “phượng hoàng toán học yêu văn chương”. Dưới bóng cây ngô đồng bên hiên nhà đơn sơ dưới chân núi Chóp Chài, con phượng hoàng ấy đã bay trên bầu trời quê hương và vươn ra thế giới!

 

QUỲNH MAI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek