Nằm cách TP Tuy Hòa gần 7km về hướng tây, đình Quy Hậu (tọa lạc ở thôn Quy Hậu, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) là một di tích lịch sử - văn hóa có giá trị trên vùng tả ngạn sông Đà Rằng. Đây là công trình kiến trúc được xây dựng trong quá trình khai hoang lập làng của cư dân địa phương.
Quá trình khai hoang lập làng, dựng đình
Làng Quy Hậu trong thời kỳ Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh đưa dân vào mở đất khai khẩn là một vùng hoang hóa với nhiều cây dại mọc như xương rồng, cà dược, quýt, bồn bồn… Khi lưu dân người Việt vào khai phá thì nơi này được gọi là xứ Xương Rồng, về sau dân cư tụ họp lập làng đặt tên là Tây Hậu. Tây Hậu là một trong bốn làng hình thành sớm nhất của xã Hòa Trị ngày nay, đó là Phụng Các, Vĩnh Khánh, Tây Hậu, Phụng Nguyên. Đến sau năm 1852, Tây Hậu đổi tên là Quy Hậu và tên gọi đó duy trì cho đến nay.
Sau khi lập làng, Nhân dân đóng góp công sức xây dựng ngôi đình bằng tranh tre mái lá làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng. Đình có quy mô không lớn, mặt quay về hướng nam nhìn ra cánh đồng Ao Vũ. Đến năm 1910, dưới thời lý trưởng Hà Sanh, đình được trùng tu và mở rộng với quy mô lớn hơn do 4 họ là Nguyễn, Hà, Phạm, Ngô cùng Nhân dân trong làng góp sức. Đình lợp mái tranh, hệ thống kèo cột được chạm trỗ rồng, phụng, hoa, lá rất sắc sảo với 2 gian nhà tiền - hậu liền nhau. Hàng năm tiến hành tế xuân vào tháng Giêng và có tổ chức hát bội nhân dịp rước sắc thần từ lẫm về đình. Năm 1947, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, đình Quy Hậu bị phá dỡ, cây gỗ về sau được dùng xây trường học, các sắc thần đưa tạm về thờ phụng tại nhà thờ họ Phạm. Đến năm 1956, đình được tái lập từ nguồn hoa lợi 24 mẫu ruộng của bà con trong làng đóng góp. Sau năm 1975 trong một thời gian dài, đình Quy Hậu không tổ chức việc thờ cúng và không người trông coi nên hư sập và một lần nữa, sắc thần lại đưa về nhà thờ họ Phạm.
Năm 2004, theo nguyện vọng của Nhân dân, đình được xây dựng lại ở vị trí mới nằm ở trung tâm của làng. Lần trùng tu này, đình được xây dựng bằng vật liệu hiện đại: tường gạch, mái ngói, sàn xi măng rất chắc chắn. Đình có kiến trúc một gian, trong nội điện lập khám thờ thần Bạch Mã, Thiên Y A Na, Tiền hiền và Hậu hiền của làng, hai bên thờ tả ban, hữu ban. 9 sắc phong của các triều vua Nguyễn được đưa về đình thờ phụng. Hàng năm vào ngày 16 tháng Giêng, Nhân dân trong làng góp kinh phí tổ chức tế xuân, cầu cho quốc thái dân an và hạnh phúc, may mắn đến với mọi nhà. Đây cũng là dịp Nhân dân tụ họp ôn lại truyền thống tốt đẹp của làng, qua đó thắt chặt tình làng nghĩa xóm, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Sắc hợp phong thần Thành Hoàng và Bạch Mã năm Đồng Khánh thứ hai (1886) cho làng Quy Hậu. Ảnh: NHẬT KIM |
Bảo tồn các đạo sắc phong Hán Nôm cổ
Hiện nay, di sản quý giá nhất mà cư dân làng Quy Hậu gìn giữ qua bao thăng trầm của lịch sử còn thờ phụng tại đình là 9 sắc thần do các vua Nguyễn ban cấp, từ thời Tự Đức thứ 5 (1852) đến Duy Tân thứ ba (1909) phong tặng cho các vị thần được thờ phụng tại làng như: Thành Hoàng, Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi và thần Bạch Mã. Những sắc thần này được làm bằng giấy bản mịn, màu vàng sẫm hình chữ nhật có kích thước 130cm x 50cm. Cả hai mặt đều được trang trí hoa văn: mặt trước là hoa văn long ẩn vân, các đường diềm xung quanh sắc được nối ghép hồi văn chữ vạn, được phủ màu ánh bạc; bên phải sắc là nội dung sắc phong viết bằng chữ Hán ghi quan tước, chức hàm, danh hiệu ban tặng cho vị thần; bên trái có dòng lạc khoản và có dấu sắc mệnh chi bảo; mặt sau của sắc trang trí tứ linh (long, ly, quy, phụng) - là những con vật linh thiêng trong đời sống của người dân vào các thế kỷ trước. Nghiên cứu nội dung các sắc thần sẽ giúp cho việc tìm hiểu tín ngưỡng, phong tục, tập quán, địa danh làng Quy Hậu và vùng đất hai bờ lưu vực sông Đà Diễn xưa.
Đạo sắc phong có niên đại sớm nhất là năm Tự Đức thứ năm vào ngày 29/11/1852 phong cho Thành Hoàng của làng, có nội dung: “Sắc cho Tây Hậu Thành Hoàng chi thần vốn được phong tặng Bảo an Chính trực Hựu thiện chi thần, bảo vệ cho nước che chở cho dân, linh ứng lâu năm. Nay trẫm cả vâng mệnh lớn, nghĩ đến ơn đức của thần, tặng thêm mỹ tự là Bảo an Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng chi thần. Vẫn chuẩn cho xã Tây Hậu, huyện Tuy Hòa phụng thờ như cũ. Thần hãy che chở trợ giúp dân ta”.
Đạo sắc phong có niên đại muộn nhất là năm Duy Tân thứ ba vào ngày 11/8/1909 là sắc hợp phong thần Bạch Mã và Thành Hoàng mỹ hiệu Dương oai Ngự vũ Bảo chướng Kiến thuận Hòa nhu Hàm quang Dực bảo Trung hưng Bạch Mã Thượng đẳng thần; Bảo an Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng Thành Hoàng chi thần. Nội dung sắc phong: “Sắc cho xã Quy Hậu, phủ Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, trước đây phụng thờ: Dương oai Ngự vũ Bảo chướng Kiến thuận Hòa nhu Hàm quang Dực bảo Trung hưng Bạch Mã Thượng đẳng thần; Bảo an Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng Thành Hoàng chi thần, đã được ban cấp sắc phong chuẩn cho phụng thờ. Duy Tân năm thứ nhất, đại lễ đăng quang, đã ban bảo chiếu ra ân rộng rãi, lễ lớn nên gia tăng cấp bậc. Đặc biệt chuẩn cho phụng thờ như cũ, dùng để ghi nhớ ngày mừng của nước mà tỏ rõ phép tắc thờ tự”.
Cũng như các ngôi đình khác ở Phú Yên, đình Quy Hậu là biểu tượng truyền thống cố kết của cộng đồng cư dân xã Hòa Trị xưa. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đình Quy Hậu là nơi đoàn kết, gia tăng tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ san sẻ nhau trong cuộc sống. Việc bảo tồn các đạo sắc phong Hán Nôm cổ có giá trị tại đình làng Quy Hậu của các tầng lớp cư dân qua bao đời chính là góp phần bảo vệ di sản văn hóa, truyền thống của dân tộc.
TS ĐÀO NHẬT KIM