Thứ Bảy, 05/10/2024 13:28 CH
Đổi thay trên quê hương An Thọ
Chủ Nhật, 27/11/2022 14:00 CH

Đường làng An Thọ hôm nay. Ảnh: HOÀI SƠN

An Thọ là xã miền núi, nằm về phía nam huyện Tuy An. Từ một vùng đất hoang sơ, địa hình núi non hiểm trở và dân cư thưa thớt, đến nay xã An Thọ đã thay da đổi thịt, chuyển mình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

 

Những trang sử hào hùng

 

An Thọ là địa bàn cư trú lâu đời của cộng đồng các dân tộc: Kinh, Chăm, Hoa, Ba Na, Ê Đê… Quá trình lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống trên quê hương An Thọ đã tạo một nền tảng về tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng các dân tộc anh em. Địa bàn An Thọ trước đây đã từng là căn cứ địa của nhiều phong trào yêu nước, đấu tranh cách mạng, chống ngoại xâm diễn ra cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Núi Hòn Chuông, Hố Bà Mười từ lâu đã trở thành những địa danh ghi đậm dấu ấn lịch sử. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân An Thọ đã hăng hái đứng lên cùng Nhân dân toàn tỉnh và cả nước lật đổ chế độ phong kiến, đập tan xiềng xích thống trị tàn bạo của thực dân, phát xít, giành chính quyền về tay Nhân dân.

 

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ và Nhân dân An Thọ đã đóng góp sức người, của cải vật chất cho cách mạng; tích cực hưởng ứng phong trào Tuần lễ đồng, Tuần lễ vàng, quyên góp ủng hộ Chính phủ xây dựng bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Lớp lớp thanh niên trong xã nô nức lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia chiến đấu. Ở hậu phương, Nhân dân triệt để tiêu thổ kháng chiến thực hiện “vườn không, nhà trống”, xây dựng làng xóm thành chiến lũy để ngăn chặn các cuộc hành quân, càn quét của giặc Pháp.

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), An Thọ luôn là trọng điểm đánh phá của địch, bom đạn cày nát từng thửa ruộng, mảnh vườn, nhà cửa của Nhân dân bị địch chà đi đốt lại không biết bao nhiêu lần. Nhiều người dân vô tội bị tàn sát, giết hại; làng xóm bị dồn thành ấp chiến lược, cán bộ và đảng viên bị địch khủng bố, truy lùng gắt gao; nhiều thôn bị biến thành vùng trắng, đẩy cách mạng vào tình thế vô cùng khó khăn. Đau thương, mất mát là vậy nhưng Nhân dân An Thọ vẫn một lòng kiên trung theo Đảng, kiên cường bám đất giữ làng, đưa phong trào cách mạng từng bước phát triển và lớn mạnh, góp phần cùng Nhân dân cả nước làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

 

Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc, xã An Thọ có 40 liệt sĩ, 6 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cùng nhiều thương binh, tù chính trị bị giặc bắt bớ tù đày, tra tấn dã man, để lại nhiều di chứng nặng nề về sức khỏe và tinh thần. Đây là những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần yêu nước và truyền thống quật cường của Nhân dân xã An Thọ trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

 

Một góc làng quê An Thọ. Ảnh: HOÀI SƠN

 

Khởi sắc từng ngày

 

Sự hy sinh oanh liệt của các thế hệ cha anh là minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần vươn lên của người dân An Thọ trên chặng đường xây dựng và phát triển. Tiếp nối truyền thống đó, giờ đây các thế hệ trẻ luôn cố gắng phấn đấu, hăng say lao động, học tập, sản xuất, công tác để xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp.

 

An Thọ hôm nay đã có nhiều đổi thay, khởi sắc, tất cả các dân tộc anh em chung sống hòa thuận, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng nông thôn mới. Hiện toàn xã có 914 hộ với 2.773 nhân khẩu. Là một xã kinh tế nông - lâm nghiệp chiếm vai trò chủ đạo, phần lớn người dân An Thọ sống bằng nghề nông - lâm nghiệp, số còn lại buôn bán nhỏ và làm các dịch vụ, ngành nghề khác. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Nông - lâm nghiệp phát triển khá, bảo đảm kinh tế cho xã. Cơ cấu giống cây trồng vật nuôi có sự chuyển dịch, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất nông - lâm nghiệp.

 

Ông Trình Hữu Tâm, Chủ tịch UBND xã An Thọ cho biết: Tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn xã (năm 2021) đạt 254,9 tỉ đồng. Về cơ sở hạ tầng, trên địa bàn xã, hệ thống giao thông ngày càng phát triển, các trục giao thông chính liên thôn, liên xã được nâng cấp mở rộng, bê tông hóa, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ đi lại và sản xuất, kinh doanh của người dân. Hệ thống điện lưới quốc gia đã phủ khắp địa bàn xã, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân và sản xuất kinh doanh của các loại hình dịch vụ, hộ kinh doanh. Hệ thống chiếu sáng công cộng bảo đảm trên các trục giao thông liên xã, liên thôn, các cụm điểm dân cư tập trung tại trung tâm xã và các thôn, các nhà văn hóa, hội họp, sinh hoạt.

 

Theo UBND xã An Thọ, địa phương quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo và sự nghiệp văn hóa. Tỉ lệ lên lớp các bậc học đạt từ 98%. Giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2 và phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Hàng năm, tỉ lệ bình xét gia đình văn hóa đạt từ 97,9%, thôn văn hóa đạt 100%. Xã An Thọ luôn quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng; quan tâm giúp đỡ những đối tượng như người nghèo, hộ nghèo, người tàn tật, người gặp tai nạn rủi ro, bệnh hiểm nghèo. Địa phương thực hiện tốt chủ trương xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn... Hộ nghèo năm 2015 là 188 hộ, chiếm tỉ lệ 22%; đến năm 2021 còn 95 hộ, chiếm 9,48%, giảm 12,53%, đạt 120% so với kế hoạch đề ra. Thu nhập bình quân đầu năm 2021 đạt 41/40 triệu đồng/người/năm, đạt 102% so với kế hoạch. Tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn xã là 254,9/250 tỉ đồng, so với nghị quyết đạt 102%.

 

Điểm sáng ở An Thọ là khơi dậy sức dân trong xây dựng đường giao thông nông thôn. Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã phấn khởi nói: Thực hiện Nghị quyết 60 của HĐND tỉnh về chủ trương đầu tư chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn các xã thuộc khu vực miền núi tỉnh Phú Yên giai đoạn 2017-2020, xã An Thọ đã làm được 44 tuyến đường, với tổng chiều dài hơn 40km. Tổng kinh phí hơn 9,7 tỉ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp trên 3 tỉ đồng.

 

Năm 2018, An Thọ được công nhận xã đạt chuẩn quốc gia xây dựng nông thôn mới với 19/19 tiêu chí. Ông Lê Văn Nam, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Quan điểm của xã An Thọ đối với chương trình xây dựng nông thôn mới là: Dân biết, dân bàn, dân hưởng lợi. Người dân là chủ thể của chương trình nên các nội dung về xây dựng nông thôn mới phải có sự tham gia bàn bạc, thảo luận đóng góp của người dân”.

 

Nhờ thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo An Thọ đã khởi sắc từng ngày. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng toàn thể người dân An Thọ quyết tâm phát huy truyền thống hào hùng của mảnh đất từng là vùng căn cứ cách mạng và hậu phương trong 2 cuộc kháng chiến để xây dựng An Thọ sớm đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

 

NGUYỄN HOÀI SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bình Kiến kiên trung
Thứ Sáu, 11/11/2022 15:00 CH
Địa danh chợ xưa trong ca dao Phú Yên
Chủ Nhật, 30/10/2022 08:00 SA
Làng cát Hòa Hiệp
Thứ Sáu, 28/10/2022 09:29 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek