Đã gần 6 thập kỷ trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc lại kỳ tích mở bến Vũng Rô tiếp nhận hàng trăm tấn vũ khí hàng hóa từ tàu Không số, những người lính bảo vệ bến năm nào vẫn còn nhớ như in. Trong chiến công đặc biệt này có sự đóng góp không nhỏ của Đại đội K60, Phân khu Nam.
“Giữa năm 1964, Tỉnh ủy Phú Yên nhận được điện chỉ thị của trung ương giao nhiệm vụ chuẩn bị chọn bến bãi để tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chi viện cho 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Đắk Lắk bằng đường biển”, đại tá, Anh hùng LLVT Nhân dân Đặng Phi Thưởng, nguyên chiến sĩ Đại đội K60 nhớ lại.
Bảo vệ bến và tham gia vận chuyển vũ khí
Tháng 7/1964, tại Suối Phẩn, xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa 1 (nay là Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa), Ban Thường vụ Liên tỉnh ủy III và Phân khu Nam tổ chức hội nghị liên tịch về việc chọn địa điểm mở bến tiếp nhận tàu chở vũ khí bằng đường biển. Qua phân tích tình hình, các đại biểu đã thống nhất chọn Vũng Rô, theo đề xuất của đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên lúc bấy giờ.
Để xây dựng lực lượng bảo vệ bến, Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam (mật danh Cậu Vũ) tăng cường một số cán bộ theo tàu Không số từ miền Bắc vào bổ sung xây dựng lực lượng bến, gồm các đồng chí: Nguyễn Bá Võ (quê Bình Định), Lê Đình Kiến, Dương Kính, Hồ Thanh Bình (quê Quảng Nam) và Nguyễn Ngọc Cảnh (quê Phú Yên).
Được sự chỉ đạo của đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng bến, nhiệm vụ của đoàn cán bộ tăng cường là cùng với Trung đội tập trung Miền Đông của huyện Tuy Hòa 1 xây dựng khung, phối hợp với địa phương giáo dục, vận động thanh niên xây dựng hoàn chỉnh Đại đội K60. Đại đội được giao nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bến Vũng Rô, bảo vệ hàng. “Nhân ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12/1964, tôi cùng hơn 100 anh em của Đội du kích B và thanh niên ở các thôn Phú Lạc, Đa Ngư, Thọ Lâm, Lò Ba của xã Hòa Hiệp nhập ngũ, trở thành chiến sĩ Đại đội K60”, đại tá Đặng Phi Thưởng nhớ lại.
Quân số của đại đội ngày đầu thành lập có 120 đồng chí, biên chế thành 3 trung đội bộ binh, được trang bị vũ khí đủ mạnh, chủ yếu là súng tiểu liên Mã Lai và súng trường trung chính. Trong đó có tiểu đội cối 60ly (có 2 khẩu) và khẩu đội đại liên Karinốp. Đơn vị trực thuộc Phân khu Nam, Quân khu 5 do đồng chí Trúc Khuê làm đại đội trưởng, sau đó đồng chí Hồ Thanh Bình lên thay; đồng chí Phạm Ân làm chính trị viên; đồng chí Lê Văn Lĩnh, đại đội phó. Trung đội trưởng các trung đội là các đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh, Đào Bãi, Tống Trọng Điểm. Đại đội đóng quân ở phía đông chân núi Đá Bia, khẩn trương huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, tập luyện các phương án bảo vệ bến, tàu và vận chuyển vũ khí vào kho.
Ông Tống Trọng Điểm, nguyên trung đội trưởng, cho biết: Ngoài nhiệm vụ chủ yếu trực tiếp bảo vệ bến Vũng Rô, làm nòng cốt cùng với dân công bốc dỡ và vận chuyển vũ khí, hàng hóa từ tàu Không số về hậu cứ, Đại đội K60 còn được giao nhiệm vụ phối hợp cùng Đại đội K64, Phân khu Nam và Trung đội Công binh Tuy Hòa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ hậu cứ Miền Đông. Đồng thời đẩy mạnh sản xuất giải quyết một phần lương thực tại chỗ, bảo vệ hành lang bảo đảm chuyển lương thực cho bến.
Vị trí nơi chiếc tàu Không số C143 neo đậu và nằm lại ở bãi Chùa, Vũng Rô. Ảnh: XUÂN HIẾU |
Trận chiến “Sự kiện Vũng Rô” 9 ngày đêm
Theo Anh hùng LLVT Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu Không số C41, sau 3 lần tàu Không số (C41) vận chuyển vũ khí, hàng hóa vào và xuất bến an toàn; 23 giờ ngày 15/2/1965, chuyến tàu thứ tư (C143) do Thuyền trưởng Lê Văn Thêm và Chính trị viên Lê Văn Bảng chỉ huy vận chuyển 63 tấn vũ khí cập bến Vũng Rô. Đây là chuyến hàng tàu C143 dự định cập bến Lộ Diêu (Hoài Nhơn, Bình Định) nhưng do bến này gặp khó khăn nên cấp trên quyết định cho tàu chuyển hướng vào Vũng Rô. Do lượng hàng nhiều, tàu vào chậm, công tác chuẩn bị chỉ trong 3 ngày trong khi hàng hóa và vũ khí của chuyến thứ ba còn tồn đọng ở bến nên khi các lực lượng bốc dỡ xong thì trời sắp sáng, tàu C143 không kịp quay trở ra. Vì vậy, thuyền trưởng và chính trị viên quyết định cho tàu nằm lại, chặt cành lá cây, giăng lưới để ngụy trang, chờ đến đêm tàu sẽ rời bến.
Sáng hôm đó, một chiếc trực thăng UH1B của Mỹ chở thương binh ở trận Dương Liễu - Đèo Nhông, từ Bình Định bay vào Nha Trang (Khánh Hòa). Khi bay ngang qua Vũng Rô lúc 10 giờ, viên phi công nhìn thấy “mỏm núi lạ” liền báo cho chỉ huy và tư lệnh Vùng 2 Duyên hải ngụy. Nghi ngờ có tàu cộng sản xâm nhập, chúng điều 2 chiếc máy bay AD6 ra trinh sát và đánh bom xăng trúng “mỏm núi”, tàu C143 thật sự bị lộ. Ban chỉ huy bến nhận định, thế nào địch cũng đổ bộ để chiếm tàu, cướp vũ khí của ta đang cất giấu trên bờ nên bố trí ở bãi Chính một bộ phận Đại đội K60, Trung đội Miền Đông và 2 đội du kích của 2 xã Hòa Hiệp và Hòa Xuân. Đồng thời, Ban Chỉ huy C143 quyết định đánh thuốc nổ hủy tàu xóa dấu vết, không để địch phát hiện tàu đến từ đâu.
Sáng 17/2/1965, địch mở đợt càn quét lớn vào Vũng Rô. Chúng cho máy bay ném bom và cho tàu LSM 405 (có 2 chiếc PC04 và DCE3) yểm trợ tiến vào bờ, đổ quân lên bãi Bàng, bãi Chính. Đồng thời cho máy bay trực thăng đổ bộ 2 tiểu đoàn bộ binh chiếm các điểm cao. “Lực lượng của ta so với địch quá chênh lệch, song với tinh thần quyết chiến, nhiều lần địch từ núi cao đánh xuống đều bị ta đánh bật trở lại”, đại tá Đặng Phi Thưởng cho biết.
Liên tiếp 2 ngày sau đó, dưới sự chi viện của máy bay ném bom, rốc két và pháo từ tàu chiến ngoài biển bắn vào, Trung đoàn 47, Sư đoàn 23 khét tiếng của ngụy tiếp tục mở cuộc càn lớn ở Vũng Rô, có tốp lên được bờ. Bộ đội K60, K64, Trung đội Miền Đông và dân quân du kích phân chia thành từng tổ, tiểu đội chặn mọi lối ra vào bến, đánh diệt địch. Trước sự dũng cảm chiến đấu và đánh trả quyết liệt của ta, suốt mấy ngày đêm ròng rã, địch không vào được khu vực tàu C143 bị chìm.
Sáng 24/2/1965, địch đổ thêm quân có sự chi viện của hỏa lực và tàu biển tiến công siết chặt vòng vây. Cán bộ, chiến sĩ ta kiên cường chặn đánh. Do lực lượng quá chênh lệch nên đến tối, ban chỉ huy bến quyết định cho phá vòng vây lùi về phía sau để bảo vệ hậu cứ kho tàng và bảo vệ lực lượng.
Sau “sự kiện Vũng Rô” và những trận chiến ác liệt ở Khu căn cứ Miền Đông Tuy Hòa, tháng 3/1965, Đại đội K60 được lệnh hành quân vượt qua sông Chống Gậy (Hòa Mỹ) về đóng quân ở bìa núi phía tây xã Sơn Thành (Tuy Hòa 1) tổ chức huấn luyện tân binh, rèn quân nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật và giáo dục chính trị xây dựng quyết tâm sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới.
LẠC HỒNG