Thứ Bảy, 05/10/2024 14:03 CH
Làng cát Hòa Hiệp
Thứ Sáu, 28/10/2022 09:29 SA

Đường Hùng Vương nối dài đi qua Phú Thọ 3 (phường Hòa Hiệp Trung). Ảnh: LẠC VIỆT

Đó là tên gọi chung của miền quê vùng biển Hòa Hiệp (TX Đông Hòa) trong thời kỳ kháng chiến theo tên tác phẩm văn học Làng Cát nổi tiếng của nhà văn Tô Phương, cố Tổng Biên tập Báo Phú Yên.

 

Làng cát Hòa Hiệp hiện nay bao gồm 3 phường: Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung và Hòa Hiệp Nam. Trước đó, ngày 30/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định 100-HĐBT, chia xã Hòa Hiệp thành 3 xã Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung và Hòa Hiệp Nam.

 

Vùng đất anh hùng

 

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Hòa Hiệp là mảnh đất trung dũng kiên cường đi đầu đánh giặc. Hòa Hiệp lúc ấy phía bắc là sân bay Đông Tác rộng lớn của Mỹ, phía nam là cảng biển quân sự Vũng Rô. Hòa Hiệp như phơi mình trên dải cát ven biển từ sân bay đến chân đèo Cả với chiều dài gần 50km. Là nơi có căn cứ quân sự của Mỹ, quân dân Hòa Hiệp đấu tranh trực diện với địch.

 

Một trong những chiến công xuất sắc của Nhân dân và du kích Hòa Hiệp được ghi trong trang sử vàng của LLVT tỉnh là trận chống càn vào tháng 7/1964. Ngày 14/7 năm ấy, một lực lượng hùng hậu là lính bảo an càn vào thôn Phú Hiệp, khui hầm bí mật, truy lùng cán bộ của ta và ức hiếp, đàn áp dân lành. Mặc dù vũ khí thô sơ, quân số ít nhưng du kích Hòa Hiệp đã ngoan cường quần bám, đánh tỉa gây thiệt hại cho chúng một đại đội. Ba ngày sau, địch huy động 11 đại đội, chia thành nhiều cánh tiếp tục tràn vào. Trung đội vũ trang Miền Đông huyện Tuy Hòa 1 và du kích Hòa Hiệp dựa vào làng chiến đấu, có hệ thống hầm hào giao thông, các quyết chiến điểm, chiến đấu quyết liệt suốt 2 ngày ròng rã. Trong trận này, ta bắt sống 9 tên, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục tên, thu 6 khẩu súng và nhiều chiến lợi phẩm, đồng thời bắn rơi 1 máy bay trinh sát L19, bắn cháy 1 xe tăng M113. Nhân dân nổi dậy phá toàn bộ ấp chiến lược từ Phú Hiệp đến Lò Ba, Phú Lạc.

 

Một chiến công khác, ngày 8/12/1965, Sư đoàn 22 ngụy mở trận càn “Quyết thắng 172” vào Hòa Hiệp sau khi sở chỉ huy tiền phương của chúng đặt chân đến TX Tuy Hòa ngày hôm trước. Đại đội 377 bộ đội địa phương và du kích Hòa Hiệp dựa vào giao thông hào, địa đạo và làng chiến đấu chặn đánh các cánh quân địch. Ác liệt nhất là khi đối đầu với địch ở khu vực hòn Quéo, hòn Dôm (Phú Lạc). Địch sử dụng cả xe tăng M113, máy bay ném bom nhằm đánh bật quân ta ra khỏi địa đạo. Nhưng tất cả các đợt tiến công của địch đều bị Đại đội 377 và du kích Hòa Hiệp bẻ gãy. Ta bắn cháy 2 xe tăng M113, diệt và làm bị thương khoảng 60 tên địch thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 41.

 

Ông Tống Trọng Điểm, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp những năm đầu sau ngày giải phóng, tự hào bày tỏ: Hòa Hiệp là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân. Đây cũng là vùng đất đã sản sinh ra nhiều Anh hùng LLVT Nhân dân, như Lương Tấn Thịnh, Lê Trung Kiên, Trần Kiệt, Nguyễn Đức Quân, Đào Khắc Nhạn, Đặng Phi Thưởng.

 

Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

 

Sau ngày đất nước thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Hòa Hiệp bắt tay xây dựng lại quê hương trên đống đổ nát, hoang tàn bởi bom đạn chiến tranh. “Hồi ấy, để đưa con tôm, con cá từ làng biển Lò Ba lên các xã đồng bằng đổi lấy hạt lúa, bà con phải gồng gánh vượt qua những đồi cát trắng vẫn còn sót lại những mảnh bom, dây kẽm gai. Sau ngày giải phóng, Hòa Hiệp phải làm lại từ đầu”, bà Nguyễn Thị Say ở khu phố Phú Thọ 3 nhớ lại.

 

Người dân cần cù, chịu thương chịu khó, trồng cây gây rừng, chắt chiu, dành dụm; trong sản xuất chủ yếu là đánh bắt hải sản và chăn nuôi, làng cát Hòa Hiệp từng bước hồi sinh, thay da đổi thịt, nhất là từ sau khi tỉnh Phú Yên tái lập. Cũng từ những năm 1990, nhờ nuôi tôm sú mà vùng đất cát Hòa Hiệp Nam lột xác trở thành vùng nông thôn có nhiều xe máy, nhà cửa mọc lên khang trang. Hiện tại, bên cạnh những hộ nuôi tôm, xen cua thu nhập cao, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trong phát triển kinh tế, có sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu có công suất lớn vươn ra ngư trường xa, mua sắm máy dò tìm luồng cá có giá từ 3-5 tỉ đồng, thành lập tập đoàn sản xuất làm giàu từ biển, như Hà Ngọc Hiệp, Hà Ngọc Ninh, Huỳnh Tấn Anh… Cảng cá Phú Lạc là đầu mối phân phối hải sản đến các chợ trong toàn tỉnh và một số nơi khác.

 

Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Bắc cũng đang trên đà phát triển về kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng không ngừng được đầu tư, ngày càng hoàn thiện. Những khu phố mới với nhà cửa khang trang, sầm uất thay cho những làng quê cát trắng nghèo khó năm nào. Con đường chiến lược ven biển từ cầu Hùng Vương (TP Tuy Hòa) đến cảng biển Vũng Rô, đoạn qua Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam, nhiều hộ gia đình đầu tư kinh doanh khách sạn, nhà hàng, quán cà phê..., phục vụ nhu cầu du khách tham quan, du lịch trở nên sầm uất.

 

Ông Nguyễn Hữu Bi, Bí thư Chi bộ khu phố Phú Thọ 3 cho biết: “Khu phố có 798 hộ gia đình, hầu hết hành nghề đánh bắt, chế biến hải sản. Nhờ bám biển mưu sinh, phát triển kinh tế gia đình, đến nay trên 60% hộ thuộc diện khá giả, chỉ còn 11 hộ nghèo và cận nghèo là hộ người già yếu, mất sức lao động”.

 

Một phần KCN Hòa Hiệp. Ảnh: LẠC VIỆT

 

Khu công nghiệp đầu tiên và lớn nhất tỉnh

 

Ngoài thế mạnh có bờ biển dài với vùng nội thủy rộng lớn, tạo điều kiện để phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, Hòa Hiệp cũng có lợi thế trong phát triển, sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ bởi Khu công nghiệp (KCN) Hòa Hiệp nằm trong Khu kinh tế Nam Phú Yên, hoạt động ổn định, hiệu quả. KCN đầu tiên và lớn nhất tỉnh này đã và đang là tâm điểm thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nhờ cơ sở hạ tầng được đồng bộ hóa, hệ thống giao thông nội bộ thuận lợi và rộng rãi, hệ thống cấp điện qua trạm biến áp công suất lớn... Ngoài ra, còn có các dịch vụ về tài chính, hải quan, thông tin liên lạc, đảm bảo đầy đủ mọi tiện ích cho các nhà đầu tư cũng như công nhân làm việc tại KCN.

 

Theo Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên, trong 12 đồ án đã được UBND tỉnh cho phép các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát lập quy hoạch gần đây, có Khu công viên chuyên đề kết hợp thương mại - dịch vụ nghỉ dưỡng, Công ty TNHH Kiến Á Phú Yên là nhà tài trợ lập quy hoạch, với quy mô diện tích khoảng 33ha tại phường Hòa Hiệp Bắc. Khu đô thị dịch vụ ven biển, Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland là nhà tài trợ lập quy hoạch, với quy mô diện tích khoảng 284,3ha tại phường Hòa Hiệp Bắc và phường Hòa Hiệp Trung. Khu đô thị xanh và khu du lịch sinh thái biển Đông Hòa, Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng và địa chất U.P.G.C là nhà tài trợ lập quy hoạch, với quy mô diện tích khoảng 108ha tại phường Hòa Hiệp Nam.

 

Ngoài ra, UBND TX Đông Hòa cũng đang phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư một số dự án mang tính chiến lược như: hạ tầng Khu công nghệ cao (Hòa Hiệp Bắc); Khu đô thị dịch vụ hỗn hợp ven biển (dọc bãi biển từ Hòa Hiệp Bắc đến Hòa Hiệp Nam)…

 

LẠC VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đình cổ Ngân Sơn
Thứ Bảy, 22/10/2022 11:39 SA
Ký ức oai hùng
Thứ Sáu, 21/10/2022 07:05 SA
Hòa Quang anh hùng
Thứ Sáu, 14/10/2022 13:23 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek