Qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, lực lượng vũ trang (LLVT) và Nhân dân xã Hòa Quang (nay là Hòa Quang Bắc và Hòa Quang Nam), huyện Phú Hòa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân. Và năm 2000, xã Hòa Quang vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Tuyến ĐH25 nằm bên trái núi Miếu và Nhà bia ghi tên liệt sĩ của xã Hòa Quang Bắc. Ảnh: XUÂN HIẾU |
Vang lừng trận đánh tiêu diệt cứ điểm Núi Miếu
Nhắc đến những chiến công trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, kỳ tích về trận đánh tiêu diệt cứ điểm Núi Miếu cách đây gần 6 thập kỷ vẫn mãi là niềm tự hào của LLVT tỉnh nói chung và dân quân, du kích Hòa Quang nói riêng.
Đầu năm 1962, quân đội Sài Gòn cho lực lượng đổ bộ chiếm núi Miếu để xây dựng căn cứ quân sự nhằm ngăn chặn hành lang vận tải của ta; khống chế, kiểm soát vùng rộng lớn phía tây của huyện Tuy Hòa 2; đẩy mạnh bình định, “tát nước bắt cá”; dồn dân lập ấp thực hiện quốc sách ấp chiến lược.
Cứ điểm Núi Miếu có nhiều gộp đá lớn, địch dựa vào đó làm công sự rất lợi hại, trong khi hỏa lực, xung lực của ta có hạn. Trên cơ sở các thông tin điều nghiên trinh sát nắm hệ thống bố phòng và quy luật phản ứng của địch, bộ đội ta tổ chức lực lượng thành ba mũi, hướng chủ yếu là hướng tây, bí mật đột nhập, luồn sâu vào căn cứ, kết hợp ngoài đánh vào, trong đánh ra và đánh “nở hoa trong lòng địch”. Đồng thời tổ chức bộ phận hỏa lực bắn thẳng thu hút và uy hiếp địch rút vào công sự để bộ đội sử dụng lựu đạn, thủ pháo tiêu diệt gọn.
Theo kế hoạch, đúng giờ G (2 giờ sáng 15/1/1963), bộ phận hỏa lực của ta nổ súng. Bị đánh bất ngờ, địch rút vào các gộp đá ẩn nấp, sử dụng đại liên, trung liên và cối đánh trả. Chớp thời cơ các mục tiêu địch lộ diện, bộ đội ta đồng loạt ném lựu đạn, thủ pháo tiêu diệt các ổ hỏa lực, hầm chỉ huy… Sau hơn 2 giờ chiến đấu, ta san bằng căn cứ Núi Miếu, diệt gọn một đại đội bảo an của địch.
Lá cờ đầu trong phong trào văn hóa văn nghệ
Ngày 30/4/1975 đất nước hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà, cả nước ca khúc khải hoàn. Song song với việc phục hồi phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng - an ninh, công tác văn hóa - xã hội cũng được Đảng ủy - UBND xã Hòa Quang lúc bấy giờ quan tâm đặc biệt.
Ông Phạm Hoàng Nguyên, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, Trưởng ban VH-TT xã Hòa Quang những năm đầu giải phóng, nhớ lại: Để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước kịp thời, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, Đảng ủy, UBND xã Hòa Quang đã xây dựng đồng bộ các thiết chế văn hóa và đi vào hoạt động nền nếp, trong đó có đài truyền thanh, thư viện, nhà văn hóa, nhà truyền thống, nhà tưởng niệm Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Trần Hào… và có cả nhà hạnh phúc - là nơi tổ chức lễ thành hôn cho những đôi bạn trẻ theo nếp sống văn hóa mới.
Gặp mặt, giao lưu văn nghệ các thế hệ cán bộ VH-TT xã Hòa Quang. Ảnh: XUÂN HIẾU |
Thời điểm đó, các binh chủng tuyên truyền nhanh và hiệu quả nhất, đó là đội thông tin lưu động, đội chiếu phim màn ảnh rộng 35 ly, đội chiếu phim video… đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của Nhân dân trong xã. Đặc biệt, mỗi lần các đội này về phục vụ ở các thôn, đông đảo người dân ủng hộ nhiệt tình. “Sau mỗi suất diễn, buổi chiếu phim…, chúng tôi được bà con nấu cho nồi cháo để ăn khuya. Tuy chẳng phải sơn hào hải vị, chỉ cây nhà lá vườn nhưng đó là niềm động viên, cổ vũ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện kinh tế còn rất khó khăn”, nhạc sĩ Huỳnh Trọng Thống, cán bộ VH-TT xã Hòa Quang những năm 1980, chia sẻ.
Theo Nghệ sĩ Nhân dân Cao Hữu Nhạc, người có thâm niên hoạt động trong ngành Văn hóa từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp, hoạt động văn hóa, văn nghệ của Hòa Quang xứng tầm với các đơn vị mạnh của tỉnh Phú Khánh lúc bấy giờ. Đội văn nghệ xã Hòa Quang từng đi lưu diễn từ xã Hòa Bình 1 của huyện Tuy Hòa đến các xã, phường của huyện Ninh Hòa và TP Nha Trang; tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Phú Khánh lần thứVII, năm 1987, được ban tổ chức tặng giải đặc biệt và một số giải tiết mục đạt huy chương vàng, bạc. Cũng năm 1987, xã Hòa Quang được tỉnh chọn tổ chức hội nghị triển khai công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Từ sau tái lập tỉnh Phú Yên, Hòa Quang đã tổ chức thành công 5 hội diễn văn nghệ; 5 năm liền tham gia liên hoan Giai điệu mùa xuân tại Nhà văn hóa Diên Hồng đều đạt thành tích cao, được tỉnh tặng bằng khen là đơn vị cấp xã có phong trào mạnh nhất toàn tỉnh (1989-1994). Đặc biệt, năm 1990 tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng LLVT Quân khu 5, tại TP Đà Nẵng, Đội văn nghệ xã Hòa Quang được tặng bằng khen và một số tiết mục được trao huy chương; Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Phú Yên lần thứ IV năm 2000, đạt giải C toàn đoàn. Ngoài ra, Đội văn nghệ xã Hòa Quang còn giành giải thưởng cao tại các cuộc thi, liên hoan ca khúc cách mạng, đưa thông tin về cơ sở, tiếng hát nông dân… do các cấp, ngành ở địa phương tổ chức. Nhiều cán bộ của Sở VH-TT Phú Khánh từng gắn bó với Hòa Quang trong phong trào văn hóa văn nghệ, như nhạc sĩ Hoàng Thơ Huy; nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Anh; cố tác giả, biên kịch Nguyễn Trường Sơn; biên kịch, đạo diễn Nguyễn Chí Hướng…
Với những thành tích xuất sắc trong xây dựng đời sống văn hóa, văn nghệ cơ sở, xã Hòa Quang đã được Bộ VH-TT, UBND tỉnh (Phú Khánh và Phú Yên) tặng nhiều bằng khen.
Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Ngày 31/1/2002, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP chia TX Tuy Hòa thành hai đơn vị hành chính là TX Tuy Hòa và huyện Phú Hòa. Xã Hòa Quang thuộc huyện Phú Hòa. Tiếp đó, ngày 20/8/2003, Chính phủ ban hành Nghị định 95/2003/CP thành lập xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) và chia xã Hòa Quang thành hai xã Hòa Quang Bắc và Hòa Quang Nam.
Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Nam Đặng Nho Hào cho biết cách đây 10 năm, Hòa Quang Nam còn hơn 400 hộ nghèo. Nhờ chú trọng thực hiện các tiêu chí giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay toàn xã chỉ còn 57 hộ nghèo, là những gia đình có người già yếu, mất sức lao động. Trong thời gian tiếp theo, địa phương tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM nâng cao, xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Cùng với tăng cường công tác dạy nghề, nâng cao dân trí, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao mức sống cho người dân, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, nhân rộng các mô hình làm ăn kinh tế hiệu quả, xây dựng các vùng chuyên canh để tạo lợi thế cạnh tranh, chuyển đổi từ sản xuất đơn thuần sang sản xuất hàng hóa…
Còn theo Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Bắc Trương Đức Phụng, trong phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, Hòa Quang Bắc vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Kế thừa những thành quả trong công cuộc đổi mới, địa phương đang tập trung huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, sự đóng góp của Nhân dân để xây dựng NTM nâng cao theo Quyết định 607/QĐ-UBND ngày 17/4/2020 của UBND tỉnh, tiến tới xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Thời gian qua, hai xã Hòa Quang Bắc và Hòa Quang Nam tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong đó chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; tích cực giải quyết, tạo việc làm cho người lao động, không ngừng nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa Đinh Công Thạch |
LẠC HỒNG