Tổ chức Đại hội Y tế công Boston (Boston Congress of Public Health) của Mỹ vừa công bố danh sách 40 người dưới 40 tuổi nhận giải thưởng Nhân vật thúc đẩy thay đổi y tế công. Trương Nguyễn Xuân Quỳnh (SN 1990), đến từ TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên là người Việt Nam duy nhất và là một trong 40 nhân vật dưới 40 tuổi trên khắp thế giới được trao giải thưởng này.
Với nữ giảng viên ngành Công tác xã hội (CTXH) của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, đồng thời là cố vấn CTXH tại Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh này, giải thưởng là một sự ghi nhận và cũng là động lực để Quỳnh tiếp tục theo đuổi lĩnh vực CTXH y tế, chở niềm tin, gieo hy vọng cho người bệnh.
Chọn nghề CTXH để giúp người, trả ơn đời
Quỳnh vừa trở lại Mỹ để tiếp tục việc học và nghiên cứu sau 3 tuần về thăm quê nhà Phú Yên. Chuyến về thăm nhà lần này với Quỳnh vừa là cách để cô gái trẻ này tự thưởng cho bản thân sau hơn hai năm cần mẫn theo học thạc sĩ ngành CTXH lâm sàng của Đại học Boston (Mỹ); cũng vừa là dịp để Quỳnh được ở gần ba mẹ sau nhiều năm đi học và làm việc xa nhà, tiếp thêm năng lượng cho chị tiếp tục hoàn thành luận văn tiến sĩ về Y tế công tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan).
Ba mẹ Quỳnh giờ đã hiểu hơn về ngành CTXH mà con gái mình lựa chọn. Ba mẹ Quỳnh không bao giờ đặt áp lực các con phải phấn đấu đi theo ngành hot, trở thành ông nọ bà kia. Em gái song sinh của Quỳnh cũng luôn động viên chị gái theo đuổi đam mê. Chính sự đồng hành của gia đình đã tạo chỗ dựa để Quỳnh thi đậu vào ngành CTXH của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; sau đó giành học bổng toàn phần danh giá của Chính phủ Mỹ trong lúc đang là nghiên cứu sinh của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan).
Chia sẻ về lý do chọn nghề CTXH, Quỳnh bộc bạch: Năm tôi 6 tuổi, qua chẩn đoán, các bác sĩ phát hiện tôi bị hở van tim bẩm sinh, cần chi phí hơn 44 triệu đồng để chữa trị. Ở thời điểm năm 1997, đó là số tiền quá lớn với một gia đình nông dân như chúng tôi. Được các bệnh nhân trong Viện Tim TP Hồ Chí Minh “mách nước”, ba tôi đã tìm đến phòng CTXH của viện để nhờ giúp đỡ. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh của gia đình, phòng CTXH đã đề nghị viện giảm một nửa tiền viện phí. Cùng với sự quyên góp, giúp đỡ của các sơ Dòng thánh Phaolô, tôi có đủ tiền để được phẫu thuật ngay sau đó. Sau đó, tôi đặt tâm nguyện sẽ chọn nghề CTXH để giúp người như một cách trả ơn cuộc đời. Và bây giờ, sau hơn 12 năm gắn bó với nghề, điều tôi tâm đắc nhất là đã giúp nhiều người hiểu hơn về vị trí, vai trò của nghề CTXH y tế, tham gia đào tạo các nhân viên xã hội, góp phần đưa ngành CTXH y tế tại Việt Nam phát triển.
Xuân Quỳnh (phải) cùng em gái song sinh và ba mẹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Thấu cảm với con người mới gắn bó với nghề dài lâu
Hiện nay, Quỳnh đã tốt nghiệp thạc sĩ ngành CTXH lâm sàng của Đại học Boston, một trong những trường đại học danh giá của Mỹ; được thực hành lâm sàng trong nhóm điều trị tại cả Mỹ và Việt Nam; là giảng viên CTXH hiếm hoi dạy về CTXH và tâm lý cho trường y… Đây là những kết quả xứng đáng cho quá trình nỗ lực vì đam mê và nhiệt huyết với nghề CTXH của Quỳnh. Nữ giảng viên trẻ vẫn còn nhớ như in khoảng thời gian thực tập tại Bệnh viện Đa khoa Long An. Do ngành học của Quỳnh khi đó quá mới mẻ nên chưa được xem trọng, bệnh viện bố trí Quỳnh thực tập tại phòng tiếp dân. Không chịu ngồi yên, Quỳnh chủ động tìm tòi và đề xuất lãnh đạo bệnh viện triển khai hàng loạt hoạt động chuyên môn như: quản lý ca, vận động tài trợ cho các bệnh nhân nghèo, hỗ trợ tâm lý xã hội cho những ca bệnh nặng, mở lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp cho điều dưỡng và nhân viên y tế; tham gia hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân và người nhà khi phải chuyển tuyến từ Bệnh viện Đa khoa Long An lên các bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh.
“Lúc đó, tôi ước được làm CTXH lâm sàng trong bệnh viện, ước các bệnh nhân sẽ được chăm sóc toàn diện, ước được tham gia vào nhóm điều trị. Tôi cũng ước sẽ có nhiều người mê CTXH trong bệnh viện như tôi, ước có thể hướng dẫn các bác sĩ và điều dưỡng cách hỗ trợ tâm lý xã hội cho người bệnh. Và giờ đây, những điều ước ấy đã và đang được tôi hiện thực hóa. Dẫu là 12 năm trước hay bây giờ, tôi vẫn nhiệt huyết với nghề CTXH và muốn gắn bó dài lâu”, Quỳnh bộc bạch.
Theo Quỳnh, để gắn bó với nghề CTXH trong bệnh viện, ngoài giỏi chuyên môn, yêu nghề, nhân viên CTXH còn phải có tố chất, biết yêu thương, quan tâm và thấu cảm với con người. Lúc đó người bệnh lâm vào cùng cảnh nên dễ nảy sinh nhiều cảm xúc tiêu cực, cho nên nhân viên CTXH cần lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ họ.
Mong muốn nghề CTXH trở nên chuyên nghiệp hơn tại Việt Nam
Mặc dù trong 2 năm qua, Quỳnh du học tại Mỹ nhưng giảng viên trẻ này vẫn có nhiều hoạt động hướng về quê hương khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Do đã có nhiều kinh nghiệm lâm sàng thực tế đối phó với COVID-19 tại các bệnh viện ở Mỹ, nên tháng 5/2021, khi TP Hồ Chí Minh bắt đầu bùng dịch, Quỳnh đã mời các chuyên gia ở Mỹ tổ chức các lớp tập huấn trực tuyến về chuyên môn cho hàng ngàn bác sĩ và nhân viên y tế ở Việt Nam, đồng thời giúp các bệnh viện phát triển chương trình hỗ trợ tâm lý xã hội cho bệnh nhân. Từ đó, một số bệnh viện và trung tâm y tế đã quyết định đưa nhân viên tâm lý, nhân viên CTXH, cha xứ và nhà sư cùng bác sĩ vào hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân và người nhà, giúp họ không chỉ được hỗ trợ về thể chất mà còn cả tinh thần và tâm linh. Ngoài ra, Quỳnh còn tích cực tham gia vào Ban Đặc nhiệm COVID-19 do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) thành lập. Đây là nơi tập hợp rất nhiều chuyên gia y tế người Việt ở khắp nơi trên thế giới tư vấn về chính sách cho Chính phủ Việt Nam và chính quyền TP Hồ Chí Minh trong công tác chống dịch nhằm đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Gần 2 năm học tập tại Mỹ, Quỳnh nhiều lần trực tiếp thâm nhập vào các bệnh viện lớn ở đây và nhận thấy được sự chuyên nghiệp, tầm quan trọng của đội ngũ nhân viên CTXH trong bệnh viện đối với các hoạt động chuyên môn. Tất cả các ca bệnh đều có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ê kíp; trong đó, bác sĩ, kiểm huấn viên, y tá, điều dưỡng, nhân viên xã hội thường xuyên có các cuộc họp để thảo luận tình hình các ca bệnh. Vì vậy, Quỳnh mong muốn với kinh nghiệm tích lũy, kiến thức, kỹ năng được đào tạo ở nước ngoài sẽ trở về Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Thái Lan vào cuối năm 2022, để tiếp tục tham gia giảng dạy, đào tạo ngành CTXH y tế, góp phần phát triển nghề mà nước ta đang rất cần.
HÀ MY