Đình An Tịnh ở khu phố Nguyễn Công Trứ, phường 3, TP Tuy Hòa từ lâu được mọi người biết đến là một di tích lịch sử - văn hóa có giá trị. Sự tồn tại đình An Tịnh là một dấu ấn quan trọng trong hành trình mở mang vùng đất phía nam Phú Yên của cha ông ta, đồng thời là một minh chứng về ý thức gìn giữ di sản của tổ tiên để lại của cộng đồng cư dân nơi đây qua bao biến thiên của lịch sử.
Đình An Tịnh, phường 3, TP Tuy Hòa. Ảnh: ĐÀO NHẬT KIM |
Tế tự hàng năm theo hình thức cúng thu
Theo sắc thần của vua Tự Đức phong cho Thành Hoàng của xã An Tịnh hiện đang thờ tự tại đình, thì đình An Tịnh được xây dựng vào thời điểm trước năm 1852.
Vùng đất An Tịnh nguyên là xã An Toàn dưới triều vua Gia Long, có vị trí giới cận: đông giáp Phường Câu và thôn Bình An, tây giáp xã Phước Toàn và xã Bảo Tháp, nam giáp thôn Nguyệt Tiên Đông và thôn Bình An, bắc giáp xã Bảo Tháp và xã Liên Trì. Đến năm 1832, nơi đây được đổi thành xã Năng Tịnh và sau đó được tách ra thành lập thêm một xã mới là An Tịnh. Thời điểm lập xã An Tịnh đến nay chưa tìm thấy tư liệu nào ghi rõ. Dựa vào sắc phong Thành Hoàng năm 1852, thời gian lập xã An Tịnh trong khoảng sau năm 1832 đến trước năm 1852.
Người có công khai khẩn mở đất lập làng, ổn định nơi cư trú đầu tiên của An Tịnh được phong tặng Tiền hiền là Trương Lãng. Về sau, tộc họ có nhiều đóng góp vào sự phát triển của An Tịnh là họ Lương, được phong tặng Hậu hiền. Các dòng họ khác như Ngô, Huỳnh, Trần, Nguyễn… đã góp sức vào việc mở mang, làm cho vùng đất này ngày càng trù phú. Nổi bật, họ Ngô với các chủ lò mắm như Ngô Cẩn, Ngô Mỹ, Ngô Triện… đã cung cấp hàng ngàn lít mắm mỗi năm đưa đi tiêu thụ các nơi trong tỉnh, và khai sinh nghề muối mắm trên vùng đất Tuy Hòa những năm cuối thế kỷ XIX.
Cũng như nhiều ngôi đình khác ở Phú Yên, đình An Tịnh mặt quay về hướng nam. Cách đình khoảng 30m là dòng sông Chùa bốn mùa đầy đặn nguồn nước. Theo quan niệm phong thủy, thì nguồn nước sông Chùa sẽ đem lại vượng khí mùa màng tươi tốt, đời sống no đủ cho cư dân trong vùng. Đình An Tịnh trải qua nhiều lần tu sửa. Đáng kể nhất là lần tu sửa vào đầu thế kỷ XX dưới thời lý trưởng Lương Huệ, đình được sửa khang trang theo kiểu cột kèo, mái lá; các hàng quán buôn bán trải dài trước mặt đình được thu gọn, tạo cảnh quan thoáng đãng. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, có thời gian đình được trưng dụng để mở lớp học bình dân học vụ, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch trong phong trào diệt giặc dốt, xóa nạn mù chữ. Lần tu sửa năm 1970, đình được xây tường gạch, mái ngói, nền phả xi măng để khỏi ẩm thấp những khi lũ lụt. Trong những năm chiến tranh diễn ra ác liệt, sắc phong gửi tạm từ đường họ Huỳnh và việc tế tự đình vào xuân thu nhị kỳ vẫn tiến hành đều đặn. Mỗi lần cúng tế, ban quản lý đình tổ chức lễ rước sắc từ nhà từ đường họ Huỳnh về đình với sự tham gia của nhiều tầng lớp nam, phụ, lão, ấu trong làng cùng cờ trống, nhã nhạc.
Năm 2007, sau thời gian dài không tu sửa và tế tự, đình An Tịnh xuống cấp. Được sự cho phép của chính quyền địa phương và nguồn kinh phí đóng góp của Nhân dân, đình An Tịnh được đại trùng tu: thay ngói mới, nâng cấp nền cao hơn mặt đường, xây lại tường vách của hai gian hậu đình và tiền đình. Gian hậu đình là nơi thờ tự thần Thành Hoàng và các vị Tiền hiền, Hậu hiền; gian tiền đình dùng làm nơi họp bàn của ban quản lý vào dịp đình tế tự. Cổng đình được tu sửa hai trụ biểu và bức bình phong điêu khắc hình hổ phục rất sống động. Đặc biệt, trên chóp mái đắp tượng nổi “lưỡng long tranh châu” làm cho toàn bộ mái đình trông cổ kính, uy nghiêm, gia tăng sự linh thiêng của ngôi đình trên 150 tuổi. Diện tích đình An Tịnh hiện nay rộng trên 200m2. Hàng chữ Hán “AN TỊNH ĐÌNH” được đắp nổi trước tiền đình và bốn câu đối chữ Hán thể hiện mong ước về sự phồn vinh, thanh bình của vùng đất mà bao đời các lớp cư dân xây đắp:
- An cư lạc nghiệp phồn vinh, bá tánh niên niên giai sảng khoái
Tịnh mục thuận hòa thời tiết, tứ phương hướng hướng thị quang minh
- Đoàn kết đồng tâm nhất trí, đình miếu trùng tu tăng cảnh sắc
Chân thành, thiện chí song toàn, Nhân dân cầu nguyện đắc thanh bình.
Sau đại trùng tu, việc tế tự tại đình An Tịnh được khôi phục theo phong tục truyền thống vào ngày 8 tháng 8 (âm lịch) hàng năm dưới hình thức cúng thu. Đây cũng là dịp bà con trong phường tề tựu về đình, cầu nguyện mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, làm ăn, kinh doanh, buôn bán phát đạt, cầu cho dân giàu nước mạnh, Nhân dân được bình yên và cầu siêu cho vong linh các vị tiền nhân, anh hùng liệt sĩ đã có công xây dựng vùng đất cho bao thế hệ hôm nay thừa hưởng với lòng biết ơn sâu sắc.
Sắc phong thần Thành Hoàng năm Khải Định năm thứ chín (1924) cho làng An Tịnh. Ảnh: ĐÀO NHẬT KIM |
Lưu giữ một số cổ vật có giá trị
Bên cạnh những nét truyền thống văn hóa tốt đẹp, đình An Tịnh còn lưu giữ một số cổ vật có giá trị như: Hai tấm biển gỗ khắc hình long phụng, hoa lá vốn là đầu xông của ngôi đình thuở mới lập có niên đại trên 100 năm tuổi; chiếc mõ gỗ dài gần 2m thời kỳ trước 1945 dùng để tập hợp dân làng trong những dịp khẩn cấp, đây cũng là vật chứng đã huy động Nhân dân làng An Tịnh tham gia cướp chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đặc biệt, bốn đạo sắc phong thần của các vua Triều Nguyễn gia phong thần Thành Hoàng và Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi được thờ tự tại đình hiện còn nguyên vẹn. Đây là những di sản Hán Nôm rất có giá trị, xác nhận tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử không chỉ của ngôi đình mà cả vùng đất qua bao lớp người tạo dựng.
Đạo sắc phong có niên đại sớm nhất là năm Tự Đức thứ 5 vào ngày 29/11/1852 có nội dung: “Sắc cho An Tịnh Thành Hoàng vốn được phong tặng Bảo an Chính trực Hựu thiện chi thần, bảo vệ cho nước che chở Nhân dân, linh ứng lâu năm. Nay Trẫm cả vâng mệnh lớn, nghĩ đến ơn đức của thần, tặng thêm mỹ tự là Bảo an Chính trực Hữu thiện Đôn ngưng chi thần. Vẫn chuẩn cho xã An Tịnh, huyện Tuy Hòa được phụng thờ như cũ. Thần hãy che chở trợ giúp dân ta. Kính thay”.
Đạo sắc thứ hai phong tặng cho thần Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi nguyên từ trước đã gia phong thần hiệu là Hoằng huệ Phổ tế Linh cảm Diệu thông Mặc tướng Thượng đẳng thần, nay tiếp tục gia phong là Hoằng huệ Phổ tế Linh cảm Mặc tướng Trang huy Thượng đẳng thần vào ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ năm (1852). Nội dung sắc phong ghi rõ: “Sắc cho Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Tôn thần vốn được phong tặng là Hoằng huệ Phổ tế Linh cảm Diệu thông Mặc tướng Thượng đẳng thần, bảo vệ cho nước che chở cho dân, linh ứng lâu năm. Nay Trẫm cả vâng mệnh lớn, nghĩ đến ơn đức của thần, tặng thêm mỹ tự là Hoằng huệ Phổ tế Linh cảm Diệu thông Mặc tướng Trang huy Thượng đẳng thần. Vẫn chuẩn cho xã An Tịnh, huyện Tuy Hòa được phụng thờ như cũ. Thần hãy che chở trợ giúp dân ta. Kính thay!”.
Đạo sắc thứ ba được phong nhân dịp vua Khải Định tròn 40 tuổi vào ngày 25/7/1924 phong tặng thần Thành Hoàng mỹ hiệu Tĩnh hậu Trung đẳng thần: “Sắc cho xã An Tịnh, tổng Hòa Bình, phủ Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên từ trước đã phụng thờ thần Thành Hoàng vốn được phong tặng Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng tôn thần, bảo vệ cho nước che chở cho dân, linh ứng lâu năm, đã được ban cấp sắc phong chuẩn cho phụng thờ. Nay nhân dịp tứ tuần đại khánh (40 tuổi) của Trẫm, đã ban bảo chiếu ra ân rộng rãi, lễ lớn nên gia tăng cấp bậc, tặng thêm mỹ tự là Tĩnh hậu Trung đẳng thần. Đặc biệt chuẩn cho phụng thờ, dùng để ghi nhớ ngày mừng của nước mà tỏ rõ phép tắc thờ tự. Kính thay!”.
Đạo sắc thứ tư phong tặng cho thần Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi vào ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ chín (1924) vì thần đã có công trong việc bảo vệ đất nước, che chở cho Nhân dân và sự linh ứng.
TS ĐÀO NHẬT KIM