Thứ Ba, 03/12/2024 12:39 CH
Lăng Tiên Châu và những sắc phong Triều Nguyễn
Chủ Nhật, 28/08/2022 08:00 SA

Chánh điện lăng Tiên Châu. Ảnh: HOÀI SƠN

Huyện Tuy An có 19 lăng thờ cá Ông và thờ bà Thủy Long thần nữ, trong đó duy nhất lăng Tiên Châu còn lưu giữ được 7 sắc phong. Đây là những di sản Hán - Nôm có giá trị lịch sử, văn hóa được các vua Triều Nguyễn ban tặng.

 

Lối kiến trúc cổ xưa

 

Tiên Châu là làng biển thuộc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An. Vùng đất này nguyên lúc trước có tên là Mạn Đò Phụ Lũy, đến năm 1832 đổi là Tiên Châu và mang tên gọi đó cho đến nay. Ngay từ buổi đầu lập lăng, ngư dân Tiên Châu đã lấy tên làng đặt tên cho lăng. Theo lời các bậc cao niên tại địa phương, lăng Tiên Châu được lập từ rất sớm. Lúc đầu là một ngôi miếu nhỏ, về sau được trùng tu, nâng cấp trở thành một quần thể di tích khá hoàn chỉnh. Công trình kiến trúc phía trước là Tấm Án Phong, hai bên cổng, phía trên đặt hai ông Nghê. Phía trong là lăng, bờ nóc mái được trang trí chủ đề “Lưỡng Long Chầu Nguyệt”. Qua thời gian lăng bị xuống cấp, nước sông cùng với sóng biển dâng cao làm sạt lở Tấm Án Phong và hai trụ cổng, lăng bị đổ nát. Năm 1992, lăng được ông Phan Chiểu cùng bà con ngư dân góp tiền, công sức khôi phục. Lăng nằm sát bờ Sông Cái, mặt hướng ra sông, trong khuôn viên diện tích trên 600m2, gồm các hạng mục: Cổng lăng, sân chầu, nhà võ ca, chánh điện. Cổng chính phía sau chánh điện, cổng phụ phía trước bên trái lăng. Phía ngoài lối đi vào cổng chính dựng tấm bảng đề ba chữ quốc ngữ lớn “Lăng Tiên Châu”. Tiếp đến sân chầu để hát bội khi diễn ra lễ hội cầu ngư. Bên phải sân chầu là bệ thờ cô hồn, âm hồn. Bên trái sân chầu là phòng hóa trang. Tiếp nối sân chầu là nhà võ ca nền lát gạch, không gian chính giữa lát gạch đỏ, chiều dài võ ca: 9,62m, chiều rộng: 6,43m, gồm 8 cột đúc xi măng, mỗi bên 4 cột, phía dưới chân cột được trang trí hoa văn mây, hai bên được xây lan can dựng lam, có 2 cửa thông với cánh gà, mái lợp tôn kẽm, hai bên lợp tôn proximang, vì kèo bằng gỗ. Nhà võ ca là không gian diễn tuồng và các loại hình diễn xướng dân gian vào dịp cúng lăng. Đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật mỗi khi lăng mở hội.

 

Không gian thiêng là chánh điện: 3 hệ thống cửa ra vào bằng gỗ theo kiểu “thượng song hạ bản”. Gian chánh điện có bộ mái lợp ngói tây; bờ nóc trang trí đồ án “Lưỡng Long triều Dương”. Bờ quyết trang trí đề tài rồng cách điệu, hoa dây, hoa văn kỷ hà, Lưỡng Long triều Dương; chính giữa là hình cuốn thư đắp 3 chữ Hán, bên trong chánh điện phía trước, bên trên khu vực thờ được làm án phong, trang trí chạm khắc hoa văn, linh vật gồm rồng, phụng, sư tử, rùa tinh xảo, sống động lồng vào 3 chữ Hán. Chánh điện gồm 3 gian thờ: Gian chính giữa là nơi thờ Thần Nam Hải; gian tả ban và hữu ban, trên 1 bệ được đặt 3 khám bằng gỗ, trang trí hoa văn. Bên trong khám thờ đặt 3 linh vị. Bên phải đại điện Ông Nam Hải (hữu ban) là án thờ, phía trong án thờ có 3 linh vị. Phía ngoài án thờ: Phía trên hiển linh cung. Bên trái đại điện Ông Nam Hải (tả ban) là án thờ, phía trong án thờ có 2 linh vị. Phía ngoài án thờ: Thần thánh tọa. Phía trước khám thờ Thần Nam Hải thiết trí hai cây đao bằng gỗ ở hai bên đối xứng nhau. Phía trước bàn thờ đặt hai cây lọng. Không gian bên dưới gầm bệ thờ chứa đựng ngọc cốt cá Ông, cá Bà. Bộ lư thờ Thần Nam Hải bằng đồng, hai bên hai bộ thờ bằng đồng và bằng gốm, phía dưới khậu thờ trang trí long cuốn thủy. Bên phải chánh điện là bàn thờ Tây Hiến. Phía dưới mặt trước thờ vẽ linh vật sư tử nằm trong vòng tròn, xung quanh hoa văn mây. Bên trái chánh điện là bàn thờ tiền hiền, hậu hiền. Trên án thờ viết chữ nổi ở tường, kiểu chữ chạm khắc. Phần thờ chánh điện 3 khu vực thờ gồm 5 bàn thờ đều có bộ xông trầm bằng đồng. Phía trước các khậu thờ được ốp tráng thủy hoa văn tinh xảo. Gian bên trái phía trong là không gian thiết trí long đình bằng gỗ gồm có 2 cổ lầu được chạm khắc hoa văn với các chủ đề linh vật sống động, bên trong đề một Hán tự: “Thần”.

 

Lăng Tiên Châu một năm có ba lần giỗ kỵ vào các ngày 20/1, 20/7 và 25/9 (âm lịch). Ban lạch chịu trách nhiệm việc cúng tế theo nghi thức truyền thống với sự tham gia của tất cả dân làng. Những ngày sóc, ngày vọng, việc cúng lễ được thực hiện dưới hình thức thắp hương khấn vái, cầu xin Ông Nam Hải phù hộ chuyến ra khơi của ngư dân trong làng thuận buồm xuôi gió, tôm, cá đầy khoang.

 

Sắc Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân chi thần, năm Tự Đức thứ 5 (1852). Ảnh: HOÀI SƠN

 

Lưu giữ nhiều sắc phong

 

Tiên Châu là vùng đất được người Việt (Kinh) đến khai phá và định cư khá sớm. Nghề nghiệp chủ yếu là đánh bắt hải sản trên sông nước, niềm tin và tục thờ cúng cá Ông giữ vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh của Nhân dân địa phương. Ngoài những hạng mục kiến trúc, những di vật, cổ vật, đồ thờ tự, lăng Tiên Châu lưu giữ di sản Hán - Nôm giá trị nhất là 7 sắc phong các vua Triều Nguyễn ban tặng theo trình tự thời gian: Sắc thứ nhất ban tặng vào ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852). Sắc cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ vị Tôn thần. Sắc thứ hai ban tặng vào ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852). Sắc cho Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân chi thần. Sắc thứ ba ban tặng vào ngày 16 tháng 4 năm Tự Đức thứ 7 (1852). Sắc cho Quan Thánh Đế Quân. Sắc thứ tư ban tặng vào ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880). Sắc cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ vị Thượng đẳng thần. Sắc thứ năm ban tặng vào ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887). Sắc cho Quan Thánh Đế Quân. Sắc thứ sáu ban tặng vào ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887). Sắc cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ vị Thượng đẳng thần. Sắc thứ bảy ban tặng vào ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909). Sắc cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ vị Thượng đẳng thần.

 

Nhận định về giá trị những sắc phong, Tiến sĩ sử học Đào Nhật Kim, Trưởng phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế Trường đại học Phú Yên cho biết: Trong tổng số 19 lăng thờ cá Ông trên địa bàn Tuy An, duy nhất lăng Tiên Châu còn lưu giữ được 7 sắc phong Triều Nguyễn phong tặng mỹ tự cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ vị Tôn thần, Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân chi thần, Quan Thánh Đế Quân thờ phụng tại thôn Tiên Châu; từ thời vua Tự Đức thứ 5-1852 đến vua Duy Tân thứ 3-1909. Trải qua gần 200 năm, những sắc phong này được bảo quản tốt, còn nguyên vẹn, nét vẽ long vân vẫn ánh màu vàng tươi. Những sắc phong lưu giữ tại lăng Tiên Châu là di sản Hán - Nôm có giá trị lịch sử, văn hóa, phản ánh tín ngưỡng dân gian và các đối tượng được vua ban sắc phong thờ phụng trong đời sống tinh thần của ngư dân địa phương.

 

Lăng Tiên Châu nằm ở hạ lưu sông Cái, sát bờ biển, là vùng đất có phong cảnh sông nước hữu tình đã được phản ánh qua ca dao:

 

Tiên Châu có bãi cát vàng

Có cầu Vạn Củi, có hàng dừa xanh.

 

Xưa kia nơi đây còn có cảng thị Tiên Châu mà vai trò là đầu mối xuất phát và điểm dừng chân của các thương lái trên tuyến vận chuyển hàng hóa dọc Sông Cái trước khi đến các vùng núi Miền Tây Phú Yên. Chính những hoạt động thương mại nhộn nhịp của vùng đất Tiên Châu, từ thế kỷ XVII-XVIII dọc hai bên bờ sông Cái đã hình thành nhiều chợ.

 

Một số chợ tồn tại đến ngày nay như chợ Tiên Châu, chợ Ngân Sơn, chợ Đèo, chợ Cận, chợ Đồng Dài, chợ Gò Chai, chợ Lùng, chợ Gò Sạn... Từ lâu, lăng Tiên Châu đã trở thành điểm tổ chức lễ hội cầu ngư và các sinh hoạt văn hóa cộng đồng ngư nghiệp theo nghi lễ truyền thống. Đây cũng là điểm thu hút khách tham quan trong không gian kết nối các di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng lân cận như cảng Tiên Châu, vịnh Xuân Đài, thắng cảnh Gành Đá Đĩa, nhà thờ Mằng Lăng…

 

Với những giá trị nổi bật, điển hình và độc đáo riêng có của lăng Tiên Châu từ lối kiến trúc cổ xưa, nơi lưu giữ nhiều di vật, sắc phong, nghi thức thờ cúng cá Ông, lễ hội cầu ngư đến các loại hình diễn xướng dân gian, nghệ thuật sân khấu truyền thống, cảnh quan môi trường và những hoạt động kinh tế, văn hóa của cư dân miền biển là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch. Rất cần có những đánh giá kịp thời, toàn diện của ngành chức năng về lợi thế, tiềm năng của lăng Tiên Châu và vùng phụ cận, để có giải pháp phù hợp, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong đời sống đương đại.

 

Từ lâu lăng Tiên Châu đã trở thành điểm tổ chức lễ hội cầu ngư và các sinh hoạt văn hóa cộng đồng ngư nghiệp theo nghi lễ truyền thống. Đây cũng là điểm thu hút khách tham quan trong không gian kết nối các di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng lân cận như cảng Tiên Châu, vịnh Xuân Đài, thắng cảnh Gành Đá Đĩa, nhà thờ Mằng Lăng…

 

NGUYỄN HOÀI SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ngoạn mục đèo Cả
Chủ Nhật, 21/08/2022 13:00 CH
Thị trấn bên dòng sông Ngân
Thứ Sáu, 19/08/2022 14:00 CH
Địa danh Tây Hòa trong ca dao
Chủ Nhật, 14/08/2022 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek