Thứ Sáu, 11/10/2024 18:51 CH
Thị trấn bên dòng sông Ngân
Thứ Sáu, 19/08/2022 14:00 CH

Sông Ngân Sơn nằm sát thành An Thổ, thủ phủ Phú Yên xưa. Hai bên dòng sông này có những làng nghề truyền thống nổi tiếng như làng gốm Quảng Đức, phường lụa Ngân Sơn, làng đan thúng chai Tiên Châu…

 

Thị trấn Chí Thạnh. Ảnh: XUÂN HIẾU

 

Cũng bên dòng sông này, một thị trấn xinh đẹp là huyện lỵ của Tuy An - thị trấn Chí Thạnh đã hình thành.

 

Trai phường lụa và đặc sản cá mương

 

Theo bà Nguyễn Thị Chín, 81 tuổi, ở khu phố Ngân Sơn (thị trấn Chí Thạnh), phường lụa Ngân Sơn có cách đây hơn 300 năm với ba sản phẩm nổi tiếng là gấm, lụa và lãnh. Cả ba đều được dệt từ tơ tằm, chỉ khác nhau ở cách dệt và cách nhuộm. Trong dân gian còn lưu truyền: “Nhất gái La Hai, nhì trai phường lụa” (Dị bản khác là “Nhất gái La Hai, nhì trai Đồng Cọ/Đồng Nghệ”). Theo bà Chín, trai phường lụa ở đây là ám chỉ con trai Ngân Sơn. Ngày trước, trai Ngân Sơn ăn mặc bảnh bao, khéo ăn nói; còn La Hai (huyện Đồng Xuân) nổi tiếng là có nhiều thiếu nữ đẹp người, đẹp nết. Gốm Quảng Đức thì cũng đã thất truyền nhưng bên dòng sông này vẫn còn địa danh Lò Gốm.

 

Đặc biệt, sông Ngân Sơn có đặc sản cá mương nức tiếng. Cá mương có ở nhiều sông, con trưởng thành dài trên một tấc, to cỡ ngón tay trỏ của người lớn. Tuy nhiên, chỉ cá mương ở sông Ngân Sơn là ngon nhất, béo nhất, mềm nhất. Theo người dân địa phương, do dòng Ngân Sơn quanh năm nước chảy, lại sâu nên cá mương chọn làm nơi trú ngụ. Cũng là cá mương nhưng nếu đánh bắt chúng ở phía dưới đập Tam Giang (sông Bình Bá, xã An Ninh Tây) là xương cứng, thịt mất ngọt, bởi đây là vùng nước lợ. Những người sành ăn cá mương còn cho biết, sau mùa lụt hàng năm, cá mương mập hơn, béo hơn bình thường. Đến Ngân Sơn - Chí Thạnh mà chưa ăn món cá mương là coi như chưa đến nơi này.

 

Vụ thảm sát khó quên

 

Theo ông Vũ Kỳ Việt, nguyên Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tuy An, Chí Thạnh trở thành thị trấn huyện lỵ của Tuy An vào năm 1979, khi tách huyện Xuân An thành hai huyện Đồng Xuân và Tuy An. Trước đó, trung tâm của Tuy An bây giờ là Phú Tân (xã An Cư). Sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, Chí Thạnh - Ngân Sơn vẫn còn thưa thớt dân cư. Đến cuối năm 1985, trung tâm của Chí Thạnh vẫn tập trung ở quanh khu ngã tư gần đường sắt với vài quán cà phê, quán ăn, tiệm sửa xe, cửa hàng tạp hóa. Còn trước 1/4/1975, cả một vùng rộng lớn từ Chí Đức ra đến An Dân là vùng xen kẽ ngày địch đêm ta, và Ngân Sơn trở thành vùng giáp ranh. Đội du kích Ngân Sơn với những trận xuất kích bất ngờ khiến bọn lính ngụy mất ăn mất ngủ. Tại Chí Thạnh, bọn lính Nam Triều Tiên chiếm đóng các cao điểm, sẵn sàng nã đạn vào bất cứ chỗ nào chúng khả nghi có du kích.

 

Nhắc lại thời bom đạn chiến tranh, người dân Ngân Sơn - Chí Thạnh nói riêng, Tuy An - Phú Yên nói chung mãi mãi không bao giờ quên vụ thảm sát xảy ra cách đây 68 năm.

 

Sau khi Hiệp định Genève có hiệu lực, chính quyền Ngô Đình Diệm cố tình vi phạm, lần lượt đưa quân đội ra tiếp quản vùng tự do mà lực lượng cách mạng đã xây dựng trong chín năm kháng chiến chống Pháp. Ngày 7/9/1954 (tức 11/8 Giáp Ngọ), ba đại đội lính ngụy thuộc Tiểu đoàn 10 kéo ra Ngân Sơn chiếm đóng, lập chính quyền. Trong đó, đại đội do tên đại úy Võ Duy Đệ (người dân gọi là Đơ) chỉ huy đóng tại trường tiểu học. Sau khi ổn định, tên này đi ra phía sau trường, vào nhà ông Bành Liến. Thấy trên bàn thờ có ảnh Bác Hồ, hắn giật xuống, liền bị vợ ông Liến lúc bấy giờ đang quét sân quật cho mấy chổi. Hắn rút súng ra dọa và hai bên xô xát. Nghe có tiếng la, bà con lối xóm ùa đến phản đối lính quốc gia uy hiếp dân thường. Bất ngờ, tên Đệ ra lệnh cho lính bắn thẳng vào đám đông đang tập trung trong sân trường làm chín người trúng đạn chết ngay tại chỗ, nhiều người bị thương.

 

Bà Nguyễn Thị Tám, người bị thương trong vụ thảm sát này, khi ấy 14 tuổi cùng em gái Nguyễn Thị Chín (12 tuổi) bán cơm rượu phía trước cổng trường, nhớ lại: Nghe tiếng súng, người dân kéo đến càng lúc càng đông. Không khí căm phẫn sục sôi bao trùm khiến bọn địch nao núng, vội vã rút vào Chí Thạnh. Bà con khiêng những người chết đi theo tiếp tục đấu tranh với địch. Lúc này, người dân các xã An Ninh, An Định, An Cư… cũng rầm rộ kéo đến. Từ dốc Nhà Thương (phía bắc khu phố Trường Xuân hiện nay), địch đặt súng đại liên bắn thẳng vào đoàn người từ hướng An Thạch lên. Nhiều người từ phía trên đèo Thị kéo xuống đến chùa Trường Giác (sân vận động hiện nay) cũng bị chúng bắn thương vong. “Từ cổng trường, tôi đùm túm đồ đạc dắt con em chạy lên đến gần quốc lộ thì trúng đạn bị thương ở chân. Hai chị em may mắn thoát chết”, bà Tám kể lại. Trong vụ thảm sát đẫm máu vào chiều 7/9/1954, tổng cộng 79 người chết, 76 người bị thương.

 

Sông Ngân Sơn. Ảnh: XUÂN HIẾU

 

Hồi sinh và phát triển

 

Sau ngày 1/4/1975, nhất là từ sau tái lập tỉnh, Ngân Sơn - Chí Thạnh đã từng bước hồi sinh trở thành một đô thị trẻ đầy sức sống. Nếu như ngày trước, thôn Ngân Sơn ẩn mình dưới những rặng tre, chỉ có một con đường nối từ quốc lộ 1 đi An Thạch, An Ninh... thì giờ đây, đường làng ngõ phố đều được bê tông sạch sẽ, thoáng đãng, trở thành khu phố văn hóa dân cư đông đúc. Trường tiểu học Ngân Sơn, điểm đầu tiên diễn ra vụ thảm sát nay là ngôi trường hai tầng khang trang. Trong sân trường, tấm bia lớn ghi dấu sự kiện đẫm máu ngày xưa xung quanh được các thầy cô, học sinh trồng các loại hoa đua nở bốn mùa, ghi nhớ những người đã ngã xuống để có hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và hạnh phúc hôm nay. Di tích lịch sử Địa điểm diễn ra vụ thảm sát Ngân Sơn - Chí Thạnh đã được Bộ VH-TT công nhận là di tích cấp quốc gia theo Quyết định 153, ngày 18/6/1997.

 

Ông Nguyễn Minh Quang, Chủ tịch UBND thị trấn Chí Thạnh cho biết: Chỉ trong 4 năm (2017-2020), thị trấn Chí Thạnh đã đầu tư gần 6 tỉ đồng, bê tông 60 hẻm phố, với chiều dài hơn 8,2km khép kín mạng lưới hẻm phố bằng bê tông. Thực hiện Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 18/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo xây dựng và phát triển huyện Tuy An thành thị xã vào năm 2025, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn Chí Thạnh đang dốc toàn lực để đầu tư, xây dựng huyện lỵ trở thành một đô thị văn minh, hiện đại.

 

Còn theo ông Phạm Văn Bảy, Bí thư Huyện ủy Tuy An, để đưa huyện Tuy An thành thị xã vào năm 2025, một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của huyện là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, hoàn chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đô thị Chí Thạnh và vùng phụ cận trở thành đô thị du lịch - dịch vụ - thương mại. Trong đó, chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng kết hợp cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu và xây dựng các khu đô thị, khu dân cư mới với cơ cấu, chức năng hợp lý, tạo diện mạo kiến trúc, cảnh quan đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, đồng bộ, bền vững. Đồng thời chú ý bảo vệ các vùng cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ gìn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của địa phương để tạo điểm nhấn cho đô thị Tuy An tương lai.

 

LẠC HỒNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tiểu đoàn 85 anh hùng
Thứ Sáu, 05/08/2022 15:43 CH
Hòa Tân mãi mãi tự hào
Thứ Sáu, 22/07/2022 11:22 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek