Thứ Bảy, 27/07/2024 07:22 SA
Hòa Tân mãi mãi tự hào
Thứ Sáu, 22/07/2022 11:22 SA

Di tích lịch sử cấp tỉnh Địa điểm diễn ra trận chiến đấu chống càn xã Hòa Tân năm 1967. Ảnh: XUÂN HIẾU

Hòa Tân Đông (TX Đông Hòa) và Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) trước đây là một xã với tên gọi Hòa Tân. Người dân Hòa Tân mãi mãi tự hào về truyền thống chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quê hương, đất nước.

 

Xã Hòa Tân được thành lập tháng 11/1947, hợp nhất 3 xã nhỏ là xã Nhứt Sơn, gồm các thôn Phú Quý, Phú Lạc, Hội Khánh, Hội Cư, Mỹ Định, Xuân Thạnh; xã Cảnh Thạnh gồm 2 thôn Cảnh Phước và Đồng Thạnh; xã Tam Đồng gồm các thôn Vĩnh Xuân, Phú Đa và Phú Lương.

 

Khai hoang mở đất

 

Theo sách Hòa Tân mãi mãi tự hào xuất bản tháng 9/1988, hơn 400 năm trước, theo chân Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh, những người Việt đầu tiên từ Thanh Nghệ, Thuận Quảng vào đây dựng chòi lấn rừng, khai hoang mở đất. Trải qua nhiều năm tháng kham khổ, cái rựa quéo chai cả hai bàn tay, họ chặt cây rừng, phá lau lách, dọn hói bàu… khai khẩn từng khoảnh, từng vùng, dọc theo sông Bàn Thạch, hết gần đến xa. Nhiều nơi mà tên gọi của nó vẫn còn dấu tích xa xưa như: Đồng Lau, Đồng Cọ, Cỏ Ống, Bàu Đá, Bàu Bèo, Hóc Nhum, Hóc Gáo… Hiện nay ở một số vùng thuộc Phú Lương, Vĩnh Xuân, Cảnh Phước (Hòa Tân Đông), Núi Một (Hòa Tân Tây)… vẫn còn vết tích của một số nền móng công trình kiến trúc của người xưa.

 

Ông Lê Ngọc Cường, 95 tuổi, ở thôn Phú Lương kể, ông bà ngày trước rất giỏi việc đắp đập, ngăn sông suối lấy nước làm ruộng, rào bẫy chống thú hoang phá hoại mùa màng. Các cụ già thường kể cho con cháu nghe chuyện cọp beo về làng: Ngày ấy làng xóm ở sát với rừng, nhiều khi heo rừng đi lạc về trong xóm, có cả ông Đụng (voi) và ông Ba Mươi (cọp). Có lần tối cọp về làng rình bắt heo, bắt chó, sáng ra lỡ trớn ở luôn trong làng, bà con phải đem trống, mõ ra gõ, hò la để đuổi đi. Cũng bởi vì để tránh thú rừng mà người dân phải bỏ các làng Cảnh Tiên, Đồng Quan, Đá Cốc, Hóc Gáo ở phía nam sông Bàn Thạch sang ở bên này sông. Rồi ông ngẫu hứng đọc mấy câu thơ xưa: Quê tôi ở xã Hòa Tân/ Xung quanh là những cánh đồng bao la/ Phía nam dãy núi xa xa/ Phía bắc đồng ruộng Tuy Hòa mênh mông… Quê tôi nhiều hói nhiều bàu/ Cho nên nhiều nếp đầy nồi dễ đơm/ Lại thêm nhiều tép nhiều tôm/ Cá trê lắm ngạnh xanh rờn ăn câu/ Lúa nhiều lúa ở Đồng Lau/ Nếp nhiều nếp những hói bàu gần sông/ Đồng Ngoài lại có đồng Trong…

 

Đường nông thôn mới thôn Vĩnh Xuân, xã Hòa Tân Đông. Ảnh: XUÂN HIẾU

 

Bẻ gãy vòng vây “ba tròng”

 

Ông Lê Hùng Tấn, nguyên Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa cho biết: Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, Hòa Tân là một xã thống nhất. Từ tháng 9/1981, Hòa Tân mới chia thành 2 xã Hòa Tân Đông và Hòa Tân Tây. Hai xã này tuy hai mà một. Nhân dân Hòa Tân luôn đoàn kết một lòng, sắt son với Đảng và Bác Hồ, sát cánh cùng nhau chống giặc bảo vệ từng tấc đất, mảnh vườn, thôn xóm. Một trong những chiến công vang dội lưu danh sử sách là trận chiến chống càn khốc liệt diễn ra tại 3 thôn Hội Cư, Xuân Thạnh và Cảnh Phước, còn gọi là trận “ba tròng” tháng 9/1967.

 

Ông Nguyễn Xuân Thời, nguyên cấp ủy xã Hòa Tân thời kỳ đó, nhớ lại: Đêm 16/9/1967, lực lượng vũ trang tại các xã Hòa Đồng, Hòa Thịnh, Hòa Mỹ, Hòa Tân và Hòa Bình đã phối hợp cùng Tiểu đoàn Đặc công 14, Đại đội 337 bộ đội địa phương đồng loạt tiến công, đánh chiếm một số mục tiêu Phước Mỹ, cầu Máng Phú Nông, Phước Bình, Phước Lộc, đánh tan 1 đại đội bảo an, 3 tổng đoàn dân vệ, đánh sập trụ sở Hòa Thành, diệt hàng trăm tên địch và một số ác ôn, thu hàng chục súng. Đến 3 giờ sáng hôm sau, ta rút về Hòa Tân để chuẩn bị cho các hoạt động tiếp theo.

 

Ngày 19/9/1967, địch mở cuộc hành quân lớn, gồm 2 tiểu đoàn bộ binh Đại Hàn, 2 chi đội M113, 2 phi đội máy bay lên thẳng cùng một số đơn vị bảo an, dân vệ, được tăng cường 2 máy bay L19, 2 máy bay F105, 6 xe ủi đất, cùng các trận địa pháo ở Phước Mỹ, Đông Tác, Cầu Cháy chi viện. Chúng sử dụng vòng vây “ba tròng” gồm bộ binh, xe tăng và mìn tiến vào các thôn Xuân Thạnh, Hội Cư, Cảnh Phước tấn công lực lượng của ta.

 

Cánh quân Đại Hàn có M113 dẫn đầu từ Phước Mỹ băng qua đồng, vượt ga Gò Mầm, chia thành 2 mũi tràn xuống. Đồng thời trực thăng đổ bộ xuống cánh đồng phía nam xã và Núi Một 1 tiểu đoàn bộ binh cũng là lính đánh thuê Đại Hàn. Ở phía đông, 1 đại đội bảo an và 1 trung đội dân vệ từ Phú Lương càn lên. Địch triển khai chiếm lĩnh những vị trí quan trọng, rải nhiều mìn Claymo thành tuyến ở phía nam của xã, hình thành thế bao vây nhiều mặt. Ngoài ra, chúng còn cho một vài phân đội nhỏ thăm dò; cả ngày và đêm bắn pháo liên tục vào các thôn Hội Cư, Xuân Thạnh, Cảnh Phước. Buổi tối, chúng dùng đèn pha cực mạnh trên Núi Một quét xuống làng, xuống đồng. Toàn bộ lực lượng của ta nằm trong vòng vây của địch, không còn đường nào rút về căn cứ.

 

Suốt nhiều ngày đêm chiến đấu ròng rã, anh em ta bị thương nhiều, có người hy sinh, mệt mỏi, căng thẳng quá sức. Tiền phương huyện và cấp ủy xã quyết định huy động mọi cố gắng cuối cùng đánh thẳng vào bọn chỉ huy và đội hình M113 để phá vòng vây. Với tinh thần anh dũng, kiên cường, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 215 tên địch, bắn cháy 2 xe M113 và 1 trực thăng. Trong trận chống càn này, 94 cán bộ, chiến sĩ, dân quân du kích của ta đã anh dũng hy sinh.

 

Chung tay xây dựng cuộc sống mới

 

Trải qua mưa bom bão đạn, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cán bộ và Nhân dân xã Hòa Tân chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn cùng nhau xây dựng cuộc sống mới.

 

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Tân Đông Nguyễn Văn Lai cho biết: Phát huy truyền thống anh dũng kiên cường trong 2 cuộc kháng chiến, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong xã đã đoàn kết, nhất trí cao, ra sức khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, vận dụng đúng đắn đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả trên các mặt. Năm 2015, Hòa Tân Đông là xã thứ hai của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Xã đã và đang huy động mọi nguồn lực, tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu.

 

Không thua kém người anh em, qua hơn 6 năm xây dựng xã NTM nâng cao, Hòa Tân Tây đã huy động lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khang trang, hiện đại, tiến tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu.

 

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Tân Tây Trần Quốc Suyền, là xã thuần nông nhưng nhờ biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo việc làm ổn định nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Thu nhập bình quân năm 2021 hơn 50 triệu đồng/người/năm, cao gần gấp đôi so với năm 2015. Toàn xã chỉ còn 14 hộ nghèo; tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 98,4%. Đảng bộ, chính quyền xã nhiều năm liên tục được công nhận trong sạch vững mạnh.

 

Địa điểm diễn ra trận chiến đấu chống càn xã Hòa Tân năm 1967, nơi in đậm dấu ấn lịch sử của quân và dân Hòa Tân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2021.

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lăng Phú Lạc - nơi lưu giữ nhiều sắc phong
Chủ Nhật, 17/07/2022 07:00 SA
Trên quê hương Phú Hòa
Thứ Sáu, 08/07/2022 09:26 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek