TX Đông Hòa có 5 lăng thờ cá Ông, trong đó lăng Ông ở khu phố Phú Lạc (phường Hòa Hiệp Nam) là di tích lưu giữ nhiều sắc phong nhất tỉnh Phú Yên.
Sắc phong thần Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân chi thần năm Đồng Khánh thứ 2 (1887). Ảnh: HOÀI SƠN |
Sắc phong di sản Hán Nôm có giá trị lịch sử, văn hóa
Lăng Phú Lạc nằm trên ngọn núi nhỏ gọi là núi Miếu, núi này sát sông Bàn Thạch gần cửa Đà Nông. Lăng nằm trên khuôn viên nhỏ, xung quanh không có tường bao, quay mặt về hướng đông, cổng phía trước rộng 2,5m, cao 2,5m, trụ cổng kiểu trụ vuông, đầu trụ có đặt tượng nghê đá quay về phía trước, trên cổng đề Lăng Nam Hải. Lăng chính diện tích 7mx5m, gồm ba gian, xây kiểu nhà cấp bốn tường gạch, mái lợp ngói, trên bờ nóc đắp hình Lưỡng Long Chầu Nguyệt. Trong lăng có 3 bàn thờ, bàn thờ gian giữa thờ thần, trên bàn thờ có đặt các hộp đựng sắc phong, gian phía hữu đặt bàn thờ bà Thủy Long, gian phía phải đặt bàn thờ ông Nam Hải, phía sau bàn thờ đặt 3 hòm đựng cốt Ông. Phía trái của lăng còn có thêm nhà nhỏ tiếp khách khi tổ chức cúng lăng, nhà có diện tích 5mx4m, mái lợp ngói. Hiện tại lăng Phú Lạc bảo lưu được 10 sắc phong của các vua Triều Nguyễn. Trong đó có 4 sắc phong của vua Tự Đức, 2 sắc phong của vua Đồng Khánh, 2 sắc phong của vua Duy Tân và 2 sắc phong của vua Khải Định. Sắc phong có niên đại sớm nhất là năm Tự Đức thứ 5 (1852), muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 (1909).
Ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 53 lăng thờ cá Ông. Trong đó, TX Sông Cầu 26, huyện Tuy An 19, TP Tuy Hòa 3 và TX Đông Hòa 5. Tuy số lượng lăng thờ cá Ông trên địa bàn Đông Hòa chỉ đứng vị trí thứ ba, nhưng lăng Phú Lạc là di tích thờ cá Ông lưu giữ được số lượng sắc phong nhiều nhất trong tỉnh. 10 sắc phong lưu giữ tại lăng Phú Lạc là di sản Hán Nôm có giá trị lịch sử, văn hóa được các vua Triều Nguyễn ban tặng các thần Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân, Tứ Dương Thành Quốc, Thủy Long Thần Nữ. Đây là những vị thần liên quan đến tín ngưỡng của cư dân làm nghề đánh bắt cá trên biển.
Phát huy giá trị di sản để phát triển du lịch
Sắc phong lưu giữ tại lăng Phú Lạc đã trải qua gần 200 năm đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn, điều này nói lên từ rất sớm, các bậc tiền nhân đã ý thức rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa cho thế hệ mai sau. TS Sử học Đào Nhật Kim, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế Trường đại học Phú Yên nhận định: Các loại hình văn hóa Hán Nôm như văn tế sắc phong, văn bia, gia phả… và các văn bản khác như bằng cấp, hoành phi, câu đối… được lưu giữ ở Phú Yên nói chung đã trở thành một bộ phận rất quan trọng trong di sản văn hóa dân tộc. Các tư liệu Hán Nôm này chứa đựng rất nhiều thông tin quý giá về lịch sử, văn hóa cũng như tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục của từng khu vực, của từng địa phương. Qua đó giúp chúng ta hình dung và nắm bắt được bối cảnh, tình hình lịch sử, văn hóa ở một thời kỳ khá dài trong lịch sử Phú Yên. Di sản Hán Nôm còn chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa dân gian và phản ánh đời sống tinh thần người dân qua từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử.
Phát huy giá trị di sản để phát triển du lịch là hướng đi mà TX Đông Hòa đang thực hiện có hiệu quả. Lăng Phú Lạc có lợi thế bảo lưu được số lượng sắc phong nhiều nhất tỉnh lại duy trì được lễ hội cầu ngư mỗi năm một lần vào ngày 25/5 (âm lịch). Đây là sự kiện văn hóa - tín ngưỡng lớn của ngư dân địa phương thu hút hàng ngàn người tham dự.
Mở đầu lễ hội cầu ngư lăng Phú Lạc là lễ rước sắc. Sau đó là lễ nghinh thủy về chánh điện để cùng hưởng lộc Ông. Khi chủ tế cúng trong lăng theo nghi thức cổ truyền thì ở ngoài sân có rạp che, đoàn hát bả trạo bắt đầu hát. Vào phần tế lễ có tế sanh, tế đình, tế Bà Thiên Y A Na và cuối cùng là ông Nam Hải. Vật phẩm dâng cúng gồm các loại đặc sản địa phương và hương hoa. Lễ đọc văn tế, nội dung ca ngợi công đức các vị tiền hiền, các vị thủy thần phù hộ cho ngư dân thuận buồm xuôi gió, lưới nặng cá đầy, làm ăn thuận lợi, cuộc sống ngày một ấm no đủ đầy.
Phần hội là những sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tiêu biểu nhất là hát tuồng. Hát tuồng phục vụ lễ hội cầu ngư gọi là hát án. Hát án thường là những vở tuồng có chọn lọc, nội dung chính nghĩa thắng gian tà, phù hợp với tâm tư nguyện vọng được gặp nhiều may mắn của ngư dân tổ chức lễ hội. Trong lễ hội cầu ngư ở lăng Phú Lạc còn có màn múa siêu rất độc đáo. Võ sư Kim Yên, người đã nhiều năm tham dự lễ cầu ngư ở lăng Phú Lạc cho biết: “Múa siêu trong lễ hội cầu ngư là nội dung hết sức độc đáo có sức lôi cuốn người xem ở nhiều lứa tuổi, giới tính khác nhau, với nội dung là biểu diễn bài võ Siêu Đao tuyệt kỷ trong thời gian hơn một giờ đồng hồ. Bài võ Siêu Đao, dân trong vùng quen gọi bằng Siêu Ông, được trình bày bởi 4 võ sĩ mặc võ phục oai phong như 4 mãnh tướng múa 4 cây đại đao, cùng 24 võ sinh cầm trường côn (tượng trưng cho đội hùng binh) mặc trang phục cổ. Chưa kể một vị tổng tràng điều khiển bằng những hồi trống giục giòn giã. Bằng những chiêu thức đao pháp vừa uyển chuyển, vừa uy vũ của tinh hoa võ Việt ngày xưa truyền lại, bài võ Siêu Đao đã tái hiện tính cách mạnh mẽ, hào khí và cũng rất trí tuệ của các bậc tiền nhân đi khai phá vùng đất hoang sơ mưu cầu cuộc sống tốt đẹp, mang lại hình tượng và tăng khí thế hứng khởi cho người xem. Đặc biệt, với cách sắp xếp cho đoàn tướng binh dịch chuyển theo mô hình Bát Quái, bài võ vừa thể hiện tính biến hóa, vừa nói lên ý nghĩa thâm sâu của triết học phương Đông...”.
Phần biểu diễn của bài võ Siêu Đao đã góp phần lớn làm cho chương trình lễ hội mang tính hấp dẫn. Hàng nghìn người từ các nơi trong và ngoài tỉnh đã không quản ngại xa xôi về lăng Phú Lạc tham dự, thưởng thức cũng như tìm hiểu lễ hội một cách hứng thú. Rất nhiều người dân TX Đông Hòa cho biết họ nhiều lần tham gia lễ hội cầu ngư, nhưng không hề thấy nhàm chán, mà ngược lại luôn cảm thấy hết sức hào hứng.
Lễ hội cầu ngư ở lăng Phú Lạc không khác mấy so với các vạn chài lân cận. Trong yếu tố tương đồng, biểu tượng cá voi được ngư dân miền biển tôn sùng là linh thiêng, thờ cúng trang nghiêm được tôn xưng là cá Ông; được các vua Triều Nguyễn phong làm “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần”. Tất cả các làng ven biển hoặc làng nghề cá đều được ban sắc thần này để phụng thờ. Lễ hội cầu ngư ở lăng Phú Lạc là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc của ngư dân miền sông nước Đà Nông. Lễ hội cầu ngư ở lăng Phú Lạc còn là dịp thăm viếng lẫn nhau giữa chủ ghe và bạn chài, giữa chủ vạn với ngư dân để tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Khai thác giá trị các sắc phong, di sản Hán Nôm ở lăng Phú Lạc với lợi thế biển đảo kết hợp với phát huy giá trị quần thể danh thắng núi Đá Bia - Đèo Cả - Vũng Rô - Bãi Môn - Mũi Điện cùng lễ hội cầu ngư ở lăng Phú Lạc và Hội thao sông nước Đà Nông là hướng đi mới tạo bước đột phá cho ngành Du lịch TX Đông Hòa phát triển.
NGUYỄN HOÀI SƠN