Chính thức thành lập và đi vào hoạt động ngày 4/3/2002, sau 20 năm xây dựng, từ một huyện thuần nông với nhiều khó khăn, thử thách, Phú Hòa đã trở thành huyện nông thôn mới và đang trên đà phát triển.
Gành đá Mỹ Hòa hiện lên giữa cánh đồng xanh. Ảnh: LẠC VIỆT |
Vào cuối thế kỷ XVI, những lưu dân người Việt đầu tiên của vùng đất Thanh Nghệ, Thuận Quảng theo chân Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh vào khai khẩn mở mang tạo dựng vùng đất trấn biên phía Nam của nước Đại Việt trải dài từ đèo Cù Mông đến núi Đá Bia. Đó là cơ sở để năm 1611, Chúa Nguyễn cho thành lập phủ Phú Yên với hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, tiền thân của tỉnh Phú Yên ngày nay.
Vùng đất địa linh nhân kiệt
Trong quá trình khai dân lập ấp, Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh đã chọn vùng đất Hòa Trị, Phú Hòa để an cư. Sau khi mất, ông được tôn vinh là Thành Hoàng của vùng đất này và cả phủ Phú Yên. Là người có công rất lớn trong việc mở cõi nên ông được ban nhiều sắc phong, trong đó có 14 sắc phong của Triều Lê, Triều Nguyễn còn được lưu giữ đến ngày nay.
Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng huyện Phú Hòa luôn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Theo TS Đào Nhật Kim (Trường đại học Phú Yên), không chỉ là nơi yên nghỉ cuối cùng của Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh, Phú Hòa còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, sản sinh ra nhiều danh nhân. Đơn cử, ông Đào Tấn Tú húy Đào Tấn Dưỡng, hiệu Mỹ Ngọc, sinh ngày 5/5 năm Kỷ Tỵ (1809) tại làng Tây Phú (nay là thôn Mỹ Thành), xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, là người đỗ cử nhân đầu tiên ở vùng đất Tuy Hòa vào năm 1841. Về sau, ông được bổ nhiệm làm tri huyện ở An Giang và Bình Thuận, nổi tiếng là thanh liêm.
Hay ở thôn Phong Niên (xã Hòa Thắng) có Thống chế Nguyễn Công Nhàn được Triều Nguyễn phong hàm Chánh nhị phẩm vì có nhiều công lao đánh đuổi Xiêm La và giặc Pháp ở Nam Kỳ. Ông được vua Minh Mạng thưởng cho một tấm thẻ bài vàng có hàng chữ “hùng dũng tướng” và được khắc tên vào cỗ súng Thần uy phục viễn (cỗ thứ tư) tại kinh thành Huế. Hiện tại nhà thờ của ông còn lưu giữ 14 sắc phong của các vua Triều Nguyễn ban cấp.
Ngoài ra, Phú Hòa còn là nơi sinh của 6 bí thư tỉnh ủy qua các thời kỳ, như Trần Suyền, Đào Tấn Ngoạn, Thái Phụng Nê, Nguyễn Văn Đẳng… và nhiều người đỗ đạt cao.
Một góc nông thôn mới ở xóm Trịnh (huyện Phú Hòa). Ảnh: LẠC VIỆT |
Nhiều điểm đến hấp dẫn
Không chỉ là vùng đất địa linh nhân kiệt, Phú Hòa còn là địa phương có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống, là những điểm đến hấp dẫn du khách.
Đầu tiên phải kể đến Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh, được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1996. Trong đó, khu lăng mộ được xây dựng ở một vùng đất cao, tựa lưng vào núi Cấm, trước là dòng sông Bến Lội thơ mộng. Còn đền thờ Lương Văn Chánh cách lăng mộ khoảng 500m, cũng được xây trên một vùng đất cao ráo, hướng về phía nam. Năm 2014, cây bồ đề cổ thụ trước sân đền được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Ông Lương Công Hùng, Tộc trưởng họ Lương tỉnh Phú Yên cho biết: Hàng năm, vào ngày cụ Lương Văn Chánh nhận sắc lệnh (6/2 âm lịch) và ngày cụ qua đời (19/9 âm lịch), tỉnh và huyện Phú Hòa đều long trọng tổ chức Lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc nhằm bày tỏ lòng kính trọng đối với vị thành hoàng đã có công khai khẩn, mở mang vùng đất Phú Yên hôm nay. Còn những ngày thường, nhiều du khách gần xa cũng tìm đến đây để tham quan và tìm hiểu về con người, sự nghiệp của Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh.
Di tích lịch sử thứ hai là Thành Hồ (còn được gọi là thành An Nghiệp), án ngữ phía bắc sông Đà Rằng, thuộc thôn Định Thọ, xã Hòa Định Đông. Đây là vùng đệm ngăn cách Đại Việt với Chăm Pa từ miền núi sâu ra tận biển. Tuy Thành Hồ chỉ còn là phế tích, nhưng đây từng là vị thế hiểm yếu về quân sự chính trị của vương quốc Chăm Pa.
Thành Hồ, cùng với các di tích Chăm khác ở Phú Yên nằm trong tổng thể chung của các di tích Chăm ở miền Trung, không những có giá trị về mặt khoa học mà đang trở thành những địa điểm hấp dẫn để khai thác kinh tế du lịch.
Không riêng hai địa điểm nói trên, huyện Phú Hòa còn nhiều nơi có thể phát triển du lịch như tháp Chăm Đồng Miễu, dinh Ông (xã Hòa Định Đông); suối khoáng nóng Phú Sen (xã Hòa Định Tây); nhà thờ Thống chế Nguyễn Công Nhàn (xã Hòa Thắng); đập Đồng Cam (xã Hòa Hội); suối Cô Lan (xã Hòa Quang Bắc); các làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi, như bánh tráng Đông Bình (xã Hòa An), bó chổi Mỹ Thành (xã Hòa Thắng), bún Định Thành (xã Hòa Định Đông)…
Đặc biệt, trên địa bàn huyện có gành đá Mỹ Hòa (xã Hòa Thắng) với hình dạng tự nhiên độc đáo, là cảnh quan thiên nhiên đẹp nằm giữa vùng châu thổ sông Đà Rằng. Gành đá Mỹ Hòa được chia thành 5 mảng đá nhỏ, gồm: gành Miễu, gành Dung, gành Quan, gành Quýt và gành Bồ, nên còn có tên gọi khác là Ngũ Thạch Sơn. Trong đó, lớn nhất là gành Bồ, nhỏ nhất là gành Quan. Đến đây, mọi người đều có chung cảm giác tuyệt vời khi ngắm nhìn từng dãy đá trải dài như sống lưng của những con rồng hóa thạch và những hình thù kỳ lạ như mỏ chim, đầu rắn, miệng hùm, dê núi... vươn lên trời xanh. Mùa này, đứng trên đỉnh của gành Bồ, có thể thu vào tầm mắt cả vùng đồng bằng Tuy Hòa với những thửa ruộng hình ô vuông xanh ngút ngàn được ôm ấp bởi những xóm làng yên bình.
Huyện nông thôn mới
20 năm trước, huyện Phú Hòa được thành lập trên cơ sở tách ra từ TX Tuy Hòa. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Hòa Lê Ngọc Tính nhớ lại: Thời gian đầu mới thành lập huyện, tình hình kinh tế - xã hội và các hoạt động của huyện còn nhiều khó khăn, thử thách; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ nhỏ lẻ, sản phẩm đơn điệu; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đầu tư chưa đồng bộ; đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn… Với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, 20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phú Hòa đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được nhiều kết quả phấn khởi trên các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành nghề kinh tế giai đoạn 2015-2020 gần 11%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt trên 46 triệu đồng, tăng 16,4 lần so với năm 2002…
Cùng với tập trung phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh là then chốt, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và người dân đồng thuận hưởng ứng, tham gia. Đến đầu năm 2018, toàn huyện có 8/8 xã đạt chuẩn NTM và năm 2019 Phú Hòa được Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM; cuối năm 2021 có 5/8 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Với những thành tích đạt được trong 20 năm xây dựng và phát triển, cán bộ và Nhân dân huyện Phú Hòa đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Độc lập hạng ba (năm 2006), Huân chương Độc lập hạng nhì trong thời kỳ đổi mới (2012), Huân chương Lao động hạng ba trong phong trào xây dựng nông thôn mới (2019); có 8 tập thể được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba… |
LẠC VIỆT