Trong số 7 dịch trạm được thiết lập trên đường thiên lý qua tỉnh Phú Yên dưới thời phong kiến, thì dịch trạm Phú Vinh (thôn Phú Vang, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) là công trình có kiến trúc còn tương đối nguyên vẹn.
Đây là dịch trạm duy nhất còn tồn tại cổng thành, bờ tường bao quanh, bãi cỏ dành cho ngựa trạm, khuôn viên nhà trạm, giếng nước và các bậc tam cấp đi lên nhà trạm... tạo thành hệ thống kiến trúc độc đáo của một dịch trạm đảm nhận chức năng vận chuyển thư từ, công văn hoặc đón tiếp và phục vụ các đoàn sứ bộ, các quan lại của Triều Nguyễn đi kinh lý.
7 dịch trạm đi qua Phú Yên
Dưới Triều Nguyễn, dọc theo đường thiên lý trải dài từ kinh đô Huế đến các địa phương trong cả nước có 148 dịch trạm. Trong đó, 107 dịch trạm đã có từ triều vua Gia Long, 38 dịch trạm dựng đặt thêm dưới thời vua Minh Mạng, 1 dịch trạm đặt thêm dưới triều vua Thiệu Trị và 2 dịch trạm đặt thêm dưới thời vua Tự Đức. Việc đặt tên các dịch trạm cũng được Triều Nguyễn quy định thống nhất trong cả nước là lấy từ đầu hoặc cuối của tỉnh gắn với tên địa phương. Vì vậy, hệ thống dịch trạm đi qua tỉnh Phú Yên dưới Triều Nguyễn gồm 7 dịch trạm đều gắn với chữ Phú, mỗi trạm cách nhau khoảng 20-36 dặm. Theo chiều dài từ Bắc vào Nam lần lượt các dịch trạm ở Phú Yên là:
Trạm Bình Phú: được lập từ thời Gia Long, nằm trên đèo Cù Mông, giáp ranh tỉnh Bình Định, cách trạm Bình Điền của Bình Định 30 dặm (tương đương 15km).
Trạm Phú Khê đặt ở thôn Bình Thạnh (xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu ngày nay). Trên đường thiên lý, trạm Phú Khê nằm giữa núi Yên Beo và núi Ông Ba Kinh, cách trạm Bình Phú 24 dặm (khoảng 12km).
Trạm Phú Đường đặt tại thôn Khoan Hậu, huyện lỵ Đồng Xuân cũ từ thời Gia Long. Năm 1822, vua Minh Mạng đổi tên là trạm Phú Thường, cách trạm Phú Khê 28 dặm (khoảng 14km).
Trạm Phú Tân đặt tại thôn Phú Tân (nay thuộc xã An Cư, huyện Tuy An), cách trạm Phú Thường 27 dặm.
Trạm Phú Vinh đặt tại thôn Phú Vinh (nay là thôn Phú Vang, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa), cách trạm Phú Tân 31 dặm (khoảng 16km).
Trạm Phú Thịnh đặt tại thôn Trường Thịnh (nay thuộc phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa). Thời Gia Long gọi là trạm Phú Đê, đến năm Minh Mạng thứ 5 (1824) đổi là Phú Thịnh, cách trạm Phú Vinh 23 dặm (khoảng 12km).
Trạm Phú Hòa đặt trên dãy núi Đại Lãnh trên đèo Cả từ thời Gia Long, cách trạm Phú Thịnh 23 dặm.
Theo quy định của Triều Nguyễn, tất cả dịch trạm ở Phú Yên cũng như hệ thống dịch trạm trên cả nước do Ty Bưu chính quản lý. Nhà Nguyễn cũng quy định chặt chẽ chế độ chức dịch nhà trạm, đặt trạm, đường chạy trạm, điểm trạm, trưởng trạm, phu trạm, ngựa trạm. Các dịch trạm ở Phú Yên được cấp từ 30-100 người tùy theo mức độ đường sá hiểm trở. Mỗi trạm được cấp 4 con ngựa để phục vụ việc vận chuyển công văn. Mỗi trạm được cấp một bài trạm, một mặt bài khắc danh hiệu của trạm ấy, dưới khắc giờ, ngày, tháng để tiện việc tiếp nhận ống trạm mà chuyển đi. Ban đầu thẻ bài trạm được khắc bằng gỗ nhưng từ năm 1820 trở đi, thẻ bài trạm được khắc bằng ngà voi hoặc sừng trâu.
Hệ thống kiến trúc độc đáo
Dịch trạm Phú Vinh và các dịch trạm ở Phú Yên được triều Nguyễn quy định xây dựng ngay bên đường cái quan để thuận tiện cho việc chuyển đổi công văn. Năm 1830, vua Minh Mạng chuẩn định lại quy thức việc xây dựng dịch trạm, theo đó Trạm Phú Vinh được xây dựng gồm: nhà trạm kết cấu 2 gian 3 chái, mái lợp tranh; lòng ngang 5 thước, dọc 6 thước 5 tấc, đằng trước đằng sau, bên tả bên hữu sàn gác thứ 2 đều 4 thước 9 tấc, sàn gác thứ 3 đều 3 thước 2 tấc, cột cái 13 thước, dài 3 trượng 5 thước 2 tấc, rộng 2 trượng 1 thước 2 tấc. Trước trạm có treo biển ghi tên Trạm Phú Vinh, chữ được sơn son thếp vàng. Giữa sân trạm có cột cờ treo cờ cả ngày lẫn đêm để phu trạm có thể nhận ra từ xa. Xung quanh trạm được bao bằng tường rào, bốn góc có bốn chòi gác để sớm phát hiện các phu trạm đang tới nhằm nhanh chóng chuẩn bị tin tức, công văn.
Trạm Phú Vinh nằm ở khu vực gần núi nên được xây dựng cổng và tường bao quanh khá kiên cố. Trong chuyến khảo sát vào tháng 4/2022, chúng tôi phát hiện cổng dịch trạm Phú Vinh còn tương đối nguyên vẹn, được xây dựng bằng chất liệu đá, gạch thẻ và hợp chất như các công trình xây dựng của Triều Nguyễn. Hiện tại, cổng dịch trạm Phú Vinh cao 3m, rộng 2,5m, độ dày 1m5. Bên cạnh cổng chính, 2 bên có các cửa giả. Từ cổng chính, bờ tường kéo dài 2 bên còn khá nguyên vẹn dường như bao bọc mặt phía Đông của dịch trạm. Phía trong cổng còn các bậc tam cấp dẫn lên nhà trạm. Trong khuôn viên trạm dịch Phú Vinh còn lưu lại dấu tích chuồng ngựa, nhà bếp, khu vực ở của phu trạm. Đặc biệt, nước dùng cho sinh hoạt được tận dụng từ các dòng suối chảy tự nhiên đưa xuống nhà trạm cung cấp quanh năm không cạn.
Dịch trạm Phú Vinh được xây dựng vào loại dịch trạm lớn, quy củ, Triều Nguyễn cấp đủ 100 dân phu để phục vụ, có đến 4 ngựa trạm thay nhau vận chuyển công văn, thư từ đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt và kịp thời trong hai chiều. Đứng đầu dịch trạm là cai đội, giúp việc có một phó đội và các phu dịch lo việc qua lại giữa các trạm. Về sau, cai đội đổi thành dịch thừa còn phó đội đổi thành dịch mục. Cờ hiệu, nghi trượng của trạm theo quy định: 2 lá cờ đuôi nheo thêu tên Trạm Phú Vinh và Mã thượng phi đệ, 1 lá cờ hiệu, 3 cái lệnh đồng, 3 thanh đoản kiếm, 10 ngọn giáo dài và 5 chiếc dao nhọn.
Đảm nhận việc vận chuyển công văn
Dịch trạm Phú Vinh chịu trách nhiệm vận chuyển công văn, giấy tờ và tin tức từ triều đình, những nhu cầu vận chuyển riêng tư như thư từ, bưu phẩm, bưu kiện của dân và kể cả quan lại đều không được phép. Riêng quan lại đi công vụ thì được phép nhờ phu trạm vận chuyển hành lý. Dịch trạm luôn chuẩn bị sẵn lương thực, thực phẩm và vật dụng thiết yếu để nghênh tiếp và đưa tiễn các quan làm nhiệm vụ. Việc vận chuyển công văn, giấy tờ tại Trạm Phú Vinh được gọi là chuyển đệ, mức độ chuyển đệ được quy định rõ từ tối khẩn tới bình thường để nhà trạm theo đó bố trí phương tiện và thời gian thực hiện. Nếu phu trạm chậm trễ trong việc chuyển tin tức sẽ bị phạt, nhẹ nhất cũng bị cai đội đánh bằng gậy. Trường hợp chạy tin khẩn, phu trạm được phát thêm nhạc đồng, chuông đồng hoặc kèn đồng để người dân tránh đường. Thuyền đò ngay cả khi đã qua sông nghe tiếng nhạc rung cũng phải quay lại đón. Ngoài ra, phu trạm còn được phát thêm cờ hiệu, màu sắc quy định tính chất khẩn cấp của tin tức. Ví dụ, cờ nền đỏ thêu chữ đen Mã thượng phi đệ là tin tối khẩn cấp; cờ màu lam thêu chữ đỏ mức khẩn cấp chỉ vừa vừa. Trong trường hợp chuyển tin quân sự quan trọng, phu trạm phải cắm thêm lên trên cờ Vũ hịch được làm từ lông cánh gà (chọn từ những chiếc lông dài và đẹp nhất của gà trống, khâu lại thành một mảng quấn khắp ngọn cờ). Tại các bốt gác tại dịch trạm, mỗi khi thấy có Vũ hịch đang phi thì phải lập tức chuẩn bị ngựa trạm và cắm sẵn Vũ hịch lên chóp cờ, chờ tin đến là lập tức đi ngay.
Để đảm bảo tốc độ truyền tin, triều đình cho phép ngựa trạm phi nhanh hết tốc độ, không cần tránh người đi đường, nếu người nào không tránh kịp bị ngựa xéo chết thì phu trạm cũng không bị truy cứu. Triều Nguyễn quy định những nhân viên phái đi việc công bằng phương tiện ngựa trạm từ kinh thành Huế đến Phú Yên, chế độ tối khẩn thì 3 ngày 11 giờ, khẩn vừa thì 4 ngày 5 giờ, đi thường thì 5 ngày 3 giờ.
Lính trạm, phu trạm được tuyển ngay tại địa phương xung quanh nơi đặt trạm. Họ làm việc theo nghĩa vụ, không được cấp gạo, lương và quần áo riêng. Nguồn sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp hoặc thủ công nghiệp của gia đình, ngoài thời gian chạy trạm. Thường ngày, tại trạm chỉ có một số lính trạm thường trực để lo việc hỏa tốc, những người khác trực ở nhà sản xuất. Khi có hiệu lệnh mà lính trạm đến chậm, tùy theo thời gian chậm trễ mà bị phạt nặng hay nhẹ.
Dịch trạm Phú Vinh đến nay không còn đảm nhận vai trò bưu chính vận chuyển công văn, thư từ nhưng hệ thống kiến trúc còn lại để chúng ta khẳng định một thời kỳ trước đây dịch trạm này đã đóng góp quan trọng vào việc phát triển ngành Bưu chính Phú Yên dưới Triều Nguyễn. |
TS ĐÀO NHẬT KIM