Thứ Hai, 11/11/2024 08:43 SA
Hồi ức về ngày Bắc - Nam sum họp của cựu binh Trường Sơn
Thứ Bảy, 30/04/2022 08:00 SA

Nhân kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022), chúng tôi gặp gỡ và trò chuyện với ông Nguyễn Đình Huồng ở thôn Suối Phèn, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa về những năm tháng tham gia mở đường Trường Sơn, đặc biệt là tham gia phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

 

Ông Nguyễn Đình Huồng kể lại những năm tháng phục vụ mở đường Trường Sơn. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

 

Dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc lại thời khắc lịch sử vẻ vang ấy, người lính công binh Trường Sơn năm xưa nay đã ngoài 67 tuổi vẫn luôn tự hào: “Đời tôi được phục vụ cho công cuộc đấu tranh cho đến lúc chứng kiến Sài Gòn và miền Nam được hoàn toàn giải phóng là một vinh dự lớn. Thời khắc lịch sử ấy in sâu trong ký ức, tôi không bao giờ quên”.

 

Vỡ òa niềm vui Bắc - Nam sum họp một nhà

 

“Sau khi các tỉnh Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng, đơn vị của tôi - Trung đoàn 98, Sư đoàn Công binh 473 nhận nhiệm vụ hành quân từ đường 14 tiến vào miền Nam để mở đường phục vụ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh” - ông Huồng nhớ lại những thời khắc đặc biệt của 47 năm trước.

 

Nhiệm vụ chính của đơn vị ông là sửa chữa, mở rộng các cung đường, cầu ngầm trọng yếu, rà soát bom mìn từng đoạn đường. Sau đó bàn giao lại cho các binh trạm chốt giữ để phục vụ cho xe tăng, xe chở bộ đội, vũ khí, lương thực đi vào miền Nam được an toàn. Là lực lượng tiền trạm, đi trước để đảm bảo tuyến đường thông suốt nên ông Huồng nhiều lần chứng kiến bộ đội chủ lực đánh nhau với địch. Ông Huồng bồi hồi nhớ lại: “Lúc ấy, trong không khí hối hả và tất bật với khí thế bừng bừng, chúng tôi làm việc không kể ngày đêm, cứ đoạn đường nào bị tắc thì lập tức có mặt ngay. Tuy vất vả, nhưng anh em rất phấn khởi vì tin chiến thắng ở chiến trường miền Nam liên tiếp được truyền về. Mỗi khi nhìn thấy từng đoàn xe chở hàng, nhiều cánh quân đi vào suốt ngày đêm, chúng tôi chào nhau bằng cái vẫy tay như gửi gắm hết cả tấm lòng vào trận chiến cuối cùng giải phóng miền Nam”.

 

Sau khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên sóng phát thanh, Sài Gòn được giải phóng, Trung đoàn 98, Sư đoàn Công binh 473 cũng vừa vào đến Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ông Huồng nhớ lại: “Ngày 30/4, các binh đoàn chủ lực trên từng hướng đồng loạt tiến công vào nội đô, đánh chiếm các mục tiêu then chốt đã đề ra của chiến dịch. Lúc này, tôi cùng đơn vị còn đang ở xa lộ Biên Hòa. Đến khoảng 19 giờ, chúng tôi có mặt ở Thủ Đức nhưng trong lòng rất xốn xang, hạnh phúc, vỡ òa niềm vui sướng vì hai miền Bắc Nam từ đây không còn chia cắt, non sông nối liền một dải”.

 

Những cung đường khói lửa đạn bom đã đi qua

 

Ông Nguyễn Đình Huồng sinh ra và lớn lên trên quê hương xứ Nghệ. 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tình nguyện làm đơn nhập ngũ và được phân công vào Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 98, Sư đoàn Công binh 473. Sau 3 tháng huấn luyện, ông cùng đơn vị lên đường vào mặt trận Đường 9 - Khe Sanh phục vụ chiến đấu trên cung đường 14 Trường Sơn (thuộc tỉnh Quảng Trị). “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Trường Sơn là tuyến vận tải chiến lược nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Những năm 1968-1972 là giai đoạn địch đánh phá ác liệt nhất trên chiến trường này. Năm 1973, chúng tôi vào làm nhiệm vụ mở đường, lấp các hố bom, rà soát bom mìn và tiêu diệt thổ phỉ. Trong một lần cùng hai đồng đội đi vào rừng để hái măng, rau rừng về cho đơn vị nấu ăn thì chúng tôi bị thổ phỉ phục kích. May mắn là lần ấy tôi chỉ bị thương, đồng đội cũng thoát hiểm”, ông Huồng nhớ lại.

 

Suốt hơn 10 năm làm lính công binh, ông cùng đơn vị tham gia mở và nâng cấp nhiều đoạn đường máu lửa như đường 9 (Quảng Trị), đường 14 (Thừa Thiên - Huế), tuyến Km0 (cầu Đắk Rông), Km105 (ngầm Ly Tôn),… Với ông, cung đường nào cũng để lại nhiều kỷ niệm, mỗi ngày đi qua mới biết mình còn sống. Dù cuộc sống muôn vàn gian khổ, thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa kéo dài khiến đường đất nhầy nhụa, mùa khô thì nắng cháy, lương thực thiếu thốn, bệnh sốt rét ác tính, đường đầy bom mìn không biết nổ tung lúc nào nhưng một khi nhận nhiệm vụ là ông cùng đồng đội luôn hoàn thành đúng tiến độ. Dù không muốn kể nhiều về những chuyện đã qua, nhưng sâu thẳm trong lòng ông vẫn không quên những đau thương, sự hy sinh mất mát của đồng đội khi đang làm nhiệm vụ.

 

Hồi tưởng về cuộc chiến tranh đã qua, ông Huồng vẫn lạc quan với tố chất nhiệt huyết của người lính Trường Sơn năm nào: “Hồi ấy, thanh niên ở quê tôi đều lên đường nhập ngũ. Gia đình tôi có 6 anh chị em. Tôi là anh cả và 3 đứa em trai đều đi bộ đội. Khi chúng tôi vào chiến trường thì xác định ở nhiệm vụ nào, hoàn cảnh nào cũng luôn hoàn thành cho dù có hy sinh. Được vào bộ đội là niềm tự hào, hãnh diện của bản thân và gia đình. Được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước càng vinh dự tự hào hơn”.

 

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị của ông Huồng nhận lệnh chuyển qua Tây Ninh sáp nhập vào Quân khu 7 đóng chốt giữ biên giới và tham gia mở đường phục vụ cho cuộc chiến chống quân Pôn Pốt- Khơ me đỏ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam, đơn vị nhận lệnh hành quân ra biên giới phía Bắc làm nhiệm vụ mở đường 279 (quốc lộ 279) từ Quảng Ninh - Lạng Sơn - Cao Bằng phục vụ chống quân xâm lược bành trướng Trung Quốc. Ông Huồng kể: “Tôi được đơn vị cử đi tiền trạm, khi ra tới Hà Nam Ninh (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) nhận quân huấn luyện xong rồi đưa quân lên Lạng Sơn đóng. Sau đó cùng đơn vị tham gia mở đoạn đường lên biên giới”.

 

Phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn

 

Năm 1986, với quân hàm thượng úy, chức vụ đại đội trưởng, ông Huồng phục viên trở về gia đình ở Diễn Hải, Diễn Châu, Nghệ An. Vợ ông cũng là bộ đội ở Binh trạm Quân khu 4. Sau đó, ông cùng gia đình chuyển vào lập nghiệp ở khu kinh tế mới tại thôn Suối Phèn, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa. Khi mới vào, nơi đây là núi rừng, đồi trọc, vợ chồng ông tự khai phá đất rừng trồng lúa rẫy, trồng thuốc lá và nhận bò ở nông trường về nuôi rẽ, dần dần đàn bò lên đến vài chục con. Với bản chất người lính Trường Sơn đầy nhiệt huyết, ông Huồng bắt nhịp sự thay đổi theo cơ cấu cây trồng nên quyết định chuyển sang trồng mía, sắn, cây cao su, cây keo. Vì vậy, cuộc sống dần ổn định, chăm lo cho 5 người con học hành thành đạt và đều đã có gia đình riêng. Trong cuộc sống đời thường, ông luôn là người nhiệt tình, xông xáo, vì vậy được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Suối Phèn (5 năm), rồi Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sơn Long suốt 4 nhiệm kỳ, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi 1 nhiệm kỳ, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh Phú Yên.

 

Nhớ về một thời mưa bom, bão đạn, ông Nguyễn Đình Huồng ngồi trầm ngâm khi nhắc đến những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trên đường Trường Sơn. Với ông, tuổi trẻ gắn trọn với những cung đường đầy bom đạn, sốt rét rừng và nắng gió, nhưng được chứng kiến thời khắc lịch sử của đất nước và trở về với gia đình là điều rất may mắn và hạnh phúc.

 

Ông Phan Vũ Nhân, Quyền Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh, nói về cựu chiến binh Trường Sơn Nguyễn Huồng: “Ông Huồng là người rất nhiệt tình, hăng hái với công tác hội. Dù tuổi đã cao nhưng mỗi khi hội có việc gì, ông cũng đều tham gia đầy đủ, góp ý kiến xây dựng đưa phong trào hội phát triển vững mạnh. Ở địa phương, ông luôn gần gũi, giúp đỡ những hội viên và tham gia sinh hoạt đều đặn”.

 

KHÔI NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek