Mộ tháp cá voi là một loại hình di sản đặc trưng trong kho tàng di sản văn hóa vật thể ở Phú Yên, biểu hiện từ hình dáng, kích thước, kiến trúc, chất liệu xây dựng và cách thức trang trí mộ tháp cá voi. Loại hình di sản này vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa in đậm dấu ấn lịch sử và phản ánh rõ nét sắc thái văn hóa của ngư dân miền biển Phú Yên.
Đây là di tích mộ tháp cá voi độc đáo và duy nhất ở Phú Yên còn tồn tại đến ngày nay.
Kiến trúc độc đáo
Địa điểm di tích mộ tháp cá voi thuộc thôn Tân Thạnh (xã Xuân Thọ 2, TX Sông Cầu), nằm bên bờ Vũng Lắm thuộc vịnh Xuân Đài, một hải cảng lớn ở Phú Yên trong lịch sử. Chính nhờ có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhất là về giao thông đường thủy nên làng biển Tân Thạnh có lịch sử hình thành sớm. Đây là địa bàn có hoạt động kinh tế thương nghiệp phát triển. Bên cạnh kinh tế thương nghiệp, một bộ phận lớn dân cư sinh sống bằng ngư nghiệp và nghề này vẫn còn duy trì cho đến ngày nay. Giống với nhiều làng biển khác ở Phú Yên, ngư dân làng Tân Thạnh có tục thờ cá voi, ngư dân tôn kính gọi cá voi là Ông hoặc Ông Nam Hải...
Theo quan niệm của ngư dân vùng ven biển, cá voi là vị phúc thần, là ân nhân của người đi biển, thường cứu giúp ngư dân khi bị nạn. Những trường hợp Ông lụy (cá voi chết và trôi dạt vào bờ), nếu được dân làng phát hiện sẽ được chôn cất, để tang. Sau 1-3 năm, những bộ xương cá voi được lấy lên đưa vào quách thờ ở các lăng Ông với các thần hiệu Nam Hải Ngọc lân Tôn thần, Nam Hải Đại Nam tướng quân... và được cúng tế với những nghi thức rất trang trọng. Như vậy, những ngôi mộ tháp cá voi ở Tân Thạnh ra đời gắn với tín ngưỡng thờ cá voi của làng biển nơi đây. Căn cứ vào kiến trúc và đặc điểm trang trí, di tích mộ tháp cá voi này có lịch sử xây dựng từ thế kỷ XIX trở về trước.
Khu tháp gồm hai ngôi mộ tháp nằm cách quốc lộ 1 khoảng 60km về phía Đông liền kề mép nước vịnh Xuân Đài. Theo ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng Phú Yên, 2 ngôi mộ tháp có kiến trúc giống nhau, dạng tháp gồm 4 tầng, tầng trên là kiến trúc thu nhỏ của tầng dưới. Các mộ tháp có tiết diện và đế hình bát giác. Vị trí hai tháp cách nhau một khoảng rộng 6m theo chiều tây bắc - đông nam. Trên thân tháp tạo tác nhiều hoa văn trang trí đắp nổi, với các hình hoa lá, cảnh vật, được đắp rất tỉ mỉ và tinh tế, sắc nét. Ngoài trang trí đắp nổi bằng vôi cát, ở một số điểm trên thân tháp còn nhận thấy vết tích trang trí bằng kỹ thuật ghép mảnh gốm. Các tháp đều được trát phủ bề mặt một lớp vôi cát. Tại một số điểm bị bong tróc cho thấy vật liệu xây tháp bên trong chủ yếu là đá tự nhiên được liên kết với nhau bằng những mạch vữa khá chắc chắn.
Ngôi tháp phía Đông có quy mô nhỏ hơn ngôi tháp phía Tây, có độ cao 6,3m, trên một mặt tháp ở bậc thứ hai có đắp 4 chữ Hán bằng mảnh gốm là “Nam Hải thần mộ”. Tháp phía Tây có độ cao 7,5m hiện bị dây leo bao phủ dày đặc từ đỉnh xuống chân nên không tìm thấy dấu chữ trên tháp. Ông Nguyễn Hữu An cho biết thêm: Tháng 7/2001, khi khảo sát di tích, các nhà nghiên cứu còn đọc được 4 chữ “phong vật đồng long” đắp trên thân tháp. Cách hai ngôi mộ tháp cổ khoảng 250m về phía Tây Nam bên kia quốc lộ 1, gần khu vực đình làng Tân Thạnh, còn lại dấu tích của một lăng thờ cá voi. Công trình này chỉ còn lại phần nền móng cao ngang tầm người đứng, xung quanh là những bờ móng bằng đá kiên cố.
Khảo sát di tích mộ tháp cá voi, qua bộ phận nền móng cho thấy kiến trúc lăng trước đây có quy mô lớn, phía sau di tích nền móng của lăng còn lại một ngôi mộ cá voi với nấm mộ hình búp sen, xung quanh có thành bao, phía trước có bình phong còn tương đối nguyên vẹn. Lăng này tồn tại đến năm 1959 thì chuyển về xây dựng tại xóm Lưới cách đó gần 1km về phía Nam.
Bảo tồn, phát huy giá trị di tích
Khảo sát thực địa di tích cho thấy về cơ bản những mộ tháp cá voi ở Tân Thạnh được xây dựng khá vững chắc, còn bảo lưu được kiểu dáng kiến trúc và đặc điểm trang trí. Song trải qua thời gian, những mộ tháp cá voi này không tránh khỏi những dấu hiệu xuống cấp. Ngoài bề mặt di tích nhiều chỗ bong tróc, một số chi tiết kiến trúc trang trí ở các góc của những tầng tháp sứt vỡ, nhiều mảng trang trí hoa văn đắp nổi trên thân tháp bị bong tróc hoặc mòn mờ. Cả hai ngôi tháp đều có các chùm thanh long bao phủ từ đỉnh xuống đế, che lấp phần lớn bề mặt các tháp, làm cho bề mặt di tích càng bị ăn mòn nhanh.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích độc đáo duy nhất này, ông Nguyễn Hữu An cho rằng: Di tích mộ tháp cá voi ở Tân Thạnh được đưa vào Quy hoạch khảo cổ trên địa bàn tỉnh Phú Yên và Danh mục kiểm kê các công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên trên địa bàn tỉnh theo tiêu chí quy định tại Điều 28, Luật Di sản văn hóa và khoản 9, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Trên cơ sở đó, năm 2020, di tích được lập hồ sơ khoa học và được UBND tỉnh xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Đây là di tích mộ tháp cá voi độc đáo và duy nhất ở Phú Yên còn tồn tại đến ngày nay.
Cá voi được các vua Triều Nguyễn phong làm “Nam hải cự tộc Ngọc Lân tôn thần”. Tất cả làng ven biển Phú Yên đều được ban sắc thần này để phụng thờ. Với cội nguồn rất xa xưa, được phủ thêm màu sắc Phật giáo, Nho giáo phù hợp với cấu trúc đa nguyên trong tín ngưỡng người Việt, trong quá trình tồn tại và phát triển đã tiếp thu và tôn vinh một số đạo lý cổ truyền thấm đượm tính nhân văn. Cá voi là một sinh vật có ích đã được nhân cách hóa thành một đấng cứu nhân độ thế, khi sống Ông sẵn sàng cứu giúp người bị nạn, lúc thác Ông phù hộ độ trì cho vạn chài mưa thuận gió hòa, làm ăn yên ổn, được mùa cá tôm. Vì thế, Ông được con người biết ơn, tôn sùng không những khi sống mà cả lúc chết.
Những lăng thờ cá Ông cùng với những mộ tháp cá voi là những di tích vật chất phản ánh về một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, một tín ngưỡng cộng đồng độc đáo của ngư dân vùng ven biển Phú Yên... Điều cần thiết lúc này là đa dạng các hình thức tuyên truyền, quảng bá để phát huy giá trị di tích; mặt khác có những giải pháp kịp thời để bảo tồn những ngôi mộ tháp cá voi ở Tân Thạnh trước sự tác động của biến đổi khí hậu và cả sự thiếu ý thức của chính con người.
NGUYỄN HOÀI SƠN