Thứ Bảy, 27/07/2024 14:31 CH
Cựu binh Sư đoàn 320 kể chuyện tham gia giải phóng miền Nam
Thứ Sáu, 15/04/2022 09:59 SA

Bộ đội Sư đoàn 320A (Quân đoàn 3) đánh chiếm căn cứ Đồng Dù ngày 29/4/1975. Ảnh: TL/TTXVN

47 năm đã trôi qua kể từ ngày non sông nối liền một dải, nhưng cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Đức Nga, nguyên Chủ nhiệm Pháo binh của Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 hiện nay) vẫn nhớ rõ giây phút hào hùng cùng đoàn quân thần tốc hành quân giải phóng miền Nam.

 

Vốn dĩ không muốn nói về mình, nhưng khi nhắc lại thời khắc giải phóng Đồng Dù, Củ Chi rồi tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất năm xưa, mắt ông sáng lên, khuôn mặt rạng ngời…

 

Tham gia giải phóng Phú Yên

 

Ông Nga cho biết ông sinh ra và lớn lên ở quê hương Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, nhưng đã chọn Phú Yên làm quê hương thứ hai và gắn bó suốt gần 40 năm qua. “Tôi xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của non sông năm 1965 khi vừa tốt nghiệp hệ 10 năm và thi đỗ vào khoa Văn của một trường đại học”, ông Nga kể.

 

Sau hai năm là lính Sư đoàn 351 (Bộ Tư lệnh Pháo binh), ông được cử đi học lái xe phục vụ chở vũ khí, hàng hóa trên tuyến đường Trường Sơn từ Quảng Trị đến Kon Tum. Trải qua mưa bom bão đạn, ông Nga đi học lớp trinh sát pháo binh rồi cùng đơn vị hành tiến vào Nam. Khi đến Kon Tum, ông được điều sang Sư đoàn 320 khoảng 6 tháng rồi sang Tiểu đoàn Pháo binh của Phân khu Nam đóng ở huyện Đồng Xuân, Phú Yên.

 

Để chuẩn bị giải phóng các tỉnh Tây Nguyên, năm 1972, ông Nga cùng một số đồng đội bổ sung vào Trung đoàn 48 Pháo binh thuộc Sư đoàn 320, Quân đoàn 3. Ông Nga nhớ lại: “Lúc này, Sư đoàn 320 làm nhiệm vụ nghi binh là chủ yếu. Chúng tôi kéo pháo phô trương, dàn cảnh pháo, súng giả trên đồi để cho tình báo và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy đinh ninh rằng Sư đoàn 320 vẫn án binh bất động, chuẩn bị tiến công vào TX Pleiku. Vì vậy, chúng dồn tất cả lực lượng về phòng thủ Kon Tum. Đến giữa tháng 2, khi Sư đoàn 968 từ Hạ Lào về thay chân chốt giữ dọc đường 19, Sư đoàn 320 mới rút về để chuẩn bị tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột”.

 

Khi thời cơ chín muồi, Bộ Tư lệnh ra lệnh cho Sư đoàn 320 đánh cắt đường 14, Trung đoàn 48 đánh vào Thuần Mẫn. Chỉ sau 1 giờ 20 phút, ngày 8/3, Trung đoàn 48 đã làm chủ trận địa. Sau đó, Sư đoàn 23 Bộ binh và Liên đoàn Biệt động số 21 của ngụy tấn công liên tiếp nhằm giữ Buôn Ma Thuột. Khi ấy, Sư đoàn 320 nhận lệnh truy kích, ngăn chặn bao vây, tiêu diệt địch rút chạy trên đường 7 - Cheo Reo. Sau khi các tỉnh Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng, Sư đoàn 320 hành quân tiếp tục đánh vào TX Tuy Hòa rồi giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Yên. Sau khi quan sát vị trí trận địa, Trung đoàn 48 quyết định đặt pháo tại đèo Dinh Ông (Phú Hòa) nã xuống đồn địch ở núi Nhạn.

 

“Tôi nhớ lúc đó, bắn 4 quả trúng đích còn 2 quả lệch xuống dưới chân tháp may mà không trúng nhà dân. Sau khi Phú Yên hoàn toàn giải phóng, xe pháo vừa kéo xuống đến công viên Diên Hồng thì Sư đoàn 320 nhận lệnh quay lên cấp tốc theo đường 14 hành quân vào miền Nam”, ông Nga nhớ lại.

 

Ông Nga kể chuyện đánh địch, giải phóng căn cứ Đồng Dù, Củ Chi. Ảnh KHÔI NGUYÊN

 

Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh

 

Cuộc hành quân vào miền Nam đầy gian khổ và khốc liệt, Sư đoàn 320 đến tỉnh Bình Phước thì dừng chân tại Chặn Bàn, Lộc Ninh để củng cố lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng chờ lệnh nổ súng tổng tấn công. Vào 5 giờ 30 ngày 29/4, sư đoàn nhận lệnh đánh từ Chặn Bàn, Lộc Ninh xuống Đồng Dù (nay thuộc huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh).

 

“Trận đánh vào căn cứ Đồng Dù ác liệt lắm. Bởi căn cứ này như cánh đồng rộng mấy chục héc ta, chúng đắp cao như núi, cố thủ bên trong với lô cốt, đường hào sâu mười mấy thước. Lúc đầu, ta chủ quan chỉ tấn công bắn pháo loại đạn phạt trên đồi nên chỉ trúng địch bên trên. Khi quân ta tấn công vào thì bị địch phản công nên hy sinh cũng nhiều. Sau đó, chỉ huy thay đổi chiến thuật, bắn pháo loại đạn khoan sâu dưới lòng đất nên đã tiêu diệt được mục tiêu và làm chủ hoàn toàn căn cứ này. Lúc đó có 4 đại đội pháo binh bắn tới 2.700 quả pháo loại 130 ly vào căn cứ Đồng Dù”, ông Nga nhớ lại.

 

Sau hai ngày chiến đấu ác liệt, quân ta giải phóng hoàn toàn Củ Chi và bắt sống chuẩn tướng Lý Tòng Bá, Tư lệnh Sư đoàn 25 bộ binh ngụy. Sau khi giải phóng Củ Chi, Sư đoàn 320 nhận lệnh di chuyển, hợp đồng với Sư đoàn 31 đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, còn Sư đoàn 10 đánh vào Bộ Tổng Tham mưu quân ngụy Sài Gòn. Trên đường đến sân bay Tân Sơn Nhất, ông Nga không quên được những hình ảnh của đồng đội đã hy sinh trước giờ toàn thắng.

 

“Nhìn những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống khi còn cách dinh Độc Lập không xa mà lòng chúng tôi co thắt, rớt nước mắt nhưng vẫn tiếp tục tiến lên”, ông Nga bùi ngùi bày tỏ.

 

Sau khi tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất, Sư đoàn 320 nhận lệnh quay ra tiếp quản khu Trung tâm Huấn luyện Dục Mỹ ở huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa). Hai miền Nam Bắc thống nhất nhưng nhiệm vụ của những người lính như ông Nga vẫn chưa kết thúc. Năm 1979, đơn vị tham gia chiến trường Campuchia, rồi lên mặt trận biên giới phía Bắc chống quân bành trướng Bắc Kinh. Hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị quay trở vào Dục Mỹ. Đến năm 1984, với quân hàm đại úy, Chủ nhiệm Pháo binh Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, ông ra quân và chọn Tuy An làm quê hương thứ hai.

 

Với nhiệt huyết của người lính Cụ Hồ, ông Nga được bà con tín nhiệm bầu vào Ban Kiểm soát HTX Nông nghiệp xã An Nghiệp 5 năm, rồi làm trưởng thôn Thế Hiên được hơn 1 năm. Sau do điều kiện sức khỏe, ông xin nghỉ để dưỡng bệnh. Hơn 10 năm ở chiến trường, với ông Nga, mỗi cung đường, mỗi trận đánh đều để lại nhiều kỷ niệm, mỗi ngày đi qua mới biết mình vẫn còn sống.

 

“Có những lúc sự sống và cái chết mong manh đến nỗi không ai dám nghĩ đến. Nhưng một khi nhận nhiệm vụ là chúng tôi nghĩ chỉ có tiến chứ không bao giờ lùi”, ông Nga trải lòng: “Tôi luôn tự hào vì mình đã đóng góp một phần công sức cho chiến thắng chung của cả dân tộc, nhất là được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tôi thấy mình là người may mắn vì trải qua mưa bom, bão đạn với nhiều trận đánh ác liệt dù bị thương tích song vẫn còn có ngày trở về. Được sống bên người thân, trong hòa bình, tôi càng trân quý đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường, ngay trước giờ chiến thắng khi tuổi đời còn rất trẻ. Vì vậy, tôi mong thế hệ sau sẽ mãi nhớ và khắc ghi công ơn những người đã hy sinh cho đất nước”. 

 

Ông Nguyễn Đức Nga là một CCB gương mẫu, thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tiên phong trong các phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, xây dựng hội trong sạch vững mạnh.

 

Chủ tịch Hội CCB xã An Nghiệp Ngô Hoàng Gia

 

KHÔI NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek