Tỉnh Phú Yên được biết đến là địa phương còn lưu giữ nhiều di sản Hán Nôm quý có từ thời nhà Nguyễn, đa phần được gìn giữ trong các đình làng, họ tộc hoặc ở các gia đình. Ngoài một số thất lạc, hư hỏng do chiến tranh, thiên tai, không ít văn bản Hán Nôm bị mối mọt hoặc tự phân hủy do điều kiện bảo quản chưa tốt.
Trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu di sản Hán Nôm trên địa bàn Phú Yên, chúng tôi đã tiếp cận nhiều thể loại, trong đó chủ yếu là sắc phong, chiếu chỉ, văn tế, bằng cấp, văn bia, gia phả, sách thuốc, văn thơ, địa bạ. Thể loại sắc phong hiện còn ở Phú Yên có đến 200 đạo sắc và hầu hết được viết trên chất liệu giấy dó và giấy long đằng, rất ít sắc phong thể hiện trên chất liệu vải lụa. Tại đình Bình Hòa (đình Phường 5, TP Tuy Hòa) hiện lưu giữ 1 đạo sắc phong Hán Nôm viết trên vải lụa với nội dung phong tặng cho thân phụ Vạn Lương hầu Mai Tiến Vạn là Mai Tiến Hoán danh hiệu Phấn dũng Tướng quân Khinh xa úy Thần sách Phó Vệ úy Mai hầu vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822). Đây là sắc phong Hán Nôm duy nhất được viết trên chất liệu vải lụa được tìm thấy ở Phú Yên cho đến hiện tại. Các nhân vật liên quan đến sắc phong này là Mai Tiến Vạn và Mai Tiến Hoán.
Về nhân vật Mai Tiến Vạn, chính sử triều Nguyễn ghi chép vắn tắt về tiểu sử của ông là người ở huyện Đồng Xuân, từng đầu quân, phò tá Nguyễn Ánh sang đến Băng Cốc, lập nhiều chiến công, được phong chức Chưởng cơ Vạn Lương hầu. Sau khi thống nhất đất nước (1802), Mai Tiến Vạn được vua Gia Long giao Trấn thủ Bình Hòa (tỉnh Khánh Hòa), đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822) xin về hưu và mất lúc 70 tuổi.
Như vậy, nguồn sử liệu triều Nguyễn cho biết nhân vật Mai Tiến Vạn là người có nhiều đóng góp vào sự phục hưng của dòng họ Nguyễn, được giao các chức vụ quan trọng khi tại vị. Hiện nay, linh vị của Mai Tiến Vạn được thờ phụng tại đình Bình Hòa, mộ phần của ông được cải táng trong khu dân cư ở khu phố Nguyễn Thái Học, phường 5. Bia mộ của ông được lập năm Bính Dần (1926), trên bia khắc 3 dòng chữ Hán. Dòng giữa: Sắc Hùng Uy Tướng quân thụy Trung phấn Mai hầu chi mộ; dòng bên trái: Bính Dần xuân Năng Tĩnh xã phụng tạo (mùa xuân năm Bính Dần, xã Năng Tĩnh phụng tạo); dòng bên phải: Tiền mộ sa động Quý Hợi hạ thiên (mộ lúc trước ở động cát, mùa hạ năm Quý Hợi dời đến đây).
Sắc phong Mai Tiến Hoán là Phấn dũng Tướng quân Khinh xa úy Thần sách Phó Vệ úy Mai hầu, năm Minh Mạng thứ 3 (1822) |
Theo quy định của triều Nguyễn, người có nhiều công trạng đối với đất nước, ngoài bản thân được ban cho chức tước, địa vị thì những người thân, trong đó cha, mẹ sẽ được ân sủng ban cho phẩm tước. Cha của Mai Tiến Vạn là Mai Tiến Hoán được vua Minh Mạng phong tặng là Phấn dũng Tướng quân Khinh xa úy Thần sách Phó Vệ úy Mai hầu, nhằm biểu dương công lao dạy dỗ con cái có đủ đức, tài đóng góp công trạng cho đất nước. Dưới đây là hình ảnh và nội dung sắc phong Mai Tiến Hoán:
Phiên âm:
Thừa thiên hưng vận.
Hoàng đế chế viết:
Trẫm duy: Di hiếu vi trung, cố nhân thần chi tận chức, duyên tình khởi lễ. Tư vương giả chi suy ân. Thời nãi di chương đản tư dị sổ. Nhĩ cố Mai Tiến Hoán, nãi Bình Hòa trấn, Trấn thủ Khâm sai Chưởng cơ Mai Tiến Vạn chi phụ, đoan lương kì tính, đôn hậu khả phong, thiện đạo xử gia, tố lý dụ cung cừu chi nghiệp. Nghĩa phương giáo tử, hồng phạt khai hiên tứ chi môn. Duy nhĩ đức hinh, thành thử lệnh khí, nãng thích lý đoan chi thủy, biểu dương dung khuyến ư hữu công. Tứ phu tích loại chi ân sùng báo. Hạp suy kì sở tự tư. Đặc tặng nhĩ vi Phấn dũng Tướng quân Khinh xa úy Thần sách Phó Vệ úy Mai hầu. Tích chi cáo mệnh. Ô hô, di ân đặc hậu dụng, phu dương hiển chi tình, thực báo dũ trường, thượng đốc dực thừa chi khánh, mộc tư trạm ốc, ủy nhĩ u quang.
Minh Mệnh tam niên thất nguyệt nhị thập nhất nhật.
Dịch nghĩa:
Thừa mệnh trời, hưng vận nước, Hoàng đế ban chế rằng:
Trẫm nghĩ: chuyển lòng hiếu thuận làm lòng trung với vua, cho nên bề tôi hết lòng hết sức, lễ từ tình duyên mà đến. Nay bậc quân vương ban ơn rộng rãi, tuân theo điển cũ, hãy tin việc đặc biệt này. Ngươi là Mai Tiến Hoán, cha của Mai Tiến Vạn, Khâm sai Chưởng cơ Trấn thủ trấn Bình Hòa, tính tình lương thiện ngay thẳng, đôn hậu đáng khen, khéo yên việc nhà, giữ mình thong thả, con nối cơ nghiệp của cha. Dạy con theo gia giáo, theo xe tứ mã mở mang công lớn. Tạo nên người đức hạnh tiếng thơm, làm nên người tài năng, lúc hoàng đế mở mang cơ nghiệp, biểu dương khuyến khích kẻ có công, ơn huệ ban bố khắp mọi người báo đáp đầy đủ. Sao chẳng phát huy việc này từ đây. Đặc biệt chuẩn tặng cho ngươi là Phấn dũng Tướng quân Khinh xa úy Thần sách Phó Vệ úy Mai hầu. Ban cho cáo mệnh. Than ôi! Đáng được ban ơn đặc biệt, dùng tình để biểu dương, báo đáp ân tình ngày càng lớn, còn một lòng vui mừng giúp đỡ nối nghiệp, ân huệ sâu dày, để vỗ về người có đức độ.
Ngày 21 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 3 (1822).
Sắc phong Mai Tiến Hoán có kích thước 0,6x2,5m, ở viền sắc có thêu họa tiết rồng, mây cách điệu bằng chỉ nhiều màu, chữ viết bằng mực màu đen. So với sắc phong làm bằng giấy long đằng, thì sắc phong viết trên vải lụa được trình bày đơn giản, lòng sắc không trang trí, chỉ ghi chép nội dung ban tặng. Lời lẽ của bậc đế vương ngắn gọn, súc tích, mềm mỏng nhưng vẫn đầy quyền uy ca ngợi công lao, phong tặng tước hiệu cho thân phụ của một công thần trên một văn bản hành chính quan trọng, cao quý nhất cách ngày nay gần 200 năm thật đáng để chúng ta suy ngẫm. Kiểu chữ thể hiện trên sắc phong thời Nguyễn đó là kiểu chữ chân phương, dễ nhìn, rõ ràng, dễ đọc. Đây là nét đặc trưng khác biệt của kiểu chữ viết sắc phong triều Nguyễn so với các triều đại trước đó như triều Lê, Tây Sơn.
Hiện tại, sắc phong Mai Tiến Hoán được phụng thờ với linh vị và 6 sắc phong, sắc chỉ của Mai Tiến Vạn cùng 2 sắc phong thần Thành Hoàng, thần Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi của làng Năng Tĩnh tại chánh điện đình Bình Hòa. Hàng năm, vào ngày tế xuân, ban quản lý đình làm thủ tục mở hộp đựng sắc và kiểm tra tình trạng sắc phong. Việc bảo quản các đạo sắc phong tại đình Bình Hòa được duy trì theo phương pháp truyền thống như: hạn chế người tiếp cận sắc; sắc đựng trong hộp gỗ có giấy cuốn bảo vệ bên ngoài cùng với long não chống mối mọt; mỗi năm hong sắc một lần vào dịp tế tự tại đình để ngăn ngừa sự ẩm mục. Trong điều kiện thời tiết nóng ẩm ở Phú Yên, sắc phong làm từ chất liệu vải lụa ban tặng cho Mai Tiến Hoán dù được bảo quản cẩn thận cũng đang trong quá trình phân hủy, mục nát. Màu lụa của sắc đã chuyển từ vàng đậm sang nhạt, một số chỗ bị rách, mất chữ; một đầu sắc phong đã mục nát không còn nguyên vẹn. Khi mở đạo sắc này phải rất nhẹ tay để tránh vải lụa đứt rơi ra.
Đây là đạo sắc phong Hán Nôm bằng chất liệu vải lụa còn lại duy nhất ở Phú Yên trong số gần 200 sắc phong hiện đang lưu giữ trên địa bàn tỉnh. Sự quý hiếm của đạo sắc này không chỉ ở chất liệu, niên đại gần 200 năm, mà những thông tin từ nội dung sắc phong góp phần làm sáng tỏ các nhân vật lịch sử cũng như các giá trị về nghệ thuật, ngôn ngữ, địa danh... Vì vậy, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa với các giải pháp cấp bách và lâu dài, để bảo tồn di sản quý của tiền nhân. Nếu chậm trễ, đạo sắc phong quý hiếm này sẽ phân hủy hoàn toàn và các thế hệ sau không còn chiêm ngưỡng một cổ vật quý báu mà cha ông để lại, được gìn giữ cẩn trọng qua gần 2 thế kỷ.
TS ĐÀO NHẬT KIM