Thứ Bảy, 27/07/2024 15:49 CH
Người con của quê hương Đồng khởi kiên trung
Thứ Sáu, 04/03/2022 09:34 SA

Cựu chiến binh, thương binh hạng 3 Nguyễn Thị Điểm (bí danh Tâm), nguyên Phó Ban Đấu tranh chính trị, Ủy viên UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên là một trong những bậc nữ tiền bối kiên cường trong suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Bà tham gia cơ sở khi còn rất trẻ, 21 tuổi đã vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, là Bí thư Chi bộ xã Hòa Thịnh.

 

Bà Nguyễn Thị Điểm thường xuyên đọc báo, xem tin tức hàng ngày. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

 

Đã quá cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ký ức một thời khói lửa đạn bom vẫn còn in đậm trong tâm trí của bà mỗi khi khơi lại. Trong những câu chuyện kể của bà đôi lúc cũng quên dần theo tuổi tác nhưng luôn đan xen giữa tiếng cười lạc quan, làm gương mặt bà ngời lên nét thanh tú một thời xuân sắc và trầm lắng khi nhớ lại đồng đội năm xưa…

 

Một thời lửa đạn

 

Bà Điểm là người con thứ tư trong gia đình có truyền thống cách mạng trên quê hương Đồng khởi Hòa Thịnh. Cha, chị, em gái và chồng bà đều hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ.

 

Nguyễn Thị Điểm tham gia hoạt động cách mạng khi còn là thiếu nữ. Bà nắm tin tức của địch, xây dựng cơ sở kết nối với cán bộ lãnh đạo vùng căn cứ, vận động phụ nữ xã cùng tham gia các phong trào đấu tranh biểu tình chống địch. Năm 1949, bà vinh dự được kết nạp vào Đảng khi bước sang tuổi 21, sau đó được bầu làm Bí thư Chi bộ xã Hòa Thịnh và có lần suýt bị địch bắn. Bà Điểm kể: “Khi đang đi làm nhiệm vụ ở xã thì địch phát hiện, bắt tôi trói vào trụ cột chợ xã Hòa Thịnh. Chúng định bắn thì ba tôi đến kịp nhờ vả, lo lót chúng mới thả tôi về. Sợ tôi bị chỉ điểm, địch bắt lần nữa nên cấp trên cho người đưa ra vùng căn cứ, thoát ly năm 1960”.

 

Sau đó, bà Điểm được bầu làm Phó Ban Đấu tranh chính trị tỉnh. Thời gian này, Mỹ - Diệm tiến hành các chiến dịch thanh lọc, lùng sục khủng bố những người theo Việt Minh. Đặc biệt, Ngô Đình Diệm cho ra đời Luật 10/59, đưa máy chém đi khắp nơi, đặt những người cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Trước tình hình đó, thực hiện Nghị quyết 15, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Huyện ủy Tuy Hòa 1 phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền và quyết định lấy xã Hòa Thịnh làm điểm phát động nhân dân đồng khởi. Bà Điểm được phân công về địa phương xây dựng cơ sở, vận động phụ nữ, bà con nhân dân trong xã phối hợp với các lực lượng cùng nổi dậy đấu tranh với địch. Sau một thời gian chuẩn bị chu đáo, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Huyện ủy Tuy Hòa 1, vào 19 giờ ngày 22/12/1960, nhân dân xã Hòa Thịnh đã nổi dậy làm nên cuộc đồng khởi, giành lấy chính quyền về tay nhân dân.

 

Xã Hòa Thịnh là cơ sở chính bà Điểm bám trụ hoạt động, nhưng sau khi có sự chỉ đạo cấp trên, bà đi về các xã khác trong huyện, tỉnh công tác. Suốt 15 năm liền bám trụ hoạt động trên các địa bàn, bà Điểm nắm rõ từng ngọn đồi, ngọn núi ở Phú Yên. Thời gian đầu, có lần bà bị lạc đường, nhịn đói, chịu khát giữa rừng. Bà Điểm nhớ lại: “Những năm đầu thoát ly ra căn cứ, tôi được phân công xuống cơ sở công tác, khi quay trở lên thì bị lạc đường. Tôi nhìn thấy lối mòn có dấu ướt ướt nên tưởng có người vừa mới đi qua nên cứ thế đi theo mãi, sau mới biết mình đã bị lạc. Suốt 10 ngày ròng rã, tôi không có gì ăn, không có nước uống. Tối tôi mắc võng lên cây để ngủ, sáng ra đi tiếp thì gặp đơn vị Tỉnh đội. Khi ấy, tôi nghe mọi người nói mới biết, những dấu ướt đó là cọp đi qua, may mà nó không phát hiện. Hồi ấy, rừng Hòa Thịnh nổi tiếng nhiều cọp nhưng chỉ nghe thôi chứ tôi chưa nhìn thấy bao giờ”.

 

UBND Cách mạng lâm thời Phú Yên tổ chức lễ 2/9 tại căn cứ năm 1974 (bà Điểm đứng hàng đầu, thứ 2 từ phải qua). Ảnh: TL

 

Nữ Ủy viên UBND tỉnh đầu tiên

 

Bà Điểm phụ trách đấu tranh chính trị nên thường xuyên đi xuống cơ sở. Bởi, đấu tranh chính trị là làm công tác tư tưởng chính trị, vận động nhân dân cả ở vùng căn cứ và vùng tạm chiếm, khơi dậy tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, đặc biệt đập tan những âm mưu thâm độc của Mỹ và chính quyền tay sai. Những nơi nào được cơ sở báo cáo lại địch đàn áp, đốt nhà, cướp của, hãm hiếp phụ nữ thì bà Điểm thống kê báo cáo tình hình lên cấp trên rồi trực tiếp xuống địa phương vận động phụ nữ, bà con nổi dậy biểu tình. Tùy thuộc vào tình hình, 1-3 tháng một lần bà trực tiếp vận động quần chúng ở địa phương đứng lên biểu tình chống đốt nhà, cướp của, hãm hiếp phụ nữ, không cho con đi lính ngụy. Có những gia đình người thân của họ bị bắt đi lính ngụy nhưng không dám phản kháng. Nhất là những năm 1964-1965, với sự tổ chức lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, làn sóng đấu tranh chính trị ngày càng cao, hàng loạt cuộc biểu tình của quần chúng diễn ra ở 7 xã của huyện Tuy Hòa 1 đến quận lỵ Phú Lâm và 8 xã ở huyện Tuy An. Các xã Xuân Thọ, Xuân Thịnh, Xuân Cảnh (TX Sông Cầu), có nơi dùng lực lượng chính trị, có nơi dùng lực lượng vũ trang để phá ấp, phá khu đồn, địch bỏ chạy, ta giải phóng hầu hết các xã này.

 

Trải qua nhiều cuộc biểu tình, mặc dù nhiều lần bị thương suýt chết trong lúc đi làm nhiệm vụ và bị địch truy tìm nhưng bà Điểm vẫn kiên cường, chịu khó bám trụ hoạt động để hoàn thành nhiệm vụ, sẵn sàng hy sinh vì Đảng, vì cách mạng, góp phần thắng lợi cho những cuộc biểu tình tiếp theo.

 

“Có lần đi công tác tại thôn Mỹ Điền (xã Hòa Thịnh), gặp máy bay địch thả chất độc da cam/dioxin, tôi phải chui xuống gộp đá để tránh. Khi không còn nghe tiếng máy bay nữa, tôi cùng đồng đội chui lên thì nhìn thấy cây lá cháy hết. Cũng một lần đi xuống cơ sở công tác thì gặp địch đi càn, tôi liền chui xuống hầm bí mật. Địch lùng sục khắp nơi nhưng không tìm thấy rồi bỏ đi. Tôi cũng không nhớ hết tự tay mình đã chôn cất bao nhiêu bộ đội, đồng đội hy sinh trên chiến trường”, bà Điểm nhớ lại.

 

Thực hiện chỉ thị của Trung ương Cục Miền Nam về xây dựng chính quyền cách mạng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III, Tỉnh ủy Phú Yên khẩn trương chuẩn bị thành lập chính quyền cách mạng lâm thời từ tỉnh đến huyện và cơ sở. Ngày 7/3/1969, tại Vườn Mít, xóm Năm Nhà thuộc thôn Phong Cao, lễ ra mắt UBND Cách mạng lâm thời Phú Yên, gồm 7 thành viên: Đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy giữ chức Chủ tịch; Cao Xuân Thiêm (Văn Công), Bá Nam Trung giữ chức Phó Chủ tịch; Lê Duy Tường làm ủy viên - thư ký; Nguyễn Hoài Nam, Trần Đình Quảng và Nguyễn Thị Điểm làm ủy viên. Tại Đại hội UBND Cách mạng lâm thời tỉnh nhiệm kỳ 2 năm 1974, bà Nguyễn Thị Điểm tiếp tục làm ủy viên và làm Phó Ban Tư pháp.

 

Tuổi già vui vầy bên con cháu

 

Sau ngày giải phóng đất nước, bà Điểm làm Phó Phòng Giáo dục TX Tuy Hòa, Trưởng Ban Phụ nữ huyện Tuy Hòa đến năm 1980 thì nghỉ hưu. Khi về địa phương, bà Điểm được bà con tín nhiệm bầu làm Hội trưởng Hội Phụ nữ phường 8 (TP Tuy Hòa) suốt 10 năm. Sau đó, vì sức khỏe yếu bà xin nghỉ hẳn.

 

15 năm trải qua khói lửa đạn bom cho công cuộc giải phóng dân tộc, bà đã thực sự vẹn nghĩa, trọn tình với quê hương. Bây giờ, bà có cuộc sống an nhàn tuổi già cùng với con cháu tại khu phố Hưng Phú, phường 5 (TP Tuy Hòa).

 

Với những thành tích trong những năm tham gia kháng chiến, bà Nguyễn Thị Điểm được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba; Huân chương Kháng chiến hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Giải phóng hạng nhì; Huân chương Quyết thắng hạng nhất...

 

Ông Lê Văn Hữu, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Tôi và chị Nguyễn Thị Điểm không cùng đơn vị nhưng biết nhau qua công tác. Chị là một nữ cán bộ kiên cường, chịu đựng gian khổ, có quyết tâm đi theo cách mạng. Chị tính tình hiền từ, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ban Đấu tranh chính trị là một trong ba mũi giáp công rất quan trọng (gồm đấu tranh vũ trang và binh vận) trong việc giải phóng miền Nam”.

 

KHÔI NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek