Tết năm nay là cái tết đặc biệt, khi tác động của dịch COVID-19 khiến cuộc sống trở nên rối bời. Nhưng những ai làm thuê, trọ học ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cùng gia đình họ sẽ nhớ mãi bởi trong lúc khó khăn, quê hương đã mở rộng vòng tay đón những người con xa xứ trở về trong bình an.
TP Hồ Chí Minh bị ốm nặng vì đại dịch! Nhà máy, xí nghiệp đóng cửa; nhà hàng, quán ăn đóng cửa... Ngày nào cũng tới tấp thông tin số ca nhiễm, số ca tử vong, số người mất việc làm, số người cần hỗ trợ khẩn cấp… Trong lúc khó khăn này, với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân đã chung tay góp sức người, sức của để làm nên một chiến dịch thấm đẫm nhân văn, nặng nghĩa đồng bào, đón gần 17.000 người dân khó khăn về quê tránh dịch.
1. Hội Ðồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh, đứng đầu là GS.TS Trình Quang Phú, sốt sắng nhận trách nhiệm làm đầu mối ngay tại điểm cầu phía Nam.
Không ai nghĩ người đàn ông đã ở tuổi ngoài 80 như GS.TS Trình Quang Phú vẫn có đủ “lửa”, đủ sức khỏe, nhiệt huyết để chiến đấu với COVID-19 và lo cho đồng bào mình như vậy. Giữa lòng TP Hồ Chí Minh những ngày rối bời, hoang hoải, ông và vợ là bà Huỳnh Thị Kim Hương tất tả ở Bến xe Miền Ðông đưa bà con về quê tránh dịch.
“Ngay khi dịch COVID-19 được kiểm soát, Phú Yên kết nối các nhà khoa học của Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh xây dựng kịch bản, chiến lược mở cửa, hồi phục nền kinh tế. Tỉnh phấn đấu bước sang quý I/2022 sẽ khởi động và tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế, với quan điểm mở rộng các khu công nghiệp trong tỉnh, tăng cường quy mô nhà xưởng, thu hút nhiều công nhân tại chỗ; chủ động tổ chức xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước… Ðây được xem là điều kiện quan trọng để Phú Yên phát triển, tạo được nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương trong thời gian tới. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế” |
Mỗi người đưa ra một bàn tay, một tấm lòng, một hành động. Có người dành trọn thời gian cho việc tổ chức tiếp nhận, giải quyết các thủ tục giúp bà con; có người chuyên lo hậu cần, cơm ăn, nước uống cho cả đoàn xe; và không ít anh chị đồng hương không nêu tên đã âm thầm ủng hộ tài chính, vật tư y tế phục vụ những chuyến xe về quê…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðào Mỹ tặng bằng khen, tri ân nhà xe Phương Trang và đội ngũ lái xe trong chiến dịch đưa người dân về quê. Ảnh: TRẦN QUỚI |
2. Nhà xe Phương Trang là ân nhân lớn của bà con Phú Yên trong đợt cao điểm bùng phát đại dịch COVID-19 lần thứ tư. Với chiến dịch 70 ngày đêm (từ ngày 25/7-8/10/2021) đón đồng bào về quê tránh dịch, Tập đoàn Phương Trang đã huy động hơn 40 xe khách giường nằm, hơn 100 lái xe từ các tỉnh, thành phố, nhân viên các chi nhánh luân phiên nhau suốt hành trình mà rủi ro đã được báo trước để thực hiện 730 chuyến xe, đón gần 17.000 người Phú Yên từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu về quê an toàn.
Từ lãnh đạo tập đoàn đến những người điều hành, đội ngũ lái xe nhiệt thành, nhân ái, họ đã không do dự mà quyết định chung tay cùng Phú Yên đưa bà con rời tâm dịch về quê an toàn, hoàn toàn miễn phí. Có thời điểm, trong hàng ngũ tài xế của Phương Trang đã có người bị lây nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, không hoảng loạn, không buông bỏ giữa chừng, Phương Trang đi đến cuối chiến dịch với trọn vẹn nghĩa tình. Không chỉ vậy, tập đoàn này còn dành kinh phí để hỗ trợ Phú Yên nhiều thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Sau khi dịch được kiểm soát, người dân muốn trở lại TP Hồ Chí Minh nối lại công việc thì Phương Trang một lần nữa có “chuyến xe 0 đồng” hỗ trợ bà con.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho các bà mẹ và em bé ngay khi xuống xe. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Ðoàn xe khách Phương Trang - Futa Buslines nối dài rời đi trên đường phố Tuy Hòa buổi chiều muộn và tập kết về sân vận động Tuy Hòa sáng sớm có xe cảnh sát dẫn đường đã trở thành hình ảnh đẹp, nhân nghĩa trong lòng người dân Phú Yên…
3. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của các sở LÐ-TB-XH, GT-VT, Y tế, TT-TT, VH-TT-DL, Tỉnh đoàn, Công an, các địa phương cùng tham gia ngày đêm để những chuyến xe mang nặng nghĩa đồng bào về quê an toàn. Họ đã làm việc một cách thầm lặng, nhiều người phải tiếp xúc trực tiếp F0, F1, nhưng không một ai than van. Có tình nguyện viên là cán bộ Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao (Sở VH-TT-DL), không ngần ngại ẵm bồng người khuyết tật, người bị bệnh xuống xe xét nghiệm, đỡ đần người già đến nơi tập kết.
Các phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại điểm đón công nhân trở về. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Phó Giám đốc Sở LÐ-TB-XH Phú Yên Phạm Thị Minh Hiền, người trực tiếp điều phối công việc đón công dân về quê, giờ đây vẫn còn nhớ như in những trường hợp mà chị tiếp nhận. Ðó là người đàn bà quê không biết chữ, không thể đăng ký, không thể nhắn tin điện thoại, cứu cánh duy nhất là gọi điện thoại trong lúc tuyệt vọng. Ðó là những người không còn nhà trọ, phải tá túc gầm cầu, không còn tiền ăn, vật vạ dọc đường gió bụi. Ðấy là cảnh ba mẹ con bụng mang dạ chửa, nhịn đói 2 ngày dắt díu nhau đi bộ hơn 10km ra bến xe xin được về quê. Hay câu chuyện “hồi hương hũ tro cốt” của Y Lãnh (SN 1984, ở xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa)… khiến ai cũng lặng người vì sự nghiệt ngã của dịch bệnh.
4. Những người dân trở về quê từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đa số ở vùng nông thôn, do khó khăn về kinh tế nên họ phải ly hương tìm việc. Ðại dịch COVID-19 ập đến, họ mất việc làm, mất sức khỏe, tính mạng bị đe dọa. Ước muốn của họ là được trở về quê. Nhưng làm gì để mưu sinh, chăm lo cuộc sống là việc không thể không lo nghĩ.
Nụ cười của các tài xế xe Phương Trang sau mỗi chuyến xe đưa bà con về quê an toàn. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Song song với việc đón bà con, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương khảo sát trình độ, nghề nghiệp, nhu cầu việc làm, nắm bắt tình hình khó khăn và cả nguyện vọng trở lại thành phố tìm việc. Theo Sở LÐ-TB-XH, trong tổng số lao động trở về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, có 54% muốn trở lại thành phố làm việc, 46% lao động muốn ở lại làm việc tại địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế trăn trở: Mong muốn của tỉnh là làm sao thực hiện được phương châm “ly nông không ly hương” cho bà con. Ðược sống và làm việc trên chính quê hương của mình là mong ước của rất nhiều người. Tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị vào cuộc đồng bộ để cùng nhau thực hiện khát vọng an cư lạc nghiệp cho người dân, giúp họ ổn định cuộc sống tại quê nhà.
Anh Nguyễn Văn Trí ở thôn Phú Xuân B (xã Xuân Phước, huyện Ðồng Xuân), về từ TP Hồ Chí Minh. Sau khi hết thời gian cách ly, anh được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho vay 30 triệu đồng để nuôi bò, trồng rau, nuôi gà... “Dịch bệnh quá phức tạp nên tôi ngại trở lại TP Hồ Chí Minh. Tôi muốn ở lại quê nhà phát triển kinh tế gia đình, vượt lên đói nghèo”, anh Trí tâm sự.
Trải qua đại dịch COVID-19 mới thấy giá trị của những ngày bình thường và việc an cư lạc nghiệp, làm giàu trên quê hương mình là niềm khát khao với tất cả mọi người.
Dù có kỹ năng sinh tồn giỏi đến đâu, trong nghịch cảnh vây quanh, ai cũng muốn về quê, về với gia đình, người thân. Chúng tôi đã trải qua bao cung bậc cảm xúc, cùng tạo nên một hành trình mang nặng nghĩa đồng bào, về sự vô giá của tình quê hương, dân tộc.
Phó Giám đốc Sở LÐ-TB-XH Phạm Thị Minh Hiền |
THẾ NHƠN