Thứ Năm, 05/12/2024 08:20 SA
Cựu binh bộc phá số 1 kể chuyện lính đặc công
Thứ Sáu, 31/12/2021 14:19 CH

Ông Huỳnh Văn Luông kể lại những kỷ niệm thời chiến đấu. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Cựu chiến binh Huỳnh Văn Luông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở thôn Liên Trì 1, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa. Anh trai ông, liệt sĩ Phan Văn Trường (Phan Văn An) là một trong những chiến sĩ đặc công tham gia giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, hy sinh tháng 11/1963 trên đường công tác ở quê nhà, bị địch bêu xác mấy ngày trước khi cho gia đình nhận mai táng. Ba người anh trai còn lại của ông, một người tập kết ra Bắc, hai người thoát ly ra vùng giải phóng.

 

Lính bộc phá số 1

 

Tháng 1/1966, trước khi thoát ly tham gia cách mạng, ông đề lên vách đất ngôi nhà nhỏ của gia đình dưới chân Chóp Chài mấy câu thơ:

 

…Từ độ lòng thơ hiểu chiến tranh

Giả đàn em bé chán hoa sinh

Xa đồi cát trắng chiều quen thuộc

Để lại trong tôi một mối tình…

 

Bài thơ ông để lại, chính quyền sở tại bấy giờ gây rất nhiều phiền hà cho mẹ ông (chị ruột Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Huỳnh Nựu trước Cách mạng Tháng Tám).

 

Sau khi thoát ly lên chiến khu, ông tham gia vào đơn vị CQ2, được phân công công tác ở bộ phận địch tình (tình báo) do ông Đàm Việt Thái làm trưởng bộ phận, đứng chân ở thôn Thọ Vức. “Hồi đó, nơi này bị địch càn quét nặng nề, trở thành vùng đất trắng. Tôi cùng đồng đội (anh Lý) thường xuống nằm vùng tại chỗ để nắm tình hình địch, xây dựng cơ sở. Ban ngày, tôi nằm hầm bí mật ở vườn nhà ông Nước (thôn Ninh Tịnh), còn anh Lý ở thôn Liên Trì. Ban đêm thì liên hệ các cơ sở nắm tình hình địch và triển khai nhiệm vụ mới”, ông Luông nhớ lại.

 

Năm 1967, Đại đội Đặc công 202 về địa phương tuyển quân, ông Luông cùng ông Lương Công Hùng ở Ban Binh vận và một số anh em được biên chế vào đại đội. Từ đó, ông cùng đơn vị chiến đấu khắp nơi trên chiến trường Phú Yên.

 

Trận đánh đầu tiên tại đồi Aman năm 1967 để lại dấu ấn nhớ đời. Ông Luông kể: “Lúc này, tôi nằm trong đội dự bị do đồng chí Lê Trung Kiên - Đại đội trưởng dẫn đầu. Tôi được cấp cho cái giỏ đan bằng nứa đựng 3 trái lựu đạn và bộc phá đi phía sau. Trong lúc trận đánh diễn ra ác liệt thì đồng chí Kiên ra lệnh mang lựu đạn và bộc phá lên đồi để hỗ trợ đồng đội. Khi tôi lấy ra chỉ còn quả bộc phá và một trái lựu đạn. 2 trái đã bị rớt trong lúc leo lên đồi. Trận này, quân ta xóa sổ một đại đội bảo an và thu nhiều vũ khí của địch. Tôi thu được cây súng Grant và đem cho anh em dân quân tự vệ địa phương, họ rất mừng”.

 

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, Đại đội Đặc công 202 nhận lệnh đánh vào Tỉnh đường ngụy nằm cạnh đường Duy Tân, TX Tuy Hòa. Đại đội do đồng chí Lê Bác, Tỉnh đội trưởng trực tiếp chỉ huy phối hợp cùng Tiểu đoàn BB85 do đồng chí Tấn làm tiểu đoàn trưởng xuất kích.

 

Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, vào bộ đội lại là lính bộc phá số 1 của đơn vị đặc công, mỗi khi ra trận phải giáp mặt với kẻ thù nên với tôi, sống chết chỉ trong gang tấc. 

Ông Huỳnh Văn Luông

 

“Đơn vị làm lễ xuất quân tại hang Hổ (Tuy An) rồi từ đó đi xuống Long Thủy, men theo bờ biển bí mật áp sát vào hàng rào thép gai của Tỉnh đường. Là lính bộc phá số 1, tôi cầm một quả bộc phá nhảy lên cho nổ đánh tan hàng rào dây thép gai đầu tiên mở cửa cho quân ta tiến vào. Đang chuẩn bị đánh quả bộc phá thứ hai thì tôi trúng đạn, bị thương ở chân. Tôi lùi lại băng bó vết thương rồi tiếp tục tiến lên. Lúc này không còn yếu tố bất ngờ, địch bắn trả quyết liệt nên quân ta phải rút. Cách chừng 10m, tôi nhìn thấy Đại đội trưởng Lê Trung Kiên hy sinh và một người nữa là liên lạc nhưng không thể tiếp cận để đưa thi thể ra được. Chúng tôi đành phải rút ra rừng dương, đi tới Long Thủy thì được bộ phận tiếp quản đón đưa về. Còn Ban chỉ huy đại đội rút ra Ninh Tịnh vừa chui xuống hầm thì bị địch thả bom, tất cả đều hy sinh”, ông Luông ngậm ngùi.

 

Trong trận đánh này, đội pháo binh đã bắn sập nóc nhà Tỉnh đường nhưng lực lượng của ta hy sinh khá nhiều. Địch bắn đạn như mưa nên đội pháo của ta không thể mang đi đành phải chôn vùi dưới cát để tất cả rút ra được an toàn. Tối hôm sau, bộ đội ta vào đào lên lấy pháo mang về đơn vị. Đồng chí Lê Trung Kiên đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Theo người cựu binh đặc công nhiều lần vào sinh ra tử này, thông thường để chuẩn bị một trận đánh nào đó, Ban tác chiến sẽ đi khảo sát, nắm tình hình của địch, về vẽ lại địa hình rồi họp bàn phương án tác chiến cho đến khi thống nhất phương án cuối cùng. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, nhận lệnh cấp trên, Đại đội Đặc công 202 phối hợp với Tiểu đoàn 14 của Quân khu 5, Tiểu đoàn BB85 Phú Yên đánh vào tất cả các điểm trọng yếu của địch ở TX Tuy Hòa.

 

“Tổ tôi gồm Lương Công Đoan, Trần Phùng Hải, Ngọc và tôi dẫn đường đánh vào đài phát thanh. Các nơi trên khắp TX Tuy Hòa đều nổ súng. Khi có mặt trước cổng đài, tôi lấy một quả lựu đạn chày ném vào khiến cửa sắt bung ra, hai lính gác bên trong tháo chạy ra ngoài. Vào bên trong, tôi lấy một quả bộc phá ném vào trung tâm điều khiển của đài, hệ thống máy móc bị hủy toàn bộ. Xong, cả tổ rút ra Ninh Tịnh đi lên có ban tiếp quản đón dẫn về gửi vào nhà dân ở Liên Trì, Bình Kiến chờ đến tối về đơn vị”, ông Luông nhớ lại.

 

Xây dựng những công trình

 

Năm 1969, trong trận đánh địch ở xã Hòa Trị, ông Luông bị thương nặng không đủ sức chiến đấu nên được đưa ra miền Bắc an dưỡng và học tập. Vượt đường Trường Sơn, khi đoàn đi đến đoạn thuộc đất bạn Lào thì nghe tin Bác Hồ qua đời. Cả đoàn ở lại trạm giao liên làm lễ truy điệu xong rồi tiếp tục lên đường. Khi đến Làng Ho (tỉnh Quảng Bình), ông được phân về Trung đoàn 580 của tỉnh Hưng Yên. Được đưa đi học lớp bổ túc văn hóa, đến năm 1972, ông thi vào Trường đại học Xây dựng (đứng chân tại Hưng Yên).

 

Quân giải phóng tiến công vào TX Tuy Hòa trong mùa xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: Tư liệu

 

Sau khi tốt nghiệp, năm 1977, ông về Phú Yên làm giảng viên của Trường trung cấp Xây dựng số 6 (nay là Trường đại học Xây dựng Miền Trung). Sau đó, ông về làm Trưởng Phòng Kỹ thuật thuộc Công ty Xây dựng Bắc Phú Khánh. Trong thời gian này và sau khi tái lập tỉnh Phú Yên, ông tích cực tham gia xây dựng nhiều công trình trên quê hương Phú Yên như Nhà máy đường Đồng Bò, trụ sở UBND TX Tuy Hòa, Bệnh viện Đa khoa Tây Sơn, Bệnh viện Đa khoa Chí Thạnh, Nhà văn hóa Diên Hồng… Năm 1982, ông theo học lớp giám đốc tại Trường Quản lý kinh tế xây dựng ở Hà Đông. Hoàn thành khóa học, ông được điều sang công tác tại Ban quản lý xây dựng Đài tưởng niệm Tháp Nhạn TX Tuy Hòa, rồi được bổ nhiệm Giám đốc Công ty Xây dựng TX Tuy Hòa (nay là Công ty Xây dựng Phú Yên) cho đến năm 2015 thì nghỉ hưu.

 

“Nhiều đồng chí, đồng bào đã mãi mãi nằm xuống nơi chiến trường để bao người được sống trong hòa bình hôm nay. Là người may mắn trở về sau chiến tranh đến ngày hôm nay, tôi thấy mình cần phải sống sao để xứng đáng với biết bao đồng đội và cả người thân đã anh dũng hy sinh xương máu trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc”, ông Luông trải lòng.

 

Sau nhiều lần từ chối, ông Huỳnh Văn Luông cũng đã nhận lời tiếp chúng tôi tại nhà riêng của mình ở đường Nguyễn Văn Huyên, phường 9 (TP Tuy Hòa). Khi nhắc lại những năm tháng đi chiến đấu, ông cười hiền: “Thời thanh xuân đẹp đẽ và oanh liệt nhất đã qua. Giờ được sống trong hòa bình, hàng ngày quây quần cùng con cháu là không gì bằng”.

 

KHÔI NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phú Yên những ngày toàn quốc kháng chiến
Thứ Bảy, 18/12/2021 07:52 SA
Chuyện binh vận thời chiến
Thứ Sáu, 03/12/2021 10:51 SA
Sống mãi ký ức Trường Sơn
Thứ Sáu, 05/11/2021 13:00 CH
Mẹ Thảng
Thứ Sáu, 22/10/2021 11:47 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek