Thứ Sáu, 18/10/2024 12:05 CH
Chuyện binh vận thời chiến
Thứ Sáu, 03/12/2021 10:51 SA

Ông tự nhận mình không có công trạng gì lớn, chỉ là một chiến sĩ binh vận hoạt động trong lòng địch, đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào công cuộc giải phóng quê nhà, thống nhất đất nước.

 

Thời gian rảnh rỗi, ông Tuần thường cùng vợ đọc báo, xem ti vi. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

 

Đã 92 tuổi nhưng cựu chiến binh Nguyễn Tuần (Nguyễn Văn Hai) ở thôn Đại Bình, xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa vẫn nhớ như in những năm tháng hào hùng khi quê hương ngập tràn bom đạn chiến tranh. Bên tách trà thơm, ông bùi ngùi nhớ lại một thời kháng chiến liệt oanh mà suốt cả cuộc đời, dẫu có nhiều thay đổi vẫn không thể nào quên.

 

Thầy giáo Việt Minh

 

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, là một thầy giáo dạy tiểu học, ông Nguyễn Tuần sớm giác ngộ cách mạng và đứng vào hàng ngũ Việt Minh. Năm 1949, ông được bầu làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Kiến (TX Tuy Hòa) vừa dạy học vừa tích cực tham gia phong trào kháng chiến. Năm 1954, Hiệp định Geneve được ký kết, một số cán bộ đi tập kết ra miền Bắc, ông Tuần được tổ chức phân công ở lại địa phương. Hàng ngày, ông chăm chỉ làm việc đồng áng, lo cho cuộc sống gia đình, đợi thời cơ.

 

Sau khi chiếm lấy miền Nam, Mỹ - Diệm xây dựng khu vực dành cho quân đội Mỹ thực thi chính sách “tôn giáo trị” là bắt người dân miền Nam phải theo đạo Công giáo; đưa ra Luật 10-59 nhằm tố cộng, giết hại, bắt tù tất cả những cán bộ cách mạng. Vì vậy, nhiều cán bộ Việt Minh ở lại miền Nam chưa thể kết nối liên lạc với nhau để hoạt động. Nhớ lại có lần suýt bị địch thủ tiêu, ông kể: “Tối hôm đó, tên ác ôn trong làng dẫn một số người đến bao vây bắt tôi rồi nhốt dưới hầm. Chúng định thủ tiêu tôi tại hầm này, nhưng rất may là có một người cũng bị bắt giam chung. Sợ bị lộ nên chúng đẩy tôi vào hầm rồi bỏ đi”. Sau khi trở về nhà, ông Tuần tìm mọi cách bắt liên lạc với tổ chức, anh em đồng chí để tiếp tục hoạt động hợp pháp. Ông đi xây dựng cơ sở và nắm tin tức cung cấp cho những người có trách nhiệm. Vì có thời gian làm giáo viên quen biết rộng rãi, nhờ vậy mà ông Tuần cũng dễ dàng hoạt động hơn.

 

Năm 1964, một số cán bộ từ trên căn cứ xuống làng để họp, khi trở lên thì bị địch phát hiện, nổ súng nên có người đã hy sinh. Địch thu được tài liệu có liên quan nên ông Tuần bị chúng bắt giam vào nhà lao Tuy Hòa. Dù trải qua nhiều cực hình tra tấn của địch nhưng ông quyết không khai báo nửa lời. Sau khi ra tù, ông Tuần thoát ly ra vùng căn cứ, sau đó được tổ chức phân công về làm Chủ tịch Ủy ban tự quản xã Hòa Quang, khôi phục lại phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, mỗi thôn đều có trưởng thôn quản lý.

 

Chiến sĩ binh vận trong lòng địch

 

Đầu năm 1965, tình hình cách mạng miền Nam đã có những tiến bộ vượt bậc. Cuộc “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy ngày càng bị khủng hoảng và thất bại nghiêm trọng. Đế quốc Mỹ đã tìm mọi cách cứu vãn sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Chúng ồ ạt đưa quân viễn chinh và quân chư hầu vào miền Nam Việt Nam, đồng thời mở rộng hoạt động ném bom đánh phá miền Bắc.

 

Năm 1966, Lữ đoàn Rồng Xanh Nam Triều Tiên và Trung đoàn Bộ binh 47 ngụy phối hợp đổ bộ càn quét ở Tuy Hòa 1 rồi lập đồn, đóng quân tại núi Tranh (Hòa Quang) nhằm khống chế hoạt động của quân giải phóng. Chúng đổ quân càn quét từ đèo Dinh Ông ra đến Tuy An, đốt sạch nhà cửa, giết gia súc, hãm hiếp, bắt giết người dân vô tội nên nơi đây trở thành “vành đai trắng”. Ở đồng bằng, không có địa bàn nào là không có dấu chân của quân đội Mỹ, ngăn cách liên lạc của cán bộ các vùng trong tỉnh. “Chủ trương của Đảng lúc này đặt vấn đề cán bộ, đảng viên phải bám trụ với quần chúng, vì nếu mất quần chúng thì mất cách mạng, có quần chúng thì có cách mạng”, ông Tuần nhớ lại.

 

Ông được phân công phụ trách địa bàn Tuy Hòa 2, vận động nhân dân đào hầm bí mật, xây dựng căn cứ lõm ở thôn Đại Bình (Hòa Quang), xã Hòa Trị, thôn Phong Niên (Hòa Thắng), tổ chức đội Dũng cảm gồm các đồng chí: Bùi Ngái, Bùi Ngôn, bà Giàng… để bảo vệ, nuôi giấu cán bộ cách mạng về địa phương hoạt động. Có lần ông Tuần đánh tay không với lính ngụy để thoát thân. Ông kể: “Trời vừa sẩm tối, tôi từ căn cứ xuống làng ghé lại nhà bà Dịu là cơ sở thì có một tên lính 47 đi vào. Thấy tôi hắn kêu lên và bóp cò bắn chỉ thiên để báo động cho đồng bọn. Tôi liền đánh hắn ngã ngửa, lôi hắn ra bắt nằm sấp xuống rồi chạy thoát ra ngoài. Sau đó, chúng lục soát khắp nhà nhưng không tìm thấy tôi nên quay qua đánh bà Dịu hết sức dã man”.

 

Năm 1969, ông Tuần được điều động về Ban Binh vận tỉnh, phụ trách công tác quần chúng đặc biệt (vận động lính, sĩ quan quân đội ngụy tham gia cách mạng). Ông Tuần cho biết: “Ban đầu, tôi bám trụ trong làng xây dựng cơ sở cách mạng; tìm hiểu và nắm tin tức từng gia đình; thăm dò làm quen đối tượng để vận động họ giác ngộ. Có người đồng ý tham gia cách mạng, cũng có người không tham gia nhưng chí ít là họ không làm theo lời của Mỹ - ngụy đi cướp của, đốt nhà, bắt bớ bà con. Vận động được nhiều sĩ quan như vậy nên có những cuộc hành quân chúng dự định tiến hành lại án binh bất động”.

 

Theo ông Tuần, làm công tác binh vận đặc biệt rất nguy hiểm, phải chuẩn bị mọi tình huống có thể xảy ra như có kẻ xấu phản bội. Tuy vậy, trong quân đội ngụy cũng có nhiều người vì bị bắt buộc đi lính nên biết giác ngộ. “Ở Tuy Hòa 1, tôi vận động được nhiều sĩ quan giác ngộ tham gia cơ sở cách mạng như thiếu úy Lê Thái Hòa, sĩ quan Nguyễn Trọng Lực… Có lần tôi đang nằm hầm bí mật, địch đi càn phát hiện. Một tên lính hô lên thì có tên lính khác đến quát: Có hầm bí mật thì nó bắt mày đào lên cho mày chết à, rút. Vậy là tất cả đều rút đi, tôi lên khỏi hầm và tránh đi nơi khác”, ông Tuần kể.

 

Năm 1971, ông Tuần được cấp trên điều động bổ sung vào Tiểu đoàn 96. Sau đó, ông được biệt phái vào Ban Binh vận thuộc UBND cách mạng TX Tuy Hòa, bám trụ ở núi Chóp Chài, Hòa An kiên trì hoạt động và xây dựng cơ sở trong lòng địch. Thời gian chuẩn bị giải phóng Phú Yên, ông được bổ sung vào Ban Quân quản (do đồng chí Cao Kỳ Trí làm Trưởng ban) phụ trách mũi từ Chóp Chài tiến vào tiếp quản sân bay dã chiến Tuy Hòa. Ông được phân công quản lý tù - hàng binh địch, tiếp quản thu gom vũ khí khi địch tháo chạy, góp sức ổn định tình hình. Sau đó, ông làm Phó Ban Giao tiếp đón đoàn cán bộ từ miền Bắc vào.

 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, huyện Tuy Hòa 1 và huyện Tuy Hòa 2 sáp nhập thành huyện Tuy Hòa, ông Tuần được phân công giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện cho đến năm 1986 thì nghỉ hưu. Từ đó đến nay, ông luôn nêu cao vai trò “tuổi cao gương sáng”, hoàn thành trách nhiệm của người công dân, xứng đáng với sự tín nhiệm, tin yêu của tổ chức và đồng chí, đồng đội. 

 

Cụ Nguyễn Tuần là cán bộ hưu trí đã có nhiều đóng góp trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Cụ và gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặc dù tuổi đã cao nhưng cụ vẫn còn tham gia sinh hoạt đảng, có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng trong các buổi sinh hoạt của chi bộ; tiên phong trong tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.

 

Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Quang Nam Đào Tấn Sự

 

KHÔI NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sống mãi ký ức Trường Sơn
Thứ Sáu, 05/11/2021 13:00 CH
Mẹ Thảng
Thứ Sáu, 22/10/2021 11:47 SA
Chuyện đời một chiến sĩ biệt động
Thứ Sáu, 24/09/2021 15:14 CH
Anh hùng Trần Suyền trước ngày 2/9/1945
Thứ Năm, 02/09/2021 09:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek