Thứ Năm, 05/12/2024 07:30 SA
Có một Sầm Sơn thi xã ở Phú Yên thế kỷ XVIII
Chủ Nhật, 10/10/2021 17:17 CH

Xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa - nơi Sầm Sơn thi xã đã từng đóng trên ngọn núi nhỏ. Ảnh: MINH NGUYỆT

Sầm Sơn thi xã là một tổ chức yêu nước được thành lập trước cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nhằm tập hợp lực lượng để chống lại chính quyền Chúa Nguyễn ở Phú Yên. Từ cái nôi ban đầu này, nghĩa quân Tây Sơn ở Phú Yên ngày càng lớn mạnh và cùng với lực lượng ở Bình Định trở thành cái nôi bùng nổ cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn vĩ đại ở thế kỷ XVIII.

 

Năm 1771, tại ấp Tây Sơn, Nguyễn Nhạc cùng hai em là Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa. Trong lúc anh em Nguyễn Nhạc xây dựng căn cứ ở vùng Tây Sơn Thượng đạo (An Khê) và Tây Sơn Hạ đạo (Bình Khê - nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) chuẩn bị khởi nghĩa, tại Phú Yên một tổ chức chống chính quyền Chúa Nguyễn cũng đang chuẩn bị lực lượng nổi dậy. Từ núi rừng huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên tổ chức Hưng Quốc hội do một số nhân vật chủ chốt như Võ Văn Cao, Nguyễn Công Lang, Nguyễn Công Cố, Nguyễn Quang Huy, Lưu Quốc Hưng, Lương Văn Cương... thành lập, đang gấp rút tập hợp lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa.

 

Để tập hợp lực lượng, Hưng Quốc hội chủ trương mở hội quán nhằm thu hút các anh hùng hào kiệt đến hội ngộ, đàm đạo thơ văn, luyện tập võ thuật, từ đó kết tìm người có chí hướng vào tổ chức chống lại chế độ cai trị của họ Nguyễn. Lúc bấy giờ, nhiều học xá (trường học), thi xã được mở ở các phủ, huyện khắp xứ Đàng Trong, nên chủ trương mở hội quán của Hưng Quốc hội đã tránh được sự dòm ngó của chính quyền họ Nguyễn ở Phú Yên.

 

Ở Quảng Ngãi, Nguyễn Tấn Trực mở Long Điềm học xá vùng Sơn Tịnh, Nguyễn Văn Chương mở Ngân Phong học xá vùng Mộ Đức thu hút nhiều người tài giỏi đến học, đàm luận thế sự. Phủ Qui Nhơn, Phạm Văn Trọng lập Phù Ly học xá tại huyện Phù Ly; Trần Long Vỹ và Đinh Sĩ An mở Lưỡng Hoài thi xã tập hợp danh sĩ 3 huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn tham gia(1).

 

Ở Phú Yên, Hưng Quốc hội giao cho Lương Văn Cương nhiệm vụ mở Sầm Sơn thi xã tại làng Phụng Các làm nơi xướng họa thơ văn, đàm đạo thế sự nhưng thực chất là tập hợp danh sĩ không chỉ ở huyện Đồng Xuân mà cả vùng Tuy Hòa cũng như các tỉnh duyên hải miền Trung để bàn việc khởi nghĩa chống lại chính quyền Chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

 

Sầm Sơn thi xã đóng trên ngọn núi nhỏ có tên là Núi Sầm ở làng Phụng Các (nay là thôn Phụng Tường, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên). Ngọn núi này có nhiều cây sầm mọc nên dân gian gọi là núi Sầm và địa danh này cũng đã đi vào ca dao:

 

Lẻ loi như cụm núi Sầm

Thản nhiên như mặt nước đầm

Ô Loan

 

Từ khi được thành lập, Sầm Sơn thi xã đã thu hút nhiều hào kiệt đến đây tham gia học văn, luyện võ như Phan Văn Biên, Võ Văn Dũng, Lương Phụng Tường, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Hóa, Nguyễn Thế Tử, Nguyễn Học…(2). Từ thi xã này, nhiều người đã trưởng thành, về sau có những đóng góp lớn lao cho phong trào Tây Sơn.

 

Võ Văn Dũng là người thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Qui Nhơn. Theo sách Nhà Tây Sơn, thì năm 20 tuổi Dũng theo những người đi buôn ngựa vào Phú Yên. Vốn là người có khiếu và ham học võ, khi vào huyện Đồng Xuân nghe danh Sầm Sơn thi xã tổ chức dạy võ cho nhiều bậc hào kiệt nên Dũng xin theo học và thọ giáo thầy chưởng môn Lương Văn Cương. Ngoài các môn quyền, cước, Dũng được học kiếm thuật với “trường kiếm và đoản đao, cách đánh trên đất, trên ngựa, lúc dùng một món, lúc dùng cả đôi. Dũng tập luyện ngót năm trời mới thành thục”(3). Sau khi tinh thông võ thuật, Dũng xin từ biệt trở về Tuy Viễn phụng dưỡng mẹ già và ghi nhớ lời thầy dặn giấu kín võ công: “Học võ là để phòng thân và dẹp nỗi bất bình khi gặp, chớ không phải để đấu sức khoe tài”(4). Ông kết thân và thường đi lại với Nguyễn Nhạc. Ngoài Nhạc ra, khách võ lâm không ai biết ông là người có võ nghệ cao cường. Năm 1771, khi Nguyễn Nhạc phất cờ khởi nghĩa, Võ Văn Dũng đến tham gia từ đầu và trở thành một trong “thất hổ tướng” và là đại thần trụ cột của nhà Tây Sơn.

 

Ngoài Võ Văn Dũng được Sầm Sơn thi xã đào tạo trở thành người giỏi võ, có cống hiến xuất sắc trong phong trào Tây Sơn, các danh sĩ Nguyễn Quang Huy, Phan Văn Biên, Nguyễn Thế Tử, Lưu Quốc Hưng, Lương Phụng Tường, Lương Văn Trực đều là người am hiểu văn chương, giỏi võ thuật, thông binh pháp… góp sức rất lớn cho khởi nghĩa Tây Sơn trên đất Phú Yên. Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo tướng lĩnh cho khởi nghĩa Tây Sơn, Sầm Sơn thi xã còn để lại di sản về thơ ca khá đồ sộ phản ánh tâm tư, nguyện vọng và sự khát khao được giải phóng khỏi ách áp bức của chính quyền đương thời của các tầng lớp nhân dân.

 

Sau cái chết của Nguyễn Huệ năm 1792, con là Nguyễn Quang Toản kế nghiệp nhưng không đủ năng lực lãnh đạo nhà Tây Sơn nên bị Nguyễn Ánh đánh bại. Về sau, chính sách của triều Nguyễn là tận diệt hậu duệ nhà Tây Sơn cũng như sách vở, thơ, văn có liên quan đến triều đại này nên ngày nay thơ văn của Sầm Sơn thi xã không còn lại nhiều.

 

Trong tập biên khảo Văn thơ trên đất Tây Sơn quật khởi của tác giả Nguyễn Hồng Sinh do Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2005, đã dày công sưu tập, giới thiệu một số bài thơ của các tác giả tham gia trong tổ chức Sầm Sơn thi xã ở Phú Yên. Một số tác giả tiêu biểu như: Nguyễn Công Lang sinh ra ở huyện Đồng Xuân, tham gia nghĩa quân Tây Sơn và được cử làm Phòng ngự sứ (Tri huyện) huyện Đồng Xuân, rồi sau đó thăng lên An Phủ sứ (Tuần vũ) phủ Phú Yên. Khi Nguyễn Nhạc xưng Hoàng Đế, lập ra triều chính (năm 1778) thì Nguyễn Công Lang làm việc ở bộ Hộ, được phong tước Kiến Quốc Công. Cảm hứng trước thắng lợi của nghĩa quân Tây Sơn sau khi đánh bại đạo quân của Tống Phúc Hiệp vào năm 1775 tại Xuân Đài, Nguyễn Công Lang viết bài thơ Tết say diệt thù, trong đó có đoạn:

 

Xuân Đài sóng dậy mừng xuân

La Thiên xuân trước đầy rừng trổ hoa

Hương xuân tỏa khắp mọi nhà

Đùng đùng pháo nổ, người ra chật đàng…

 

Dè đâu giặc Nguyễn tràn vào

Xuân Đài chật đất, tràn bờ Văn Phong

Chúng toan chống lại Tây Sơn

Nhân khi quân Trịnh hành hung phía ngoài.

 

Tức thời ta lại bổ vây

Quân dân ta quyết ra tay diệt thù...

 

Nguyễn Công Cố sinh năm 1745 tại làng An Mỹ, tổng Hạ, huyện Đồng Xuân, phủ Phú Yên (nay là xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Ông là anh ruột của Nguyễn Công Lang, tham gia Sầm Sơn thi xã. Ông là vị tướng lĩnh xuất sắc của nghĩa quân Tây Sơn ở Phú Yên. Trong chiến dịch giải phóng Thăng Long vào Tết Kỷ Dậu năm 1789, Nguyễn Công Cố được giao nhiệm vụ chỉ huy chiến thuyền trong đoàn quân của Đô đốc Tuyết nhằm chặn đường rút lui của quân Thanh và ông đã anh dũng hy sinh vào ngày mùng 4 tháng Giêng năm ấy.

 

Ngoài vai trò là vị tướng lĩnh, ông còn sáng tác nhiều bài thơ đề cập đến tình hình thế sự của đất nước, ca ngợi sự hy sinh anh dũng của nghĩa quân Tây Sơn trên chiến trường. Bài thơ Quyết tử chiến ông viết trong bối cảnh cuộc hành quân ra Bắc đánh giặc Mãn Thanh năm 1789 đang diễn ra quyết liệt:

 

Hỡi anh em binh sĩ

Thuộc dòng máu Tây Sơn

Nung chí lớn quật cường

Đánh đổ ách tham tàn

Diệt sạch giặc Mãn Thanh

 

Giữ vững nền tự chủ

Làm công bằng xã hội

Kinh Thổ thảy hòa vui...

 

Nguyễn Thế Tử (bút danh Toàn Nhật) sinh ra ở vùng Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tham gia Sầm Sơn thi xã. Về sau ông giữ chức Nội hầu trong nhà Tây Sơn. Đây là một chức quan trọng yếu của triều Tây Sơn (trụ cột triều đình có các quan Đại Tư mã, Đại tư khấu, Thiếu Phó, Thái úy, Nội hầu). Sau khi Quang Trung mất, Bùi Đắc Tuyên thao túng triều chính, quan lại chia bè kéo cánh hãm hại lẫn nhau làm cho thế lực Tây Sơn suy yếu. Nhận thấy đất nước đang trên đường suy vong không thể cứu vãn, đồng thời hàm ơn Hòa thượng Diệu Nghiêm đã cưu mang cha mẹ lúc khó khăn nên Thế Tử quyết từ bỏ triều đình quy y cửa Phật. Khi trở thành vị chân tu ở chốn cửa thiền, ông lấy pháp danh là Toàn Nhật.

 

Ông sáng tác rất nhiều thơ văn và trở thành nhà văn hóa lớn của nước ta thế kỷ XVIII, thơ văn của ông còn lưu lại ở khắp các chùa ở xứ Đàng Trong. Trong công trình Toàn Nhật Quang Đài toàn tập, GS Lê Mạnh Thát khẳng định tập Hứa sử truyện vãn và nhiều tác phẩm khác như Tam giáo nguyên lưu ký, Tống Vương truyện, Lục tổ truyện diễn ca, Bát nhã đạo quốc âm vãn, Tham thiền vãn, Thiền cơ yếu ngự vãn, Giới hành đồng từ, Khuyến tu hành quốc ngữ phú, Thơ bà vãi, Phá thô bát tống văn, Văn đưa cây bắp, Sa di oai nghi tăng chú giảo ngụy tự tiểu thiên, Thủy sám bạt, Vô lượng nghĩa kinh hậu bạt… và hơn 30 bài thơ Nôm, 14 bài thơ chữ Hán do Toàn Nhật viết trong thời gian sau khi xuất gia đến lúc tạ thế.

 

Nhận xét về sự nghiệp sáng tác thơ văn của Toàn Nhật, GS Lê Mạnh Thát viết: “Toàn Nhật là một trong những nhà văn, nhà thơ lớn của lịch sử văn học dân tộc ta. Nói Toàn Nhật là một nhà thơ, nhà văn lớn của lịch sử văn học dân tộc, bởi trong kho tàng văn học cổ điển Việt Nam chưa bao giờ có một nhà thơ, nhà văn để lại một số lượng lớn tác phẩm bằng tiếng quốc âm (chữ Nôm - ĐNK) như Toàn Nhật. Chỉ với số lượng đó thôi, nó đã biểu thị không những sức sống dào dạt của dân tộc đang dâng lên, thể hiện qua tiếng nói nhân dân và kết tinh thành những tác phẩm, mà còn chứng tỏ sức sống ấy đã được giải phóng từ cuộc cách mạng vĩ đại của Tây Sơn để nhà thơ có thể nói lên tiếng nói trung thực của mình” .

 

Phan Văn Biên sinh ra ở vùng phía bắc sông Đà Rằng, thuộc tổng Trung, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên nay là huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Ông tham gia Sầm Sơn thi xã từ rất sớm. Năm 1789, triều Quang Trung mở khoa thi Văn đầu tiên (gọi là khoa Minh Kinh) tại Nghệ An để tuyển chọn nhân tài bổ nhiệm vào các chức vụ trong bộ máy nhà nước. Khoa thi này do Nguyễn Thiếp làm chánh chủ khảo và có nhiều người ở miền Nam Trung Bộ ra ứng thí. Phan Văn Biên tham gia thi và đỗ đầu hạng ưu. Đậu xong ông được triều đình Quang Trung bổ ngay làm quan Huấn đạo (phụ trách Giáo dục). Năm 1792, vua Quang Trung mất đột ngột, thái tử Quang Toản kế vị. Nhà vua còn nhỏ tuổi nên việc triều chính đều do Thái sư Bùi Đắc Tuyên chi phối, thao túng.

 

Nhiều người có công với triều đình không hợp phe cánh bị Tuyên hãm hại. Chán cảnh chia rẽ trong triều, một số người rút lui khỏi chốn quan trường tìm nơi quy ẩn, trong đó có quan Nội hầu Nguyễn Thế Tử. Phan Văn Biên thấy Thế Tử (là người đồng hương Phú Yên) bỏ đại nghiệp quy y cửa Phật nên sáng tác bài thơ Nhắn bạn để gọi Thế Tử trở về cùng lo nghiệp lớn: (Trích một số đoạn) Đôi lời nhắn bạn tri âm Đồng thanh tương ứng, đồng môn sở cầu Hỡi anh Thế Tử đi đâu Nửa đàng bỏ cuộc về hầu thiền môn Giữa cảnh nòi giống điêu linh Nỡ ngồi gõ mõ tụng kinh an nhàn ...

 

Sao anh không nhớ lời nguyền Làm đứa con đời trừ khử tà gian Trọn đời vị quốc vong thân Khác chi đức Phật giáng trần giải nguy Chúng sinh bể khổ sầu bi Thoát thân cường bạo sân si hại đời Tây Sơn nay đã nguy rồi Nghĩa nhân đạo lý chẳng vơi chút nào Mong anh tỉnh ngộ cho mau Trở về nghĩa hội cùng nhau luận bàn Làm cho quốc thái dân an Nhà nhà hương tỏa, non sông thắm màu Về mau anh hãy về mau.

 

Về sau nhà Tây Sơn mất, Phan Văn Biên may mắn thoát khỏi sự truy sát của Gia Long và ông về ẩn cư dãy núi Cù Mông cùng với Nguyễn Quang Huy, tìm cách đối phó với chính sách trả thù của các vua nhà Nguyễn. Không rõ ông mất năm nào và hậu duệ của ông hiện nay ở đâu. Tóm lại, mặc dù di sản thơ ca của Sầm Sơn thi xã để lại cho ngày nay không nhiều, nhưng tổ chức này đã có những đóng góp quan trọng về lực lượng trong khởi nghĩa Tây Sơn và nền thơ ca của dân tộc trong thế kỷ XVIII với những tên tuổi nổi bật như Nguyễn Thế Tử (bút danh Toàn Nhật), Phan Văn Biên. Sầm Sơn thi xã là một điểm sáng trong lịch sử văn chương Việt Nam.

 

------------------------

 

(1)(3)(4) Quách Tấn, Quách Giao (2000) - Nhà Tây Sơn - NXB Trẻ, tr157, 41, 41. (2) Theo Võ Gia thế truyền của Võ Văn Cao (tài liệu đánh máy).

 

TS ĐÀO NHT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chuyện đời một chiến sĩ biệt động
Thứ Sáu, 24/09/2021 15:14 CH
Anh hùng Trần Suyền trước ngày 2/9/1945
Thứ Năm, 02/09/2021 09:00 SA
Ký ức không phai về Tết Độc lập
Thứ Năm, 02/09/2021 07:00 SA
Cô Sáu Miển
Thứ Sáu, 27/08/2021 16:53 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek