Chủ Nhật, 08/09/2024 08:16 SA
Chuyện đời một chiến sĩ biệt động
Thứ Sáu, 24/09/2021 15:14 CH

Năm nay đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm” với 52 tuổi Đảng, sức khỏe không còn tốt nhưng bà Lắng vẫn nhớ như in về một thời đạn bom, là thành viên của Đội Biệt động quận Hiếu Xương năm xưa.

 

Từ cô gái giao liên

 

Năm 1966, cô gái Nguyễn Thị Lắng được giác ngộ cách mạng và tham gia công tác ở quê nhà (thôn Cảnh Phước, xã Hòa Tân, huyện Tuy Hòa) khi vừa tròn 16 tuổi, làm nhiệm vụ giao liên. Mỗi lần sắp có chiến dịch diễn ra, bà được giao nhiệm vụ kết hợp với bộ đội trong căn cứ tổ chức đi rải truyền đơn, ném lựu đạn ở các chốt của địch ở Hòa Tân, Hòa Thành… nhằm gây hoang mang cho chúng.

 

Bà Nguyễn Thị Lắng xem lại những hình ảnh của đồng đội cũ. Ảnh: KHÔI NGUYÊN 

 

Năm 1967, bà được bầu làm Xã đội phó xã đội Hòa Tân, hoạt động hợp pháp trong lòng địch. Thời gian này, bà tích cực hoạt động, xây dựng cơ sở mạnh mẽ nên có tên trong “danh sách đen” của địch. Những năm 1967-1968, địch đổ quân lấn chiếm vùng giải phóng, dồn dân vào ấp chiến lược, xây dựng nhiều cụm cứ điểm ở các vị trí quan trọng gây khó khăn cho cán bộ cách mạng. Vì không thể hoạt động hợp pháp, đầu năm 1969, bà thoát ly ra vùng căn cứ và được cấp trên đưa đi học lớp xã đội ở tỉnh Gia Lai.

 

“Thời gian đó chiến trường rất khắc nghiệt, những cán bộ nữ hoạt động ở cơ sở hầu hết đều hy sinh nhưng tôi vẫn kiên cường bám trụ hoạt động cho đến khi thấy khả năng bị lộ cao”, bà Lắng nhớ lại.

 

Sau khi hoàn thành khóa học, bà về làm trợ lý dân quân Huyện đội Tuy Hòa. Ngoài đi cơ sở, bà còn tham gia huấn luyện tân binh, góp phần bổ sung nhân lực cho Đại đội 203 Đặc công của huyện. Đến năm 1971, bà làm trợ lý Ban Đặc công (do đồng chí Nguyễn Văn Lưu ở Hòa Vinh làm trưởng ban) và được “biên chế” vào Đội Biệt động.

 

Kiên cường, vững vàng trong lòng địch

 

Đội Biệt động có hơn 10 người, trong đó có 4 nữ, gồm Phạm Thị Lý (Hòa Quang), Nguyễn Thị Dục, chị Thẳng (Tuy An) và Nguyễn Thị Lắng (bí danh là Hồng). Mỗi người được phân công phụ trách hoạt động ở từng địa phương nên rất ít gặp nhau, trừ khi có lệnh triệu tập của cấp trên hoặc những đợt tập huấn.

 

Để hoạt động bí mật, những nữ biệt động phải giả làm con cháu, họ hàng của cán bộ ở cơ sở mà mình xây dựng; hoặc đi làm thuê, buôn bán rau, làm ruộng… để tồn tại trong lòng địch. Bà Lắng được phân công hoạt động ở các địa bàn Hòa Xuân, Hòa Thành, Phú Lâm và Bình Kiến. Tùy theo tình hình từng địa bàn, mỗi cơ sở được kết nối, xây dựng, bà đặt một mật danh, một ký hiệu riêng.

 

Là người có trí nhớ tốt và dịch ký hiệu, mật mã rất giỏi nên mỗi khi phổ biến chủ trương cho từng cơ sở, chỉ nhìn mật mã, ký hiệu là bà Lắng nhận ra ngay. Bà Lắng kể lại: “Mỗi lần nhận nhiệm vụ xuống cơ sở nằm vùng hoạt động, tôi phải mang theo vài ba bộ quần áo theo thời trang ở địa phương đó để mặc. Hoạt động hợp pháp nên ban ngày hay đêm tôi có thể đi lại bình thường mà địch không nghi ngờ. Nhiều lúc gặp lính ngụy trêu ghẹo, tôi chỉ cười cho qua chuyện”.

 

Mỗi nơi tùy vào tình hình, nếu “êm” thì bà ở cả tuần hoặc nửa tháng, còn nếu thấy “động” thì rút về căn cứ. Các nơi bà trực tiếp kết nối, xây dựng như cơ sở ở Rừng Dừa (Phú Lâm) gần Chi khu Hiếu Xương và khu vực gần chợ Trại Bò, gần sân bay dã chiến của địch (nay thuộc giữa phường 2 và phường 8, TP Tuy Hòa) là nguy hiểm nhất, nhưng đối với bà là an toàn nhất, vì địch chủ quan, ít chú ý.

 

Hàng ngày đối diện với địch, nguy hiểm luôn rình rập, bà Lắng được cấp trên trang bị cho một cây súng K54 xin được ở quân khu. Để đảm bảo bí mật, bà luôn phải nghĩ ra nhiều cách đối phó với địch. Bao năm sống trong lòng địch, dựa vào lòng dân, bà được người dân che chở nuôi dưỡng nên các mũi công tác ngày đêm bám trụ đứng vững trong thôn ấp, ngay cả những vùng sát thị xã cũng tổ chức diệt được bọn tay sai ác ôn, chỉ điểm. Đầu năm 1972, bà dẫn đường cho Sư đoàn 3 đánh vào Chi khu Hiếu Xương thành công, rồi dẫn đường cho các cán bộ từ căn cứ xuống họp phổ biến chủ trương ở cơ sở.

 

“Có lần đang đi làm nhiệm vụ ở Hòa Xuân thì gặp địch đi càn, trong đó có người quen biết tôi là cộng sản. Nhưng rất may có bà Mười (là cán bộ cơ sở) kịp đến giải vây, cầm cây đòn gánh giả bộ vừa rượt vừa chửi tôi “con gái con lứa gì mà ngủ nướng giờ mới ra, làm được gì nữa…”. Nhờ vậy, tôi chạy một mạch về căn cứ an toàn”, bà Lắng cười kể lại.

 

Một lần khác, bà cùng Tiểu đội 307 đi làm nhiệm vụ ở Hòa Tân, khi đến đoạn núi Một thì địch phục kích phát hiện bắn M79 bị thương ở vùng bụng, phải điều trị hơn một tháng. Một hôm, bà cùng đồng chí Nguyễn Hanh từ Hòa Tân xuống Hòa Xuân nắm tình hình thì phát hiện địch gài mìn nên quay về đơn vị. 5 ngày sau thì nghe tin đồng chí Hanh hy sinh.

 

Bà Lắng kể lại câu chuyện cấp trên muốn bà giả chiêu hồi để hoạt động trong lòng địch: “Năm 1972, tình hình rất căng thẳng. Cấp trên chỉ định tôi và một số đồng chí giả chiêu hồi để tiếp tục hoạt động trong lòng địch. Tôi nghe vậy liền khóc và cương quyết không chịu, xin xuống cơ sở tiếp tục hoạt động dù có hy sinh. Bởi giả chiêu hồi chỉ có người chỉ huy, trực tiếp giao nhiệm vụ mới biết, vì vậy sẽ mang tiếng xấu ảnh hưởng đến gia đình, người thân, đồng đội…”.

 

Đang là một trong những nữ biệt động hoạt động tích cực và có tiếng tăm nhất; mỗi lần địch bắt hoặc giết một đồng đội nữ nào, chúng liền loan tin, đó là Nguyễn Thị Lắng. Thông tin bà bị địch bắn chết cứ lan truyền đã làm mẹ bà khóc hoài nhưng thật ra chúng chỉ nghe tên chứ không biết mặt bà.

 

Đầu năm 1975, bà nhận nhiệm vụ xây dựng, chỉ huy cơ sở vận chuyển vũ khí cất giấu để chuẩn bị diệt các tên ác ôn, chỉ điểm ở Bình Kiến, đang triển khai thì giải phóng Phú Yên. Bà cùng đồng chí Dục được Tỉnh đội chọn để cùng Sư đoàn 3 vào Nam tham gia giải phóng Sài Gòn nhưng làm hồ sơ không kịp nên phải ở lại.

 

Giữ vững bản chất Bộ đội Cụ Hồ

 

Sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, bà Lắng là Huyện đội phó Tuy Hòa 1, sau đó chuyển ngành làm việc tại Công ty Thương nghiệp huyện Tuy Hòa đến 1998 nghỉ hưu, sinh sống ở xã Hòa Thành. Trở về cuộc sống đời thường với muôn vàn khó khăn về kinh tế, bà cùng chồng làm đủ việc để lo cho con cái học hành thành đạt, song luôn giữvững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tham dự đầy đủ những buổi họp mặt cựu chiến binh và các cuộc họp ở địa phương.

 

Ông Võ Thành Hải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Thành cho biết: “Bà Lắng là một cựu chiến binh gương mẫu, luôn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, được bà con xóm làng quý mến. Mặc dù điều kiện kinh tế gia đình vẫn còn khó khăn nhưng bà tích cực tham gia đóng góp các quỹ ở địa phương và động viên, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình”.

 

BàLắng thổ lộ: “Ơn Đảng, ơn Bác Hồ đã cho tôi nghị lực sống và cống hiến. Nghĩ tới những năm tháng hào hùng một thời của tuổi trẻ, được cống hiến hết mình cho Tổ quốc thật vinh dự, tự hào. Giờ tôi đã già yếu, chỉ mong có nhiều cơ hội gặp lại đồng đội, ôn kỷ niệm cũ, thắp sáng truyền thống hào hùng”.

 

Đối với bà Nguyễn Thị Lắng, những năm tháng vào sinh ra tử cống hiến tuổi xuân cho quê hương, đất nước vì độc lập tự do của dân tộc luôn là niềm tự hào. Trải qua thời gian với bao dâu bể thăng trầm, bà luôn kiên định: Ơn Đảng, ơn Bác Hồ đã cho tôi sức mạnh, bản lĩnh và nghị lực sống…

 

Nguyễn Thị Lắng là một nữ biệt động xông xáo, táo bạo nhất của quận Hiếu Xương hồi đó, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ giao. Bà từng đạt danh hiệu Nữ dũng sĩ diệt Mỹ được chọn cùng với đoàn Phú Yên tham dự Đại hội Chiến sĩ thi đua ở Quân khu 5.

 

Ông Dương Dụ, nguyên Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 1

 

KHÔI NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Anh hùng Trần Suyền trước ngày 2/9/1945
Thứ Năm, 02/09/2021 09:00 SA
Ký ức không phai về Tết Độc lập
Thứ Năm, 02/09/2021 07:00 SA
Cô Sáu Miển
Thứ Sáu, 27/08/2021 16:53 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek