Thứ Ba, 03/12/2024 00:28 SA
Ký ức không phai về Tết Độc lập
Thứ Năm, 02/09/2021 07:00 SA

Cách đây 76 năm, vào ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về nước Việt Nam độc lập tự do.

 

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thảng thường kể lại cho con cháu về thời khắc quê hương, đất nước bước sang trang sử mới sau Cách mạng Tháng Tám. Ảnh: XUÂN HIẾU

 

“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh vang trên Quảng trường Ba Đình lịch sử vào mùa thu năm ấy mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi người dân Việt Nam. Từ chỗ bị xiềng xích nô lệ, người Việt Nam đã trở thành công dân của quốc gia độc lập tự do.

 

Hạnh phúc dâng trào

 

Với những giá trị độc lập, tự do, hạnh phúc mà cả dân tộc đã đổ máu xương gìn giữ, ngày Tết Độc lập sẽ mãi là niềm tự hào, là lý tưởng của các thế hệ người Việt hôm nay và mai sau, cùng nhau xây dựng nên một Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Bác dặn.

Với Phú Yên, rất ít người được tận mắt nhìn thấy cờ đỏ sao vàng tung bay trên Quảng trường Ba Đình lịch sử và nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); hầu hết chỉ được biết đến qua tư liệu, sách báo và những câu chuyện kể, nhưng thời khắc lịch sử ấy vẫn hằn sâu trong tâm trí họ dù đã hơn 3/4 thế kỷ đi qua.

 

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thảng (xã Hòa Tân Đông, TX Đông Hòa) năm nay đã hơn 100 tuổi, vẫn thường kể lại cho con cháu về thời khắc cảm nhận niềm hạnh phúc thiêng liêng khi đất nước bước sang trang sử mới: Những ngày tháng 8 năm ấy, người dân Phú Yên hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh nhất tề đứng lên với gậy gộc, giáo mác tham gia giành chính quyền. Trước đó, phải sống trong cảnh “một cổ hai tròng”, ngày ngày chứng kiến hết bọn thực dân rồi phát xít đàn áp, nên sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền thuộc về nhân dân, mọi người từ già đến trẻ ai ai cũng như mở cờ trong bụng. Thanh niên, thiếu nữ hăng hái tham gia các hội đoàn thể do Việt Minh lãnh đạo. Mặt trận Việt Minh thực sự trở thành ngọn cờ đoàn kết toàn dân, giữ vai trò rất quan trọng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền non trẻ của nhân dân. Hồi ấy không có ti vi, hệ thống loa đài như bây giờ nên mãi sau này nhiều người mới biết vào ngày 2/9, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nói đến khoảnh khắc thiêng liêng đó, ai cũng trào dâng niềm hạnh phúc. Đó là niềm hạnh phúc vô biên vì đang là người dân mất nước nô lệ, nay trở thành công dân của nước Việt Nam độc lập. Tết Độc lập năm đó, đi ra đường không còn thấy bóng giặc, chỉ có những đoàn quân Nam tiến, mọi người hân hoan đón chào năm mới trong không khí chan hòa, đoàn kết.

 

Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, đánh đuổi thực dân Pháp, giành chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, ngày 2/9 chính thức trở thành Ngày Quốc khánh của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, sau là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kể từ đó, người dân gọi Quốc khánh 2/9 là Tết Độc lập.

 

Thiêng liêng đứng giữa Ba Đình

 

Nếu như Tết Nguyên đán là lễ mở đầu của một năm mới theo âm lịch, thì Tết Độc lập 2/9 là ngày ghi nhận sự kiện một nước Việt Nam mới ra đời. Từ đêm trường nô lệ, xiềng xích, lần đầu tiên trong đời mọi người dân Việt Nam nhận thấy tất thảy giá trị làm người, quyền và nghĩa vụ công dân thiêng liêng, cao cả của mình. Vì vậy, hàng năm cứ đến ngày này ai ai cũng háo hức. Và niềm vinh dự, tự hào càng nhân lên bội phần đối với những người con Phú Yên khi được đón mừng Tết Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử cùng với vị Cha già của dân tộc - Người đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

 

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng Tàu 41 (Đoàn tàu Không số) là một trong những người con Phú Yên tập kết ra Bắc học tập, chiến đấu, từng vinh dự dự lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9 ở Quảng trường Ba Đình và được gặp Bác Hồ. Ông tập kết ra Bắc năm 20 tuổi và được cử đi học sĩ quan Hải quân nhân dân Việt Nam. Năm 1960, khi còn là học viên sĩ quan, ông vinh dự được chọn tham gia đội hình diễu binh, diễu hành kỷ niệm 15 năm Quốc khánh 2/9. Anh hùng Hồ Đắc Thạnh nhớ lại: “Để diễu hành, diễu binh qua lễ đài, ra mắt quân dân đồng bào trong vòng mấy phút, chúng tôi phải dốc sức rèn luyện, tập duyệt trong 3 tháng. Trong khoảng thời gian này, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều lãnh đạo cấp cao khác của Đảng, Nhà nước nhiều lần đến thăm, động viên. Điều này làm cho mọi người, nhất là những cán bộ, chiến sĩ trẻ chúng tôi thêm phấn chấn và tự tin, vinh dự”.

 

Sáng hôm ấy thời tiết rất đẹp, lễ diễu binh mừng Quốc khánh diễn ra tại Quảng trường Ba Đình lịch sử trang nghiêm và lộng lẫy cờ hoa. Tiếng quân nhạc âm vang, hùng tráng. Các lực lượng tham gia buổi lễ hô vang: Việt Nam muôn năm! “Khi đi qua lễ đài, chào Đoàn Chủ tịch, trong đó có Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi cảm thấy rất tự hào. Thật thiêng liêng khi đứng giữa Ba Đình. Thời khắc ấy không bao giờ tôi quên được trong cuộc đời mình, cho đến bây giờ và mãi mãi về sau”, anh hùng Hồ Đắc Thạnh thổ lộ.

 

Già làng Ma Doanh, người dân tộc Ê Đê ở thôn Bình Giang, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, cũng là một trong những người con của Phú Yên tập kết ra Bắc và vinh dự dự lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9 tại Quảng trường Ba Đình. Ma Doanh nhớ lại: “Hôm ấy, nghe tin có Bác Hồ dự lễ, chúng tôi ai cũng háo hức để được nhìn thấy Người. Hôm ấy ai ai cũng ăn mặc chỉnh tề cùng đổ về Quảng trường Ba Đình với hoa và cờ Tổ quốc trên tay. Khi Bác Hồ bước lên lễ đài, tất cả mọi người cùng hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm!” và vẫy cao cờ đỏ sao vàng. Ai cũng muốn nhìn Bác được gần hơn. Dù chỉ được nhìn thấy Bác ở trên cao, chỉ một lần đứng giữa Ba Đình trong ngày 2/9 nhưng đó là giây phút không thể nào quên trong cuộc đời già”.

 

Sau cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 thắng lợi trong toàn tỉnh, chính quyền cách mạng được thành lập từ tỉnh đến thôn, xã. Dựa vào khối đoàn kết rộng rãi của Mặt trận Việt Minh, chính quyền cách mạng đã từng bước ổn định tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh. Nhân dân ra sức sản xuất, các công trình nông giang được tu sửa để bảo đảm nước tưới cho đồng ruộng. Toàn dân thực hiện quân sự hóa, nhà nào cũng có vũ khí thô sơ (gươm, dao, gậy…) để chống giặc, phòng gian.

 

Nắm vững nhiệm vụ cần kíp của cách mạng lúc này: “Củng cố chính quyền chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống cho nhân dân”, chính quyền cách mạng tỉnh Phú Yên kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng. Ta bắt giữ tên Trương Bội Hoàng, đầu sỏ đảng Đại Việt. Chủ trương diệt trừ bọn đầu sỏ ngoan cố, khoan hồng với những người lầm đường lạc lối, nhận rõ sai lầm, đã có tác dụng lớn trong việc củng cố khối đoàn kết toàn dân. Trên cơ sở lực lượng chính trị vững mạnh, nhân dân được động viên, tự nguyện hăng hái đóng góp sức người, sức của để củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chuẩn bị cho công cuộc “kháng chiến kiến quốc”.

 

Theo Lịch sử Lực lượng vũ trang Phú Yên

1945-2005, NXB Quân đội nhân dân

 

LẠC VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cô Sáu Miển
Thứ Sáu, 27/08/2021 16:53 CH
Một điều ước cho đồng đội
Thứ Sáu, 16/07/2021 09:02 SA
Người đi qua hai cuộc chiến
Thứ Sáu, 04/06/2021 16:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek