Thứ Năm, 05/12/2024 08:05 SA
Cô Sáu Miển
Thứ Sáu, 27/08/2021 16:53 CH

Ban Chấp hành Hội Phụ nữ tỉnh Phú Yên tại vùng 2, xã An Lĩnh, Tuy An năm 1964 (bà Miển ngồi bên trái hàng đầu tiên). Ảnh do nhân vật cung cấp

Đó là cách gọi thân mật của lớp cán bộ phụ nữ ngày nay đối với bà Nguyễn Thị Miển, nguyên cán bộ Phụ vận trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

 

Suốt hơn 20 năm tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, cô Sáu Miển đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong công tác dân vận và vì sự tiến bộ của phụ nữ Phú Yên.

 

Sớm giác ngộ cách mạng

 

Cô Sáu Miển là con thứ sáu trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Trường Thịnh, xã Hòa Vinh, huyện Tuy Hòa (nay là khu phố 5, phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa). Năm 1954, mới 15 tuổi, cô thiếu nữ ở làng gốm Trường Thịnh ngày ấy tham gia Đội thiếu niên Dũng Tiến đi đào và canh giữ hầm bí mật cho cán bộ cách mạng. Năm 17 tuổi, ba mẹ gả chồng cho bà. Cũng may chồng bà là cán bộ ở xã và mẹ chồng là cơ sở cách mạng nên bà có cơ hội làm nhiệm vụ thông tin liên lạc. Năm 1956, địch tổ chức bầu cử quốc hội giả hiệu truất phế Quốc trưởng Bảo Đại, lập chính phủ mới. Cơ sở bố trí một số đồng chí tổ chức đi dán áp phích, khẩu hiệu phản đối bầu cử ở địa phương thì bị lộ. Địch vây bắt chồng bà và một số đồng chí (Trộn, Thấy, Sĩ…) giam giữ để tra khảo rồi lần lượt thủ tiêu hết.

 

Những năm 1956-1958, chính quyền Ngô Đình Diệm lập ra “thập gia”, “liên gia”, “thanh niên cộng hòa”, “phụ nữ liên đới” để kiểm soát, khống chế, đàn áp nên cán bộ cách mạng hoạt động rất khó khăn. Cơ sở hoạt động, liên lạc đều bằng thư. Cô Sáu Miển được phân công phụ trách thôn 3 (Trường Thịnh) và xây dựng 3 hộp thư tiếp nhận tài liệu ở 3 xã Hòa Vinh, Hòa Hiệp, Hòa Tân và cơ sở nội tuyến. Bà nhớ lại: “Đến mùa trăng sáng thì cán bộ ở trong nhà (nghỉ trăng). Tôi đi đến từng hộp thư để lấy tài liệu hoặc chuyển thư. Khi trăng tối thì cán bộ đi cơ sở. Tôi tiếp tục ra ngoài thăm dò, nắm tình hình về cung cấp lại cho các anh”.

 

Sau khi Luật 10/59 ra đời, Mỹ - Diệm lê máy chém đi khắp nơi đàn áp khủng bố nhân dân, giết hại những người yêu nước, đàn áp các chi bộ Đảng Cộng sản. “Đồng chí Ba Dũng từ Nam Bộ ra ở lại Gia Lai triệu tập các nơi đến phổ biến Nghị quyết 15, các anh em cơ sở rất phấn khởi. Sau đó, để phổ biến sâu rộng tinh thần nghị quyết này đến từng cơ sở ở địa phương, chúng tôi chuẩn bị xây dựng lực lượng vũ trang hỗ trợ, mua máy đánh chữ, giấy… Đến 12 giờ trưa không thấy cơ sở mang đến nên anh Nguyễn Cước đi sang thôn 3 thì bị lính bảo an phát hiện vây bắt. Lúc đó, tôi từ xã Hòa Thắng về thấy đông người nên ghé xem. Thấy anh Cước bị trói ngồi đó, tôi về mang tất cả tài liệu cất giữ lâu nay đốt hết, quyết không để rơi vào tay giặc. Hôm sau, tôi bị chúng bắt, tra khảo ở Ty Công an trước khi chuyển vào nhà lao Khu chiến, rồi hoàn chỉnh hồ sơ truy tố. Tòa án Quân sự Nha Trang đã tuyên tôi với tội danh “phản nghịch””, bà Miển kể lại.

 

Bà Miển xem lại những kỷ vật xưa. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

 

Giữ vững khí tiết

 

Ở trong tù, cô Sáu Miển móc nối với cán bộ trong nhà lao hoạt động tuyên truyền lý tưởng, giữ vững tinh thần cách mạng, kiên quyết không khai báo. Đồng thời liên lạc bên ngoài để nắm tình hình. Bà nhớ nhất là ngày 19/5, kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chị em chúng tôi đấu tranh không chào cờ, không hát bài ca chống cộng. Chúng đóng cửa nhốt 40 người trong căn phòng chật hẹp, bỏ đói, cho ăn cháo “dơ”. Đồng chí Trần Quang Quý, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn (Bình Định) bị chúng nhốt vào chiếc lồng sắt vừa đủ ngồi khom lưng. Ban ngày chúng phơi nắng, bỏ đói, tối lại nhốt vào xà lim. Tôi cùng các chị em nghĩ cách đục tường đưa vitamin cho đồng chí ấy uống, ăn. Suốt mấy tháng trời, thấy đồng chí không chết nên chúng chuyển ra nhà lao Huế. Sau này, tôi nghe kể lại chúng dùng đủ mọi cực hình nhưng đồng chí Quý không chết nên về Qui Nhơn tiêm thuốc”, bà Miển nghẹn ngào.

 

Năm 1961, cô Sáu Miển ra tù, trở về quê hương và thoát ly ra vùng căn cứ cách mạng ở miền đông huyện Tuy Hòa cùng với người anh trai cả từng tham gia tiền khởi nghĩa. Bà được tổ chức phân công phụ trách công tác phụ nữ xã Hòa Vinh. Sau khi được bồi dưỡng lớp cán bộ cơ sở và khóa học ở Trường Đảng của Tỉnh ủy, bà được tỉnh rút về đội công tác phụ trách phụ nữ địa bàn An Lĩnh, An Xuân (Tuy An). Nhắc lại những năm kháng chiến, cô Sáu Miển không thể nào quên tình cảm sâu đậm, gắn bó chặt chẽ với người dân An Lĩnh. Ba, bốn năm trời nằm vùng công tác ở đây, bà được bà con bảo bọc, che chở an toàn. Nơi đây bà có một người mẹ nuôi luôn lo lắng, có thứ gì ngon cũng để dành cho. Cô Sáu Miển nhớ lại: “Thời điểm đó, ban ngày tôi ở trong nhà dân, chỉ ban đêm mới ra ngoài. Một hôm, tôi muốn sống thử hợp pháp như mọi người nên ra sân lấy nước nấu cơm thì nghe có tiếng kêu báo động: “Bò ăn lúa ở giếng ông Đấu” (nghĩa là Mỹ đang càn xuống đi qua giếng) để tôi lánh. Nhưng tôi vẫn bình thản. Bọn Mỹ đến tràn vào nhà nhìn thấy tôi rồi đi lên, đi xuống dòm ngó xung quanh rồi rút đi. Tôi định mang cơm cho các đồng đội ở ngoài bìa rừng nhưng chủ nhà không cho đi sợ bị lộ”.

 

Gắn bó với công tác phụ nữ

 

Năm 1962, Mỹ - ngụy đổ quân càn quét, đốt phá nhà cửa, giết hại trâu bò của người dân ở Tuy Hòa, Đồng Xuân…, nhiều nơi trở thành vùng trắng. Cô Sáu Miển được giao nhiệm vụ cùng với các đồng chí Sáu Đính, Thức tổ chức tuyên truyền, vận động người dân trở về nhà tiếp tục lao động sản xuất ủng hộ cách mạng. Những lần đi làm nhiệm vụ ở xã Hòa Định, Hòa Tân…, bà bị địch phục kích nhiều lần nhưng may mắn thoát chết.

 

Năm 1964, tại xã An Lĩnh, Hội LHPN Giải phóng tỉnh Phú Yên tổ chức đại hội lần đầu tiên, đồng chí Phạm Thị Lành được bầu làm chủ tịch, còn bà làm phó chủ tịch. Năm 1967, chiến dịch mùa khô lần thứ hai diễn ra rất ác liệt, đồng chí Lành hy sinh tại Sơn Long (Sơn Hòa). Các đồng chí trong ban chấp hành như Trần Thị Sào, Đặng Thị Diện cũng lần lượt hy sinh. Kiêm nhiệm, gánh vác công việc của hội một thời gian, sau đó cô Sáu Miển được Thường vụ Tỉnh ủy rút về và Khu ủy khu 5 quyết định bổ sung bà vào Tỉnh ủy, làm Bí thư Phụ vận Phú Yên.

 

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ hai (tháng 1/1965), bà được tái cử vào Tỉnh ủy; sau đó được Khu ủy khu 5 điều bổ sung vào Ban Phụ vận khu 5. Một trong những vinh dự và kỷ niệm không phai trong đời cô Sáu Miển là tham dự Đại hội LHPN Việt Nam lần thứ tư khai mạc tại Ba Đình, Hà Nội ngày 14/3/1974 (với vai trò Phó đoàn khu 5). Tại đại hội, bà đã được gặp, nghe Bác Tôn nói chuyện và gửi lời thăm hỏi ân cần của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đến cán bộ chiến sĩ và nhân dân Phú Yên; được gặp thiếu tướng Nguyễn Thị Định (Trưởng đoàn đại biểu Phụ nữ Giải phóng miền Nam), rồi tham gia cùng đoàn công tác ngoại giao tại Trung Quốc do chính cô Ba Định làm Trưởng đoàn.

 

Khi trở về, đất nước vừa được giải phóng, cô Sáu Miển vào tiếp quản ở Khánh Hòa phụ trách công tác phụ nữ. Sau đó, bà đi học bổ túc văn hóa, học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc và lần lượt trải qua các vị trí công tác: Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội LHPN Phú Khánh; Bí thư Đảng đoàn phụ nữ; Tỉnh ủy viên Phú Khánh. Năm 1989, tái lập tỉnh Phú Yên, bà được bầu làm Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đến năm 1995 nghỉ hưu về sống vui vầy cùng con cháu lúc tuổi già cho đến hôm nay.

 

Với những thành tích xuất sắc trong những năm kháng chiến và quá trình công tác, bà Nguyễn Thị Miển đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì; Huân chương Lao động hạng nhì; Huân chương Kháng chiến hạng nhất; Huân chương Giải phóng hạng nhất, nhì…

 

KHÔI NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người đi qua hai cuộc chiến
Thứ Sáu, 04/06/2021 16:00 CH
Ký ức về những ngày tháng tư rực lửa
Thứ Sáu, 30/04/2021 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek