Thứ Năm, 05/12/2024 07:26 SA
Hồi ấy, đi bộ đội để được cầm súng đánh giặc
Thứ Sáu, 30/07/2021 11:37 SA

Ông Trần Thanh Quang (bên phải) gặp lại ba trở về từ miền Bắc vào 1976. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đó là chia sẻ của ông Trần Thanh Quang, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) phường 7, TP Tuy Hòa. Câu chuyện giữa chúng tôi được ông mở đầu đầy chất “lính” như vậy.

 

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng tại thôn Vĩnh Phú, xã Hòa An, huyện Tuy Hòa 2 (nay là huyện Phú Hòa), khi mới 15 tuổi, Trần Thanh Quang xin đi bộ đội để được cầm súng đánh giặc.

 

Xung phong ra trận

 

Năm 1968 là thời điểm chiến trường Phú Yên ác liệt nhất. Địch rầm rộ đi tuyển quân vào biệt kích Đồng Tre và biệt kích Sơn Hòa tại các trường trung học trên địa bàn tỉnh. Lúc này đang học lớp đệ lục tại Trường tư thục Bồ Đề, Trần Thanh Quang phải nghỉ học ở nhà. Vì ba tập kết ra miền Bắc, còn mẹ thì làm cơ sở cách mạng nên Quang được các anh, các chú cán bộ tin tưởng giao nhiệm vụ đi nắm tình hình của địch rồi báo cáo lại cho cán bộ cơ sở. Năm 1970, Quang và 5 anh em cùng thôn vinh dự là đại biểu dự Đại hội Thanh niên huyện Tuy Hòa 2 tại Suối Cái. Sau đại hội, Quang tình nguyện xin đi bộ đội. “Tôi làm đơn xin nhập ngũ thì được các chú hỏi vì sao vào quân đội? Tôi nói từ nhỏ đã chứng kiến cảnh địch ức hiếp, đánh đập, bắt người dân vô tội và những cán bộ cách mạng hoạt động ở trong xóm, làng của mình nhưng không có vũ khí chống lại. Vì vậy, tôi muốn vào bộ đội để được cầm súng ra trận chiến đấu, giết giặc”, ông Quang nhớ lại.

 

Sau đó, chàng trai trẻ Trần Thanh Quang được bổ sung vào đơn vị huấn luyện của Huyện đội Tuy Hòa 2 đóng tại Vân Hòa, Sơn Hòa; rồi được biên chế vào Tiểu đội Thông tin - Trinh sát, làm nhiệm vụ nắm tình hình địch trên địa bàn Tuy Hòa 2. Có lần đánh địch, ông bị mất súng, song ông cương quyết tìm cho ra vũ khí mới trở về đơn vị. Ông kể: “Tháng 3/1971, đồng chí Tô Quang Hà, Huyện đội trưởng trực tiếp chỉ huy trận “Tam Ngộ Chiến” tại xã Hòa Thắng. Tôi cùng tiểu đội trưởng Nguyễn Như Trí (hiện là Chủ tịch Hội CCB tỉnh) đi trước thăm dò đường và nắm tình hình của địch. Khi đến đoạn thôn Phong Niên (xã Hòa Thắng) thì chúng tôi bị địch phục kích đánh mìn, đồng chí Hà bị thương nên các đồng đội rút về đơn vị. Còn lại tôi và đồng chí Trí nằm trong vòng vây của địch. Đồng chí Trí ra hiệu cho tôi rút lui nhưng vì cây súng của tôi bị sức ép của mìn văng ra ngoài chưa tìm thấy, tôi quyết ở lại tìm cho ra. Đồng chí Trí chuẩn bị lựu đạn sẵn sàng yểm trợ nếu địch mò đến. Sau đó, tôi tìm được súng, mừng quá hai anh em mới cùng quay về. Vì đợi lâu không thấy, đơn vị cứ nghĩ chúng tôi đã hy sinh rồi, khi nghe kể lại sự việc thì tôi bị chỉ huy nhắc nhở lần sau chớ có dại”.

 

Suốt thời gian công tác ở Huyện đội Tuy Hòa 2, ông Quang cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh vô cùng ác liệt. Trong trận đánh địch tại cầu Đúc, ông bị thương phải điều trị mất nhiều tháng. Có lần đơn vị phối hợp với lực lượng an ninh đánh địch ở Hòa Thắng Đông, khi rút về thôn Định Thọ nghỉ thì được người dân nấu cơm cho ăn, cả ban chỉ huy suýt chết vì bị đầu độc. Ông nhớ lại: “Khi nấu canh có một người lén bỏ thuốc độc vào nhân thịt khổ qua. Thường mọi khi tất cả đều ăn cơm chung, nhưng bỗng dưng lần ấy bà này đề xuất dọn cơm riêng cho bộ đội ăn trước, còn ban chỉ huy tắm rửa, nghỉ ngơi sẽ ăn sau. Anh em sau khi ăn hết phần canh khổ qua của mình vẫn còn thèm nên có người vào bếp xin thêm, nhưng bà ta cản lại, nhất quyết không cho. Song đồng chí ấy vẫn lấy được để ăn và hậu quả là bị phèo bọt mép, bất tỉnh. Sau khi vụ việc xảy ra, bà ta đã bỏ trốn. Ban chỉ huy may mắn thoát chết. Người vô tình cứu sống cả ban chỉ huy đã hy sinh năm 1973”.

 

Kỷ niệm đau thương cũng là kỷ niệm mà ông Quang nhớ nhất là lần ông cùng đơn vị 204 tăng cường cho trận đánh địch tại cầu Đúc (xã Hòa An). “Chúng tôi hành quân đến đây và nằm hầm bí mật chờ sẵn. Tối hôm đó, đồng chí Nguyễn Văn Chiến, Quyền Bí thư xã Hòa Thắng Đông (nay là Hòa An) nhận lệnh cấp trên mang thư điều động xuống thay cho tôi trở lại bổ sung vào Tiểu đoàn 96 để đánh địch ở Hòa Định. Sáng hôm sau, địch càn lên Hòa An phát hiện, khui hầm thả lựu đạn. Đồng chí Chiến cùng ba đồng đội đã hy sinh. Còn trận đánh địch ở Hòa Định tôi bị thương nặng nhưng vẫn giữ được mạng sống. Ngày hôm đó, mọi người cứ nghĩ người ở trong hầm là tôi và đã chết rồi”, ông Quang bùi ngùi nhớ lại.

 

Trong trận đánh địch ở Hòa Định ấy, tuy ông Quang vẫn giữ được mạng sống, nhưng một mảnh pháo làm tay trái của ông bị thương, co rút không thể cầm súng chiến đấu được nữa. Cấp trên quyết định đưa ông ra miền Bắc để điều trị, an dưỡng nhưng ông nằng nặc xin ở lại để phục vụ tuyến sau và được bổ sung làm quản lý tài chính của đơn vị. Mặc dù, làm nhiệm vụ mới nhưng mỗi khi có chiến dịch, trận đánh địch nào trên địa bàn, ông đều tham gia làm trinh sát vừa làm nhiệm vụ thông tin. Đại tá Nguyễn Như Trí, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết, ông Quang hoạt động bám sát cơ sở nên thông thạo, nắm rõ địa hình ở địa phương. Tháng 3/1975 chuẩn bị giải phóng Phú Yên, ban chỉ huy tin tưởng giao cho ông trách nhiệm khảo sát dẫn đường xe tăng đánh cửa mở vào giải phóng TX Tuy Hòa.

 

Ông Quang xem lại các quyết định bổ nhiệm chức vụ của mình từ năm 1971, 1972, 1973. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

 

Luôn hết mình dù làm bất cứ công việc gì

 

Sau khi tỉnh nhà hoàn toàn giải phóng, ông Quang làm nhiệm vụ quản lý ở Ban Tài chính Huyện đội Tuy Hòa 2. Sau khi huyện Tuy Hòa 1 và Tuy Hòa 2 sáp nhập thành huyện Tuy Hòa, rồi tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa sáp nhập thành tỉnh Phú Khánh, ông làm Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 377 (377, 203 của Tuy Hòa 1 sáp nhập 378, 204 Tuy Hòa 2 trở thành phiên hiệu C377). Thời gian này, ông cùng cấp ủy và tập thể ban chỉ huy đơn vị lập thủ tục đề nghị các cấp xem xét và trình Chủ tịch nước tuyên dương Đại đội 377 danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đồng Nai), trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau như: Trung đội trưởng kiêm chức lớp bồi dưỡng cán bộ Đại đội 10 của Trường Quân chính Quân khu 5 tại Quảng Nam; Đại đội trưởng kiêm Chính trị viên Đại đội Quyết Thắng của TX Tuy Hòa; Trợ lý Chính sách Ban CHQS TX Tuy Hòa, rồi Trưởng Ban Chính sách Bộ CHQS tỉnh, nhiệm vụ nào ông Quang cũng nỗ lực hoàn thành tốt và nghỉ hưu năm 1997 với cấp bậc thiếu tá.

 

Về địa phương, thiếu tá Trần Thanh Quang được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội CCB phường 7, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội CCB TP Tuy Hòa cho đến năm 2017 nghỉ hẳn. Ông đã được vinh dự tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, Huân chương Chiến công hạng nhì và nhiều bằng khen, giấy khen.

 

Dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những năm tháng được trực tiếp cầm súng đánh giặc cứu nước vẫn còn hằn sâu trong tâm trí ông. Ông bảo suốt 46 năm qua, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, nhưng phẩm chất của một người lính Cụ Hồ, kiên trung đi theo cách mạng ấy vẫn luôn sôi sục trong ông. Khí tiết của một đảng viên đã từng được tôi luyện qua bom đạn chiến tranh luôn được ông giữ gìn để làm gương cho thế hệ trẻ noi theo.

 

KHÔI NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Một điều ước cho đồng đội
Thứ Sáu, 16/07/2021 09:02 SA
Người đi qua hai cuộc chiến
Thứ Sáu, 04/06/2021 16:00 CH
Ký ức về những ngày tháng tư rực lửa
Thứ Sáu, 30/04/2021 14:00 CH
Ông Mười Đẹt
Thứ Sáu, 09/04/2021 16:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek