Cách đây 54 năm, một trận tập kích đánh địch diễn ra tại Động Chính thuộc Vùng 3, xã An Lĩnh, huyện Tuy An làm hơn 30 cán bộ, chiến sĩ của Trung đội 4, Đại đội 3, Tiểu đoàn 85 Tỉnh đội Phú Yên bị thương và anh dũng hy sinh. Nhân chứng sống của trận đánh này là ông Võ Văn Ký, nguyên Chính trị viên phó Đại đội 3, thương binh hạng 4/4 hiện sống tại khu phố Trần Hưng Đạo (phường 6, TP Tuy Hòa).
“Trong trận đánh ấy, tôi bị sức ép của bom làm chảy máu tai, nhìn thấy anh em ngã xuống không toàn thân, tôi quyết còn bao nhiêu sức đánh bấy nhiêu”, ông Ký nhớ lại.
Ngọn đồi đỏ lửa
68 năm trước, chàng trai 18 tuổi Võ Văn Ký (quê Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam) tình nguyện xin nhập ngũ vào Tiểu đoàn 50, Trung đoàn 108, Liên khu 5 đóng ở tỉnh Quảng Nam. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Trung đoàn 108, Trung đoàn 201 và Trung đoàn 96 sáp nhập thành Sư đoàn 305 lên đường tập kết ra Bắc và cập bến ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Trong thời gian huấn luyện ở đây, có lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm đơn vị.
Ông Ký kể: “Sáng hôm ấy, chúng tôi háo hức tập trung để chào đón Đại tướng. Đại tướng rất gần gũi, động viên, nhắc nhở các chiến sĩ tập kết ra miền Bắc hãy yên tâm tư tưởng, tham gia xây dựng quân đội sẵn sàng trở lại miền Nam chiến đấu để giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Những lời ân cần, hỏi thăm và động viên ấy của Đại tướng đã tiếp thêm niềm tin, khí thế cho bộ đội miền Nam chúng tôi cố gắng, quyết tâm hơn với một ý chí sẽ giải phóng miền Nam, Bắc - Nam sum họp một nhà”.
Tháng 3/1961, Đoàn 39 lên đường hành quân vào miền Nam chiến đấu. 4 tháng sau, đơn vị đặt chân đến chiến trường Phú Yên. Lúc này, Tỉnh đội Phú Yên vừa thành lập trung đội công binh, ông Ký được bổ sung vào làm chính trị viên. Đến năm 1964, ông được điều làm Chính trị viên phó Đại đội 3, Tiểu đoàn 85. Ông Ký nhớ lại: Tháng 3/1967, đơn vị nhận lệnh tập kích đánh địch tại đồi Động Chính thuộc Vùng 3, xã An Lĩnh. Địch từ xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) càn tới Động Chính.
Một trung đội của Đại đội 3 nổ súng tiến công chưa đầy 15 phút buộc địch rút chạy về hướng An Xuân. Sau đó hạm đội không vận của Mỹ ở ngoài biển dùng trực thăng, mỗi đợt 6 chiếc đổ quân xuống tại đồi Cây Gạo (An Lĩnh). Ban chỉ huy phát lệnh nổ súng, ngăn không cho địch càn lên. Địch dùng 2 chiếc trực thăng tiếp tục đổ quân viện trợ, quân ta bắn rơi một chiếc, còn 1 chiếc bay ra biển. Chúng dùng máy bay thả bom xăng đốt cháy cả quả đồi, làm cả Trung đội 4 của Đại đội 3 gồm: một khẩu đội cối 60 ly, một khẩu đội đại liên B12,7 và nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh. “Tôi may mắn không nằm dưới công sự nên thoát chết. Nhưng do sức ép của bom làm chảy máu tai. Lúc này chỉ còn lại mình tôi và Trung đội 2, Tiểu đội trinh sát tiếp tục bám trụ kiên cường chiến đấu cho đến 18 giờ thì rút về đơn vị”, ông Ký kể.
Theo ông Ký, đây là trận đánh diễn ra ác liệt nhất, diễn ra suốt 12 giờ đồng hồ. Qua trận đánh này, Đại đội 3 được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, còn ông được thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.
Cũng trong năm 1967, với vai trò Chính trị viên phó Tiểu đoàn 85, ông cùng Ban chỉ huy tiểu đoàn, chỉ huy đánh đội hỗ trợ lính Nam Triều Tiên ở thôn Định Trung, xã An Định, huyện Tuy An. Đây là trận khó khăn và tiêu hao nhiều nhân lực.
Ông Ký kể: Lính Nam Triều Tiên tàn sát hơn 200 đồng bào của ta gồm người già và trẻ em ở các xã An Lĩnh, An Thọ, An Nghiệp và Vùng 7 (xã An Xuân). Trước hành động dã man của chúng, Tiểu đoàn 85 tổ chức lễ truy điệu ra quân đánh địch để trả thù cho người dân vô tội. Bộ đội ta tập kích và đánh chiếm toàn bộ công sự của chúng.
Xuân Mậu Thân 1968, cấp trên giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 85 tham gia cuộc tổng tấn công đánh và làm chủ TX Tuy Hòa nhiều ngày. Ông Ký nhớ lại: “Tiểu đoàn 85 xuất phát từ thôn Cẩm Tú (xã Bình Kiến) vượt cánh đồng Phước Khánh, Quy Hậu tiến vào cửa ngõ TX Tuy Hòa, đánh chiếm sân bay. Đại đội 3 đánh thẳng vào khu Hỏa Xa diệt Đại đội Bảo an, bắn sập 3 lô cốt trên địa bàn Tuy Hòa.
Đại đội 2 tiến nhanh đánh chiếm Nhà máy điện Tuy Hòa và khu Đài Phát thanh, diệt một trung đội dân vệ. Sang ngày hôm sau, Tiểu đoàn 85 có mặt trên đường Trần Hưng Đạo đến ngã tư Duy Tân. Quân địch ở núi Nhạn dùng pháo 105 ly, pháo 75 ly, súng 12,7 ly bắn xuống, và cho bộ binh tràn vào ngã năm, đường Nguyễn Công Trứ, đã bị Đại đội 3 chặn đánh quyết liệt buộc địch phải dừng lại.
Ở hướng trên đường Duy Tân, địch cho lực lượng thăm dò đã bị Đại đội 2 chặn đánh, quân địch dùng trực thăng vũ trang L19, kêu gọi hòng uy hiếp lực lượng ta, nhưng quân ta tổ chức lui quân ra chân núi Chóp Chài trụ lại và tiếp tục đánh quân địch phản kích tại đây.
Khao khát một tấm bia tưởng niệm
Tháng 3/1969, ông Ký được điều về làm Chính trị viên Huyện đội Tuy An, sau đó được bầu làm Phó Bí thư Huyện ủy. Đến tháng 8/1972, sau khi kết thúc khóa học quân huấn tại Trà My (Quảng Nam), ông về làm Trưởng Ban Cán bộ Tỉnh đội Phú Yên.
Ông Võ Văn Ký xem lại những kỷ vật xưa. Ảnh: KHÔI NGUYÊN |
Sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa sáp nhập thành tỉnh Phú Khánh, ông lần lượt kinh qua các vị trí công tác: Trưởng Ban Cán bộ Tỉnh đội Phú Khánh; Phó Chủ nhiệm Chính trị, kiêm Trưởng Ban Cán bộ Tỉnh đội Phú Khánh; Trưởng Phòng Cán bộ Mặt trận 579 chiến đấu tại Campuchia; Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS Phú Khánh. Sau khi tái lập tỉnh Phú Yên, ông được bổ nhiệm Phó Chỉ huy trưởng về chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh với quân hàm đại tá cho đến năm 1992 nghỉ hưu.
Về địa phương, ông Võ Văn Ký được nhân dân tín nhiệm bầu làm Đảng ủy viên phường 6, Bí thư Chi bộ khu phố Trần Hưng Đạo một nhiệm kỳ. Sau đó, vì sức khỏe yếu nên ông xin thôi không tham gia cấp ủy, bí thư chi bộ.
41 năm gắn bó trong quân đội, 64 năm tuổi Đảng, ông Ký đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương và nhiều phần thưởng cao quý khác. Song trong ông vẫn luôn trăn trở và canh cánh một điều. Đó là hơn 20 đồng đội đã anh dũng hy sinh trong trận đánh ở đồi Cây Gạo tại An Lĩnh, Tuy An vẫn còn nằm rải rác trên đồi. Bởi, quả bom ngày ấy khiến thân xác các anh không còn nguyên vẹn nên gây khó khăn cho việc tìm kiếm hài cốt. Năm 2018, tại hội thảo Trận đánh đồi Ông Trợ, Vùng 1, xã An Định, ông Ký đề nghị xem xét lập cho các đồng đội của mình một tấm bia tưởng niệm nhưng chưa được đồng ý.
Ở tuổi 87, đã từng trải qua nhiều mưa bom bão đạn nhưng ông Ký may mắn hơn các đồng đội là còn sống trở về với gia đình và được cống hiến cho quê hương, đất nước đến ngày hôm nay. “Tôi chỉ có một điều ước cuối đời là dựng được tấm bia tưởng niệm tại nơi các đồng đội đã nằm xuống để thế hệ đời sau nhớ ơn những người đã ngã xuống cho Tổ quốc thống nhất, trường tồn”, ông Ký bộc bạch.
Tôi chỉ có một điều ước cuối đời là dựng được tấm bia tưởng niệm tại nơi các đồng đội đã nằm xuống để thế hệ đời sau nhớ ơn những người đã ngã xuống cho Tổ quốc thống nhất, trường tồn. Đại tá Võ Văn Ký |
KHÔI NGUYÊN