Thứ Năm, 02/05/2024 05:09 SA
Đồng bằng Tuy Hòa những năm 1949-1952
Thứ Sáu, 01/07/2016 10:32 SA

Ngày 4/11/1949, bộ đội ta bắn rơi một máy bay của địch khi chúng đang ném bom phá hoại cầu Máng (Đồng Bò). Đây là lần đầu tiên quân dân Tuy Hòa diệt được máy bay địch bằng súng bộ binh. Thực dân Pháp tăng cường tung gián điệp ra phá hoại vùng tự do. Với tinh thần cảnh giác cao độ của nhân dân và sự bố phòng chặt chẽ của thế trận chiến tranh nhân dân, quân dân Tuy Hòa đã kịp thời tóm gọn cả ổ gián điệp gồm 27 tên ở Nam Bình (Hòa Xuân). Tai mắt của địch ở đồn núi Hiềm bị tiêu diệt hoàn toàn.

 

Nhân dân Tuy Hòa góp lương thực chi viện chiến trường - Ảnh: TƯ LIỆU

Ngày 27/4/1950, Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ IV được tổ chức tại thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An đề ra nhiệm vụ gấp rút chuẩn bị phản công. Ở Tuy Hòa, Khu ủy Khu 5 điều động đồng chí Trần Châu, Bí thư Huyện ủy, tăng cường cho tỉnh Lâm Đồng. Đồng chí Lê Thứ được cử làm Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa thay đồng chí Trần Châu, đồng chí Nguyễn Đinh làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện.

 

Thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện Tuy Hòa và xã Hòa An (TX Tuy Hòa) tổng động viên nhiều tài lực, vật lực để xây dựng, bảo vệ vững chắc vùng tự do. Đồng thời huy động nhân dân tập trung phục vụ chiến trường Tây Nguyên và Khánh Hòa. Trước sức mạnh áp đảo liên tục của quân dân Tuy Hòa cùng với sự vây hãm chặt chẽ làm cho quân địch ở đồn núi Hiềm rơi vào thế cô lập, gặp rất nhiều khó khăn. Chúng buộc phải liều mạng mở đường tháo chạy khỏi đồn núi Hiềm để tránh nguy cơ bị tiêu diệt. Xã Hòa Xuân được giải phóng đã đập tan âm mưu của thực dân Pháp, coi đây là đồn tiền tiêu làm bàn đạp chiếm đóng đồng bằng Tuy Hòa. Vùng tự do của Tuy Hòa được mở rộng.

 

Để củng cố chính quyền cơ sở vững mạnh, tỉnh chủ trương xây dựng ở đồng bằng Tuy Hòa thành 15 xã mạnh, mỗi xã có từ 10.000-15.000 dân. Đến giữa năm 1949, tả ngạn sông Ba gồm các xã Hòa Kiến, Hòa Trị, Hòa Quang, Hòa Thắng, Hòa Định. Ở hữu ngạn sông Ba có 10 xã là Hòa Thành, Hòa Hiệp, Hòa Vinh, Hòa Xuân, Hòa Tân, Hòa Thịnh, Hòa Mỹ, Hòa Bình, Hòa Phong, Hòa Đồng. Các chi bộ và Ủy ban kháng chiến hành chính xã được kiện toàn vững chắc. Các đoàn thể trong Mặt trận tiến hành đại hội củng cố tổ chức tạo sức bật mới trong phong trào quần chúng. Riêng TX Tuy Hòa có lúc gọi là xã Hòa An trực thuộc huyện Tuy Hòa có lúc lại trực thuộc Tỉnh ủy Phú Yên, Chi bộ thị xã do dồng chí Ông Văn Diếu làm Bí thư. Đầu năm 1950, chính quyền cách mạng TX Tuy Hòa được củng cố lại. Ông Võ Thích được bầu làm Chủ tịch.

 

Công tác xây dựng Đảng cũng được chú trọng. Huyện ủy kiên quyết khắc phục những mặt tồn tại như: Củng cố chất lượng đảng viên, chú ý đúng mức những thành phần cơ bản và coi trọng công tác rèn luyện phẩm chất đạo đức của đảng viên, đặc biệt là huyện đã làm tốt công tác tư tưởng trong toàn Đảng bộ giữ vững niềm tin và thắng lợi của cuộc kháng chiến do Đảng lãnh đạo. Đồng chí Ông Văn Diếu, Bí thư Chi bộ TX Tuy Hòa được điều động về công tác tại Ban Tuyên truyền tỉnh. Chi bộ bầu đồng chí Bùi Huệ làm Bí thư. Chi bộ thị xã còn làm tốt công tác phát triển Đảng. Nhiều quần chúng ưu tú được kết nạp, trong đó có bộ phận người Hoa ở thị xã.

 

Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, hàng trăm thanh niên hăng hái tòng quân gia nhập bộ đội chủ lực, hàng nghìn dân công tận tụy phục vụ chiến dịch Nguyễn Huệ, làm đường giao thông từ Hòa Thịnh đi Dốc Mõ, khôi phục lại cầu sắt qua sông Đà Rằng đã bị phá hủy trong những ngày tiêu thổ kháng chiến. Trên mặt trận an ninh, quân dân Tuy Hòa đã tóm gọn bọn gián điệp do tên Hoàng Minh Giám cầm đầu và mở phiên tòa xét xử công khai tại Hòa Vinh. Tên Việt gian là Lê Hoa Sang có nhiều nợ máu với nhân dân đã phải đền tội.

 

Lĩnh vực văn hóa giáo dục cũng được Đảng bộ Tuy Hòa chăm lo phát triển. Cùng với phong trào bình dân học vụ ngày càng rộng khắp, giữa năm 1951, Huyện ủy tổ chức khai giảng Trường cấp 2 Lò Tre (chi nhánh của Trường trung học Lương Văn Chánh), sau đó trường phát triển mạnh được tách thành hai trường cấp 2 ở Hòa Thắng và Hòa Tân. Nhiều học sinh được đào tạo ở trường Lò Tre đã trở thành cán bộ chỉ huy quân đội, cán bộ chính trị xuất sắc và nhiều nhà khoa học có tên tuổi trong nước. Đặc biệt là nhà giáo Lê Thông ở Hòa Quang là một trong những chiến sĩ thi đua xuất sắc được Hồ Chủ tịch tuyên dương tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc ở Việt Bắc.

 

Công tác văn hóa thông tin tiếp tục phát triển. Những chủ trương đường lối của Đảng được phổ biến, tuyên truyền kịp thời sâu rộng trong quần chúng. Nhiều câu thơ, ca dao được sáng tác động viên quần chúng tham gia công tác kháng chiến, biểu dương người tốt, việc tốt. Nếp sống mới được tiếp tục xây dựng, đồng thời xóa bỏ các tệ nạn xã hội như mê tín, hủ tục cưới xin, ma chay, cờ bạc, trộm cắp, mại dâm… Phong trào vệ sinh phòng bệnh phát động rộng rãi được toàn dân hưởng ứng. Vì vậy trong hoàn cảnh kháng chiến khó khăn vẫn không xảy ra nạn dịch lớn.

 

Ngày 1/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 13/SL, ban hành chính sách thuế nông nghiệp, bãi bỏ các chế độ đóng góp bất hợp lý ở nông thôn. Huyện ủy Tuy Hòa lãnh đạo các cơ sở thực hiện tốt chính sách thuế nông nghiệp. Đại đa số nhân dân hăng hái đóng thuế nông nghiệp góp phần xây dựng nền tài chính kháng chiến.

 

Huyện ủy Tuy Hòa còn chủ trương phân chia ruộng đất công để tạm cấp cho tầng lớp bần cố nông cày cấy làm ăn, bước đầu thực hiện mục tiêu “Người cày có ruộng”. Nhờ đó, nhân dân sống khá ổn định. Hậu phương kháng chiến được củng cố về mọi mặt, hạt gạo Tuy Hòa có mặt khắp chiến trường bắc Khánh Hòa, đông Đắk Lắk góp phần trực tiếp vào cuộc kháng chiến, xứng đáng là hậu phương vững chắc của chiến trường Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

 

Cuối năm 1951, trận bão lớn đổ bộ vào đồng bằng Tuy Hòa gây thiệt hại nặng nề về người và của. Hậu quả bão lụt chưa khắc phục xong thì 6 tháng đầu năm 1952, nắng hạn kéo dài đã gây nhiều khó khăn lớn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Trong lúc ta đang gặp muôn vàn khó khăn do hậu quả của thiên tai, ngày 26/5/1952, Pháp sử dụng nhiều loại máy bay tiếp tục ném bom phá hoại hệ thống thủy nông Đồng Cam, phá sập cầu Máng Đồng Bò ở hệ thống kênh Nam. Ngày 6/6/1952, chúng lại cho máy bay thả mìn phá hủy hoàn toàn cầu Máng Suối Cái làm cho hàng vạn hécta đồng ruộng Tuy Hòa đang xanh tốt bị thiếu nước, khô cháy.

 

Đảng bộ và nhân dân Tuy Hòa đứng trước những thử thách nặng nề. Nếu không đưa nước về đồng ruộng kịp thời thì lúa sẽ chết, hậu quả sẽ khó lường. Trước tình hình nghiêm trọng và yêu cầu cấp thiết, Huyện ủy Tuy Hòa đã thảo luận sôi nổi, cân nhắc, quyết định huy động nhân dân đắp đập Suối Cái và đào kênh Cẩm Thạch để kịp thời cấp cứu hàng vạn hécta lúa.

 

Hàng vạn dân công được nhanh chóng huy động liên tục ngày đêm đắp đập, đào mương để sớm đưa nước về đồng. Do lương thực khó khăn, các đoàn dân công phải dùng củ sùng, củ chuối để ăn thay cơm nhưng vẫn ngày đêm bám trụ ở công trường suốt 3 tháng trời. Dòng nước ngọt Đồng Cam theo đập Suối Cái và kênh Cẩm Thạch tỏa về khắp các cánh đồng. Giặc Pháp lại điên cuồng đưa máy bay đến oanh tạc liên tục phá vỡ hoàn toàn các công trình mà nhân dân ta vừa mới xây dựng. Việc chống trả máy bay địch phá hoại thật khó khăn. Trước sự sống còn của đời sống nhân dân, Huyện ủy và Ủy ban kháng chiến đã phát động phong trào đào ao vét giếng, đắp đập ở những sông, suối nhỏ để sản xuất. Đồng thời tận dụng mọi phương tiện gàu, cần vọt, guồng, ngày đêm tát nước cứu lúa và hoa màu.

 

Sự phá hoại ác liệt của địch làm cho đồng bằng Tuy Hòa chỉ trồng được 1 vụ lúa như thời kỳ chưa có đập Đồng Cam. Tình hình lương thực thiếu thốn nghiêm trọng, nhiều gia đình phải vào rừng đào củ để ăn trừ bữa. Mặc dù đói kém thiếu thốn, nhân dân Tuy Hòa vẫn thắt lưng, buộc bụng để chi viện cho chiến trường. Phong trào sản xuất tự cấp tự túc được phát động sôi nổi trong nhân dân.

 

Từ trong gian khổ, khó khăn, nông dân Tuy Hòa sáng tạo ra phương pháp gieo băng (gieo 1 vụ gặt 2 vụ), gieo một lần hai giống lúa: giống lúa Đen ngắn ngày (3 tháng) gặt trước và giống lúa Gòn (6 tháng) gặt sau. Chỉ trong một thời gian ngắn, sản lượng lúa xấp xỉ bằng mức trước kia địch phá hoại hệ thống thủy nông Đồng Cam. Ngoài ra, mỗi gia đình đều trồng thêm hoa màu phụ như khoai lang, sắn. Mỗi cán bộ đều trồng 100 gốc sắn, 2m2 rau muống. Từ nông thôn đến thành thị, ven biển, rau muống, rau lang, sắn, bắp mọc xanh tốt bên lề đường, trên bãi sông, ven biển. Nhiều nhà thiếu ruộng phải đan giỏ bỏ đầy đất trồng theo phương pháp “lang bồ” lấy củ và lấy lá.

 

Cùng với phong trào tăng gia sản xuất, phong trào tiết kiệm cũng được phát động sôi nổi. Chiều thứ 7 hàng tuần mọi nhà đều ăn củ thay cơm, ăn khoai để dành một phần gạo ủng hộ chiến trường. Lúc này địch kết hợp hải quân, không quân, biệt kích đổ bộ đánh phá ác liệt. Ngoài việc thả bom phá hủy các công trình thủy lợi, chúng còn ném bom làm thiệt hại nặng nề các xưởng dệt Tự Túc, Hòa Trị, Xuân Phương, Hợp tác xã Tuy Hòa, xưởng giấy Việt Thắng, Liên đoàn Hợp tác xã Phú Yên, các cầu xe lửa, đường sắt và hàng loạt nhà ở của nhân dân. Có 13.024 ngôi nhà bị đốt, 158 người bị giết và 173 người bị thương, 30 trường học bị phá hủy.

 

Thiệt hại tuy có nặng nề, nhưng vượt lên sự mất mát, đau thương, nhân dân Tuy Hòa không nao núng, vẫn hiên ngang tồn tại vững vàng. Nhịp sống kháng chiến vẫn phát triển sôi động, tay súng tay cày vững chắc, dân công hăng hái lên đường gánh gạo, gùi vũ khí chi viện cho chiến trường. Đồng thời nhân dân còn đập tan những cuộc phá hoại của bọn biệt kích.

 

Tháng 3/1952, Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ V họp tại thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến đã đề ra chủ trương đẩy mạnh sản xuất chống đói, vận động nhân dân nộp thuế nông nghiệp, giữ vững hậu phương và tiếp tục động viên sức người, sức của chi viện cho chiến trường Tây Nguyên và bắc Khánh Hòa.

 

Giữa năm 1952, đời sống nhân dân Tuy Hòa ngày càng khó khăn vì thiếu lương thực. Nhiều nơi xảy ra tình trạng đói nặng. Trước tình hình đó, Huyện ủy và Ủy ban kháng chiến huyện tập trung chỉ đạo cứu đói cho dân. Ty kinh tế xuất kho lương thực bán điều hòa, cho nông dân mượn lúa giống để sản xuất, giúp đỡ người bị bệnh, mất sức, tạo công ăn việc làm cho người nghèo. Đối với ngư dân, chính quyền cho mượn vốn để sắm ngư lưới cụ và cung cấp vật tư để sắm lại thuyền lưới. Nhiều phong trào lạc quyên lá lành đùm lá rách giúp đỡ lẫn nhau được phát động sôi nổi trong nội bộ nhân dân. Vì vậy đã làm cho nhân dân Tuy Hòa vượt qua nạn đói và những khó khăn thử thách trong những năm 1950-1951.

 

Đồng chí Phạm Nghị được cử làm Bí thư Huyện ủy, đồng chí Lê Cụ được cử làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Tuy Hòa 2. Thực hiện chủ trương của tỉnh, Huyện ủy Tuy Hòa 2 đã phát động nhân dân tích cực làm thủy lợi nhỏ, trồng thêm hoa màu phụ để chống đói.

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek