Tháng 6/1936, Tỉnh ủy lâm thời tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh tại rừng dương làng Phước Hậu, xã Bình Kiến, TX Tuy Hòa. Hội nghị đã bầu Tỉnh ủy mới gồm 7 đồng chí: Trần Hào, Nguyễn Chấn, Nguyễn Hạnh, Trịnh Ba, Lê Tấn Thăng, Nguyễn Quốc Thoại và Đỗ Tương. Đồng chí Trần Hào được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân và áp lực của dư luận tiến bộ Pháp, đầu năm 1937, Chính phủ mặt trận bình dân Pháp cử GôĐa (Goudar) cầm đầu phái đoàn sang điều tra tình hình Đông Dương.
Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, xứ ủy Trung Kỳ chủ trương nhân dịp này phát động phong trào đấu tranh dưới hình thức công khai hợp nhất chỉa mũi nhọn vào bọn phản động thuộc địa và tay sai đế quốc. Cụ thể là vận động nhân dân làm bản dân nguyện gửi lên phái bộ GôĐa với các khẩu hiệu “Đại xá chính trị phạm, giảm sưu thuế, tự do lập nghiệp đoàn, tự do ngôn luận, phòng thủ Đông Dương…”.
Đồng chí Trần Hào, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên 1936-1938 |
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, các chi bộ Đảng ở Tuy Hòa nhanh chóng truyền đạt nhiều nội dung lớn của Đảng bộ về cuộc đấu tranh vận động dân chủ, khai thác những khả năng hợp pháp đưa phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân vào mặt trận thống nhất, đòi chính quyền thực dân phải thi hành các quyền tự do, dân chủ. Nhân dân toàn tỉnh hưởng ứng đông đảo, ký tên vào bản dân nguyện (có cả tổng lý cũng tham gia) và tổ chức các đoàn quần chúng đón GôĐa ở các ga Tuy Hòa, Hòa Đa, Chí Thạnh để trao tận tay GôĐa bản yêu cầu của nhân dân.
Hoảng sợ trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào, bọn thực dân phong kiến tay sai tìm mọi cách phá hoại ngăn cản phong trào. Chúng gọi các chính trị phạm được tha đến răn đe, hăm dọa và cấm các công dân viên chức bỏ sở làm đi dự mít tinh đón GôĐa, buộc giáo viên phải chịu trách nhiệm về học sinh trường mình cùng với những tin thất thiệt về hành trình của phái đoàn để gây tâm lý chán nản bỏ cuộc.
Chúng đưa GôĐa từ Quy Nhơn lên Đà Lạt, về Sài Gòn rồi ra thẳng Hà Nội bỏ kế hoạch đi các tỉnh Nam Trung Bộ còn lại.
Tuy không đưa được bản dân nguyện lên phái bộ GôĐa, nhưng đây là dịp làm dấy lên ở Tuy Hòa phong trào biểu dương lực lượng rầm rộ toàn dân đoàn kết, qua đó nâng cao ý chí đấu tranh kiên quyết của nhân dân đối với chế độ thực dân Pháp. Qua thực tiễn phong trào đấu tranh, các tổ chức Đảng ngày càng củng cố, tăng cường. Nhiều học sinh, thanh niên, trí thức được giác ngộ và đại bộ phận nhân dân ý thức được quyền lợi và sức mạnh của mình.
Năm 1937, chị em buôn bán ở chợ Dinh (Tuy Hòa) đã bãi thị 3 ngày, đấu tranh đòi giảm thuế chợ, thuế môn bài. Ban đầu là cuộc đấu tranh tự phát do bức xúc, sau đó được các sở Đảng kịp thời lãnh đạo đưa cuộc đấu tranh đến thắng lợi, buộc chính quyền phải chấp nhận hạ thuế môn bài, giảm thuế chợ. Cũng trong thời gian này, một bộ phận nhân dân thị xã làm đơn kiện chống nạn “thuế thùng” đắt đỏ của Bang Hưng cũng đạt kết quả. Đặc biệt nhân dân 2 làng Phước Khánh, Quy Hậu (xã Hòa Trị) đã tập trung đông đảo lực lượng chống lại bọn lính Tây Thương chánh đến bắt người nấu rượu, buộc chúng phải lui về.
Năm 1937, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy đấu tranh hợp pháp bằng nghị trường, các chi bộ Nhạn Tháp, Phước Hậu, Liên Trì, Nho Lâm, Thạnh Lâm đã tích cực vận động các nhân sĩ tiến bộ ra ứng cử Viện dân biểu Trung Kỳ và tuyên truyền nhân dân bỏ phiếu cho họ. Đồng thời phối hợp cuộc đấu tranh của các dân biểu tiến bộ trong nghị trường để bênh vực quyền lợi cho nhân dân. Các chi bộ đã liên lạc vận động nhân dân. Kết quả ông Trần Chương ở làng Ninh Tịnh (Bình Kiến), ông Phạm Đàm (nhân sĩ Tri huyện bị cách chức) ở làng Vĩnh Xuân (Hòa Tân) đã trúng cử nghị viện dân biểu Trung Kỳ.
Thắng lợi của cuộc vận động bầu cử vào Viện dân biểu Trung Kỳ ở Phú Yên là thắng lợi trong đường lối sách lược của Đảng, sự trưởng thành của Đảng bộ, nhân dân Tuy Hòa và Phú Yên trong thời kỳ đấu tranh công khai hợp pháp. Phong trào đấu tranh sôi nổi của quần chúng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức Đảng ở thị xã phát triển và củng cố. Giữa năm 1937, Chi bộ Phước Hậu kết nạp nhiều đảng viên mới, tiêu biểu là Đỗ Bích, Đỗ Tào, Trần Tân, Nguyễn Hương và Huỳnh Nựu. Đồng chí Đỗ Bích được cử làm bí thư chi bộ ghép thay đồng chí Nguyễn Quốc Thoại. Ngày 20/7/1937, chi bộ ghép Long Tường - Phụng Tường cũng ra đời, lúc đầu có 4 đảng viên Nguyễn Thanh Hương, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Hỷ, Phạm Đức (tức Ky) do đồng chí Nguyễn Thanh Hương làm bí thư. Sau đó chi bộ kết nạp thêm đồng chí Nguyễn Thúc và tháng 9/1937 kết nạp thêm đồng chí Lê Xuất ở Quy Hậu vào Đảng.
Trên cơ sở phát triển của các chi bộ Đảng, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo thống nhất và có hiệu quả hơn, Phủ ủy Tuy Hòa được thành lập vào tháng 11/1937. Đồng chí Phan Văn Dự được cử làm Bí thư Phủ ủy.
Từ giữa năm 1938, cuộc khủng hoảng kinh tế mới xuất hiện trong hệ thống tư bản chủ nghĩa. Phát xít Nhật chuẩn bị nhảy vào Đông Dương làm Pháp lo ngại và ra sức chuẩn bị chiến tranh. Chúng tuyển thêm 2 vạn lính. Để có ngân sách hoạt động chiến tranh, chúng phát hành công trái, chuẩn bị thông qua dự án tăng thuế hàng loạt nhất là thuế môn bài, thuế điền thổ, thuế thân.
Trước tình hình đó, tháng 8/1938, Đại hội Đảng tỉnh Phú Yên họp tại ga Minh Chính (Bình Kiến) để bầu Tỉnh ủy gồm 7 đồng chí Trần Hào, Lê Tấn Thăng, Nguyễn Chấn, Đỗ Tương, Huỳnh Nựu, Nguyễn Quốc Thoại và Nguyễn Hạnh. Đồng chí Huỳnh Nựu được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy… Hội nghị đã đề ra những chủ trương, biện pháp chấn chỉnh các tổ chức hoạt động và phát động phong trào quần chúng rộng rãi đấu tranh bác bỏ dự án tăng thuế.
Các chi bộ trong TX Tuy Hòa tích cực vận động các tầng lớp nhân dân kể cả hàng ngũ chánh phó tổng hương lý ký tên vào đơn gửi lên Khâm sứ và Viện dân biểu Trung Kỳ, phản đối dự án tăng thuế thân, thuế điền thổ của chính quyền thực dân. Phong trào đấu tranh của nhân dân miền Trung đã thật sự hỗ trợ cho các dân biểu tiến bộ đấu tranh bác bỏ dự án tăng thuế và lên án sự bất công của việc tăng thuế. Ngày 16/9/1938, toàn thể nghị viện Viện dân biểu Trung Kỳ đã bác bỏ dự án tăng thuế thân, thuế điền thổ của chính quyền thực dân Pháp.
Thực hiện chủ trương đấu tranh hợp pháp của Đảng, đặc biệt là việc sử dụng bộ máy của giai cấp thống trị để chống lại chúng ngay trong hạ tầng cơ sở, trong những năm 1937-1938 các chi bộ Phước Hậu, Liên Trì, Nho Lâm, Hạnh Lâm, Long Tường, Phụng Tường đã cử một số đảng viên ra làm hương lý nhằm mục đích tập hợp lực lượng quần chúng khéo léo đòi chính quyền thực dân phải thi hành các quyền tự do, dân chủ, bênh vực quyền lợi cho dân, củng cố phát triển cơ sở và phân hóa đội ngũ kẻ thù. Đây là một chủ trương của tỉnh.
Đồng chí Huỳnh Nựu, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên 1938-1939 |
Thực tế cho thấy những làng có đảng viên ra làm hương lý hoặc nơi nào bộ máy hương lý do Đảng ta nắm giữ thì nơi đó nhân dân đỡ khổ, ít bị sách nhiễu và có phong trào cách mạng cao trong tỉnh. Điển hình là làng Phước Hậu (xã Bình Kiến), năm 1938, Lý trưởng Đinh Chước tham nhũng bị nhân dân kiện đòi cách chức. Sau đó, nhân dân bầu đồng chí Đỗ Tương làm Lý trưởng làng Phước Hậu cùng các anh Nguyễn Chấn làm hương bộ, Trần Tân làm hương mục.
Ở làng Long Tường (xã Hòa Trị) có đồng chí Nguyễn Thanh Hương làm lý trưởng, đồng chí Phạm Trọng Tuyên làm hương kiểm; ở làng Nho Lâm (xã Hòa Quang), đồng chí Trần Hào làm phó lý; ở Hội Cư (xã Hòa Tân), đồng chí Lê Tấn Thăng làm hương bộ. Nhiều đảng viên khi làm hương lý đã thực sự gương mẫu giữ vững phẩm chất cách mạng, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân đã đem lại kết quả tốt đẹp cho cách mạng. Đây là hình thức đấu tranh và tổ chức độc đáo ở Tuy Hòa cũng như ở nhiều địa phương khác trong thời kỳ Mặt trận dân chủ.
Cuối năm 1938, Đoàn Thanh niên dân chủ ở Tuy Hòa được thành lập tại làng Nho Lâm. Hạt nhân của Đoàn là các đảng viên cộng sản ở hai chi bộ Nho Lâm và Long Tường - Phụng Tường.
Tỉnh ủy Phú Yên chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phong trào tuyên truyền phổ biến sách báo tiến bộ công khai nhằm giải thích cho quần chúng biết những vấn đề cơ bản về đấu tranh cách mạng như chủ nghĩa cộng sản là gì, vấn đề dân cày… và mở nhà hàng Tam Lục Cửu ở TX Tuy Hòa để làm nơi liên lạc, hướng dẫn các chủ điền tuyên truyền, xây dựng nơi tiếp xúc với trí thức thân sĩ, mở rộng ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng. Phong trào “truyền bá quốc ngữ” nhằm giúp nhân dân và lôi kéo đông đảo nhân dân thị xã hưởng ứng sôi nổi. Các chi bộ đã động viên thầy giáo, học sinh ở các trường học tham gia công tác truyền bá chữ quốc ngữ. Cùng với việc dạy chữ, sách báo tiến bộ cùng các chủ trương của Đảng bộ và Mặt trận dân chủ cũng được tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân.
Ngày 14/7/1939, Tỉnh ủy tổ chức cuộc mít tinh lớn tại bến xe ngựa TX Tuy Hòa tố cáo chính sách sưu thuế nặng nề và sự đàn áp khủng bố của thực dân Pháp đè nặng lên đầu nhân dân ta, giải thích cho nhân dân thấy nguy cơ phát xít đang đến gần và kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh đòi nhà cầm quyền phải chống phát xít, phòng thủ Đông Dương, đòi mở rộng các quyền dân sinh, dân chủ, thả tù chính trị phạm. Hàng ngàn người tham gia cuộc mít tinh, trong đó nòng cốt là các đảng viên và quần chúng có tổ chức của Đảng. Lần đầu tiên trong thời kỳ đấu tranh công khai hợp pháp, cờ đỏ búa liềm tung bay ở TX Tuy Hòa giữa ban ngày trước sự bất ngờ và lo sợ của binh lính Pháp trong lúc chúng đang vui chơi mừng ngày quốc khánh nước Pháp 14/7.
Tại cuộc mít tinh, đồng chí Huỳnh Nựu, Bí thư Tỉnh ủy, đã diễn thuyết tố cáo tội ác của thực dân Pháp, giải thích cho nhân dân nguy cơ chiến tranh phát xít đang đến gần và những nhiệm vụ trước mắt được quần chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Các khẩu hiệu đòi cơm áo, tự do; ủng hộ Đảng Cộng sản Đông Dương, đả đảo phát xít, đại xá tù chính trị phạm… được hô vang trong buổi mít tinh.
Sau cuộc mít tinh, địch ra sức khủng bố phong trào, đồng chí Huỳnh Nựu bị bắt, bị kết án tù. Đến tháng 9/1939, địch phát hiện và bắt thêm 20 cán bộ đảng viên và quần chúng cách mạng. Không khí bắt bớ khủng bố rất căng thẳng.
THÀNH VIỆT