Thứ Năm, 02/05/2024 18:47 CH
Chính quyền cách mạng trong những năm đầu giải phóng
Thứ Sáu, 17/04/2015 08:35 SA

Tổng bí thư Lê Duẩn về thăm Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Bình, huyện Tuy Hòa (6/1980)

Để đáp ứng nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới, ngày 29/9/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa III) ra Nghị quyết 245-NQ/TW về việc bỏ cấp khu, hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam. Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 3/11/1975, hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa được sáp nhập thành tỉnh Phú Khánh và bắt đầu làm việc theo tỉnh mới.

 

Ngày 10/11/1975, tại TP Nha Trang, đại diện lãnh đạo tỉnh Phú Yên có ông Nguyễn Duy Luân, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời và ông Trần Văn Thu, Ủy viên thư ký UBND cách mạng lâm thời tỉnh; đại diện lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa có ông Mai Dương - Bí thư Tỉnh ủy và ông Lê Tụng, Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh, họp bàn thống nhất các nội dung quan trọng nhất nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương của Bộ Chính trị về việc hợp nhất hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh. Dự họp còn có ông Nguyễn Xuân Hữu, Ủy viên thường vụ Khu ủy Khu V.

 

Nội dung bàn giao hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh hợp nhất bao gồm: vị trí địa lý, dân cư, tổ chức quản lý nhà nước, nhân lực bộ máy, hiện trạng kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng từ ngày 1/4/1975 đến ngày 30/10/1975.

 

Tỉnh Phú Khánh có diện tích 9.804 Km2, với dân số 1.047.250 người, có 6 huyện đồng bằng: Đồng Xuân, Tuy An, Tuy Hòa, Khánh Ninh, Khánh Xương, Cam Ranh, 4 huyện miền núi: Miền Tây, Sơn Hòa, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và 2 thị xã là Nha Trang và Tuy Hòa, lấy Nha Trang làm tỉnh lỵ của Phú Khánh.

 

Tỉnh mới có nền kinh tế tương đối toàn diện. Tiềm lực và khả năng phát triển kinh tế thuận lợi hơn. Diện tích nông nghiệp toàn tỉnh 130.000ha. Cánh đồng lúa Tuy Hòa chiếm 25.000ha. Ngư nghiệp có sản lượng cá hàng năm từ 8 đến 10 vạn tấn. Lâm nghiệp có trữ lượng gỗ tương đối lớn. Nhiều loại gỗ quý có khoảng 10 triệu m3. Khoáng sản có cát làm thủy tinh… Ngoài ra có nhiều đồng cỏ có thể phát triển chăn nuôi đàn gia súc với quy mô lớn. Nghề làm muối có gần 800ha (đã khai thác 195ha) giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường không khá thuận lợi. Hai cảng biển là Nha Trang, Cam Ranh. Về văn hóa, số người có học chiếm tỉ lệ 1/3 dân số, trong đó có 8 vạn học sinh cấp 2, 4 vạn học sinh cấp 3. Sinh viên và trí thức có 2.650 người. Có một lực lượng cán bộ và công nhân kỹ thuật của chế độ cũ được bố trí sử dụng lại.

 

Đội ngũ cán bộ, đảng viên của một tỉnh hợp nhất đã có quá trình chiến đấu gian khổ hy sinh. Trước đây, tuy ở xa sự chỉ đạo của Trung ương, của Khu ủy Khu V, nhưng toàn Đảng bộ, quân và dân hai tỉnh đã khắc phục và vượt qua mọi khó khăn thử thách, đoàn kết nhất trí, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chung của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến lâu dài và cuối cùng đi đến thắng lợi hoàn toàn, bước vào thời kỳ xây dựng CNXH trên cả nước thống nhất.

 

Với tiềm lực toàn diện ấy là điều kiện thuận lợi để tiến hành công cuộc xây dựng tỉnh Phú Khánh thành một tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ phát triển.

 

Cách mạng khu Trung Trung Bộ ra quyết định bổ nhiệm UBND cách mạng lâm thời (UBNDCMLT) tỉnh Phú Khánh gồm các ông Mai Dương, Chủ tịch UBNDCMLT tỉnh, Trần Suyền, Hồ Ngọc Nhường, Nguyễn Hữu Ái, Lê Tụng, Nguyễn Quyết - Phó chủ tịch UBNDCMLT tỉnh; Lê Duy Tường - Ủy viên thư ký UBNDCMLT tỉnh; Nguyễn Văn Ánh, Lê Văn Đại, Nguyễn Hạnh, Đinh Hòa Khánh, Ama Lực, Bá Nam Trung - Ủy viên UBNDCMLT tỉnh.

 

Ông Trần Đình Thành được bổ nhiệm giữ chức Chánh văn phòng UBNDCMLT tỉnh, ông Nguyễn Kim Khôi được bổ nhiệm giữ chức Phó văn phòng UBNDCMLT tỉnh.

 

Trong lúc chưa họp được ủy ban, Chủ tịch UBNDCMLT tỉnh tạm thời phân công các thành viên trong UBNDCMLT theo dõi, đôn đốc và chuẩn bị việc hợp nhất các ngành chuyên môn quản lý nhà nước. Ông Mai Dương, ngoài chức năng là Chủ tịch UBNDCMLT chịu trách nhiệm chung, còn có nhiệm vụ đôn đốc Ty Thủy sản. Ông Trần Suyền đôn đốc các ty: Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy lợi. Ông Hồ Ngọc Nhường đôn đốc các ty: Lao động, Giáo dục, Vật tư, Thống kê, Kế hoạch. Ông Nguyễn Hữu Ái đôn đốc các ty: Công nghiệp, Xây dựng, Giao thông Vận tải. Ông Nguyễn Quyết đôn đốc các ty: Tài chính, Thương nghiệp, Nhà đất và Ngân hàng. Ông Lê Tụng theo dõi, đôn đốc ty: An ninh, Tỉnh đội, Thanh tra, Toàn án, Viện kiểm sát. Ông Lê Duy Tường đôn đốc Văn phòng Ủy ban và các ty: Y tế, Văn hóa - Thông tin, Thể dục - thể thao, Bưu điện, Thương binh - Xã hội.

 

Công tác chuẩn bị hợp nhất các cơ quan được sự chỉ đạo chặt chẽ và trực tiếp của UBNDCMLT tỉnh Phú Khánh, bắt đầu chính thức làm việc từ tháng 11/1975.

 

Ngay sau hợp nhất tỉnh, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Khánh họp hội nghị lần thứ nhất từ ngày 20/10 đến 3/11/1975 đề ra phương hướng và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới: “Phát huy thắng lợi sự nghiệp giải phóng miền Nam, nắm vững chuyên chính vô sản; phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, động viên một cao trào cách mạng sôi nổi của quần chúng; trấn áp bọn phản cách mạng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Ra sức xây dựng và củng cố hệ thống chuyên chính cách mạng nhất là ở cơ sở, tăng cường đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh và khôi phục kinh tế toàn diện, giữ vững và cải thiện đời sống nhân dân, trước mắt tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công, công nghiệp chế biến và các cơ sở công nghiệp sẵn có, tích cực giải quyết nạn thất nghiệp, quét sạch tàn dư về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nô dịch và phản động, xây dựng văn hóa, xã hội lành mạnh; hoàn thành những việc còn lại của nhiệm vụ cách mạng dân tộc, dân chủ, tạo điều kiện cải tạo và xây dựng cách mạng XHCN; tiến hành 3 cuộc cách mạng, tăng cường xây dựng Đảng đủ sức thực hiện nhiệm vụ mới”. Trong đó, “nhiệm vụ trung tâm là ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, giữ vững và cải thiện đời sống nhân dân”. UBNDCMLT tỉnh Phú Khánh đã cụ thể hóa nghị quyết của Tỉnh ủy thành phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 1976 của tỉnh Phú Khánh.

 

Bước vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Phú Khánh được Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn về thăm và làm việc trong hai ngày 29 và 30/3/1976. Sau khi nghe Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBNDCMLT báo cáo tình hình, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã có những ý kiến chỉ đạo quan trọng để xây dựng và phát triển tỉnh Phú Khánh trong giai đoạn mới.

 

Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm Phú Yên sau ngày thống nhất đất nước

 

Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy Phú Khánh, phiên họp đầu tiên tháng 11/1975, UBNDCMLT tỉnh đã đặt vấn đề phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu. UBNDCMLT tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phong trào làm thủy lợi, thâm canh, tăng vụ, khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích, kết hợp với giãn dân ở thành thị, tăng cường chỉ đạo các vùng trọng điểm lúa. Đến cuối năm 1976, các huyện, thị trên địa bàn bắc Phú Khánh khai hoang được 3.619ha. Đưa diện tích gieo trồng lên hơn 50.000ha, riêng diện tích gieo trồng lúa đạt 46.365ha, thu hút thêm vào sản lượng lương thực quy lúa đạt 139.469 tấn. Thắng lợi trên lĩnh vực sản xuất lương thực đã vượt qua khó khăn về lương thực, không để xảy ra nạn đói, góp phần quan trọng làm cho tình hình kinh tế trong tỉnh ổn định, đời sống nhân dân một số vùng được cải thiện hơn trước.

 

Đối với sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thủ công nghiệp, đến cuối năm 1976 phần lớn các cơ sở cũ được khôi phục đi vào hoạt động, sản xuất được một số mặt hàng như: máy tuốt lúa, máy ép mía, sơ chế bông, ván sàn, gỗ ép… phục vụ cho sản xuất và đời sống, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

 

Hoạt động giao thông vận tải và bưu điện có nhiều chuyển biến: vận chuyển hàng hóa đạt 83% kế hoạch, vận chuyển hành khách tăng gấp đôi năm 1975, làm mới nhiều tuyến đường phục vụ các vùng kinh tế mới, nối liền các huyện miền núi và đồng bằng, tạo điều kiện giao lưu kinh tế giữa các vùng, góp phần cải thiện đời sống đồng bào một số vùng miền núi. Những yêu cầu về thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo của Đảng và chính quyền, yêu cầu về báo chí và thư tín của nhân dân được giải quyết tốt hơn.

 

Là cầu nối giữa sản xuất và đời sống, ngành thương nghiệp đã cố gắng tổ chức nắm nguồn hàng, thu mua, trao đổi hàng hóa phục vụ nhân dân. Năm 1976, thu mua lương thực đạt 83% kế hoạch, tăng 4,5 lần so với năm 1975. Cửa hàng mậu dịch có tăng, mạng lưới hợp tác xã mua bán phát triển tương đối rộng. Thu ngân sách đạt 97,6% kế hoạch, quản lý thu chi ngân sách và công tác ngân hàng có tiến bộ. Ngành vật tư có nhiều cố gắng khai thác, thu hồi các loại vật tư phế thải, tiếp nhận tốt các loại vật tư do Trung ương chi viện, kịp thời phục vụ sản xuất, công tác quản lý vật tư đi dần vào nề nếp.

 

Bên cạnh việc chăm lo khôi phục và phát triển sản xuất, đảm bảo những nhu cầu vật chất tối thiểu cho nhân dân, UBNDCMLT tỉnh cũng rất quan tâm đến công tác giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội nên đã đạt được một số thành tựu. Hệ thống giáo dục phổ thông được mở rộng thêm, hệ mẫu giáo phát triển, công tác xóa nạn mù chữ được nhân dân hưởng ứng. Tính đến cuối năm 1976, tất cả các huyện và một số lớn xã đã có trường bổ túc văn hóa. Trong năm học 1976-1977, trên địa bàn bắc Phú Khánh có 98 trường phổ thông các cấp với 2.147 giáo viên và 94.759 học sinh.

 

Mạng lưới y tế có bước phát triển, năm 1976 trên địa bàn bắc Phú Khánh có 62 cơ sở khám chữa bệnh với 864 giường bệnh, kịp thời dập tắt các bệnh dịch, tổ chức phun thuốc diệt muỗi ở các xã miền núi và các vùng kinh tế mới. Các hoạt động thông tin văn hóa cũng phát triển thêm một bước, tập trung tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng đến với nhân dân, hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao diễn ra sôi nổi nhất là ở thị xã, thị trấn, giải quyết một bước ảnh hưởng văn hóa nô dịch, đồi trụy của chế độ cũ để lại, bước đầu tạo nếp sống mới vui tươi lành mạnh trong nhân dân.

 

An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong tỉnh được giữ vững và ngày càng ổn định. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, các lực lượng an ninh, chính trị, vũ trang liên tục truy quét địch, đối phó có hiệu quả với âm mưu, hoạt động của bọn phản động có vũ trang mới nhen nhóm, bắt một số tên cầm đầu các ổ vũ trang phản cách mạng. Đi đôi với truy quét địch, đã tổ chức giáo dục, cải tạo có kết quả hàng vạn ngụy quân, ngụy quyền; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững.

 

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính quyền tỉnh trong giai đoạn này là phá bắt vượt biên trái phép bằng đường biển. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 1976 ta đã phá bắt 22 vụ gồm 246 người. Thu 217 khẩu súng: (104AR15, 99 Cacbin, 31 côn, 4 súng phà, 2 súng ám sát, 22 M79, 2M72, 3 ga răng, 3 đại liên, 1AK báng xếp, 1K54), 25PRC25, 3PRC9, 3 ống nhòm, 5 bản đồ, 4 địa bàn, 415 lượng vàng, 80kg vàng, 3 ô tô, 3 xe máy, 9 đồng hồ, 1.500 đô la, 401 đồng ngân hàng mới.

 

Trong khí thế sau ngày miền Nam được giải phóng, Tổ quốc được thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân tỉnh Phú Khánh sau hơn một năm phấn đấu, khắc phục khó khăn đã giành được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tự lực giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm, đảm bảo đời sống cho nhân dân.

 

PHAN THANH

(ghi theo lời kể của đồng chí Nguyễn Hữu Ái, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh)

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lực lượng địch phòng thủ Sài Gòn
Thứ Ba, 14/04/2015 08:22 SA
Cuộc hành quân thần tốc
Thứ Năm, 09/04/2015 10:24 SA
Đập tan các phòng tuyến ngoại vi
Thứ Tư, 08/04/2015 08:04 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek