Ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có một lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) nhỏ bằng bàn tay, màu sắc vẫn còn rất sáng. Điều ít ai ngờ rằng, ông Nguyễn Văn Thắm, Bí thư Chi bộ nhà tù Phú Quốc đã tự tay làm nó trong tù và nhiều lần nuốt vào bụng để qua mắt kẻ thù trong những năm 1972-1973.
Ông Nguyễn Văn Thắm hiện ở xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa. Qua những trận đòn tra tấn thừa chết thiếu sống ở nhà tù, ở tuổi 72, ông vẫn rất tráng kiện và minh mẫn. Trong câu chuyện, ông thường chêm chữ “lẹ” như một đặc tính không lẫn vào ai của người vùng quê ông.
Năm 1967, bị bắt khi đang là Bí thư Chi bộ xã Hòa Tân, trong người còn khẩu súng và lựu đạn nên ông bị ghép vào loại tù “cốt cán”, chuyển từ trại giam Pleiku về Biên Hòa, sau đó là Phú Quốc. Phú Quốc là trại giam lớn nhất của Mỹ, ngụy. Sự tàn bạo, dã man cũng hơn hẳn các nhà tù khác. Ông và đồng đội bị chúng tra tấn đủ loại hình tàn khốc nhất. Đánh bằng dùi cui, roi điện, “đi máy bay, tàu ngầm”, đóng đinh vào đầu, chôn sống, nướng trên lửa, bỏ vào thùng phuy đầy nước rồi dùng báng súng gõ vào thùng cho đến khi hộc máu mũi, thủng màng nhĩ. Chưa hết, từ sĩ quan đến binh lính ngụy ngang nhiên ăn chặn thức ăn của tù binh, khiến tù binh khốn khổ, đói và chết dần chết mòn.
Nhưng tra tấn cơ thể không thâm độc bằng tinh thần. Chúng lập ra Trung tâm sinh hoạt thực chất là khu chiêu hồi nhằm vô hiệu hóa người tù về tinh thần. Âm mưu của chúng là hủy hoại tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng của những người tù, làm cho ai sống trở về cũng thành tàn phế, không còn được sự tin cậy của Đảng. Có lần anh em trong tù đấu tranh, chúng xả súng làm 27 người chết, 170 người bị thương. Trước sự đàn áp ấy, một số đảng viên đã dao động, đánh mất phương hướng. Là Đảng ủy viên kiêm Bí thư Chi bộ 5/3 Yên Khánh (đó là mật hiệu ông quy định với chi bộ mỗi khi anh em cần ông chứng nhận vào các thư từ), ông Thắm và Đảng ủy nhà lao xác định phải làm sao thắng cuộc đấu tranh tư tưởng, quần chúng tin vào lý tưởng của Đảng, bảo vệ phẩm chất người cán bộ, đảng viên. Băn khoăn suy nghĩ nhiều đêm, ông bàn với chi bộ may một lá cờ. Sự có mặt của lá cờ sẽ mang lại niềm tin cho tù nhân. Cờ đỏ sao vàng thì ít người biết, ông sẽ may cờ MTDTGPMNVN.
Ngày bé hay đau bụng, được mẹ cho nuốt mật heo, ký ức đó theo ông vào tù để ông tính đến chuyện sẽ nuốt lá cờ vào bụng khi có nguy hiểm (mà tình huống này thường xuyên xảy ra). Ông lấy cơm nén lại thành viên, gói giấy bóng, lấy sợi mùng tuyn tước ra làm chỉ buộc lại và tập nuốt. Nuốt vào rồi lại lấy ra cả tháng trời. Nuốt không khó nhưng kéo ra đau vô cùng. Sợi chỉ trong cổ gây ngứa ngáy khó chịu, nhưng ông ráng chịu đựng vượt qua và tăng kích thước cục cơm to dần cho đến khi bằng ngón chân cái mới thôi.
Việc nuốt cờ đã có thể làm được, nhưng may cờ bằng cách gì. Ông bí mật hỏi thăm, xin bạn tù 2 mảnh vải xanh đỏ. Nhưng khâu phải có kim. Ông lấy sợi thép và mài nhọn. Mỗi khi đi vệ sinh, ông mài sợi thép trên bệ nhà cầu cho đến khi đủ nhọn. Không thể tạo được lỗ kim, nên khi may, ông may từng mũi một. Không tìm được vải để may ngôi sao, ông đành lấy miếng nhựa vàng khâu vào. Tập nuốt và kiếm vải mới lâu chứ may thì chỉ trong một vài ngày, chủ yếu là nhờ đồng đội canh chừng, khi nào an toàn mới dám may. Ngày 18/12/1972, lá cờ được ra mắt chi bộ nhân kỷ niệm 12 năm Ngày thành lập MTDTGPMNVN (20/12). Khỏi phải nói, lá cờ như một điều kỳ diệu nhất, đem lại bao cảm xúc đẹp đẽ cho những ai có mặt. Có người đã khóc. Họ sờ tay lên lá cờ, gương mặt ngời sáng. Từ đó trở đi, lá cờ được sử dụng trong các buổi sinh hoạt chi bộ, các buổi học tập, ngày tết, hoặc ngày lễ lớn. Đặc biệt, lá cờ này được dùng để kết nạp 3 đảng viên mới.
Ông Đặng Đình Thông, một cựu tù Phú Quốc, hiện ở thôn Mỹ Thạnh Trung, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa kể lại: “Tôi còn nhớ anh Thắm đã dùng cờ để kết nạp 3 đảng viên trong nhà tù đó là Hoàng Ngọc Lương, Huỳnh Ngọc Anh và Nguyễn Tranh. Chi bộ chưa tới chục người đứng vòng tròn che chắn. Anh Thắm đứng phía trước cầm lá cờ để trước ngực. 3 đồng chí được kết nạp Đảng đồng loạt giơ tay chào lá cờ và tuyên thệ. Tất cả đều khẽ khàng và vô cùng trang nghiêm. Đây chắc là lễ kết nạp Đảng đặc biệt nhất”. Có lá cờ tinh thần của anh em trong tù phấn khởi dần, niềm tin tăng lên. Địch bắt đầu nghi ngờ, lục soát liên tục. Vì thế, ông cũng nuốt cờ thường xuyên hơn. Chúng đi rồi, ông mới dám lấy cờ ra khỏi cổ và để trong túi áo nâu. Có lần anh em trong tù trốn trại, chúng lùa hết tất cả ra sân và lùng sục từng ngóc ngách, làm ông nuốt cờ suốt 5 tiếng đồng hồ. Nuốt cờ nhiều lần làm ông bị kiết lị, nhưng tự hứa với mình dù cực khổ, gian nguy đến mấy cũng không để mất cờ.
Ngày 24/3/1973, trước khi được trao trả cùng với hàng trăm tù nhân khác, ông Thắm nuốt cờ vào bụng. Địch đưa đến sông Thạch Hãn (Quảng Trị), ông mới dám lấy cờ ra. Cái cảm giác được thấy lá cờ trên vùng đất giải phóng làm ông rưng rưng. Khi nghe người phụ trách mời phát biểu trên loa, ông đã đứng lên nói về chế độ hà khắc, dã man của nhà tù Mỹ, ngụy; về niềm tin của cán bộ đảng viên với Đảng. Ông cũng kể về lá cờ đã góp phần mang lại niềm tin ấy. Nhiều anh em đã đến gặp để được nhìn lá cờ mà lâu nay họ chỉ mới nghe nói. Ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) khi cán bộ Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự) tìm đến xin lá cờ, ông đã vui vẻ trao và còn giữ tờ giấy biên nhận đến bây giờ. Từ đó đến nay hơn 40 năm, ông ao ước được nhìn lại lá cờ một lần nữa nhưng chưa có điều kiện để đi.
Sau ngày giải phóng, ông về lại Phú Yên giữ nhiều cương vị công tác và về hưu khi là Phó chủ tịch UBMTTQVN huyện Tuy Hòa. Ông tham gia nhiều hoạt động địa phương, là Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước của xã. Noi gương cha mẹ, 3 người con của ông đều trưởng thành, có nhiều đóng góp cho quê hương. Một số cơ quan của tỉnh Phú Yên và xã Hòa Tân Tây nghe chuyện lá cờ đã mời ông nói chuyện truyền thống. Không có lá cờ trong tay, nhưng câu chuyện của ông đã làm xúc động bao lớp thanh niên về một thế hệ cha anh đã sắt son với cách mạng.
HỒNG VÂN