Lâu nay người ta vẫn quen nhìn Chế Lan Viên dưới góc độ chính luận, triết học mà bỏ qua hoặc ít nói đến những tiếng nói thầm đáng yêu của ông. Trong toàn bộ sáng tác của mình, Chế Lan Viên đã dành cho hoa một tiếng nói riêng. Nhà thơ nói đến những loài hoa quen thuộc chung quanh mình với một tình yêu nồng thắm sâu sắc. Ở mỗi loài hoa, nhà thơ thổi vào đấy những cung bậc tình cảm khác nhau.
![]() |
Hoa súng – Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
|
Sáng nay ra đường gặp ai? Gặp đoá súng hồng
Hồng như chưa có môi nào hồng được vậy
Có gì đó ở đoá súng hồng để nhà thơ đi qua rồi còn quay lại hỏi:
Hỏi “Hoa súng hồng, hoa súng hồng, mày có phải hoa không?”
(Hoa súng hồng)
Chút thẫn thờ đáng yêu ấy là hương vị riêng của bài thơ. Không hiểu sao, mỗi lần nhắc đến hoa súng, Chế Lan Viên thường bộc lộ những tâm sự riêng:
Mỗi lần đau, anh lại đến Tây Hồ
Chữa lành anh là hoa súng tím
(Hoa súng tím)
Người ta chỉ biết màu sen anh đỏ rực
Còn nỗi buồn hoa súng tím biết cho đâu!
(Hoa súng- Di cảo)
Phải chăng ẩn bên trong những câu thơ như thế là một tâm trạng? Tuổi sáu tư, tôi mới biết màu hoa dân dã/Biết hoa rồi, tôi đã sáu mươi tư... (Hoa súng An Giang). Không phải đến tuổi ngoài sáu mươi, nhà thơ mới tìm đến và yêu hoa súng, chẳng qua đó chỉ là một cách nói. Bài thơ như những dòng tự sự.
Năm 1988, nằm bệnh, Chế Lan Viên viết bài thơ Hoa sữa, nói đến sự cô đơn lạnh lẽo. Trăng sáng với mùi hương ngạt ngào, nhà thơ bỗng rùng mình nhớ đến sự hạn hữu của đời người:
Nằm một mình anh sợ
Hương và trăng đến soi
Nhưng cũng ở những phút giây ấy, Chế Lan Viên nhớ về một loài hoa của thời đánh giặc: Hoa chạc chìu, và một nhành mai trên chốt trong thời chống Mỹ. Chốt chỉ có 3 người. Mùa xuân lại đến. Để thưởng xuân những người lính phải:
Chặt nó về phải vượt qua bãi bom dày đặc
Và cõng khiêng hết một ngày trời
(Cành mai ở chốt)
Cành mai đem lại cảm giác ấm áp cho những người đang chiến đấu. Mùa xuân lớn lao của đất nước bắt nguồn từ những mùa xuân nho nhỏ như của 3 người lính trên chốt.
Ngàn hoa lau trắng nơi biên giới cũng đã đi vào thơ Chế Lan Viên:
Suốt một đời cùng với gió giao tranh...
Ai đi biên giới cho lòng ta theo với
Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình...
(Lau biên giơi)
Có thể nói, trong chùm thơ về hoa, Chế Lan Viên đưa người đọc đến những miền cảm xúc mới lạ. Văn chương ít ai nhắc đến hoa táo, loài hoa không thơm, vị hắc. Vậy mà nhà thơ đợi mùa hoa suốt tuần, đợi đến lúc: Quả non dần đậu thay hoa trắng/Đợi lúc em về trĩu trước sân (Hoa táo). Những mùa xuân phương
Người ta vẫn thường gắn hoa với đời sống, nhưng cái độc đáo của Chế Lan Viên là đã lấy sắc màu của hoa để so sánh với các cung bậc khác nhau của tình cảm:
Hạnh phúc màu hoa huệ
Nhớ nhung màu hoa lau
Biệt ly màu rách xẻ
Lãng quên đâu có màu...
(Màu)
Chế Lan Viên từng nói: “Thơ tình, thơ về hoa, về cuộc đời bình thường rất cần thiết. Cần núi cao của chủ nghĩa anh hùng, nhưng cũng cần các đồng bằng của đời sống hàng ngày”.
Có thể nói, với những bài thơ về hoa, Chế Lan Viên đã gởi vào văn học một tiếng nói mới. Tiếng nói ấy vừa thực vừa mơ, lẫn giữa mộng và đời, thật là thú vị. Sắc hương của mỗi loài hoa được nhà thơ tạo dựng bằng một cách nhìn riêng, đầy cá tính, đầy cảm xúc.
HẠT CÁT