Thứ Năm, 10/10/2024 09:27 SA
Đàn ghi ta, người bạn tri kỷ của người lính đảo
Thứ Bảy, 16/02/2013 00:00 SA

Chúng tôi quây quần bên nhau từ lúc chập choạng tối. Anh lính đảo ôm cây ghi ta như ôm người yêu bé nhỏ gẩy khúc nhạc tình. Chúng tôi cất lên đoạn hát: Cho dẫu mai đây xa ánh đèn thành phố, anh đến buông neo nơi thăm thẳm ánh sao trời, anh vẫn thấy đời không lẻ loi, biển một bên và em một bên (Chút thơ tình người lính biển, thơ của Trần Đăng Khoa, nhạc Hoàng Hiệp). Có lẽ, cánh phóng viên sẽ không bao giờ quên những bữa tiệc âm nhạc đầy xúc động với chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên huyện đảo Trường Sa.

 

Dan-ghi-ta130207.jpg

Các chiến sĩ trên đảo Đá Tây vui với cây đàn ghi ta - Ảnh: T.DIỆU

Đoàn phóng viên trên chuyến tàu HQ571 thuộc Vùng 4 Hải quân (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) hầu hết đều lần đầu đặt chân lên huyện đảo Trường Sa. Những hiểu biết về người lính đảo cũng chỉ là thông qua thông tin từ đồng nghiệp trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Dĩ nhiên, chúng tôi biết đàn ghi ta là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người lính đảo.

 

Nhưng có đến với các anh mới thấy hết được đời người lính xem đàn ghi ta là tri kỷ. Có lúc tiếng đàn là bạn, lúc khác là người yêu là người tình. Các anh dành sự trân trọng, quý giá cho loại nhạc cụ này. Trong phòng ngủ được sắp đặt gọn gàng và ngăn nắp, đàn ghi ta luôn được lau chùi sáng bóng và được treo ở vị trí trang trọng nhất mà ai cũng dễ dàng nhìn ra sự trân trọng của người lính dành cho cây đàn của mình.

 

Khi chúng tôi sum vầy cùng các anh trải nghiệm giây phút xúc động của bữa tiệc âm nhạc mới thấy hết cái quý giá được tinh chắc từ trong sinh hoạt âm nhạc của người lính hải đảo.

 

Người chiến sĩ trẻ cầm ghi ta gảy đàn. Trong ánh mờ tỏ của đèn điện, chúng tôi nhìn nhau say sưa ca hát. Anh vừa đàn vừa hát theo liên khúc đầy ngẫu hứng của nhịp ghi ta rộn rã: Năm anh em mỗi đứa một quê, đã lên xe ấy là cùng một hướng, nổ máy lên ta một dạ xung phong, trước quân thù là chỉ biết có chiến công (Sáng tác Dzoãn Nho và Hữu Thịnh); Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn, hai đứa ở hai đầu xa thẳm, đường ra trận mùa này đẹp lắm, Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây! (thơ Phạm Tiến Duật, nhạc: Hoàng Hiệp)… cứ như thế không khí lúc lên bổng, xuống trầm theo từng câu hát. Mỗi người khà một hớp rượu chung ý vị càng gia tăng.

 

Người chiến sĩ đó là Nguyễn Văn Hưng, tay chơi ghi ta trữ tình trẻ thuộc huyện đảo Trường Sa. Anh bày tỏ: “Tập tò với âm nhạc từ lúc còn học phổ thông nhưng chưa bao giờ dám chơi nhạc trước đám đông, thời ấy còn nhát lắm! Nhưng vào môi trường quân đội lại là lính đảo, tiếng đàn của tôi mới được dịp phát huy. Tôi mạnh dạn lên hẳn. Nơi đảo xa, vẫn biết người lính phải giữ chắc tay súng bảo vệ biển đảo thiêng liêng nhưng nỗi buồn xa nhà là không tránh khỏi. Lúc ấy, âm nhạc là liều thuốc kích thích làm xoa dịu nỗi nhớ đất liền. Đa số chiến sĩ Trường Sa đều yêu thích tiếng đàn ghi ta. Khi tiếng ghi ta cất lên thì không còn phân biệt thứ bậc mà tất cả đều là bạn, là anh em, là gia đình”.

 

Âm nhạc là một trong những môn nghệ thuật trong đời sống tinh thần của con người. Âm nhạc càng phát huy hơn nữa vai trò của nó trong môi trường làm người ta dễ xúc động. Cuộc sống của lính đảo đã dạy cho con người ta trở thành nghệ sĩ. Đoàn phóng viên Báo Phú Yên may mắn được gặp một chiến sĩ trẻ như thế. Anh là Trịnh Cảnh, một người con của xã An Ninh Đông (Tuy An) đang tại ngũ tại đảo Trường Sa Đông đã tâm sự: “Ở đây, sinh hoạt văn nghệ đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người lính đảo. Tôi được nghe các anh đàn ghi ta, thổi sáo, thổi kèn acmonica hát cho nhau nghe những bản nhạc về người lính, tình yêu, tình mẹ và kể cả những bản nhạc triết lý về tình người và thân phận, tự nhiên thấm dần, máu văn nghệ bắt đầu chảy trong tôi. Và như thế tôi yêu lời ca, tiếng nhạc. Hằng ngày, sau khi hết giờ thực hiện nghĩa vụ quân sự, tiếng đàn ghi ta đã trở thành người bạn đồng điệu cảm trong tôi”.

 

Chẳng vì như thế mà khi đoàn phóng viên chúng tôi đi qua hầu khắp các đảo, đêm đêm đều nghe tiếng đàn rộn rã nơi đảo xa.

 

Thiếu tá Nguyễn Quang Hường, Chính trị viên phó đảo Trường Sa Đông cho biết: “Nhiệm vụ văn hóa chính trị tinh thần được xem là quan trọng hàng đầu trong công tác tư tưởng, nó giúp gia tăng niềm tin của chiến sĩ hải đảo trong nhiệm vụ canh giữ, chiến đấu và bảo vệ biển đảo thiêng liêng, vì thế sinh hoạt văn nghệ là hoạt động không thể thiếu trong công tác ấy. Trong cuộc đấu tranh giữ gìn độc lập dân tộc đã có biết bao gương chiến sĩ hy sinh được ghi lại bằng lời ca tiếng nhạc và như thế có thể xem âm nhạc như cuốn nhật ký của người lính. Đối với lính đảo chúng tôi, đàn ghi ta là tri kỷ”.

 

Khi tiếng sóng đã vỗ mạnh vào mạn tàu, cánh phóng viên chúng tôi mới vỡ lẽ là đến lúc phải rời xa các anh. Tạm mượn một đoạn trong bài hát Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để nói lên tình cảm giữa chúng tôi:

 

Rừng núi dang tay nối lại biển xa, ta đi từ vòng tay lớn mãi để nối sơn hà. Mặt đất bao la anh em ta về, gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng, bàn tay ta nắm nối liền một vòng Việt Nam.

 

TUYẾT DIỆU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek