Bản sử thi Xing Nhã được độc giả biết đến đầu tiên là bản trong tập Trường ca Tây Nguyên được NXB Văn học - Hà Nội xuất bản năm 1963, do Ngọc Anh, Y Điêng, K’so Biêu dịch, dài 55 trang. Đây là một bộ sử thi Tây Nguyên lớn, được đặt ngang cùng sử thi Đam San. Tuy nhiên qua nghiên cứu, sưu tầm cho thấy, Xing Nhã còn có nhiều dị bản lưu truyền trong nhân dân hai huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa.
Nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng đưa văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đến với học sinh miền núi - Ảnh: M.NGUYỆT
BA TÁC PHẨM ĐỀU LÀ XING NHÃ
Ba tác phẩm đã công bố là: Xing Nhã trong sách Trường ca Tây Nguyên (tạm gọi là Xing Nhã 1), Chi Lo Kôk, do Ka Sô Liễng dịch và biên soạn, NXB Văn hóa dân tộc xuất bản năm 1985 (Xing Nhã 2), Tiếng cồng ông bà Hbia Lơ Đá, do Ka Sô Liễng dịch và biên soạn, xuất bản năm 2000 (Xing Nhã 3).
Ba tác phẩm trên có tên khác nhau nhưng qua nghiên cứu cho thấy, đây là những dị bản của một sử thi mà nhân vật anh hùng trung tâm là Xing Nhã.
Về hệ thống nhân vật, cả ba tác phẩm nêu trên đều cơ bản giống nhau. Phe tốt có: Giarơ Kôt hoặc Chi Lơ Kôk (chỉ là sự biến âm), Hbia Lơ Đá và nhân vật trung tâm là Xing Nhã hoặc Xig Chi Nga (cũng chỉ là hình thức biến âm). Phe xấu có: Chi Lơ Bú hoặc Giarơ Bú, Hbia Guê hoặc HbiaLơ Gôi và một số nhân vật khác.
Về cốt truyện, cả ba tác phẩm đều thống nhất, đặc biệt là Xing Nhã 1 và Xing Nhã 2 có cả những đoạn văn giống nhau. Xing Nhã 3 khác hai tác phẩm trước ở phần đầu nói về đoạn Chi Lơ Kôk đi săn gặp Hbia Lơ Đá, đây là một sự bổ sung quan trọng. Xing Nhã 1 do biên soạn trong thời kỳ đất nước chưa thống nhất nên thiếu nhiều đoạn đã được bổ sung ở Xing Nhã 2, Xing Nhã 3.
Sau khi so sánh về hệ thống nhân vật và cốt truyện, có thể khẳng định ba tác phẩm đã được công bố nói trên đều là những dị bản của cùng một sử thi mang tên Xing Nhã. Chính tác giả Ka Sô Liễng, người dịch và biên soạn Xing Nhã 2, Xinh Nhã 3 cũng đồng ý rằng: Chi Lơ Kôk có thể lấy tên là Xing Knga - một cách biến âm của Xing Nhã, Tiếng cồng ông bà Hbia Lơ Đá cũng là Xing Knga mà kể khác đi. Theo nguyên tắc đặt tên của sử thi, tác phẩm được đặt theo tên nhân vật chính, như sử thi Xing Nhã hay Xing Knga, sử thi Đam San, sử thi Đăm Di... Điều này càng có cơ sở để khẳng định ba sử thi nói trên đều là Xing Nhã dị bản.
NHIỀU DỊ BẢN CÒN LƯU TRUYỀN TRONG DÂN
Theo báo cáo khảo sát của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, còn hàng chục dị bản Xing Nhã đang lưu truyền trong nhân dân hai huyện Sông Hinh và Sơn Hòa. Trong đó, huyện Sông Hinh có 10 bản, Sơn Hòa có 3 bản.
Còn nhiều điều phải xác minh về số lượng và chất lượng các dị bản này mới có thể đưa ra kết luận chính xác. Tuy nhiên, với những tư liệu nghiên cứu, sưu tầm hiện có, có thể nhận định vẫn còn nhiều dị bản Xing Nhã đang lưu truyền trong nhân dân. Nói cách khác, Phú Yên là trung tâm lưu truyền và bảo toàn sử thi Xing Nhã.
Tại sao Phú Yên là một tỉnh đồng bằng nhưng lại có được may mắn này? Đây là một câu hỏi lớn, chưa có những kiến giải chính xác. Có thể nhìn nhận qua các yếu tố: Về địa lý, Phú Yên nằm giữa lưu vực sông Đà Rằng, con sông này tiếp nối Krông Pa (sông Ba) chảy qua lưu vực trung tâm của người Êđê, Jrai ở Ayunpa. Sử thi cũng như văn hóa Êđê, Jrai được lan truyền theo dọc sông đến hạ lưu mà trung tâm là huyện Sông Hinh và Sơn Hòa. Về dân tộc, Phú Yên là nơi tập hợp, trên một địa bàn không rộng lắm, khá nhiều tộc người: Êđê, Chăm H’roi, Bana. Các dân tộc này ở xen kẽ, gần gũi với nhau nên ngôn ngữ, văn hóa có sự giao thoa. Trong điều kiện như vậy, sử thi Xing Nhã lan tỏa ra nhiều dân tộc anh em với nhiều dị bản là điều rất có thể.
Phú Yên là địa bàn đang lưu giữ bộ sử thi lớn như Xing Nhã với nhiều dị bản nên ngành Văn hóa cần có kế hoạch sưu tầm, tập hợp một cách đầy đủ nhất các dị bản còn lưu truyền trong nhân dân, sau đó đối chiếu với các bản đã được công bố, vận dụng lý thuyết “hệ thống - cấu trúc của sử thi” để lập lại cấu trúc sử thi Xing Nhã đảm bảo nội dung đầy đủ, hoàn chỉnh hơn các bản đã có.
GS-TSKH PHAN ĐĂNG NHẬT