Vào trường xiếc từ năm 14 tuổi, trải qua 8 năm đào tạo ở Việt Nam và Liên Xô (cũ), gặt hái rất nhiều thành công nhưng cũng có lần rơi từ độ cao 5m xuống sân khấu trong khi đang biểu diễn, từng bị con gấu do chính mình huấn luyện tấn công…, Nghệ sĩ ưu tú Lê Hồng Lộc có nhiều kỷ niệm, nhiều câu chuyện để kể sau hơn 40 năm gắn bó với nghề xiếc.
Nghệ sĩ ưu tú Lê Hồng Lộc cùng hai chú chó sói Đen và Nâu được đưa về từ Nga - Ảnh: N.PHƯƠNG
Trong chuyến biểu diễn dài ngày ở miền Trung, Đoàn xiếc thú LHL do Nghệ sĩ ưu tú Lê Hồng Lộc làm trưởng đoàn đã có 3 đêm diễn tại Nhà văn hóa Diên Hồng (TP Tuy Hòa), thu hút rất đông khán giả nhỏ tuổi. Ngoài những “diễn viên” quen thuộc như chó, khỉ, trăn…, trên sân khấu của LHL còn có một con cá sấu to đùng, hai con gấu ngựa và hai chú sói tuyệt đẹp.
BÍ QUYẾT CỦA NGHỀ
* Người ta nói để có một tiết mục ca nhạc phải luyện tập hàng tuần, để có một tiết mục múa hoặc một vở kịch phải luyện tập hàng tháng, còn để có một tiết mục xiếc phải luyện tập cả năm. Vì sao anh lại chọn xiếc?
- Vì yêu thích. Năm 1972, sau khi xem bộ phim Vòm trời xiếc, tôi mê nghề xiếc. Sau đó, Trường Xiếc Việt Nam đến TP Vinh quê tôi tuyển sinh. Mấy nghìn người đăng ký, tôi là một trong sáu người được chọn. Tôi học từ năm 1972 đến 1977 thì tốt nghiệp, sau đó đi tu nghiệp 3 năm ở Liên Xô.
Tôi biểu diễn xiếc người đến năm 1990 thì bị thoái hóa năm đốt sống cổ. Bác sĩ khuyên không làm xiếc nữa, thế là tôi chuyển sang dạy thú. Công việc này rất vất vả nhưng cơ thể không chịu áp lực về sức nặng như xiếc người. Tiết mục đầu tiên mà tôi tập luyện là xiếc gấu, biểu diễn cho đến năm 2001, tôi bắt đầu dàn dựng chương trình cho các đoàn và đào tạo lớp trẻ. Nhà nước có chủ trương xã hội hóa các đoàn nghệ thuật, năm 2004, tôi phối hợp với Liên chi hội Xiếc Việt Nam thành lập Đoàn xiếc thú LHL phục vụ khán giả trong cả nước. Đi đến đâu đoàn cũng được đông đảo khán giả yên mến, đến xem chương trình rất đông. Tháng 11 chúng tôi lên Tây Nguyên, vào miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi diễn 3 tháng ở các quận. Đến mùa hè thì ra miền Trung. Một tua diễn là như thế. Hàng năm, sau khi đi diễn về, chúng tôi lại tập huấn để nâng cao và đổi mới chương trình.
* Để có một tiết mục xiếc thú, anh phải mất bao nhiêu thời gian?
- Tùy vào từng loại thú. Có loại mình huấn luyện rất nhanh, ví dụ như chó. Đó là con vật huấn luyện nhanh nhất nhưng chúng chỉ làm những động tác đơn giản, ví dụ học bài, nhảy, phức tạp hơn là đi bằng hai chân sau. Chúng tập rất nhanh và có sự cố gắng rất lớn, nhất là khi mình biết động viên chúng đúng lúc. Sau khi chúng làm xong một động tác, mình thưởng một miếng bánh hoặc một miếng thịt, khen ngợi thì chúng rất hào hứng.
Khỉ thông minh, tư duy rất tốt nên mình phải dạy chúng làm những động tác phức tạp của con người như đi xe đạp. Vì vậy dạy khỉ rất lâu. Quan trọng là người đạo diễn có kịch bản huấn luyện chúng làm những động tác cho khán giả thích.
* Vậy còn những con thú dữ như gấu, cá sấu… thì sao?
- Gấu là một trong những loài thông minh, tư duy rất tốt nhưng cũng phải mất nhiều thời gian để tập. Thời gian đầu, gấu cào tay mình bật máu ra. Sau một thời gian được huấn luyện, nó trở nên ngoan ngoãn, có thể đi xe đạp, đi bằng hai tay… Năm 2008, tôi huấn luyện gấu theo đơn đặt hàng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam để tham gia Liên hoan Xiếc quốc tế tại Vũ Hán và đã đoạt giải.
Huấn luyện cá sấu thì phải có bí quyết. Người Thái đã khai thác, đưa cá sấu vào phục vụ du lịch. Ở Việt Nam, tôi là người đầu tiên huấn luyện cá sấu. Thực ra, lên sân khấu, cá sấu không phải làm gì cả. Nhưng người huấn luyện thì phải có kinh nghiệm, nắm vững bí quyết và có lòng dũng cảm.
Ngoài ra, chúng tôi còn đưa dê, mèo, chim… vào cho phong phú chương trình.
Một tiết mục của Đoàn xiếc thú LHL - Ảnh: N.PHƯƠNG
MƠ ƯỚC DẠY HỔ LÀM XIẾC
* Bên cạnh những “diễn viên” đã quen thuộc với khán giả nhỏ tuổi, anh có nghĩ đến việc luyện tập những “diễn viên” hoang dã thú vị khác, như hổ chẳng hạn?
- Dạy hổ làm xiếc là ước mơ của tôi nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện được vì xin giấy phép để nuôi hổ rất khó, việc nuôi hổ cũng rất khó khăn. Đến đoàn xiếc của nhà nước bây giờ cũng không còn xiếc hổ. Thời bao cấp có xiếc hổ, đến khi xóa bỏ bao cấp thì không đủ kinh phí để duy trì tiết mục này. Có thể có kinh phí để mua hổ nhưng nuôi nó thì rất tốn kém nên chưa thực hiện được.
* Tôi từng đọc câu chuyện về một nghệ sĩ xiếc bị hổ vồ chết, chỉ vì anh ấy thay đổi loại nước hoa và với mùi nước hoa lạ đó, con thú dữ không nhận ra người huấn luyện mình. Nói vậy để thấy rằng dạy thú là một công việc thú vị nhưng cũng rất nguy hiểm. Anh làm thế nào để ngăn ngừa rủi ro?
- Tai nạn đã xảy ra với nhiều người dạy hổ ở nhiều nước. Tại Việt Nam, ngày trước, cũng có một người dạy hổ bị tai nạn, may mà không thiệt mạng. Bên cạnh hổ, gấu cũng là con thú nguy hiểm. Hơn 20 năm dạy thú, tôi nghiệm ra rằng phải làm thế nào để con thú thân thiện với mình thì mình sẽ an toàn. Người ta nói hỗn như gấu, cục cằn như gấu nhưng đôi lúc, tôi thấy rất cảm động khi nó thể hiện tình cảm với mình. Ngày trước, con gấu mà chúng tôi nhốt trong chuồng, cứ đến giờ là nó mong đợi mình đến, nó lắc lắc cái cửa. Mỗi khi tôi đến thì vào chuồng gấu cho nó một miếng bánh hoặc một quả chuối, thành thói quen nên ngày nào nó cũng mong. Và nó thân thiện với mình. Cho nên phương pháp an toàn nhất đối với thú dữ là tạo nên sự thân thiện, giữa thú với người có tình cảm nhất định, có sự gắn bó thì sẽ không có chuyện gì xảy ra.
Có một bài học mà tôi nhớ mãi. Một hôm, chúng tôi buộc con gấu ở ngoài và nó đang thiêm thiếp ngủ. Lúc đó tôi mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm nhiều, hơn nữa thấy nó thân thiện với mình nên chủ quan. Thế là tôi đi thẳng đến, vỗ nhẹ vào vai nó. Con gấu giật mình, quay lại tấn công luôn. May mà tôi tránh được. Khi nghe tiếng quát của tôi, nó nhận ra chủ nên dừng lại. Sau này, khi đào tạo tôi luôn nhắc: Đừng bao giờ đến gần con thú một cách đột ngột và làm nó giật mình. Hãy gọi tên để nó nhận ra mình đã.
* Xin cảm ơn anh!
NAM PHƯƠNG (thực hiện)