Hiện nay, mặc dù không quá khó để nhìn thấy chiếc nón lá, nhưng hình ảnh giản dị gắn với vẻ đẹp của phụ nữ Việt một thời đang nhạt nhòa trong tâm trí nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ.
Ảnh: T.DIỆU
Làng quê là nơi dễ dàng bắt gặp hình ảnh chiếc nón lá. Xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) là cái nôi của nghề chằm nón ở Phú Yên. Bà Mai Thị Chủng, một người có kinh nghiệm chằm nón ở thôn Mỹ Thuận nói rằng chỉ có phụ nữ và người già còn gắn bó với nghề. Thanh niên, nếu không chọn đi học thì đi làm xa. Ông Võ Bá Đạt, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Đồng, cho biết: “Vài năm trở lại đây, số người đan nón ở xã Hòa Đồng đã giảm đi rất nhanh, họ đã chuyển sang làm nghề khác vì thu nhập cao hơn”.
Qua bao thời gian, chiếc nón lá bầu bạn thủy chung với người nông dân một nắng hai sương trên những cánh đồng. Nhưng không chỉ che nắng, chiếc nón lá còn góp phần tạo nên vẻ đẹp của phụ nữ Việt. Hình ảnh thiếu nữ thướt tha trong chiếc áo dài, nghiêng nghiêng vành nón trắng đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, dịu dàng kín đáo, duyên dáng và quyến rũ. Hình ảnh đó đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác, đã đi vào văn học, hội họa, điêu khắc…
Theo thạc sĩ văn hóa học Nguyễn Hoài Sơn, Tổng biên tập tạp chí Trí thức Phú Yên, trong các chương trình văn nghệ ở trường học, khán giả vẫn thường bắt gặp hình ảnh chiếc nón lá. Khi dàn dựng những tiết mục múa, các biên đạo không chuyên vẫn sử dụng chiếc nón lá làm đạo cụ rất sinh động. Trong các lễ hội truyền thống vẫn luôn xuất hiện hình ảnh chiếc nón lá. Nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam đã đội nón lá hay mua nón để làm quà lưu niệm. Chiếc nón tuy giản dị song cũng góp phần tạo nên bản sắc Việt.
Cùng với sự thay đổi của cuộc sống, hình ảnh chiếc nón lá dần nhạt nhòa. Chị Cao Thị Thu Hiệp, quê ở huyện Đông Hòa, chia sẻ: Tôi đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Tôi thấy nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn ở thành phố đang dần quên mất chiếc nón lá. Những chiếc mũ có màu sắc sặc sỡ, nhiều kiểu dáng đã làm các bạn trẻ dần quên đi hình ảnh chiếc nón lá - một nét đẹp gắn với chiếc áo dài, áo bà ba.
Theo ông Nguyễn Hoài Sơn, các địa phương nên có chính sách ưu đãi làng nghề chằm nón, giúp các làng nghề này tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng thị hiếu của nhiều đối tượng sử dụng. Ngành Văn hóa nên tổ chức liên hoan với chủ đề “Vẻ đẹp nón lá Việt”. Ở đó sẽ trưng bày sản phẩm nón các vùng miền trong cả nước, trưng bày các tác phẩm văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật, điêu khắc về vẻ đẹp nón lá Việt, biểu diễn nghệ thuật xoay quanh chủ đề này... như một cách để gìn giữ hình ảnh của chiếc nón lá mang đậm bản sắc Việt.
TUYẾT DIỆU