Phan Thị Vàng Anh là một cây bút đa năng, sáng tác nhiều thể loại: truyện ngắn, tạp văn, phim truyện, thơ… Tuy nhiên, truyện ngắn mới là sở trường của chị, làm nên tên tuổi chị trên văn đàn với những truyện xuất sắc được giải thưởng như Khi người ta trẻ.
Nhà văn Phan Thị Vàng Anh
Truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh phần lớn được tập hợp in trong cuốn Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh gồm 45 truyện, xuất bản năm 2011. Chủ đề truyện ngắn của chị khá đa dạng, với những câu chuyện đời thường của những con người bình thường, nhiều khi không có cốt truyện. Song trội hơn vẫn là chủ đề về tình yêu thông qua các nhân vật nữ. Hình tượng người phụ nữ gây ấn tượng hơn cả trong truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh là Xuyên trong Khi người ta trẻ và Hạc trong Hoa muộn.
Xây dựng hình tượng người phụ nữ, Phan Thị Vàng Anh không đi vào lối quen của văn học truyền thống. Tác giả không chọn những nhân vật đặc biệt, không đặt nhân vật trong “hoàn cảnh điển hình”, trong mô-tuýp quen thuộc… mà thể hiện nhân vật một cách tự nhiên trước cuộc đời, trước đất trời.
Xuyên trong Khi người ta trẻ đã tìm đến cái chết để kết thúc cuộc đời mình cũng như kết thúc tình yêu đầu đời với người con trai mà cô cho là “amateur”, để lại nỗi đau cho người thân, bạn bè và giải thoát cho bản thân. Đó là một cô gái “đầy mâu thuẫn, ngông nghênh mà lại sợ dư luận; ăn nói ác độc, kiêu căng mà lại rất tự ti, chơi rất nhiều mà học cũng rất nhiều”. Xuyên được miêu tả với tính tình trái ngược nhau, một con người đầy những mâu thuẫn. Nếu như trong văn học truyền thống, hình ảnh phụ nữ thường là “liễu yếu đào tơ”, dịu dàng, chất phác, hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ mẫu mực thì hình ảnh người phụ nữ trong văn học hiện đại được khai thác hầu hết các khía cạnh của đời sống con người, đặc biệt là sự khao khát tình yêu cháy bỏng. Xuyên - một cô gái “ngông nghênh”, khao khát yêu và được yêu. Cô yêu Vỹ - một “công tử Bạc Liêu”. Biết Vỹ đã có người yêu, “đã có một già nhân ngãi, non vợ chồng dưới Long Xuyên” nhưng trong trái tim cô vẫn cháy bỏng tình yêu với Vỹ, mặc dù Vỹ đã đem lại đau khổ cho cô. Bằng ngòi bút sắc sảo, nhà văn đã mô tả tình yêu giữa một người con gái mới lớn với một “công tử” đã dày dạn, chai sạn trong tình yêu. Cô yêu Vỹ chân thật, trong sáng và mãnh liệt nhưng cuối cùng nhận về mình những thiệt thòi và bất hạnh, phải đánh đổi cả cuộc đời. Đó là bi kịch của một cô gái mới bước vào đời đã gặp phải giông tố trong tình cảm. Cô đã tìm đến một cái chết âm thầm, lặng lẽ, để lại nỗi đau cho gia đình và bạn bè, còn người cô yêu thì vẫn sống. Cô nghĩ rằng “khi chết, mọi người sẽ khóc, Vỹ sẽ hoảng loạn, hối hận, ôm lấy quan tài như xuống mồ theo…” nhưng ngược lại chỉ có người thân của cô là đau khổ và thiệt thòi vẫn thuộc về cô.
Phụ nữ luôn yếu đuối. Những khi bế tắc, ngoài người thân trong gia đình, họ cần sự chia sẻ của người mình yêu thương để vượt qua bế tắc. Xuyên không có được điều đó. Điều này làm cho độc giả thương cảm cô - một con người ở bên ngoài có vẻ mạnh mẽ nhưng sâu thẳm bên trong lại rất yếu đuối.
Trong thế giới tình yêu muôn màu sắc, người ta yêu chân thành song đôi lúc, người ta có thể bị đùa những trò đùa mang tên tình yêu. Và trong trò chơi nguy hiểm đó, cũng có những lúc trái tim loạn nhịp. Tình yêu là một cái gì đó mà chính người trong cuộc cũng không thể lý giải được.
Xây dựng hình tượng nhân vật Xuyên, Phan Thị Vàng Anh muốn chia sẻ với độc giả, đặc biệt là độc giả nữ, rằng: Trong tình yêu, thật - giả có khi song hành với nhau…
TRẦN THỊ THÚY